Thị trường lao động quý IV năm 2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động trong quý IV năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động và tỷ lệ lao động phi chính thức lại tăng lên so với quý trước.
Tính chung cả năm, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm. Điều này cho thấy dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm 2022 đang từng bước phục hồi.
Bạn đang xem: Thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm Quý IV và năm 2022
I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ IV NĂM 2022
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị không thay đổi nhiều, khu vực nông thôn tăng khoảng 0,3 triệu người, lực lượng lao động nam và nữ đều tăng hơn 0,1 triệu người. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,5 triệu người) và khu vực nông thôn (tăng gần 1 triệu người).
Lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2020 – 2022
Đơn vị tính: Triệu người
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2022 là 68,9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,7%, thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam (75,4%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,4%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 70,4%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 32,7%; nông thôn: 46,7%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 34,8%; nông thôn: 44,1%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2022 là 26,4%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 23,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý IV năm 2022, có 12,5 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (6,0 triệu người).
2. Số người có việc làm
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2022 là 51,0 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người, tương đương với quý trước và tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 247,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động có việc làm quý III và quý IV, giai đoạn 2019-2022
Đơn vị tính: Nghìn người
Thông thường, quý IV là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm, do đó số có việc làm thường tăng cao, như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%), tuy nhiên trong quý IV năm 2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước Châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm, cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động, điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV năm nay chỉ còn 0,5%.
Trong quý IV năm 2022, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,1 triệu người, tăng 116,8 nghìn người so với quý trước và giảm 194,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ là 19,9 triệu người tăng 125,9 nghìn người so với quý trước và tăng 2,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Ngược với xu hướng tăng của ngành dịch vụ và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thì số có việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng có xu hướng giảm so với quý trước, số người làm việc ở ngành này trong quý IV là gần 17,0 triệu người, giảm 3,1 nghìn người so với quý trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức[1] quý IV năm 2022 là 65,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 46,6%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 74,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
3. Lao động thiếu việc làm
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30/11/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 123 nghìn lượt doanh nghiệp với gần 5,3 triệu lượt lao động. Tính đến hết quý III năm nay, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi và có nhiều mặt khởi sắc. Với đà phục hồi đó, dự báo tình hình lao động việc làm quý IV và cả năm 2022 sẽ là bức tranh có nhiều mảng sáng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao…, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt là ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử vào thời điểm cuối năm thì đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi[2] quý IV năm 2022 là khoảng 898,2 nghìn người, tăng 26,5 nghìn người so với quý trước và giảm 566,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,57% và 2,22%). Như vậy, mặc dù tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên khác với xu hướng các năm trước đây khi chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, quý 4 là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai tăng ca, làm cho tỷ lệ thiếu việc làm của quý 4 thường có xu hướng thấp nhất trong năm thì năm nay, tỷ lệ ở quý này bị đẩy cao hơn so với quý trước.
Xem thêm : Sữa rửa mặt Hazeline có tốt không? | Review 7 loại, công dụng, thành phần, giá
Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022
4. Thu nhập bình quân tháng của người lao động
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV năm 2022 là 6,8 triệu đồng, tăng 95 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,8 triệu đồng, tăng 105 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,8 triệu đồng, tăng 83 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Quý III năm 2022, thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý I đến quý III năm 2022. Đến quý IV năm 2022 thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục tăng so với quý trước, nhưng với tốc độ tăng chậm lại so với cùng kỳ quý III năm 2022. Tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý III năm 2022 so với quý II năm 2022 là 2,2% (tương ứng tăng 143 nghìn đồng). Trong khi, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của lao động quý IV năm 2022 so với quý III năm 2022 là 1,4% (tương ứng tăng 95 nghìn đồng).
So với quý trước, thu nhập bình quân của lao động ở cả ba khu vực kinh tế trong quý IV năm nay đều tăng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,0 triệu đồng, là khu vực ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 2,4%, tương tứng tăng 93 nghìn đồng. Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập là 8,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,6%, tương ứng tăng 129 nghìn đồng/người/tháng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng, tăng 0,9%, tương ứng tăng 66 nghìn đồng so với quý trước.
Thu nhập bình quân của lao động một số ngành kinh tế tiếp tục ghi nhận tốc tốc tăng trưởng dương so với quý trước và cao hơn tốc độ tăng của quý III năm 2022 so với quý II năm 2022 như: thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 11,3 triệu đồng, tăng 5,7%, tương ứng tăng 605 nghìn đồng; lao động làm việc trong ngành khai khoáng có mức thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, tăng 2,6%, tương ứng tăng 240 nghìn đồng; thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy có thu nhập bình quân là 7,9 triệu đồng, tăng 2,4%, tương ứng tăng 186 nghìn đồng.
