[Giải đáp] Trẻ ăn dặm xong có nên uống nước không?

Video cho trẻ ăn dặm uống nước như thế nào

Trẻ ăn dặm xong có nên uống nước không?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo thời gian thích hợp con bắt đầu ăn dặm là khi được tròn 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hóa của con mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm phức tạp và đặc hơn sữa mẹ.

Đặc biệt, trong giai đoạn con ăn dặm, mẹ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất vì nhu cầu năng lượng tăng. Khi con 6 tháng tuổi, năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày. Tuy nhiên, khi đó trẻ cần khoảng 700kcal/ngày.

Vì vậy, ăn dặm đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng để bù đắp khoảng thiếu hụt năng lượng này. Khi con lớn dần lên, lượng ăn dặm của con và độ đậm đặc cũng cần tăng lên.

Ăn dặm là giai đoạn quan trọng giúp con phát triển khỏe mạnh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bên cạnh những thắc mắc về cách xây dựng thực đơn ăn dặm thơm ngon bổ dưỡng cho con, những lưu ý khi cho con ăn dặm thì trẻ ăn dặm xong có nên uống nước không cũng là băn khoăn của nhiều mẹ.

Câu trả lời là có. Giống như người lớn, sau khi ăn dặm xong, con cũng nên được uống nước. Việc này không chỉ giúp làm sạch khoang miệng của con mà còn ngăn ngừa táo bón và giảm nôn trớ cho con. Một số lợi ích khi con uống nước sau ăn dặm mẹ có thể tham khảo dưới đây:

Giúp bé làm sạch khoang miệng

Sau mỗi bữa ăn dặm, trong khoang miệng của con sẽ còn sót lại các mảnh vụn thức ăn. Nếu không loại bỏ chúng, sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Qua đó gây tình trạng hôi miệng, sâu răng. Khi con uống nước, dòng chảy của nước đi vào khoang miệng sẽ làm trôi đi các mảnh vụn thức ăn đến dạ dày và giúp làm sạch khoang miệng của bé.

Uống nước giúp làm sạch khoang miệng sau ăn dặm của con. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Không chỉ vậy, hành động này còn giúp loại bỏ điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có hại như nấm Candida albicans phát triển. Loại nấm này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tưa lưỡi ở trẻ. Vì vậy, mẹ đừng quên làm sạch khoang miệng cho con sau mỗi bữa ăn nhé!

Tốt cho vị giác của bé hơn

Một lợi ích hàng đầu khi mẹ cho con uống nước sau ăn dặm là giúp tốt cho vị giác của con. Khi uống nước, trong miệng con sẽ không còn vị thức ăn cũ đọng lại gây tanh miệng. Lần sau con cũng được cảm nhận vị thức hơn tốt hơn và ăn ngon miệng hơn.

Ngăn ngừa táo bón

Ngăn ngừa táo bón là một trong những lợi ích của việc con uống nước sau ăn dặm. Con có thể bị táo bón khi chuyển từ hoàn toàn bú sữa mẹ sang ăn dặm do chưa thích nghi với việc tiêu hóa các thực phẩm đặc hơn sữa mẹ. Ngoài ra, việc con không được cung cấp cân bằng các chất dinh dưỡng, chế độ ăn quá nhiều chất béo và protein hay quá ít chất xơ cũng sẽ dễ dẫn đến táo bón.

Vậy nên, sau khi ăn dặm, mẹ cho con uống một chút nước sẽ làm loãng khối thức ăn ở dạ dày đổ xuống ruột, con cũng tiêu hóa dễ hơn. Phân của con nhiều nước hơn cũng sẽ mềm hơn, hạn chế tình trạng táo bón ở trẻ.

Giúp giảm nôn trớ sau ăn

Nôn trớ sau ăn là tình trạng thường gặp ở bé yêu trong giai đoạn bắt đầu tập ăn dặm. Dạ dày của con sẽ nằm ngang và cơ vòng nối giữa dạ dày, thực quản chưa hoàn thiện, thức ăn sẽ dễ đi ngược từ dạ dày lên thực quản rồi nôn trớ ra ngoài.

Uống nước giúp giảm nôn trớ sau ăn. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Con uống nước sau khi ăn dặm sẽ giúp làm sạch thực quản, đẩy thức ăn đang ở thực quản xuống dạ dày. Qua đó làm cắt cơn buồn nôn, giúp con giảm nôn trớ sau ăn dặm.

Cách cho bé uống nước ăn dặm khoa học

Làm thế nào để cho con uống nước sau ăn dặm đúng cách và khoa học nhất? Mẹ có thể tham khảo các cách cho con uống nước dưới đây:

Cho bé uống sau 5 phút ăn

Khoảng 5 phút sau khi con kết thúc ăn dặm là thời điểm lý tưởng để con uống nước hoặc sữa. Nếu uống ngay sau ăn, con sẽ dễ bị khó tiêu hóa thức ăn hơn, dạ dày con phải tăng tiết dịch vị gây ợ chua, ợ nóng bởi nước sẽ làm loãng khối thức ăn đang hòa trộn cùng dịch vị dạ dày và enzyme.

Không cho bé uống trong khi ăn

Mẹ hãy lưu ý không nên cho con uống trong khi đang ăn dặm nhé! Trong bữa ăn, con đang tiết nước bọt chứa enzyme amylase làm phân hủy thức ăn khô thành các dạng dễ hấp thu hơn.

Con uống nước sẽ làm loãng nồng độ enzyme và khiến con khó tiêu hóa hơn. Ngoài ra, uống nước trong bữa ăn còn làm con dễ bị no bụng giả, con ăn ít thức ăn hơn và cũng sẽ nhanh bị đói.

Cho bé uống từng thìa

Con uống nước từ từ và từng thìa nhỏ sẽ tránh làm con bị sặc. Miệng và thực quản của con còn quá nhỏ nên việc uống lượng nước lớn trong một lần sẽ làm con không kịp nuốt. Vì vậy, mẹ hãy nhớ cho con uống nước từng thìa nhỏ sau bữa ăn dặm nhé!

Tứ thế ngồi uống nước của bé

Tư thế ngồi uống nước của con cũng rất quan trọng. Mẹ không nên cho con uống nước khi đang bế trên tay hoặc khi nằm vì sẽ dễ gây sặc. Khi cơ thể con nằm nganh, thực quản của con cũng giống như 1 ống nước nằm ngang như vậy, nước đổ vào từ miệng con sẽ không xuống thẳng được dạ dày mà sẽ đọng lại tại thực quản, đi vào đường thở và gây sặc.

Do đó, mẹ nên cho con ngồi ghế ăn dặm có tựa lưng và tay vịn. Qua đó sẽ giúp cố định dáng ngồi cho con và tránh việc con bị ngã khi đang uống nước.

Con nên ngồi uống nước sau ăn dặm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trường hợp bé bị sặc nước phải làm sao?

Để tránh trường hợp con bị sặc nước, mẹ cần quan sát kỹ và cẩn thận phản ứng của con khi uống nước hoặc sữa.

Biểu hiện bé bị sặc nước

Những dấu hiệu khi bé sặc nước gồm:

  • Ho sặc từng cơn

  • Khó thở, gắng thở

  • Bé sợ hãi hoảng hốt, mắt trợn

Xử lý bé bị sặc nước

Nếu khi con sặc nước mà không được can thiệp kịp thời sẽ dễ dẫn đến ngạt thở, cản trở quá trình cung cấp oxy gây nguy hiểm cho con. Lúc này, mẹ cần bình tĩnh và thực hiện các thao tác giúp xử lý tình trạng con bị sặc nước như sau:

  • Hút nước ra khỏi đường thở: Mẹ có thể dùng dụng cụ hút sạch sữa hoặc nước ở miệng và mũi của con ra ngoài để hạn chế tối đa nước hay sữa vào phổi của con.

  • Vỗ lưng bé: Nếu sau khi hút, mẹ thấy con vẫn chưa thở được, mẹ cần nhanh chóng đặt con nằm sấp sao cho phần đầu thấp hơn phần lưng, theo chiều chúi đầu xuống. Mẹ hãy khum bàn tay và vỗ lực vừa phải vào lưng con 5 – 7 cái ở đoạn giữa 2 mỏm vai theo chiều hướng ra phía đằng trước. Sau đó mẹ lật người con trở lại, chờ con khóc và tự thở được.

  • Ấn ngực bé: Nếu mẹ thực hiện 2 thao tác trên, con vẫn không thở được, mẹ cần tiếp tục tiến hành việc ấn ngực sơ cứu cho bé. Mẹ hãy để con nằm ngửa, phần đầu thấp hơn phần ngực. Mẹ dùng tay ấn lực vừa phải 5 cái liên tiếp trong khoảng 5 giây ở vùng giữa ngực, cách trung điểm của đường nối 2 núm ti bé một khoảng 2.5 – 3cm về phía dưới rốn của con.

Mẹ cần xử lý kịp thời khi con bị sặc nước. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Mẹ cần liên tục thực hiện thao tác vỗ lưng cho con sau đó ấn ngực và quay vòng khoảng 4 – 5 lần/thao tác cho đến khi con thở được. Sau khi sơ cứu, mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Lưu ý khi cho bé uống nước sau ăn dặm

Để con phát triển khỏe mạnh nhất mẹ cần bỏ túi những lưu ý khi cho con uống nước sau ăn dặm dưới đây:

Lượng nước vừa đủ theo tháng tuổi của bé

Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Mẹ chỉ nên cho con uống nước khi con được 6 tháng tuổi. Thời điểm này, con đang bắt đầu ăn dặm, việc cho con uống nước sau khi ăn dặm sẽ giúp con dễ tiêu hóa hơn và phòng ngừa tình trạng táo bón.

Đối với con ăn dặm sớm (dưới 6 tháng tuổi), mẹ chưa nên cho con uống nước trắng mà chỉ nên cho con uống một chút sữa mẹ hoặc sữa công thức sau ăn dặm. Việc uống nước trắng có thể làm loãng nồng độ dinh dưỡng, gây mất cân bằng điện giải, làm giảm nồng độ kali, natri,… trong máu.

Con ăn dặm cần uống lượng nước vừa đủ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Lượng nước phù hợp đối với trẻ sau khi ăn dặm là 15 – 30ml nước (khoảng 2-4 thìa). Khi con qua 1 tuổi, lượng nước có thể tăng lên phụ thuộc vào nhu cầu của con.

Khi bắt đầu ăn dặm tập cho bé quen dần với 1 muỗng nước.

Loại nước cũng là yếu tố quan trọng mẹ cần chú ý. Khi con bắt đầu ăn dặm, mẹ chỉ nên cho con uống nước đun sôi để nguội. Khi hệ tiêu hóa của con dần thích nghi được với các nguồn dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ (khoảng 1-2 tuần sau đó), mẹ có thể cho con uống nước ấm, nước ép hoa quả, nước canh rau củ luộc,…

Thời điểm cho bé uống nước

Mẹ hãy cho con uống nước vào các thời điểm dưới đây:

  • Khi con ngủ dậy

  • Khi con vừa tắm xong

  • Sau khi con khóc nhiều

  • Sau khi con hoạt động vui chơi

  • Khi con đổ nhiều mồ hôi

  • Thời điểm mà người lớn cũng cảm thấy khát nước

Ngoài ra, nếu mẹ thấy lượng nước tiểu của con ít hơn bình thường thì hãy cho con uống nước nhé! Mẹ cũng ghi nhớ cho con uống từng thìa tránh tình trạng sặc nước.

Tránh nước uống có chất kích thích, có cồn

Mẹ lưu ý tránh cho con uống các đồ uống có cồn hay chất kích thích, tránh uống caffein, đồ uống có đường, đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh,… vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của con.

Xem thêm: Nhu cầu và lịch trình ăn uống vận động giấc ngủ của trẻ 11 tháng tuổi

Như vậy, thắc mắc của mẹ về trẻ ăn dặm xong có nên uống nước không đã được giải đáp chi tiết. Hy vọng qua bài viết trên đây, mẹ đã hiểu rõ hơn những lưu ý khi con uống nước sau bữa ăn dặm. Đừng quên theo dõi Monkey để tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích trong hành trình chăm sóc thiên thần nhỏ nhé!