Công dụng của cây mần ri

Cây mần ri còn có các tên khác như mần ri tím, màng ghi hoa tím, mần ri tía, mùng ri hay cây hoa trắng. Nó có tên khoa học là Cleome chelidonii (mần ri hoa tím) và Cleome gynandra (mần ri hoa trắng), thuộc họ Màn Màn.

1.1. Về đặc điểm thực vật

Cây mần ri được biết đến là loài thực vật thân thảo sống lâu năm với chiều cao khoảng 1m. Lá của nó có màu xanh lá, dài hẹp cùng với thân cây mềm và được bao phủ bởi những sợi lông nhỏ màu trắng.Từ một cuống ở thân sẽ phát triển thêm khoảng từ 3-5 lá chét.

Hoa mần ri nở quanh năm với hai màu trắng hoặc tím. Quả có đặc điểm là dài và bên trong chứa nhiều hạt có hình thận. Rễ mần ri có dạng hình trụ dài và phát triển thành chùm to.

Hai loại mần ri tím và trắng đều có tính ấm, không gây độc. Do đó có tác dụng điều trị bệnh cảm cúm, rắn cắn và nhức đầu.

1.2. Về phân bố

Cây mần ri thường mọc hoang ở đồng bằng cũng như khu vực đất thấp. Trên thế giới, loài cây này phân bố nhiều ở các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc,… Tại Việt Nam, cây phát triển dọc các tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Nó trở nên phổ biến hơn khi được người dân trồng trong vườn nhà để làm thuốc chữa bệnh.

1.3. Về thu hái, sơ chế và bảo quản cây mần ri

Với đặc điểm như trên, cây mần ri được thu hái quanh năm, sau khi đem về sẽ được rửa sạch và dùng tươi hoặc phơi khô rồi cho vào túi nilon và cột kín để sử dụng lâu hơn. Trong thời gian đó, cần chú ý bảo quản ở nơi khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát để không bị hư hỏng hoặc bị mốc.

1.4. Bộ phận sử dụng

Tất cả các bộ phận của cây bao gồm rễ, thân, lá và hạt đều được sử dụng triệt để trong làm dược liệu chữa bệnh.