Mức phạt khi mua bán cần sa? Bao nhiêu cần sa thì bị phạt tù?

Xã hội ngày càng phát triển cũng kèm theo tệ nạn xã hội gia tăng. Một trong những vấn nạn mà xã hội luôn đặc biệt quan tâm là tệ nạn về ma túy. Hiện nay, tại Việt Nam việc sử dụng ma túy nói chung cũng như hành vi sử dụng, mua bán cần sa nói riêng ngày càng nhiều. Vậy, hành lang pháp lý xung quanh việc mua bán trái phép cần sa được quy định như thế nào, chế tài xử lý ra hành vi đó ra sao?

Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568

1. Cần sa là gì?

– Cần sa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Hiện nay trong giới trẻ sử dụng các tên khác nhau cho cùng một loại cần sa xuất phát từ cây Cannabis Sativa như “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin” và được sử dụng dưới hình thức để hút, hít hoặc uống nhằm mục đích thỏa mãn, giải trí.

Trong cây cần sa có chất gây nghiện. Thành phần chính, hoạt chất trong cần sa là Delta-9-tetrahydrocannabinol (viết tắt là THC) được tìm thấy trong lá và hoa của cây cần sa. Chất này kích thích não giải phóng một chất được gọi là dopamine, mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm và tình dục. Chất này khi xâm nhập vào cơ thể đủ nhanh có thể khiến người sử dụng đạt được khoái cảm một cách nhanh chóng trong vài giây hoặc vài phút, và thường phải từ 1-3 giờ mới hết tác dụng.

Cần sa có 3 dạng chính, bao gồm: Marijuana, Hash hay Hashish và Dầu Hashish. • Marijuana gồm lá và hoa khô của cây cần sa (Cannabis). • Hashish hay Hash là nhựa của cần sa. Nhựa cần sa phơi khô và ép lại thành cục. “Hash” thường được trộn với thuốc lá để hút, nhưng cũng có thể bỏ vào đồ ăn để ăn. Hash mạnh hơn marijuana. • Dầu Hashish là chất dầu đặc được chế biến từ Hash, là sản phẩm cần sa mạnh nhất. Dầu Hashish thường được bôi trên đầu điếu thuốc hay trên giấy điếu thuốc lá để hút.

– Sự ảnh hưởng của cần sa đến cơ thể người sử dụng:

+ Ảnh hưởng ngắn hạn: Khi sử dụng cần sa, chất gây nghiện trong cây sẽ nhanh chóng di chuyển từ phổi vào máu, lên não và ảnh hưởng đến các giác quan khắp cơ thể dẫn đến tê liệt hệ thần kinh. Từ đó, dẫn đến các triệu chứng thường thấy ở người sử dụng như: thay đổi về nhận thức thời gian; các giác quan bị thay đổi; thay đổi về tâm trạng; suy giảm trí nhớ; dẫn tới ảo giác, ảo tưởng; vận động bị suy yếu;…

+ Ảnh hưởng lâu dài: Cần sa như đã nói là một chất kích thích gây nghiện khi dùng thường xuyên sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến sức khỏe của người sử dụng. Đa số người dùng là các bạn trẻ, một khi đã sử dụng các chất kích thích thì sẽ thành gây “nghiện” và sử dụng nhiều hơn và thường xuyên hơn. Điều này mang hậu quả về lâu về dài ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ. Thuốc có thể làm suy giảm đến chức năng suy nghĩ, giảm trí nhớ từ đó ảnh hưởng đến việc học, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Việc sử dụng cần sa này cũng ảnh hưởng lớn đến thể chất của người sử dụng. Cơ bản là đường hô hấp. Bởi khi dùng cần sa người sử dụng dùng theo phương thức là hút, hít nên ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hô hấp, giống như người hút thuốc lá. Từ đó có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi và nguy cơ nhiễm trùng phổi sẽ cao.

Ngoài ra, việc sử dụng cần sa còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần. Khi đã rơi vào trạng thái nghiện, người sử dụng rất dễ bị hoang tưởng, ảo tưởng dẫn đến thực hiện những hành vi sai lệch, không kiềm chế được cảm xúc, con người của mình. Đã rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra khi con nghiện lên cơn, dùng thuốc dẫn đến bị hoang tưởng và ra tay chém giết người.

2. Mức phạt khi mua bán cần sa:

Cần sa là một trong các chất cấm. Theo quy định tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, cần sa và các chế phẩm từ cần sa chính là chất ma túy.

Do vậy, hành vi mua bán cần sa là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi mua bán cần sa sẽ có những chế tài xử lý như sau:

2.1. Xử lý vi phạm hành chính:

Hành vi mua bán cần sa bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực anh ninh an toàn xã hội:

“5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

…đ) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;”

Như vậy, theo quy định trên, hành vi mua bán cần sa chưa đủ số lượng để truy cứu trách nhiệm thì sẽ bị xử phạt tiền hành chính từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

2.2. Xử lý hình sự:

Vì cần sa là chất ma túy bị cấm nên việc buôn bán chất cần sa này khi đủ số lượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm sự theo Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội mua bán trái phép chất ma túy, cụ thể:

“1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;

g) Qua biên giới;

h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;

q) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.”

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Các yếu tố cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ luật hình sự, cụ thể:

– Chủ thể: là cá nhân đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; có năng lực hành vi và đã thực hiện hành vi phạm tội.

– Khách thể: hành vi mua bán trái phép chất ma túy đã xâm phạm đến những quy định của Nhà nước về chế độ quản lý các chất ma túy.

– Về mặt chủ quan: tội mua bán trái phép chất ma túy được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ ma túy là chất Nhà nước cấm sử dụng, và nhìn nhận rõ hành vi mua bán là hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nguy hiểm cho cá nhân, xã hội nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.

– Về mặt khách quan: đối với tội mua bán trái phép chất ma túy, mặt khách quan thể hiện qua một trong các hành vi sau:

+ Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc việc nguồn gốc ma túy có từ đâu) để hưởng tiền công hoặc vì các lợi ích khác

+ Xin ma túy để bán cho người khác

+ Mua ma túy để lại tiếp tục bán cho đối tượng khác

+ Dùng ma túy nhằm để thanh toán cho một giao dịch nào đó

+ Vận chuyển ma túy hoặc tàng trữ ma túy với mục đích bán trái phép cho người khác

Như vậy, khi đủ các yếu tố cấu thành trên, người thực hiện hành vi mua bán cần sa sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán trái phép chất ma túy, mức phạt tù từ 2 năm đến cao nhất là chung thân hoặc tử hình.