Mặc dù, quý IV năm 2022, thu nhập bình quân của lao động trong một số ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương, nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm lại so với quý III năm 2022 như: thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức thu nhập bình quân là 6,7 triệu đồng, tăng 3,1%, tương ứng tăng khoảng 200 nghìn đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lao động có mức thu nhập bình quân là 7,6 triệu đồng, tăng 1,2%, tương ứng tăng 89 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý IV năm 2022 là 7,7 triệu đồng, tăng 0,92%, tương ứng tăng 71 nghìn đồng so với quý trước. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý IV năm 2022 tăng 25,4%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng. Quý IV năm 2022, lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân tháng là 8,1 triệu đồng, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,1 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,22 lần của lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,6 triệu đồng so với 7,0 triệu đồng.
5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Thông thường, thị trường lao động những tháng cuối năm 2022 sẽ sôi động hơn do các doanh nghiệp tăng cường nhân lực để nâng cao năng suất lao động nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các đơn hàng, kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm. Đặc biệt, những dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, do vậy các doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động trong thời điểm này để phục vụ kế hoạch mở rộng, sản xuất, kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý IV có xu hướng tăng lên so với quý trước. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước và giảm 520,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2022 là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý IV năm 2022 là 7,70%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,78%, cao hơn 4,67 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
6. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý IV năm 2022 là 4,2 triệu người, giảm gần 80 nghìn người so với quý trước và giảm mạnh 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước, số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý IV năm 2022 là nữ giới (chiếm 63,4%).
Trong tổng số 4,3 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 51,7%). Hầu hết lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.
II. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2022
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, cao hơn 1,1 triệu người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,1 triệu người, chiếm 37,1 điểm phần trăm; lực lượng lao động nữ đạt 24,2 triệu người, chiếm 46,8% lực lượng lao động của cả nước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 là 68,5%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.
Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên năm 2022 ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm trước.
Xem thêm : Đặc điểm của cây và quả cà đắng, công dụng của quả cà đắng
2. Lao động có việc làm
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn năm 2019 là 56,8 nghìn người. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người (tăng 877,3 nghìn người so với năm trước), lao động ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 627,2 nghìn người so với năm trước).
Tính chung cả năm 2022, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,0 triệu người (chiếm 33,6%), tăng 724,6 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ được ghi nhận có sự tăng lên mạnh và đạt 19,7 triệu người (chiếm 38,9%), tăng 1,1 triệu người so với năm trước. Lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt mức 13,9 triệu người, (chiếm 27,5%), giảm 352,7 nghìn người so với năm trước. Với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó đặt ra mục tiêu giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội là 27,5% thì mục tiêu này đạt.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2022 là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với năm trước. So với năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn, tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 49,9% và khu vực nông thôn là 74,7%, giảm lần lượt là 2,1 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm.
3. Lao động thiếu việc làm
Thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2022 là khoảng 991,5 nghìn người, giảm 454,5 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, giảm 0,89 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,70% và 2,51%). Chia theo ba khu vực kinh tế, nông nghiệp là khu vực có tỷ lệ này cao nhất với 4,03%, tiếp theo là khu vực dịch vụ với 1,79%, và khu vực công nghiệp và xây dựng đạt tỷ lệ thấp nhất với 1,79%.
4. Thu nhập của người lao động
Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927 nghìn đồng so với năm trước và tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, tăng 950 nghìn đồng so với năm trước và tăng 830 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914 nghìn đồng so với năm trước và tăng 709 nghìn đồng so với cùng năm 2019.
Năm 2022, chứng kiến sự tăng trưởng ở hầu hết các ngành kinh tế, thu nhập của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với năm 2021, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập cao nhất. Thu nhập của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất, tăng 17,6% (tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng); lao động làm việc trong ngành dịch vụ tăng 15,4% (tương ứng tăng 1,0 triệu đồng/người/tháng). Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,8%, tương ứng tăng 448 nghìn đồng.
So với cùng kỳ năm 2021, một số ngành kinh tế có tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động tăng trưởng khá nổi bật: lao động làm việc trong ngành vận tải kho bãi có tốc độ tăng thu nhập bình quân là 21,2%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 21,0%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,2%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng; thu nhập của lao động ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 17,2%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương năm 2022 là 7,5 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm trước, tương ứng tăng 992 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2019, khi Covid-19 chưa xuất hiện, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng 12,7%, tương ứng tăng khoảng 847 nghìn đồng. Lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân là 8,0 triệu đồng, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,0 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động làm công hương lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,23 lần thu nhập bình quân của lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,4 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng.
5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là gần 1,07 triệu người, giảm 359,2 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm phần trăm so với năm trước.
Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp năm 2022 là khoảng 409,3 nghìn người, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2022 là 7,72%, giảm 0,83 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,70%, giảm 2,13 điểm phần trăm so với năm trước.
6. Lao động tự sản tự tiêu
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu năm 2022 là gần 4,4 triệu người, giảm 0,7 triệu người so với năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 63,1%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu năm 2022 giảm gần 100 nghìn người so với năm trước. Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngay cả khi thị trường lao động mở cửa trở lại. Trong tổng số hơn 4,5 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, khoảng 2,3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,9%).
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU (File đính kèm)
[1] Trong của quý IV năm 2022, tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp là 54,6%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
[2] Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022).
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp