Điều 126 Bộ luật hình sự 2015 Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm thực hiện với lỗi cố ý xâm hại đến quyền sống của con người bằng hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”

1. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi luật định:

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

2. Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của con người.

3. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thể hiện ở hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Vì vậy, để xác định hành vi đó thuộc tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải xác định được người phạm tội có quyền phòng vệ chính đáng và trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng đã thực hiện hành vi quá mức cần thiết, dẫn đến gây cái chết cho người có hành vi xâm hại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 thì các điều kiện để xác định một người có hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:

– Nạn nhân đã có hành vi xâm hại quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phạm tội, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, hành vi đó nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

– Hành vi của nạn nhân đang gây thiệt hại hoặc đang đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phạm tội, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức.

– Trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, người phạm tội đã chống trả một cách quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây ra cái chết cho người có hành vi xâm hại.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Cả hai tội đều được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, thấy trước được hậu quả chết người, mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra.

5. Hậu quả

– Làm người khác chết

– Tuy nhiên trong thực tế xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng cần phân biệt phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Còn vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Rõ ràng quá mức cần thiết ở đây được hiểu là hành vi vi phạm pháp luật của nạn nhân phải có tính chất mà mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội.