Tư vấn

  1. Tuổi kết hôn là gì?

Pháp luật không định nghĩa cụ thể tuổi kết hôn là gì, tuy nhiên theo từ điển Luật học: “Tuổi kết hôn (hay được gọi là độ tuổi kết hôn) là độ tuổi mà một người phải đạt tới trước khi được phép kết hôn hợp pháp trong một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cụ thể”.

Xuất phát từ cơ sở khoa học: Các nghiên cứu trong lĩnh vực y học chỉ rõ phải đạt đến độ tuổi nhất định này nam, nữ mới phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý. Do đó, họ có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh về thể chất và trí tuệ, bản thân họ cũng đủ trưởng thành để thực hiện các nghĩa vụ của người làm chồng, làm vợ, làm cha, … Vì thế , quy định tuổi kết hôn góp phần tạo dựng lên những cuộc hôn nhân bền vững. Bên cạnh đó, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của những người trẻ tuổi, đặc biệt là để ngăn ngừa hôn nhân trẻ em và hôn nhân trái với ý muốn của họ.

  1. Quy định của pháp luật hiện hành về tuổi kết hôn

Tuổi kết hôn là một trong các điều kiện để nam, nữ kết hôn với nhau được pháp luật Việt Nam quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ 2014: “…Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên…”

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HN&GĐ 2014 đưa ra giải thích về độ tuổi kết hôn như sau:

“1. “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp nam đã đủ hai mươi tuổi, nữ đã đủ mười tám tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh.

Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh thì thực hiện như sau:

a) Nếu xác định được năm sinh nhưng không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là tháng một của năm sinh;

b) Nếu xác định được năm sinh, tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh được xác định là ngày mùng một của tháng sinh.

Các quy định về tuổi kết hôn ở nước ta chỉ xác định độ tuổi tối thiểu mà không có giới hạn về độ tuổi tối đa và độ tuổi này là khác nhau đối với nam và nữ. Do đó, nam và nữ có quyền kết hôn vào bất cứ thời gian nào, kể từ ngày đủ độ tuổi kết hôn và đáp ứng các điều kiện về kết hôn khác. Đặc biệt Luật HN&GĐ 2014 quy định “nam từ đủ 20 tuổi trở lên”, “nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” – tức là tuổi kết hôn được tính theo tuổi tròn, cứ hết 12 tháng (xác định theo ngày, tháng, năm sinh và phải căn cứ vào ngày tháng năm sinh được ghi trong giấy tờ hộ tịch để tính) thì được tính là 01 tuổi. Hay cũng có thể hiểu từ đủ 20 tuổi/18 tuổi là từ ngày sinh nhật thứ 20/thứ 18 của người đó. Ví dụ: A sinh ngày 27/10/2003 thì tới ngày 27/10/2023 thì A sẽ đủ 20 tuổi, và từ đủ 20 tuổi xác định là kể từ ngày 27/10/2023. Trong trường hợp, một bên hoặc cả hai bên nam hoặc nữ chưa đủ tuổi mà thực hiện việc kết hôn – tảo hôn sẽ vi phạm điều cấm của Luật HN&GĐ 2014.

Từ các quy định trên, có thể thấy để kết hôn, điều kiện về độ tuổi là bắt buộc, trong đó nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên.

  1. So sánh với quy định độ tuổi kết hôn trong Luật HN&GĐ năm 2000

Luật HN&GĐ 2014 hiện hành được đánh giá có nhiều điểm mới so với Luật HN&GĐ năm 2000, trong đó, việc thay đổi độ tuổi kết hôn của nam và nữ là điểm mới đáng chú ý.

Luật HN&GĐ năm 2000 đã kế thừa hoàn toàn về quy định độ tuổi kết hôn đối với nam và nữ của các Luật HN&GĐ trước đó khi quy định tuổi kết hôn như sau: “Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên”. Theo Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000: “Không bắt buộc nam phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn; do đó, nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về kết hôn”. Do đó, có thể hiểu “từ 18 tuổi trở lên” hoặc “từ 20 tuổi trở lên” tức là đã tròn 17 tuổi hoặc đã tròn 19 tuổi cộng với một đơn vị thời gian nhỏ hơn năm (có thể là giờ, ngày, tháng,…).

Trong khi đó, căn cứ vào Điều 17, Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2005 lại quy định người “từ đủ 18 tuổi trở lên” là người thành niên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ – tức là cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, trong đó có quyền được kết hôn (trừ các trường hợp tại Điều 22, 23 BLDS 2005). Đồng nghĩa với điều đó, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý… Bên cạnh đó, theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, thì đương sự là người “từ đủ 18 tuổi trở lên” mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ giữa các văn bản luật và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch dân sự (giao dịch về bất động sản, tín dụng,…), thực hiện quyền yêu cầu ly hôn phải có người đại diện,… Qua đó có thể thấy rằng, quy định tại Luật HN&GĐ 2000, đã tạo nên sự mâu thuẫn với quy định của pháp luật dân sự, tố tụng dân sự lúc bấy giờ.

Như vậy, so với Luật HN&GĐ năm 2000, quy định của luật hiện hành đã tăng độ tuổi được phép kết hôn lên, cả nam và nữ lúc này đều đã là người thành niên. Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 thời điểm đó về tuổi thành niên. Theo điều 20 Bộ luật Dân sự, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên, còn theo Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Và bằng việc thay đổi về mặt thuật ngữ “từ” thành “từ đủ” đã cho thấy sự hoàn thiện trong quy định của pháp luật theo hướng phù hợp hơn với mức độ phát triển tâm sinh lý của con người Việt Nam; khắc phục được những hạn chế của Luật HN&GĐ năm 2000; phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.