Cấu trúc số định danh cá nhân? Ý nghĩa của số định danh?

1. Cấu trúc số định danh cá nhân:

Trong tiếng Anh thì số định danh cá nhân được dịch là “personal identification number”. Số định danh cá nhân được hiểu là mã nhận dạng duy nhất của mỗi cá nhân được sử dụng để truy cập thông tin hoặc tài sản cá nhân thông qua thiết bị điện tử.

Khoản 1 Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014 quy định số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và những cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý ở trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Đặc biệt, số định danh cá nhân chính là Số thẻ Căn cước công dân của mỗi công dân Việt Nam.

Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho từng công dân Việt Nam từ khi sinh ra đến khi mất, không lặp lại ở người khác.

Công dân được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân Việt Nam đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo các thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân có quy định về cấu trúc của số định danh cá nhân, theo quy định này thì số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số có cấu trúc như sau:

– 6 số tự nhiên đầu tiên chính là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân Việt Nam, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh;

– 6 số tự nhiên cuối cùng chính là khoảng số ngẫu nhiên.

2. Ý nghĩa của số định danh cá nhân?

Như đã nêu ở mục trên, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số và chỉ cần nhìn dãy số này có thể biết được người đó được sinh ở tỉnh thành nào, sinh trong thế kỷ 20 hay 21, sinh năm bao nhiêu, khai sinh ở đâu và là nam hay nữ. Ý nghĩa của số định danh cá nhân được quy định như sau:

– 3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh nơi công dân đăng ký khai sinh. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ có mã số khác nhau gồm 3 chữ số. Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh được quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 59/2021/TT-BCA. Ví dụ như ở TP Hà Nội có mã tỉnh là 001, TP.HCM có mã tỉnh là 079, tỉnh Thái Bình có mã tỉnh là 034, tỉnh Thanh Hóa có mã tỉnh là 038…;

– 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân. Mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 59/2021/TT-BCA. Với người sinh trong thế kỷ 20 thì giới tính nam là số 0 và nữ là số 1; đối với với người sinh ở thế kỷ 21 thì giới tính nam là 2 và nữ là 3; với người sinh ở thế kỷ 22 thì giới tính nam sẽ là 4 và nữ là 5; với người sinh ở thế kỷ 23 thì giới tính nam là 6 và nữ là 7; còn đối với người sinh ở thế kỷ 24 thì giới tính nam là 8 và nữ là 9;

– 2 chữ số tiếp là mã năm sinh (viết tắt 2 số cuối của năm sinh) của công dân Việt Nam;

– 6 số cuối: số ngẫu nhiên.

Ví dụ, số định danh cá nhân (số thẻ căn cước công dân) của anh A có dãy số là 034080001961. Qua dãy số này có thể biết được các thông tin sau của anh A:

+ 034: là mã tỉnh nơi anh A đăng ký khai sinh, mã tỉnh này là tỉnh Thái Bình, thế nên biết được anh A khai sinh tại tỉnh Thái Bình;

+ 0: là mã giới tính của công dân Việt Nam sinh ở thế kỷ 20, mã này là công dân có giới tính nam, thế nên biết được anh A sinh ra ở thế kỷ 20 và là giới tính nam;

+ 80: là mã năm sinh của anh A, thế nên biết được anh A sinh năm 1980;

+ 01961: là số ngẫu nhiên.

3. Công dụng của mã định danh cá nhân:

Mã định danh được dùng vào một số trường hợp như:

3.1. Dùng để tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:

Mỗi một mã định danh cá nhân (số thẻ căn cước công dân) đều gắn với các thông tin cơ bản của một cá nhân. Những thông tin này được Bộ Công an thống nhất quản lý và cập nhật, chia sẻ ở trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Từ hệ thống Cơ sở dữ liệu này, những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ sử dụng mã định danh cá nhân để thực hiện việc kiểm tra thông tin của người được cấp trong những trường hợp cần thiết.

3.2. Thay cho mã số thuế cá nhân:

Tại khoản 7 Điều 35 của Luật Quản lý thuế 2019 quy định khi mã định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ người dân thì mã này sẽ được sử dụng thay cho mã số thuế.

3.3. Dùng thay cho giấy tờ tùy thân khi mua bán nhà ở:

Tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở quy định trường hợp công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân (số thẻ căn cước công dân) và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp đã được kết nối, vận hành thì được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho những giấy tờ liên quan đến nhân thân (như bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi mà thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Như vậy, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp đã được kết nối, vận hành thì người dân đã được cấp mã định danh cá nhân sẽ được sử dụng mã này thay cho bản sao các giấy tờ tùy thân khi làm những tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.

3.4. Sử dụng làm thẻ ngân hàng:

Tùy theo mỗi ngân hàng sẽ có các yêu cầu, điều kiện mở thẻ khác nhau. Với những khách hàng từ đủ 18 tuổi khi có các giấy tờ nhân thân chứa mã định danh cá nhân thì sẽ được làm thẻ ngân hàng.

3.5. Sử dụng đi máy bay:

Các giấy tờ bắt buộc phải có khi đi máy bay có thể là giấy tờ có chứa mã định danh cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số hoặc Giấy khai sinh (với trẻ dưới 14 tuổi).

4. Xin cấp mã định danh cá nhân như thế nào:

4.1. Đối với công dân đăng ký khai sinh:

Theo Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh thì cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phải có trách nhiệm chuyển các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau đó cấp chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch.

4.2. Đối với công dân đã đăng ký khai sinh:

Căn cứ Điều 15 Nghị định 137/2015 được sửa đổi bởi Nghị định 37/2021/NĐ-CP quy định công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

– Ngay sau khi xác lập được số định danh cho công dân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân đó về số định danh đã được xác lập và những thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

– Trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính hoặc thực hiện việc cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ xác lập lại số định danh cho công dân. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải có văn bản thông báo cho công dân về số định danh đã được xác lập lại.

Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Luật Căn cước công dân 2014;

– Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân;

– Nghị định 37/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân;

– Thông tư 59/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân.