Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ lớn. Ngày 2/12/1990 nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới (thứ 21). Trong Nghị quyết, UNESCO ghi là “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất”. Cùng đợt này có Nê-ru (lãnh tụ Ấn Độ), Ha-đa-ra (Nhà sử học vĩ đại của Liên Xô).
Bạn đang xem: Sáu “Danh nhân văn hoá thế giới” của Việt Nam đều là các nhà thơ lớn
Cuộc đời Bác trọn vẹn vì nước, vì dân, một tâm hồn cao đẹp và sự nghiệp văn học có tầm vóc lớn lao về tư tưởng, bút pháp, phong phú, đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tạo. Bác sử dụng báo chí, thơ văn để tuyên truyền, thức tỉnh non sông, thức tỉnh đồng bào, kêu gọi lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần đấu tranh giành tự do, độc lập, trở thành vũ khí sắc bén, hiệu quả.
Thành tựu văn học của Người là nhiều tác phẩm viết bằng ba ngôn ngữ (Việt, Hán, Pháp) gồm văn chính luận (Đường kách mệnh, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 20/12/1946; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước ngày 17/7/1966; Di chúc, 1965-1969). Về thơ ca có hơn 250 bài, gồm tập Nhật kí trong tù và nhiều bài tuyên truyền, cổ động giai đoạn trước Tổng khởi nghĩa (Diễn ca Dân ta phải biết sử ta, Ca du kích, Ca sợi chỉ, Ca dân cày, Ca binh linh, Ca công nhân, Ca thiếu nhi, Ca phụ lão,…) và nhiều bài thơ chúc Tết được xuất bản thành các tập Thơ chữ Hán Hồ Chủ tịch; Thơ Hồ Chí Minh.
Bác là nhà báo vĩ đại, nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước và thế giới. Sự nghiệp văn học của Người lớn lao về tầm vóc, phong phú, đa dạng về thể loại, đặc sắc về phong cách sáng tạo. Vào giữa thế kỉ XX, sau khi nhà Nguyễn chấm dứt việc thi cử bằng chữ Hán (1919), trào lưu thơ tự do du nhập của phương Tây thì từ các nhà Nho đến giớí trí thức, văn nghệ sĩ đều chia tay với thơ Đường luật nhưng Bác Hồ lại viết nhiều nhiều thơ Đường luật như các bài trong tập Nhật kí trong tù.
Thành tựu văn học của Người bắt nguồn từ một tâm hồn yêu nước lớn, một cốt cách nghệ sĩ lớn và một trí thức văn hoá lớn. Với tư tướng cách mạng và những tác phẩm kì vĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đặt nền móng cho nền văn học.
Nguyễn Trãi (1390-1442)
Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, quê ở Hải Dương, sinh ra trong một gia tộc nhiều đời làm quan và sống vào thời kì lịch sử đầy biến động. Lên 8 tuổi mẹ qua đời phải về Côn Sơn ở với ông ngoại là Trần Nguyên Đán. Năm 1390, ông ngoại mất, Nguyễn Trãi theo cha về sống ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội nay.
Ông nổi tiếng thông minh, học rộng, hiểu biết nhiều lĩnh vực. Năm 20 tuổi đỗ thái học sinh (Tiến sĩ) và cùng cha ra làm quan nhà Hồ. Năm 1407 nhà Minh cướp nước, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi cùng em trai theo để chăm sóc cha.
Nghe lời cha khuyên, Nguyễn Trãi trở về nước tìm cách báo thù. Ông vào Thanh Hoá gặp Lê Lợi dâng kế sách Bình Ngô và được Lê Lợi trọng dụng. Nguyễn Trãi cùng Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh, giành độc lập cho đất nước năm 1427. Ông viết tác phẩm mang tính lịch sử Bình Ngô đại cáo tổng kết chiến thắng vẻ vang.
Nguyễn Trãi là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao đại tài, nhà văn hoá lớn, nhà thơ kiệt xuất. Ông có tầm nhìn xa, trông rộng, sáng suốt, nhân cách cao cả, cương trực, sống đầy hoài bão, dũng cảm đưa ra đường lối đổi mới.
Nguyễn Trãi có cả một kho tàng văn chính luận, thơ ca, khảo cứu lịch sử, nghiên cứu địa lí. Ông viết nhiều, thể hiện tài năng vượt trội, bút lực phi thường. Ngoài tác phẩm mang tính lịch sử là Bình Ngô đại cáo thì về thơ ca cũng đồ sộ. có các tập Ức Trai thi tập (105 bài) viết bằng chữ Hán, tập Quốc ân thi tập viết bằng chữ Nôm. Thơ chữ Hán, chữ Nôm, Nguyễn Trãi đều viết theo thể Luật Hàn (Đường luật Hàn Thuyên, đời nhà Trần). Luật này từ Hồ Xuân Hương đến nay không còn áp dụng.
Thơ văn Nguyễn Trãi rất phóng khoáng, tự do để biểu đạt cái hồn sự vật, hiện tượng xã hội một cách thần thái, tả cảnh thiên nhiên, bút pháp phong thái, điềm đạm chan hoà sự sống của một bậc đại nhân, đại nghĩa.
Làm quan dưới hai đời vua (Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông), Nguyễn Trãi ra sức chèo lái con thuyền nhà Lê đi đúng đường lối chính nghĩa. Tuy nhiên, tài năng, đức độ của ông bị bọn nịnh thần ghen ghét. Nhân sự vụ vua Lê Thái Tông bị chết đột ngột ở Lệ Chi Viên, bọn gian thần vu cho ông giết hại nên triều đình khép tội, bị chu di tam tộc vào năm 1442. Vụ án oan nghiệt ấy đến năm 1464 vua Lê Thánh Tông mới giải oan cho Nguyễn Trãi.
Trong lịch sử phong kiến, rất hiếm có nhân vật nào toàn tài như Nguyễn Trãi. Một con người cống hiến lớn trong cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước đã phải gánh chịu tai hoạ khốc liệt nhất. Ca ngợi Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông viết: “Ức trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tâm Ức Trai sáng tựa sao khuê)… Năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO đã công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới.
Nguyễn Du (1766-1820)
Xem thêm : 15 loại cây nên trồng trong nhà để không khí trong lành
Nguyễn Du tự Tố Như (hiệu Thanh Hiên), quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là tể tướng nhà Lê, Nguyễn Nghiễm. Mẹ là Trần Thị Tâm (quê Bắc Ninh) vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm (ông có 8 người vợ, 21 con). Nguyễn Du sinh ra ở đất Thanh Oai (Hà Tây cũ) mồ côi cha lúc 10 tuổi, mồ côi mẹ khi 13 tuổi. Tuy là con quan đại thần nhưng từ nhỏ Nguyễn Du sống vất vả, thiếu thốn, nhất là 10 năm lánh về nhà anh vợ tại Thái Bình. Sau khi bố vợ mất, con trai lớn mất, Nguyễn Du đưa con nhỏ Nguyễn Tứ về Tiên Điền thì dinh cơ của cha tan hoang, anh em đôi ngả.
