Cách quấn tã cho bé

Quấn tã cho trẻ đã dần trở thành một phần không thể thiếu khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong nhiều thế kỷ. Cảm giác được cuộn tròn trong tã có nhiều điểm tương đồng như khi trẻ còn nằm trong tử cung của người mẹ ở giai đoạn bào thai hoặc khi được ôm ấp, vỗ về. Những đứa trẻ được quấn tã đúng cách dường như cũng ngủ ngon hơn, đặc biệt có ích với những trẻ có vấn đề liên quan đến thần kinh và tiêu hóa.

Việc quấn tã đúng cách cũng giúp bố mẹ có thể ru ngủ trẻ sơ sinh ở tư thế nằm ngửa. Điều này đã được chứng minh giúp ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Một số trẻ sơ sinh gặp vấn đề khi ngủ ở tư thế nằm ngửa bởi vì chúng thường bị giật mình. Tuy nhiên, việc quấn tã trong suốt khi ngủ giúp hạn chế các cơn giật mình.

Tuy nhiên, bản thân việc quấn tã cũng có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, chân của trẻ thường được giữ thẳng và điều đó làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về khớp háng. Ngoài ra, nếu tấm khăn dùng để quấn trẻ bị lỏng và rời rạc, cùng với sự cử động của trẻ có thể dẫn đến tình trạng nghẹt thở.

Một số nghiên cứu khác còn cảnh báo một mối nguy hiểm của việc quấn tã không đúng cách. Tần suất xuất hiện hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh tăng lên ở những trẻ được quấn trong tư thế nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Đối với những trẻ trên 6 tháng tuổi, đặt trẻ ở tư thế nằm sấp làm tăng gấp đôi nguy cơ này.

Mặc dù, các nghiên cứu không đưa ra lý do chính xác tại sao nguy cơ gặp phải hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ tăng. Tuy nhiên, có thể tưởng tượng được rằng trẻ không thể ngẩng đầu lên nếu gặp khó khăn trong việc hô hấp khi đang ở tư thế nằm sấp. Đặc biệt, trong trường hợp trẻ được quấn chặt với tư thế úp mặt, bố mẹ sẽ khó phát hiện được bất thường vì không thể nghe được tiếng khóc. Vì thế tất cả phụ huynh có con nhỏ ở lứa tuổi sơ sinh cần trang bị cho bản thân những kiến thức về việc quấn tã đúng cách để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ.