Giảm nguy cơ tái hẹp mạch vành sau đặt stent

Video đặt stent sau bao lâu thì ổn định

Có 2 loại stent kim loại chính: stent không phủ thuốc và stent phủ thuốc. Cả 2 loại này được làm bằng thép không gỉ hoặc hợp kim Cobalt Chromium. Chúng chỉ khác nhau là lớp thuốc chống tái hẹp, phủ lên mặt ngoài của stent. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu chế tạo ra stent tự tiêu với khung làm bằng các hợp chất hữu cơ, nhưng chưa được dùng phổ biến.

Sau khi stent được đặt vào lòng mạch vành, stent sẽ giống như 1 cái lò xo nhỏ, áp sát và nâng đỡ thành mạch, lòng mạch vành sẽ rộng ra. Ngay khi đặt đến 12 tháng sau là quá trình lành sẹo của mạch vành. Các tế bào nội mạc sẽ tăng sinh, mọc bò lên, phủ kín khung hợp kim này. Khung stent sẽ tồn tại vĩnh viễn nằm trong giữa thành mạch máu. Lớp thuốc phủ bên ngoài sẽ được giải phóng dần dần, giúp giảm sự tăng sinh, giảm sự lành sẹo quá mức tại vị trí đặt stent.

Sau 12 tháng, nếu quá trình làm lành vết thương tạo thành sẹo lồi quá mức gây hẹp lòng mạch vành nhiều hơn 50% gọi là tái hẹp trong stent. Nếu tế bào nội mạc chỉ mọc phủ lên stent 1 lớp mỏng, gây hẹp < 50% lòng mạch thì gọi là không tái hẹp. Người bệnh có thể chung sống với stent suốt đời, mà không cần phải lấy ra thay stent mới. Khung stent rất mỏng, không ảnh hưởng đến việc chụp cộng hưởng từ cho bệnh nhân sau này.

giảm nguy cơ tái hẹp sau đặt stent
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long đang tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Từ năm 1989 đến 2000, các công ty chỉ phát minh ra stent không phủ thuốc, tỷ lệ tái hẹp trong stent tại thời điểm 12 tháng sau đặt stent là khoảng 20-40%. Từ năm 2000, với sự tiến bộ của khoa học, có nhiều loại stent phủ thuốc, chống tái hẹp của nhiều công ty ra đời thì tỷ lệ tái hẹp giảm xuống còn 5-10%. Hiện nay, đại đa số các trường hợp hẹp mạch vành đều được đặt stent phủ thuốc.

Khi bị tái hẹp trong stent, bệnh nhân có thể đau ngực giống lần đầu, lúc chưa đặt stent. Để điều trị tái hẹp trong stent, có thể tiếp tục nong mạch vành lần thứ 2. Theo đó, chúng tôi sẽ nong bằng bóng phủ thuốc đối với tái hẹp ngắn (thuốc phủ trên mặt của bóng) hoặc đặt thêm stent phủ thuốc thứ 2, đối với tái hẹp dài, lan tỏa (stent mới lồng trong stent cũ) để ép mô sẹo ra ngoài, lòng mạch rộng ra thêm lần thứ hai.

Điều quan trọng nhất là lựa chọn thuốc chống tái hẹp khác loại với thuốc của stent cũ, để giảm nguy cơ tái hẹp thêm lần nữa. Tỷ lệ thành công ở lần tái nong mạch vành này đạt khoảng 95%, và vẫn có 5% nguy cơ tái hẹp lần nữa. Nếu tình trạng tái hẹp xảy ra sau nhiều lần nong, phẫu thuật mổ bắc cầu sẽ được chỉ định.

Để giảm thiểu nguy cơ tái hẹp trong stent và sự hẹp tiến triển của các mạch khác, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh và tái khám đều đặn, cụ thể:

  • Có chế độ ăn giàu chất béo tốt (như dầu ô liu, quả bơ, mỡ cá, các loại hạt…), hạn chế thực phẩm chứa chất béo xấu và chất béo trung tính (thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh…)
  • Kiểm soát các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu…
  • Giữ cân nặng ổn định (BMI trong khoảng 18,5 – 22,9).
  • Uống thuốc đầy đủ và đúng liều lượng theo đơn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc khi thấy triệu chứng bệnh đã được cải thiện.
  • Bỏ thuốc lá vì đây là tác nhân gây xơ vữa động mạch – căn nguyên gây tắc hẹp mạch vành.
  • Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút/ngày, 150 phút/tuần.
  • Khám sức khỏe tim mạch định kỳ theo lời dặn của bác sĩ.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM