Có thể đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú không? (Hình từ Internet)
Bạn đang xem: Có thể đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú không?
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
1. Điều kiện đăng ký kết hôn là gì?
Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
* Lưu ý: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
2. Có thể đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Xem thêm : Mối quan hệ giữa kỉ luật và dân chủ là gì?
Mặt khác, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
Như vây, nơi đăng ký kết hôn có thể là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú của công dân.
Tuy nhiên, trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Do đó, trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn có nơi thường trú và đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú thì người yêu cầu đăng ký kết hôn vẫn phải về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú để xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Sau đó, có thể tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó tạm trú.
(Khoản 1 Điều 11 Luật Cư trú 2020; khoản 1 Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)
3. Hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm những gì?
Hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm những giấy tờ sau:
* Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu, có đủ thông tin của hai bên nam, nữ. Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn (nếu người có yêu cầu lựa chọn nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp);
Xem thêm : Thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính năm 2024
* Người có yêu cầu đăng ký kết hôn thực hiện việc nộp/xuất trình (theo hình thức trực tiếp) hoặc tải lên (theo hình thức trực tuyến) các giấy tờ sau:
– Giấy tờ phải nộp:
Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn làm thủ tục đăng ký kết hôn.
– Giấy tờ phải xuất trình:
+ Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh.
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
+ Trích lục ghi chú ly hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn, hủy việc kết hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
(Quyết định 2228/QĐ-BTP ngày 14/11/2022)
* Lưu ý: Những nội dung nêu trên là đối với trường hợp đăng ký kết hôn không có yếu tố nước ngoài.
Nguyễn Thị Hoài Thương
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp