Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là khu vực có các loài rùa cạn và rùa nước ngọt đa dạng nhất thế giới. Trong đó, Đông Nam Á có hơn 90 loài, chiếm hơn 25% tổng số các loài rùa cạn và rùa nước ngọt được biết đến.
Không kể mức độ đa dạng cao và tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với các loài rùa cạn và rùa nước ngọt, nhiều loài trong số này vẫn nằm trong danh mục loài bị đe dọa lớn nhất trên thế giới.
Bạn đang xem: Chung tay bảo tồn 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt của Việt Nam
Báo cáo năm 2011 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về rùa cạn và rùa nước ngọt trên toàn cầu đã xếp 17 loài rùa của châu Á vào nhóm 25 loài bị đe dọa cao nhất thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam có 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt phân bố tự nhiên với 23 loài được liệt kê trong các danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, với 8 loài bị cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Hiện nay, tất cả các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa của Việt Nam đều được bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Theo đó, mọi hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, thu thập mẫu vật các loài rùa cạn và rùa nước ngọt trái quy định của pháp luật đều là những hành vi bị nghiêm cấm.
Hiện nay, có 8 loài rùa cạn và rùa nước ngọt được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Chính phủ (sau đây gọi tắt là NĐ160).
Đây là nhóm loài được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm đối với cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống và sản phẩm của các loài này đều có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tối đa lên đến 15 năm tù đối với cá nhân hoặc 15 tỷ đồng đối với pháp nhân.
Còn về tổng thể, Việt Nam có 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa được liệt kê trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây gọi tắt là CITES). Trong đó, 4 loài được liệt kê tại Phụ lục I, 20 loài được liệt kê tại Phụ lục II và 1 loài được liệt kê tại Phụ lục III.
Bên cạnh đó, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES của Chính phủ (sau đây gọi tắt là NĐ06) cũng đưa 9 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa vào nhóm IB và 17 loài vào nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định này.
Trong đó, 9 loại nhóm I bao gồm: Rùa ba ta gua miền Nam, Rùa hộp trán vàng miền Trung (Rùa hộp bua rê), Rùa hộp ba vạch (Rùa vàng), Rùa hộp trán vàng miền Bắc, Rùa hộp trán vàng miền Nam (Rùa hộp Việt Nam), Rùa trung bộ, Rùa đầu to, Giải, Giải Sin-hoe.
Và 17 loại nhóm II bao gồm: Cua đinh, Ba ba gai, Rùa hộp lưng đen, Rùa sa nhân, Rùa đất châu Á, Rùa đất sê pôn, Rùa đất pul kin, Rùa đất speng le ri, Rùa răng, Rùa đất lớn, Rùa núi vàng, Rùa ba giờ, Rùa núi viền, Rùa câm, Rùa đầm cổ đỏ, Rùa bốn mắt, Rùa cổ bự.
Ngoài ra, rùa tai đỏ là loài hay được phát hiện bày bán công khai, bao gồm phục vụ mục đính phóng sinh vào các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, rất ít người để ý rằng loài rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans) lại thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại được ban hành kèm theo Thông tư 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 về tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại.
Với rùa tai đỏ, căn cứ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy, xuất khẩu, nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Hiện nay, có rất nhiều đồn thổi, thông tin vô căn cứ lan truyền về tác dụng của thịt các loài rùa như chữa được bệnh tim mạch, ung thư, sinh lý… Có người cho rằng, ăn thịt rùa hầm với tơ hồng, hạt sen, đậu đen, ý dĩ có thể khỏi bệnh tim mạch, cao huyết áp.
Liên quan vấn đề này, Th.S-BS Quan Vân Hùng – Viện Y dược học dân tộc TP.HCM khẳng định về rùa, chưa có công trình nghiên cứu nào xác định thịt loài rùa nào tốt cho bệnh tim.
Xem thêm : Mang thai thử nước tiểu với rượu để biết trai hay gái có chính xác hay không?
Đặc biệt với rùa vàng, có lời đồn là loài cực quý hiếm, sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ, ăn vào tăng cường sinh lực, đặc biệt ai có bệnh tim nếu uống rượu pha mật rùa, huyết rùa sẽ hết ngay.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng rùa vàng không phải là vị thuốc bổ dương, tráng dương, bổ thận dương hay thận hỏa nên dùng sai sẽ khiến bệnh nặng thêm.
