Mức điểm 'an toàn' để trúng tuyển ĐH là bao nhiêu?

Không nên nhầm lẫn điểm sàn là điểm trúng tuyển

Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Biết điểm sàn, chọn phương thức xét tuyển tối ưu” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 2.8, tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho biết Trường ĐH Việt Đức hôm 29.7 đã công bố điểm sàn xét tuyển cho 7 ngành. Trong đó cao nhất là ngành khoa học máy tính, 23 điểm. Tiếp đến là kỹ thuật điện máy tính, kỹ thuật cơ khí 21 điểm; kiến trúc, quản trị kinh doanh, tài chính kế toán 20 điểm và kỹ thuật xây dựng 18 điểm.

Mức điểm 'an toàn' để trúng tuyển ĐH là bao nhiêu?

Các thí sinh thảo luận sau một buổi thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

NGỌC DƯƠNG

“Mức điểm sàn này căn cứ vào phổ điểm của các khối trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và dựa trên thống kê số lượng hồ sơ nộp vào trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trong 3 năm gần đây”, ông Huy lưu ý.

Còn thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho hay trường đã công bố mức điểm sàn cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là từ 15-18 điểm.

“Các em cần hết sức lưu ý, mức điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) ở khối ngành sức khỏe với sư phạm, chỉ là mức điểm nhận hồ sơ chứ không phải là điểm trúng tuyển. Không ít thí sinh đã nhầm lẫn 2 loại điểm này. Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành khối sức khỏe ở trường tốp trên có thể cao hơn rất nhiều so với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, có khi là 5-6 điểm. Hoặc các ngành hot ở các trường thì điểm chuẩn trúng tuyển cũng có thể cao hơn vài điểm so với điểm sàn”, thầy Nhơn chia sẻ.

Vì thế, theo thầy Nhơn, thí sinh cần cân nhắc rất kỹ mức điểm của mình liệu có phù hợp hay không trước khi đăng ký nguyện vọng. Để “định vị” chính xác hơn, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển của ngành, trường mà mình mong muốn trong 3 năm gần đây.

Tận dụng mọi cơ hội

Tiến sĩ Vũ Quốc Huy cho biết trong những ngày vừa qua, nhiều phụ huynh và thí sinh gọi điện đến trường bày tỏ trăn trở về chiến lược đăng ký nguyện vọng để có thể chắc chắn trúng tuyển vào ngành mình yêu thích.

“Nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm nhưng do điểm thi cao nên muốn thay đổi. Các em cần xác định rõ ràng nguyện vọng của mình. Nếu muốn học ngành mình đã trúng tuyển sớm thì các em đặt nguyện vọng đó lên đầu tiên. Trong trường hợp các em muốn dùng kết quả thi để xét tuyển thêm thì cũng nên đưa các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm vào danh sách đăng ký để có phương án “dự phòng”, để nếu không trúng tuyển bằng điểm thi, các em vẫn còn cơ hội trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm mà trước đó các em đã nằm trong danh sách trúng tuyển có điều kiện”, tiến sĩ Huy đưa ra lời khuyên,

Vấn đề xét tuyển sớm cũng được thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh: “Đúng là có nhiều thí sinh thấy điểm thi cao nên không quan tâm tới ngành mà mình đã trúng tuyến bằng phương thức xét tuyển sớm nữa. Các em cứ đăng ký các trường tốp trên bằng điểm thi, cần tham khảo mức điểm chuẩn so với điểm sàn của các trường trong mấy năm gần đây để xem điểm của mình có phù hợp hay không. Một số em chủ quan, điểm sát với điểm sàn nhưng không có phương án dự phòng. Hãy tận dụng quy định không giới hạn nguyện vọng. Và tốt nhất các em vẫn nên đưa nguyện vọng mình đã trúng tuyển sớm vào danh sách đăng ký”.

Thầy Võ Ngọc Nhơn thì khuyên thí sinh nên lựa chọn cùng một ngành nhưng ở nhiều trường, phương án này sẽ có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn là chọn nhiều ngành trong một trường, đồng thời sẽ được học đúng ngành mình thích. “Các em cũng phải điền tuyệt đối chính xác tất cả thông tin, năm nay có rất nhiều mã, chỉ cần sai lệch một chữ số là có thể nhảy sang thành mã ngành khác hoặc trường khác”, thầy Nhơn nhắn nhủ các thí sinh đang mong muốn trúng tuyển ĐH.