Nghiệp làm quan của Nguyễn Du cũng lận đận. Khi Gia Long làm vua, ông được bổ làm tri huyện Phù Dung phủ Khoái Châu, rồi tri phủ Thường Tín cùng trấn Sơn Nam (Hà Đông). Năm 1803 được cùng phái bộ nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang sắc phong cho vua Gia Long. Ông từng cáo bệnh về quê rồi được triều đình thăng chức Đông Các Đại học sĩ, làm cai bộ tỉnh Quảng Bình. Năm 1812, cáo xin nghỉ về quê xây mộ anh Nguyễn Lễ. Năm 1813, ông được triệu về kinh nhận hàm Cần Chánh điện học sĩ, cử đi sứ bên Trung Quốc. Về nước được làm Đề điệu trường thi Quảng Nam. Sau khi Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, năm 1820 Nguyễn Du bị bệnh và mất vào ngày 16/9/1820.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du để lại nhiều tác phẩm bất hủ viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thơ chữ Hán có Thanh Hiên thi tập (78 bài) chủ yếu viết về thời gian chưa ra làm quan; tập Nam trung tạp ngâm (40 bài) viết vào những năm 1805-1812 khi làm quan ở Huế, Quảng Bình; tập Bắc hành tập lục (131 bài) ghi chép chuyến đi sứ Trung Quốc. Thơ chữ Nôm có Truyện Kiều, viết theo thể thơ lục bát (3.254 câu). Văn tế thập loại chúng sinh (184 câu) viết theo thể song thất lục bát; Văn tế sống Trường Lưu mĩ nữ (98 câu) theo lối văn tế,…
Trong các tác phẩm kinh điển ấy, Truyện Kiều là bức tranh rộng lớn về xã hội thời đại. Tác phẩm kể cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi, truân chuyên của Thuý Kiều tài sắc nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha. Nó phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến thối nát, bất công, tàn bạo và phản ảnh nỗi thống khổ, bất hạnh của con người, nhất là phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Tác phẩm đề cao tình yêu, hôn nhân tự do, khát vọng công lí và ca ngợi vẻ đẹp con người. Mối tình Kim Trọng – Thuý Kiều là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu đôi lứa trong văn học.
Với nghệ thuật tự sự, miêu tả, khắc hoạ nhân vật trong Truyện Kiều, Nguyễn Du tài tình kết hợp tinh hoa ngôn ngữ bác học với tinh hoa ngôn ngữ bình dân. Tiếng Việt và thể thơ Lục bát đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Đóng góp của Nguyễn Du vào bình diện ngôn ngữ là điển hình trong lịch sử văn học. Truyện Kiều không chỉ lay động dân tộc Việt mà còn được dịch ra 30 thứ tiếng trên thế giới.
Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hoá thế giới” ngày 25/10/2015.
Chu Văn An (1292-1370)
Chu Văn An tên thật Chu An, hiệu Tiều Ẩn (Tiều phu ở ẩn), quê làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ ham học, học giỏi. Đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), Chu Văn An không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học ở làng Cung Hoàng. Đó là trường tư thục đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước nhà. Học trò của Chu Văn An không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, không phải quý tộc, hoàng tộc.
Ông tự soạn 10 quyển giáo trình Nho học Tứ thư thuyết ước theo bộ sách Tứ thư của Chu Hy đời Tống, với quan điểm và triết lí giáo dục “vì con người”, “giáo dục không phân biệt giàu, nghèo”. Học trò có nhiều người thành đạt như Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh,…
Năm 1320, vua Trần Nghệ Tông mời Chu Văn An ra làm quan, ông từ chối. Đến vua Trần Minh Tông triệu ông ra làm tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, đồng thời dạy các thái tử. Năm 1336, Trần Dụ Tông lên ngôi (mới 8 tuổi) Minh Tông làm Thái thượng hoàng. Từ đó cho đến năm 1400 là giai đoạn nhà Trần sa sút, cuối triều đại tha hoá, đổ nát.
Khi còn làm ở Quốc Tử Giám, Chu Văn An viết Thất trảm sớ dâng lên nhà vua đòi chém đầu 7 tên nịnh thần, gây chấn động triều đình. Vua Trần Dụ Tông không nghe. Ông từ quan về ở ẩn tiếp tục dạy học, làm thơ cho đến khi qua đời (1370).
Ông được người đời tặng danh hiệu “Vạn thế sưu biểu”. Ông là nhà giáo vĩ đại, tâm sáng muôn đời, trọn vẹn cống hiến hết mình cho đất nước. Ông là cha đẻ của triết lí “giáo dục không phân biệt giàu, nghèo”,….
Vừa dạy học vừa sáng tác, sự nghiệp văn học của Chu Văn An rất lớn, với nhiều tác phẩm quý giá như Thất trảm sớ, các tập thơ Đường luật Quốc âm thi tập, Tiều Ẩn thi tập, các tác phẩm Miết trì, Nguyệt tịch bộ, Tiên Du sơn tùng kính, Giang Đình tác,…
Chu Văn An đóng góp to lớn cho giáo dục và văn học nước nhà. Ông được Đại hội đồng UNESCO tại Pa-ri (Pháp) quyết định vinh danh là “Danh nhân văn hoá thế giới” ngày 7/11/2019. Tên tuổi ông đi vào lịch sử. Văn Miếu – Quốc Tử Giám thờ tượng ông trong nhà Thái học. Nhiều đền, chùa đặt tượng ông. Nhiều đường phố các đô thị lớn, hàng trăm trường học trong cả nước mang tên Chu Văn An với lòng thành kính.
Hồ Xuân Hương (1772-1822)
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh ra vào cuối thời Lê – Trịnh, quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bố là Hồ Phi Diễn, một vị quan đại thần đương thời. Hồ Xuân Hương chủ yếu sống ở kinh thành Thăng Long nhưng cuộc đời đầy ngang trái, éo le, hai lần đi lấy chồng đều làm lẽ, cuối cùng vẫn cô đơn. Bà từng có nhà riêng bên Hồ Tây mang tên Cổ Nguyệt Đường và giao lưu với nhiều danh sĩ.
Xem thêm : Khoai sọ chữa bệnh tiểu đường – “Bạn thân” giúp đường huyết tăng
Về sự nghiệp văn chương, Hồ Xuân Hương để lại nhiều bài thơ viết bằng chữ Nôm và chữ Hán. Toàn bộ theo thể Đường luật: Thất ngôn bát cú và Tứ tuyệt. Những tác phẩm nổi tiếng như: Bà lang khóc chồng, Bạch Đằng giang tạm biệt, Bài ca theo điệu Xuân đình lan, Bánh trôi nước, Diễu ông đồ, Vịnh Cái quạt 1, Cái quạt 2, Cảnh làm lẽ, Tự tình 2,… Bà còn có tập Lưu hương kí (24 bài) viết bằng chữ Hán, tiêu biểu các bài Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Độ hoa phong, Trạo ca thanh, Thuỷ văn hương,….
Là nhà thơ phụ nữ, viết về phụ nữ dưới thờì phong kiến thối nát, bệnh hoạn, thơ Hồ Xuân Hương vừa thanh vừa tục, tục mà thanh. Nhân vật phản ánh thường là người phụ nữ bất hạnh, vua chúa, quan lại, thư sinh bút nghiên, kẻ tự xưng là “hiền nhân quân tử” nhưng hành động xấu xa, bộc lộ khát vọng tự do, bình đẳng cho giá trị con người, nhất là đối với phụ nữ. Hồ Xuân Hương có biệt tài sử dụng điệp khúc, âm điệu, tiết tấu độc đáo trong mỗi ý, mỗi hoàn cảnh giúp người đọc dễ tưởng tượng, liên tưởng. Có nhà nghiên cứu cho rằng, thơ bà “thật tinh quái”, “những câu hay đọc lên ghê người”, “trong thơ có quỷ”.
Với phong cách của ngòi bút trào lộng, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ hiếm hoi ở nước ta và trên thế giới, vừa thể hiện cá tính mạnh mẽ vừa sâu lắng tâm trạng sâu kín trong nỗi khổ cuộc đời hẩm hiu, cô đơn, bất hạnh.
Thơ Hồ Xuân Hương được phổ cập chương trình Ngữ văn từ trung học cơ sở đến hệ đại học. Nhà thơ Xuân Diệu tôn vinh bà là “Bà chúa thơ Nôm”. Thế giới xếp hạng Hồ Xuân Hương thuộc diện người nổi tiếng thứ 1.607 và đứng thứ 2 trong danh sách các nhà thơ (nữ) thế giới. Bà có tên ở nhiều đường phố trong các đô thị và rất nhiều trường học trong cả nước.
Ngày 23/11/2021, UNESCO quyết nghị vinh danh Hồ Xuân Hương là “Danh nhân văn hoá thế giới” cùng Nguyễn Đình Chiểu.
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)
Nguyễn Đình Chiểu, tục là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phú, Hối Trai, là một nhà thơ lớn vùng Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Xuất thân trong một gia đình nhà nho, cha là Nguyễn Đình Huy, quê Thừa Thiên Huế, vào công vụ ở Gia Định lấy vợ hai là bà Trương Thị Thiết, sinh 7 người con, trong đó Nguyễn Đình Chiểu là con đầu.
Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Lúc 6-7 tuổi, ông theo học một thầy đồ. Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Con nuôi Tả quân là Lê Văn Khôi làm cuộc binh biến chiếm thành ở Gia Định, rồi chiếm Nam Kỳ. Biết sự việc, cha ông đem gửi con cho một người bạn là Thái phó ở Huế để ông tiếp tục học rồi lén vào Nam. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế 8 năm rồi trở vào Gia Định.
Năm 1843 ông đỗ tú tài, 4 năm sau ra Huế học chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849), cùng đi có em trai Nguyễn Đình Tựu, 10 tuổi.
Năm 1848, mẹ mất ở Gia Định, hai anh em bỏ học đi đường bộ về chịu tang. Thương mẹ trên đường khóc nhiều, đến Quảng Nam, Nguyễn Đình Chiểu ốm nặng, mù mắt, vào chữa bệnh ở một thầy thuốc có dòng dõi Ngự y. Thời gian ấy, ông học được nghề làm thuốc. Về Gia Định chịu tang mẹ, nhưng hôn thê bội ước, nhà cửa sa sút, nỗi buồn thê thảm. Năm 1851, ông mở trường dạy học và làm thuốc, sáng tác.
Ngày 16/12/1861, các nghĩa sĩ nông dân tập kích phá đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt tên tri huyện và một số quân địch nhưng 15 người hi sinh. Ông viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và đọc tại buổi truy điệu. Năm 1862, ba tỉnh Đông Nam Bộ thất thủ, Nguyễn Đình Chiểu vào Ba Tri (Bến Tre) dạy học, làm thuốc, làm thơ phản ảnh cuộc đấu tranh anh dũng của người dân Nam Kỳ suốt hơn 20 năm trong cảnh mù loà. Năm 1864 thủ lĩnh Trương Định (Gò Công) bị thương rồi tuẫn tiết. Xúc động, ông viết bài Văn tế Trương Định và 12 bài thơ liên hoàn.
Năm 1867, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông tổ chức đưa thi hài nhà giáo Võ Trường Toản về Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu cũng có bài điếu. Tỉnh trưởng Bến Tre Michel Pomchon đến mua chuộc, dụ dỗ, hỏi nguyện vọng. Nguyễn Đình Chiểu yêu cầu được tế lễ nghĩa sĩ Nam Kỳ. Toại nguyện, ông tổ chức tại chợ Ba Tri, đọc bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh. Buồn rầu vì nước mất, vợ mất, nhà tan, Nguyễn Đình Chiểu qua đời, thọ 66 tuổi.
Nguyễn Đình Chiểu cống hiến về văn chương là rất lớn. Ông để lại những tác phẩm như trường ca Lục Vân Tiên (2.082 câu lục bát), truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu (3.456 câu lục bát, xen kẽ Đường luật). Ngoài nhiều bài văn tế còn có Ngư tiều y thuật vấn đáp, diễn ca phần lớn lục bát (3.642 câu), cuốn sách dạy làm thuốc, lồng tư tưởng yêu nước vào nội dung y thuật.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, đạo hiếu. Tuy bị mù loà trong giai đoạn xã hội biến loạn vẫn giữ phẩm cách thanh cao, để lại nhiều tác phẩm có giá trị, thu hút mạnh mẽ người dân Nam Bộ. Tác phẩm của ông phần lớn bằng chữ Nôm, có phần đề cao Nho giáo, gắn chặt với vận mệnh đất nước, khởi đầu cho một thời đại văn chương sử thi mới. Nguyễn Đình Chiểu có 2 người con trong giới văn chương: Sương Nguyệt Anh (con gái thứ tư) và Nguyễn Đình Chiêm (con trai thứ năm).
Năm 1965, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam lập Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu. Toàn bộ Khu đền thờ và mộ nhà thơ ở huyên Ba Tri được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 16/3/1993 công nhận Di tích lịch sử văn hoá. Ngày 23/11/2021, Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO công nhận là “Danh nhân văn hoá thế giớí” cùng với Hồ Xuân Hương.
Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp