Intracom Group

Trách nhiệm xử lý rác thải không của riêng Chính phủ, các cơ quan ban ngành hay doanh nghiệp. Ngay lúc này, mỗi cá nhân cần nhận thức về tầm quan trọng của việc tái chế và hành động phân loại và xử lý rác thải!. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu chất thải rắn sinh hoạt là gì, phân loại chúng ra sao?.

Chất thải rắn sinh hoạt là gì?

Chất thải rắn sinh hoạt là loại chất thải thể rắn được tạo ra từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người. Chất thải sinh hoạt tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, trong đó chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt. Các loại chất thải này thường bao gồm những sản phẩm, thực phẩm, vật liệu quen thuộc với cuộc sống hàng ngày. Có thể kể đến như thực phẩm ôi thiu, thực phẩm dư thừa, hết hạn, giấy, nhựa, thủy tinh, bụi bẩn, bao bì, đồ điện tử hỏng,….

Những loại chất thải này vẫn có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nếu không được quản lý và xử lý đúng cách. Do đó, việc phân loại, tái chế, tái sử dụng là những việc làm vô cùng quan trọng để góp phần bảo vệ môi trường và cộng đồng.

Các loại chất thải rắn nếu chưa được phân loại đúng cách sẽ gây ra sự khó khăn trong vấn đề xử lý. Một trong những khó khăn lớn nhất đó là khi các loại chất thải rắn với đặc tính khác nhau nếu được xử lý cùng nhau sẽ gây ra những hậu quả to lớn như ảnh hưởng đến môi trường hay sức khỏe con người.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Việc phân loại chất thải đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình quản lý và xử lý chất thải, việc phân loại sẽ giúp quá trình xử lý chất thải diễn ra thuận lợi hơn, hiểu quả hơn. Chất thải rắn sinh hoạt được phân thành những loại sau:

Chất thải thực phẩm (hay chất thải hữu cơ dễ phân hủy):

  • Thức ăn ôi thiu, thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng
  • Rau củ, trái cây hỏng, các thành phần loại bỏ trong quá trình chế biến, sơ chế như vỏ trái cây, vỏ hạt, …
  • Thực vật: lá cây, có, bã rau củ, trà, bã cà phê
  • Nguồn gốc động vật: thịt, vỏ trứng, gia cầm, xác động vật, xương, lông động vật, côn trùng,…

Chất thải vô cơ có thể tái chế, tái sử dụng:

  • Nhựa: chai lọ, can thùng, khay đựng thức ăn, đĩa CD,DVD, các sản phẩm có kí hiệu PE, PP, PVC, P
  • Ni lông: túi nhựa mỏng các loại có thể sử dụng lại, sử dụng nhiều lần
  • Giấy: Giấy báo, tạp chí, hộp giấy, bìa carton, sách, vở,…
  • Kim loại: Sắt, nhôm, thép, đồng, vỏ kim loại…
  • Cao su: săm, lốp xe, dép
  • Thủy tinh: vỏ chai lọ, lọ đựng thực phẩm,…

Chất thải rắn sinh hoạt khác:

  • Vải: Quần áo, các loại vải khác nhau, có những loại có thể tái chế, có những loại không thể tái chế
  • Túi ni lông thải bỏ
  • Thuốc lá, hạt hút ẩm, giấy bạc, tóc
  • Bụi bẩn
  • Các loại pin nhiên liệu, đồ điện tử hỏng

Phân loại rác thải cũng chính là hành động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và góp phần vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của chất thải đối với hệ sinh thái và cuộc sống của con người.

Hiện nay, các chất thải rắn sinh hoạt có nhiều cách xử lý khác nhau sau khi đã phân loại, phổ biến nhất có 2 hình thức chính đó là chôn lấp và đốt rác phát điện. Phương pháp tái chế, tái sử dụng chất thải vẫn luôn được khuyến khích nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm áp lực cho các bãi rác tập trung, những nơi đang trong tình trạng quá tải về khối lượng rác.

Việc hạn chế xả thải rác thải không chỉ dừng lại ở việc phân loại và tái chế và tái sử dụng các loại rác thải rắn, mà còn là việc chi tiêu hợp lí, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích, tuyên truyền với những người xung quanh về việc hạn chế xả thải rác, chung tay vì một môi trường xanh, bền vững cho hôm nay và mai sau.

Qua bài viết này, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chất thải rắn sinh hoạt là gì? Cùng với cách phân loại chúng để xử lý sao cho an toàn, hiệu quả. Để có được một xã hội phát triển bền vững, vấn đề rác thải cần phải được xử lý một cách triệt để. Tại Việt Nam, đã có một vài những dự án xử lý chất thải rắn nhưng quy mô và khả năng xử lý vẫn còn thấp, đa phần rác thải được đưa vào các hố chôn lấp. Tuy nhiên, với việc ngày càng tăng về khối lượng rác thải đổ ra đang khiến các bãi chôn lấp bị quá tải, nơi vốn đang bị ô nhiễm trầm trọng cả môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí.

Rõ ràng, trong tương lai, để có thể xây dựng được một xã hội phát triển bền vững, chúng ta cần chung tay hợp tác cùng nhau trong vấn đề rác thải, để tạo ra một môi trường tốt đẹp cho thế hệ sau này. Mỗi chúng ta hãy từ những hành động nhỏ như phân loại rác thải, hạn chế tối đa sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện, tuyên truyền, khuyến khích mọi người xung quanh hành động. Mỗi một đóng góp nhỏ sẽ tổng hợp lại mang đến sự thay đổi lớn trong tương lai.