Ngoài ra, từ tham khảo y văn xưa và nay, không có tài liệu nào đề cập đến chuyện sử dụng máu, mật, phân của rùa núi vàng trong chữa trị ung thư hay các chứng bệnh tim.
Chưa kể, nếu nuôi rùa làm cảnh còn ẩn chứa nguy cơ nhiễm bệnh cao, đồng thời người nuôi cũng có khả năng đang vi phạm pháp luật. Trước tiên, nếu người nuôi không cẩn trọng giữ khoảng cách, rùa cắn có thể là một nguy cơ hiện hữu.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ từng công bố điều tra cho biết số ca mắc bệnh nhiễm khuẩn salmonella liên quan đến các loài rùa cảnh được nuôi làm thú cưng. Vi khuẩn này tồn tại trên mai và da của rùa. Theo đó, salmonella là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, với triệu chứng phổ biến là tiêu chảy. Ngoài ra còn các triệu chứng khác là sốt, co thắt dạ dày…, trường hợp nặng có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Theo các chuyên gia, việc nuôi rùa không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cho cả người nuôi lẫn vật nuôi. Bởi rùa có thể mang mầm bệnh hoặc là trung gian truyền bệnh. Việc nuôi rùa cũng không hề đơn giản đặc biệt với những loại khó tính cần phải chăm sóc đặc biệt. Và chủ nhân nuôi rùa cũng dễ vướng vào vòng lao lý nếu thú cưng của mình thuộc nhóm được pháp luật bảo vệ.
Cụ thể, về khía cạnh pháp lý, hầu hết các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa được pháp luật Việt Nam bảo vệ, theo Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các hành vi vi phạm liên quan đến các loài này có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 15 năm tù giam cho cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân.
Có thể nói, nạn săn bắt và buôn bán trái phép và mất môi trường sống là hai mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của các loài rùa. Trong đó, nạn săn bắt và buôn bán trái phép được coi là nguyên nhân chính dẫn tới sự nguy cấp của nhiều loài rùa bản địa của Việt Nam.
Bất chấp nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước, việc kiểm soát buôn bán động vật hoang dã nói chung và buôn bán rùa trên mạng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo “Chợ rùa trên mạng: Sôi động thị trường rùa trên Facebook và Youtube ở Việt Nam năm 2021” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pannature) và Chương trình bảo tồn Rùa Châu Á xuất bản, kết quả khảo sát trên hai nền tảng Facebook và Youtube năm 2021 cho thấy, thị trường rùa trên mạng xã hội tại Việt Nam diễn ra rất sôi động, trong đó 2021 là năm tăng trưởng mạnh nhất so với các năm trước đó.
Không giống với Facebook, Youtube chỉ có một cách đăng nội dung, video và một số thông tin phần giới thiệu. Các kênh Youtube thường tránh sự rà soát bằng cách chọn những hình ảnh phù hợp, sau đó chèn các nội dung về mua bán rùa, thông tin liên hệ trực tiếp vào video thay vì viết vào phần mô tả.
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có số lượng các hoạt động mua bán rùa trực tuyến cao nhất cả nước. Trong các kênh xác định được địa điểm, số lượng cửa hàng trực tuyến của Hà Nội cao nhất với 19 trang; sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh với 17 trang.
Sự tăng trưởng này đi kèm với trào lưu nuôi rùa làm thú cưng, thú cảnh trong giới trẻ. Hoạt động giao lưu, buôn bán rùa cảnh trên hai nền tảng này đã có từ nhiều năm trước, kênh Youtube về buôn bán và nuôi rùa lâu đời nhất được thành lập từ năm 2009; nhóm và trang Facebook lâu đời nhất ra đời từ năm 2013. Theo thời gian, thị trường buôn bán rùa trực tuyến ngày càng phát triển kể cả về số lượng, quy mô thị trường và hình thức kinh doanh, với cả các loài không được phép buôn bán thương mại.
Trước tình trạng trên, nhiều chương trình, dự án bảo vệ, bảo hộ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam đang được các tổ chức triển khai, trong đó phải kể đến Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP) – tổ chức chuyên sâu trong công tác nghiên cứu, bảo tồn rùa ở Việt Nam.
Anh Hoàng Văn Hà, thành viên của ATP cho biết, xây dựng, triển khai, và thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nội và ngoại vi với các loài nguy cấp nhất ở Việt Nam. Trong số này, với các dự án bảo tồn tại chỗ, có thể kể tới Dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm ở khu vực miền Bắc Việt Nam được triển khai từ năm 2003 cho đến nay.
“Ngoài ra, các dự án dài hơi khác của ATP tập trung vào loài rùa Trung bộ, nhóm rùa hộp trán vàng ở khu vực miền Trung Việt Nam. Gần đây, ATP cũng tập trung vào công tác nghiên cứu, bảo tồn loài rùa đầu to, loài cực kỳ nguy cấp, có giá trị bảo tồn đặc biệt trên phạm vi toàn cầu.
Xem thêm : Tin tức
Với hoạt động bảo tồn chuyển vị, ATP đã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương, các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở Việt Nam nhằm cứu hộ, phục hồi sức khỏe và tái thả các loài rùa bản địa của Việt Nam”, anh Hoàng Văn Hà chia sẻ thêm.
Tại Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC) tại Cúc Phương, chị Nguyễn Thu Thủy – điều phối viên chương trình cứu hộ, đào tạo và quản lý động vật của ATP làm việc tại đây cho biết, từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm TCC tiếp nhận 200 đến 400 cá thể của khoảng 15 đến 20 loài rùa khác nhau, chủ yếu từ các vụ tịch thu từ buôn bán trái phép, trong đó chỉ có 6 đến 7% số cá thể là từ các cá nhân tự nguyện chuyển giao.
So sánh với báo cáo số lượng tịch thu rùa cạn và nước ngọt những năm từ 1995 – 2000, số lượng này chưa bằng 10% của con số tịch thu trước đây. Điều này cho thấy số lượng rùa trong tự nhiên của Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Thế nên, với đặc thù là cơ sở cứu hộ các loài tịch thu từ buôn bán, săn bắt trái phép cho nên khi có trường hợp cần cứu hộ, các thành viên của TCC làm việc bất kể ngày đêm để lên đường đi cứu hộ động vật sớm nhất có thể ngay sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin.
Cũng như khi đưa động vật trở về tự nhiên, họ cần bảo đảm các loài rùa được thả về đúng vùng phân bố và môi trường sống thích hợp cho từng loài. Vì vậy, có những chuyến đi từ Bắc vào Nam và họ phải làm việc liên tục trong gần một tuần đến khi cá thể cuối cùng được trở về thiên nhiên an toàn.
Ngoài Vườn Quốc gia Cúc Phương, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) cũng đang triển khai chương trình bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt với 4 nhóm giải pháp cấp thiết, 7 giải pháp tổng hợp để bảo tồn và phát triển các quần thể rùa tại đây.
Trong đó, tập trung vào tăng cường công tác quản lý, giám sát, tăng cường tuần rừng ở những khu vực nguy cơ cao. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm, đẩy mạnh giáo dục, truyên truyền cho người dân, mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm và thu hút được sự chung tay của cộng đồng.
Để bảo vệ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam trước nguy cơ bị săn bắt, buôn bán trái phép dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cần đến sự chung tay của cả cộng đồng.
Về phía cơ quan chức năng, ngày 12/9/2019, Thủ tướng đã có quyết định 1176/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Đây là chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, trong đó xác định bảo tồn các loài rùa nguy cấp là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn các loài rùa nguy cấp.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là các quần thể rùa nguy cấp của Việt Nam và môi trường sống của chúng được bảo vệ và phát triển bền vững, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Cụ thể hơn, chương trình sẽ xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về bảo tồn rùa; tăng cường hoạt động điều tra, nghiên cứu về các loài rùa; xây dựng các mô hình bảo hộ rùa hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, thực thi pháp luật; nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn rùa.
Trong khi đó, mỗi công dân hãy là người tiêu dùng thông thái, trang bị kiến thức cần thiết, có hiểu biết đúng đắn về các loài rùa cạn và rùa nước ngọt được pháp luật bảo vệ
Tuyệt đối không làm phiền rùa khi thấy chúng ngoài tự nhiên, không nuôi rùa làm cảnh hay săn bắt, mua bán, tiêu thụ rùa sống và các sản phẩm từ rùa trái phép.
Khi phát hiện, chứng kiến các vi phạm liên quan đến rùa, tất cả công dân đều có thể gọi đến đường dây nóng 1800-1522 hoặc liên hệ cơ quan chức năng địa phương để phản ánh.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp