Cơ quan hành chính nhà nước – Chủ thể quản lý hành chính nhà nước quan trọng nhất

Quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt động của nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa – xã hội và hành chính – chính trị. Cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể quản lý hành chính nhà nước quan trọng nhất là bởi vì:

1. Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chủ yếu được coi là chức năng của cơ quan hành chính nhà nước:

Trong bộ máy nhà nước, mỗi hệ thống cơ quan có chức năng khác nhau và chức năng của cơ quan hành chính nhà nước chính là chức năng quản lý hành chính nhà nước (thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành). Biểu hiện của tính chất chấp hành là mọi hoạt động quản lý hành chính nhà nước đều được tiến hành trên cơ sở pháp luật và để thực hiện pháp luật. Tính chất điều hành được thể hiện ở hoạt động tổ chức và chỉ đạo trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền để đảm bảo các văn bản pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước được thực hiện trên thực tế.

Để thực hiện chức năng này, cơ quan hành chính nhà nước tiến hành hoạt động quản lý trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như quản lý nhà nước về văn hóa, giáo dục, thông tin, thể tha, du lịch; quản lý nhà nước về kinh tế, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và môi trường… thông qua các hình thức quản lí hành chính nhà nước như: ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật; thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lý; áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp; thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật.

Mỗi cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước khác nhau mang tính chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể như các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc có chức năng quản lí hành chính nhà nước về những ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước như Chính phủ. Các cơ quan nhà nước khác cũng thực hiện những hoạt động quản lý hành chính nhà nước nhưng chỉ thực hiện trong phạm vi nhất định, đó không phải là phương diện hoạt động chủ yếu mà chỉ là hoạt động được thực hiện nhằm hướng tới hoàn thành chức năng cơ bản của cơ quan nhà nước đó như:

Chức năng lập pháp của Quốc hội, chức năng xét xử của tòa án nhân dân, chức năng kiểm sát của viện kiểm sát nhân dân. Chỉ có cơ quan hành chính nhà nước mới thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội… Và việc thực hiện hoạt động đó là nhằm hoàn thành chức năng quản lý hành chính nhà nước. Đồng thời thông qua hoạt động chấp hành – điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ đảm bảo việc thực hiện pháp luật trong thực tiễn.

2. Cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể quản lý hành chính nhà nước thường xuyên nhất:

Các quan hệ thuộc phạm vi quản lý hành chính nhà nước bao gồm ba nhóm cơ bản, cụ thể là:

– Các quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

– Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và củng cố chế độ công tác nội bộ của mình.

– Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cá nhân và tổ chức được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.

Có thể nói nhóm quan hệ cơ bản và quan trọng nhất của hoạt động quản lý hành chính nhà nước là nhóm các quan hệ quản lí phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành- điều hành trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Bởi vì đây là nhóm quan hệ diễn ra thường xuyên nhất trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Đối với nhóm quan hệ thứ hai được hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và củng cố chế độ công tác nội bộ nhưng đó không phải là phương diện hoạt động chủ yếu mà chỉ nhằm ổn định về tổ chức để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình ví dụ như kiểm tra nội bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức…

Nhóm quan hệ thứ ba cũng không phải nhóm quan hệ chủ đạo mà chỉ phát sinh trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định. Như vậy có thể thấy rằng chỉ có cơ quan hành chính nhà nước mới thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước một cách thường xuyên nhất.

Cơ quan hành chính nhà nước - chủ thể quản lý hành chính nhà nước quan trọng nhất

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

3. Các cơ quan hành chính nhà nước tham gia quản lý hành chính nhà nước với số lượng lớn:

Trong hệ thống các cơ quan của bộ máy nhà nước thì cơ quan hành chính nhà nước chiếm số lượng lớn nhất. Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước được thành lập và tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở theo Luật tổ chức Chính phủ năm 2001.

Nếu căn cứ vào phạm vi lãnh thổ thì cơ quan hành chính nhà nước gồm có: Cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương gồm Chính phủ thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước trên toàn bộ lãnh thổ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng của ngành mà mình đảm nhiệm.

Cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương gồm ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực trong phạm vi địa giới hành chính nhất định của địa phương mình. Các cơ quan hành chính nhà nước này có mối liên hệ mật thiết, thống nhất, chặt chẽ với nhau khi tham gia vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Giúp cơ quan hành chính thực hiện tốt chức năng của mình là đội ngũ cán bộ, công chức khá lớn trong khi các chủ thể khác chỉ có một hoặc một số tham gia quản lí hành chính

4. Chỉ có cơ quan hành chính nhà nước mới có đầy đủ quyền năng để thực hiện tất cả các hình thức quản lý hành chính nhà nước:

Các hình thức quản lý hành chính nhà nước bao gồm:

+ Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

+ Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật.

+ Thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lý.

+ Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp.

+ Thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật.

Trong số các hình thức trên thì những hình thức mang tính chất pháp lý như: ban hành văn bản quy phạm phá luật, ban hành văn bản áp dụng pháp luật và thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lý có vai trò quan trọng, là những hình thức quản lý hành chính nhà nước trực tiếp. Và không phải tất cả các chủ thể quản lý hành chính nhà nước đều có thể thực hiện bởi nó được pháp luật quy định rất cụ thể về chủ thể tiến hành, trình tự, thủ tục cũng như hiệu lực thi hành. Chỉ có cơ quan hành chính nhà nước, với những thẩm quyền được pháp luật quy định cụ thể mới có thể tiến hành tất cả các hình thức quản lý hành chính nhà nước nêu trên đặc biệt là hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong tất cả các hình thức nêu trên thì ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hình thức quan trọng nhất trong hoạt động của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Bởi các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành chỉ quy định những vấn đề chung, cơ bản không bao hàm hết mọi vấn đề của đời sống xã hội. Chúng cần phải được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực của quản lý hành chính nhà nước. Nhiệm vụ cụ thể hóa đó được pháp luật trao cho các cơ quan hành chính nhà nước tương ứng..

Trong các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan hành chính nhà nước quy định những quy tắc chung trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, quyền hạn và nghĩa vụ cụ thể của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước, xác định rõ thẩm quyền cũng như thủ tục tiến hành hoạt động của các chủ thể quản lý… Có rất nhiều văn bản như Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; Quyết định, chỉ thị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Ủy ban nhân dân v.v…

Thông qua việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cơ quan hành chính nhà nước không những tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để thực hiện chức năng của mình mà còn quy định thẩm quyền của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước khác. Đồng thời vai trò điều chỉnh của hoạt động chấp hành quyền lực nhà nước qua đó được thể hiện một cách tương đối đầy đủ và sáng tạo.

Như vậy có thể thấy rằng phạm vi hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước và khả năng sử dụng nó nhằm điều chỉnh các mặt khác nhau của hoạt động chấp hành-điều hành là rất lớn. Và cần phải thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay, cơ quan hành chính nhà nước ban hành một số lượng khổng lồ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chính hầu hết các lĩnh vực, các mặt khác nhau của đời sống xã hội.