Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42, ngày 21/11/2023, đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025,” trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Như vậy, đến nay, UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của 7 Danh nhân Việt Nam: 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi (1980); 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990); 250 năm Ngày sinh thi hào Nguyễn Du (2015); 650 năm Ngày mất Nhà giáo Chu Văn An (2019); 200 năm Ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021); 250 năm Ngày sinh, 200 năm Ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương (2021) và 300 năm Ngày sinh của Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).
Bạn đang xem: Điểm lại 7 Danh nhân của Việt Nam được UNESCO vinh danh
Lê Hữu Trác – “Y thánh của Việt Nam”
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp, cho biết việc UNESCO vinh danh Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của cá nhân Danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời,” là những giá trị mà UNESCO đang thúc đẩy.
Nghị quyết được toàn thể thành viên UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Danh y Lê Hữu Trác không chỉ là một nhà y dược học lớn mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Là con của Tiến sỹ Thị lang Bộ Công triều, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện.
Lê Hữu Trác từng thi đậu Tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh.
Ông là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, là người có chí khí thanh cao nên sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội.
Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai mất và phải nuôi mẹ, ông xin về quê mẹ ở ẩn.
Một cơ duyên đã đưa ông đến với nghề thuốc, đó là trong một lần ốm nặng chạy chữa nhiều nơi không khỏi, ông gặp được lương y Trần Độc ở Rú Thành, tỉnh Nghệ An, để chữa bệnh.
Trong hơn một năm chữa bệnh, những lúc rỗi rãi, Lê Hữu Trác thường mượn sách thuốc của thầy Trần Độc để đọc. Và phần lớn những gì viết trong sách ông đều thấu hiểu.
Thấy Lê Hữu Trác là người sáng dạ, lại có duyên với nghề y dược, lương y Trần Lộc ngỏ ý truyền nghề cho ông.
Vốn là người thông minh, học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ có ích cho mình mà còn có thể giúp đời, giúp người, nên ông quyết chí theo học thuốc.
Lê Hữu Trác tìm đọc rất nhiều sách, đêm ngày miệt mài nghiên cứu y dược, lấy hiệu danh là Hải Thượng Lãn Ông.
Để xây dựng nền y học Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông đề cao sự độc lập suy nghĩ, chống giáo điều, dựa trên thực tế khách quan, trung thực nhận xét để tìm ra chân lý. Ông tham khảo nhiều sách Trung y, và áp dụng một cách sáng tạo lý luận Đông y vào hoàn cảnh Việt Nam, trên cơ thể con người Việt Nam.
Ông nghiên cứu lâm sàng một cách sâu sắc, ghi chép hồ sơ bệnh án một cách tỉ mỉ, chẳng những hồ sơ bệnh chữa khỏi mà cả hồ sơ bệnh tử vong cũng được ghi lại với tất cả lòng trung thực của bản thân để trưng cầu ý kiến đồng nghiệp và làm tài liệu tham khảo nghiên cứu.
Hải Thượng Lãn Ông không chỉ lo cứu người mà ông còn luôn lo nghĩ tới việc viết sách để truyền bá y học Việt Nam đã được các bậc tiên y xây dựng từ trước, và bản thân ông đã dày công đào tạo những thế hệ thày thuốc Việt Nam có đạo đức và y thuật, đủ khả năng bảo vệ sức khỏe cho dân tộc.
Sự nghiệp y dược nổi tiếng của Hải Thượng Lãn Ông được tập hợp trong bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh,” gồm 28 tập, 66 quyển, đề cập từ nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu đến y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, thậm chí cả chế biến các món ăn dưỡng bệnh…
Có thể nói “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” là tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam.
Không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.
Năm 1781, chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Ông có thuật lại sự việc này trong quyển “Thượng kinh ký sự.”
Cuốn sách khá nổi tiếng này phản ánh sự thực của lịch sử, cách sống của vua chúa, cách giao du của tầng lớp công khanh nho sĩ, đồng thời miêu tả lại hình ảnh kinh thành Thăng Long cách đây hơn 200 năm, trong đó có nhiều di tích nay không còn nữa.
Hải Thượng Lãn Ông còn là một nhà thơ có tài, lời thơ mới mẻ, tứ thơ man mác, rất ý nhị được thể hiện trong “Y lý thâu nhân lý ngôn phú chí.”
Ông đã sáng tác rất nhiều bài ca, lời lẽ giản dị, rõ ràng, để người dân bình thường có thể hiểu được, nhớ được về y học dân tộc, như: các bài ca về bào chế thuốc trong “Lĩnh Nam bản thảo,” các bài ca về vệ sinh trong “Vệ sinh yếu quyết diễn ca,” các bài ca về cách xem xét ngũ tạng và các mạch ở tay chân trong “Y gia quan miên”…
Hải Thượng Lãn Ông mất ngày rằm tháng giêng âm lịch năm 1791 tại Bầu Thượng, xã Tịnh Diện (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Nhân dân và giới y học cả nước suy tôn ông là bậc “Y thánh của Việt Nam” và lập miếu thờ chung với Danh y Tuệ Tĩnh ở Hà Nội.
Nguyễn Trãi – Danh nhân Văn hóa Thế giới, nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị thiên tài
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh nguyên quán ở làng Chi Ngại (nay thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội); thân mẫu là Trần Thị Thái, con gái của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, ông về ở với cha tại Nhị Khê. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi sớm nổi tiếng về tài đức và chí lớn.
Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh, năm sau ra nhận chức Ngự sử đài chánh trưởng dưới triều Hồ.
Từ năm 1407, giặc Minh đô hộ nước ta. Nuôi ý chí cứu nước, cứu dân, ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Bình Định vương Lê Lợi.
Ông trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ XV. Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại cáo” – một áng “Thiên cổ hùng văn” muôn đời bất hủ, là bản tuyên ngôn đanh thép, hùng hồn về nền độc lập và vị thế dân tộc.
Điểm cốt lõi mà “Bình Ngô đại cáo” thể hiện chính là lý tưởng “nhân nghĩa” mà nhân dân ta mãi mãi ngợi ca và hướng tới:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”
Xem thêm : Tế bào gốc là gì? Ứng dụng của tế bào gốc trong làm đẹp
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”
Đất nước hòa bình, với ước vọng tham gia “Duy tân đất nước, xây dựng nền thái bình muôn thuở…,” Nguyễn Trãi tiếp tục hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội dưới Triều Lê; có công lớn trong việc tạo ra nền tảng kinh tế-xã hội, sự hòa hợp giữa “Nước và Dân” – nguồn lực xây dựng đất nước Đại Việt vững mạnh đương thời. Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới.
Đánh giá những đóng góp xuất sắc, đa dạng của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và sự phát triển những giá trị nhân văn nhân loại, năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm Ngày sinh của ông, Nguyễn Trãi đã được UNESCO chính thức công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới, nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị thiên tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng Giải phóng Dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất
Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là khởi nguồn cho niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân.
Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới.
Hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và nhận thức rõ rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ và Người khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc phải tự mình làm lấy.”
Người tin tưởng ở con đường đi của mình, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, của dân tộc.
Người còn là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, anh dũng đấu tranh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.
Ðó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Ðó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Ðó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Với những thắng lợi đó, Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa kiệt xuất, nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam với những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục các thế hệ con người Việt Nam mới, giúp cho mọi người Việt Nam ai cũng được học hành, từng bước nâng cao trình độ văn hóa của cả dân tộc.
Sự nghiệp đó gắn liền với sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, luôn hướng về con người, hướng về dân tộc, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Với bạn bè quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của khát vọng hoà bình, đấu tranh chống áp bức, bất công.
Với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do,” bằng những cống hiến về tư tưởng cũng như về thực tiễn chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giải phóng các dân tộc bị áp bức, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới.
Người đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về sự bình đẳng giữa các dân tộc và đồng thời là hiện thân sinh động về sự bình đẳng ấy.
Với những cống hiến xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất” vào năm 1990.
Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc
Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh ra trong một gia đình khoa bảng nổi danh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Nguyễn Du mồ côi cha năm 10 tuổi, mồ côi mẹ năm 13 tuổi. Cuộc đời phải trải qua những năm tháng gian truân, trôi dạt vất vả.
Nhưng khả năng thiên bẩm và truyền thống gia đình đã giúp tài năng văn học của ông có điều kiện nảy nở và phát triển từ sớm.
Khi ra làm quan dưới triều Nguyễn, ông từng đi sứ Trung Quốc, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, từng trải trong cuộc sống… tất cả những điều đó đã có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của đại thi hào.
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du trải dài suốt cuộc đời, rất phong phú và đồ sộ, gồm 3 tập thơ chính bằng chữ Hán: “Thanh Hiên thi tập,” “Bắc hành tạp lục,” “Nam trung tạp ngâm” với gần 250 bài và nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm, trong đó xuất sắc nhất là “Truyện Kiều.”
Những tác phẩm của Nguyễn Du cũng thể hiện ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật giáo và nhiều nguồn tư tưởng khác, vì thế, Nguyễn Du không chỉ là một đại thi hào mà còn là một nhà tư tưởng, thể hiện nhận thức của mình thông qua thơ ca.
Nhiều câu thơ của ông là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về số phận con người, về những cảnh huống của đời người. Đó không phải là vấn đề của một thời mà của nhiều thời. Đó không phải là vấn đề của một con người, một quốc gia, một cộng đồng mà của toàn nhân loại.
Những giá trị nghệ thuật trong di sản văn học của Nguyễn Du, đặc biệt tác phẩm “Truyện Kiều,” là kết quả tài năng xuất chúng của cá nhân Đại thi hào, nhưng cũng là kết tinh của mấy nghìn năm phát triển của văn hóa, văn học dân tộc kết hợp với những thành tựu của văn hóa khu vực Đông Nam Á.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
“Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập, Nga…) với trên 60 bản dịch khác nhau. Tại mỗi quốc gia, tác phẩm để đời này đều được đón tiếp nồng nhiệt và đều có một đời sống riêng.
“Truyện Kiều” đã tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc, vẻ đẹp của thơ ca, của cốt cách và tâm hồn Việt Nam, khẳng định vị trí số một của Nguyễn Du trong nền văn học dân tộc và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới như một trong những nhà thơ vĩ đại nhất.
Chu Văn An – “Người thầy của muôn đời”
Chu Văn An (1292-1370) tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt, quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Được đánh giá là người thầy của mọi thời đại, Chu Văn An đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.
Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới các thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực.
Xem thêm : Giấy tờ có giá là gì? Các loại giấy tờ có giá
Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.
Là người chính trực, không màng danh lợi, nên khi thi đỗ Thái học sinh (tức Tiến sỹ) vào đời Trần Minh Tông (1314-1329), nhưng ông không ra làm quan mà trở về quê nhà mở trường dạy học – trường Huỳnh Cung.
Trong số môn đệ của ông, có nhiều người thành đạt, làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát – cả hai đều đỗ Thái học sinh và làm đến chức Hành khiển trong triều Trần. Họ không chỉ được ông dạy chữ thánh hiền mà còn được dạy về đạo đức của bậc trí nhân quân tử.
Tiếng tăm uy tín của trường Huỳnh Cung cũng như tư cách của thầy Chu Văn An ngày càng lớn và vua Trần Minh Tông đã cho mời ông đến Thăng Long giữ chức Tư nghiệp (tức Hiệu trưởng) tại Quốc Tử Giám và dạy học cho các Hoàng tử, trong đó có hoàng tử Trần Hiến Tông, sau này là vua Hiến Tông (trị vì từ năm 1329 đến năm 1341).
Chọn nghề giáo, nhưng Chu Văn An không sống lẩn tránh, quay lưng lại thời cuộc như đa số các văn sĩ thời bấy giờ.
Ông nhập thế với ý thức của một trí thức Nho giáo rất rõ ràng, chỉ có điều bằng con đường riêng của mình – con đường dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Nhân cách nhà giáo Chu Văn An đã được lưu truyền trong sử sách Việt Nam từ đời này qua đời khác. Ngày nay, tưởng nhớ tới đạo đức và sự nghiệp của ông, nhiều nơi trong nước có di tích thờ phụng ông, như: đền Thanh Liệt; đền Huynh Cung; đền Văn Điển; đền Phượng Sơn ở Chí Linh, Hải Dương, nơi ông về sống ẩn và dạy học, có dựng cột đá khắc 8 chữ: “Chu Văn Trình tiên sinh ẩn cư xứ.”
Nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng đã lấy tên ông để đặt tên cho một đường phố và một trường trung học lớn của Hà Nội. Đó là phố Chu Văn An và Trường Phổ thông Trung học Chu Văn An.
Nguyễn Đình Chiểu – chí sỹ yêu nước, nhà thơ lớn của dân tộc
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu hay còn được gọi là Cụ đồ Chiểu, tự là Mạch Trạch, Hiệu Trọng Phủ Hối Trai, sinh ngày 1/7/1822 tại Làng Tân Thới, Phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, Tỉnh Gia Định, nay thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu có vị trí danh dự, là một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Triết lý văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu là triết lý nhân sinh. Tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu dường như đã vượt qua tư tưởng Tống Nho chính thống. Tư tưởng Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu đang trên quá trình Việt hóa – bình dân hóa một cách sâu sắc.
