Công bằng hay bình đẳng?

Những khi ấy, tôi thường thầm nghĩ đó là một câu làm quen ngộ nghĩnh, để cho tôi vui. Vì toán phổ thông thì dễ hiển nhiên rồi, có gì mà phải sợ.

Nhưng một ngày, con trai tôi hỏi: “Mẹ ơi, -5 nhân -3 = 15, sao hai số bé hơn 0 nhân với nhau lại ra số lớn hơn 0?”, tôi mới vỡ lẽ toán phổ thông không hề dễ học, dễ dạy. Và rồi khi có dịp tìm hiểu sâu hơn về sách giáo khoa phổ thông của nước ta và các nước khác, tôi mới nhận ra việc học và hiểu toán phổ thông ở ta không hề dễ dàng hay hiển nhiên với số đông học sinh.

Trong kỳ thi toán quốc tế (IMO) mà tôi tham gia, một số trưởng đoàn đề xuất nên có đề thi riêng cho nữ, vì nữ học toán chưa bằng nam, trong 300 thí sinh cả thế giới chỉ có khoảng 10 bạn nữ. Nhiều trưởng đoàn phản đối vì cho rằng như thế là coi thường nữ. Khi nghe kể lại, tôi cũng phản đối. Tôi nghĩ con gái chẳng thua gì con trai, làm thế mất hết cả vui.

Sau này trưởng thành, cùng với một số ít bạn nữ khác, chúng tôi được làm những công việc mà mình yêu thích, ở những nơi hầu như chỉ toàn đàn ông. Chúng tôi thường hơi kiêu hãnh một chút và tự tin cho rằng phụ nữ có thua gì đàn ông, tại sao phải cần chính sách cho riêng nữ giới.

Nhưng khi chia sẻ câu chuyện IMO với một số đồng nghiệp nam từng thi IMO, tôi nhận được góc nhìn khác. Các anh cho rằng: đúng là IMO chỉ nên có một đề, vì đây là cuộc thi đỉnh cao. Nhưng bên cạnh đó, có thể tổ chức các kỳ thi riêng cho nữ. Không thể nói nam nữ như nhau vì tạo hóa đã làm nên sự khác nhau. Nên nhìn nhận có sự khác nhau, còn giải quyết thế nào thì tùy tình hình.

Dần dà, vượt ra ngoài mối quan tâm chật hẹp về toán học, tôi chú ý nhiều hơn đến xã hội quanh mình, đọc nhiều hơn và có cái nhìn rộng hơn. Giống như việc phát hiện ra sự khó khăn trong học toán phổ thông là có thật, tôi nhận thấy khó khăn trong công việc của phụ nữ (so với đàn ông) là có thật. Những khó khăn của phụ nữ là do tạo hóa sinh ra và do cuộc sống xã hội tạo nên.

Quá trình thay đổi từng bước về nhận thức này giúp tôi có được cái nhìn và cách giải quyết hợp lý hơn khi đối diện với nhiều vấn đề trong công việc và cuộc sống. Trong một lần được mời tham gia nói về bình đẳng giới, tôi đã chia sẻ, ở Việt Nam nhiều khi đang có sự mơ hồ giữa hai khái niệm “công bằng” và “bình đẳng”.

Như bức vẽ tôi dùng để minh họa trên đây, “bình đẳng” (equality) là đưa ra các điều kiện như nhau cho mọi người. Còn “công bằng” (equity) là tạo cơ hội như nhau cho mọi người.

Nói cách khác, “công bằng” là xét đến yếu tố khác biệt, người yếu thế hơn sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để có được cơ hội như người mạnh hơn. Người thấp hơn sẽ được cho chiếc ghế cao để quan sát được như người cao hơn.

Ở Việt Nam, cũng như một số quốc gia khác, khi nói về vấn đề giới, thì hầu như chỉ đang nói đến khái niệm “bình đẳng”, mà chưa nói nhiều về “công bằng”. Cho rằng nam và nữ đi làm như nhau, tham gia các kỳ thi như nhau, xét chọn như nhau là tốt lắm rồi, là bình đẳng giới rồi.

Tuy nhiên, ở nhiều xã hội phát triển, người ta đã xét và quan tâm rất nhiều đến “công bằng”. Không phải nam nữ đi thi như nhau là tốt, mà cần xét đến yếu tố giới tính. Nhiều tổ chức xét học bổng tiến sĩ, học bổng postdoc có giới hạn về độ tuổi, ví dụ nam 35, nữ sẽ là 38 hay 40 tuổi. Như thế có phải coi thường phụ nữ không?

Câu trả lời của tôi là “Không”.

Khi xét như vậy, người ta đã xét đến yếu tố phụ nữ có thời gian sinh con, phụ nữ có những năm tháng dành cho khoa học ít hơn đàn ông, nên ở tuổi 35 chẳng hạn thì nhìn chung phụ nữ sẽ ít thành tích hơn đàn ông.

Nhiều cơ quan, công sở có chế độ không được thay việc của phụ nữ sau khi nghỉ sinh. Còn nếu cứ thẳng băng xét người có năng lực hơn thì nhìn chung sẽ không đảm bảo được tính công bằng giới.

Mọi vấn đề này, tôi luôn nói “nhìn chung”, vì tất nhiên nhìn riêng thì quy luật nào cũng có ngoại lệ, sẽ luôn tồn tại một vài phụ nữ xuất sắc mà trong mọi hoàn cảnh, họ không thua kém gì đàn ông. Nhưng khi xét một chính sách, phải xét trên số đông.

Với nhận thức “Bình đẳng giới” và “Công bằng giới” là hai khái niệm khác nhau, và với mong muốn hướng tới sự công bằng giới, chúng tôi từng thực hiện một vài giải pháp bé nhỏ. Chẳng hạn, khi xây dựng quy chế cho Đề tài Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc của Trung tâm Toán UNESCO (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CNVN), chúng tôi quy định: “Có tuổi đời không quá 40 đối với ứng viên nam, không quá 45 đối với ứng viên nữ”.

Trong mỗi vấn đề, có hai việc: nhận thức và giải pháp. Càng ngày tôi càng hiểu không nên rút ra kết luận từ một vài trường hợp đơn lẻ mà cần những khảo sát, lập luận trên số liệu cụ thể và diện rộng, để có những nhận thức về tình trạng bất bình đẳng và bất công bằng. Đây là điều mà nhiều nước tiến bộ đã có nhận thức và nghiên cứu sâu rộng.

Từ nhận thức mới đề ra giải pháp. Con đường đi tìm các giải pháp luôn khó khăn. Nhưng trước hết, cần nâng cao nhận thức. Nên chăng chúng ta cố gắng để có sự công bằng chứ không chỉ dừng lại ở sự bình đẳng (dù thực ra cũng vẫn chưa có bình đẳng trên diện rộng).

Phan Thị Hà Dương