Triết lý ấy thể hiện trong bài Than đạo:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Dù bản thân mù lòa nhưng ông lại có một trái tim sáng chói, nhìn rõ hết mọi việc của thế nhân, ông kiên quyết chống lại những thế lực đen tối bằng chính ngòi bút tài hoa, với những câu chuyện mang đậm tính nhân văn.
Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu để đời có truyện thơ Nôm: “Lục Vân Tiên,” “Dương Từ-Hà Mậu,” “Ngư tiều y thuật vấn đáp.”
Các tác phẩm thơ lẻ, văn tế: “Chạy giặc,” “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc,” “Văn điếu Trương Định,” “Văn tế lục tỉnh sỹ dân trận vong”… Trong số đó “Lục Vân Tiên,” là một tác phẩm đầu tay chứa đựng triết lý, trọng đạo nghĩa, tiết tháo làm người, thể hiện quan điểm ca ngợi, bảo vệ cái tốt, cái hay, cái đẹp và phê phán, “ghét cay, ghét đắng” cái xấu, cái ác.
Qua tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện tư tưởng đổi mới Nho giáo mới với những nguyên tắc trung-hiếu-tiết-nghĩa rất gần gũi, bình dị và rất Nam Bộ.
Còn tác phẩm “Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc” đã đưa ông lên vị trí người mở đầu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX.
Khác các tác giả trước đó, Nguyễn Đình Chiểu đã nhìn thấy sức mạnh to lớn của những người nông dân trong chống giặc xâm lược; kính trọng, ca ngợi họ như những người anh hùng.
Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên dùng văn chương tạc vào lịch sử chân dung những người nông dân-nghĩa binh, những tướng lĩnh đánh giặc.
Trọn đời, thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam, về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sỹ; thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu tận hiến cứu người, giúp đời bằng nghề thuốc của mình.
Tác phẩm “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” là một tập hợp phong phú nhiều bài thuốc mà ông đã dày công tổng hợp, học hỏi và nghiên cứu, để lại giá trị cho muôn đời sau.
Hồ Xuân Hương – “Bà Chúa thơ Nôm”
“Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương nguyên quán ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), là nữ thi sỹ nổi tiếng và tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa cuối thế kỷ XIX.
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo của Văn học Việt Nam. Hồ Xuân Hương, tên bà có nghĩa là “hương vị mùa xuân.” Bà đã viết cả những điều mà các nhà thơ khác cùng thời không dám viết. Thơ Hồ Xuân Hương độc đáo, hiếm có và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, có sức lan truyền, lan tỏa rộng rãi trên thế giới.
Thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.
Con người trong thơ bà là con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu trần thế, nhu cầu hiện sinh chính đáng.
Có thể nói tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền (quyền bình đẳng, quyền được yêu thương, hạnh phúc, quyền được công khai hiện diện trong cuộc sống) với tất cả những gì mà tạo hóa ban cho họ.
Điều này được thể hiện trong các bài thơ của bà như “Bánh trôi nước,” “Thiếu nữ ngủ ngày,” “Đèo Ba Dội,” “Động Hương Tích,” “Vịnh cái quạt,” “Dệt cửi,” “Đánh đu.”
Song song với tiếng nói đánh thức, khơi gợi diệu kỳ khó ai có thể làm được ấy là tiếng nói phê phán mạnh mẽ các thế lực (chế độ phong kiến, giáo lý Nho giáo, các giới, loại người “phàm phu, tục tử”) đã tạo ra những ràng buộc vô lý đối với con người, tạo ra sự bất bình đẳng giới giữa nam và nữ, tạo ra những lề thói, hủ tục cản trở sự tiến bộ (Lấy chồng chung, Không chồng mà chửa, Thân phận người đàn bà).
Nữ sỹ Hồ Xuân Hương không chỉ được đánh giá cao ở trong nước. Chính sự đánh giá cao của nhiều người nước ngoài càng làm chúng ta thêm tự tin. R. Tago trước kia và sau này là nhà thơ Pháp có tên tuổi ở châu Âu – Jăng Rixtal – trong bài Tựa bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Pháp, đã coi Hồ Xuân Hương là “một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam và không chút nghi ngờ, là một trong những nữ sĩ hàng đầu của châu Á.”
Cho đến năm 2021, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 13 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, trong đó tiếng Việt qua thơ Hồ Xuân Hương là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật đa nghĩa, nhiều hàm ý, sắc sảo, độc đáo và tài hoa, đầy thách thức đối với các “tài tử,” “văn nhân” đương đại khi chuyển ngữ, dịch thơ bà sang tiếng nước mình./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp