Việc xác định đúng vai trò của con người, phát huy và khai thác nguồn lực con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng để chúng ta thực hiện các mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII đề ra, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
(Ảnh minh họa)
Bạn đang xem: Máy móc hay con người tạo ra giá trị?
Học thuyết Giá trị thặng dư là “hòn đá tảng” trong hệ thống học thuyết của C.Mác đã chứng minh, chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị và giá trị thặng dư.
C. Mác đã vạch rõ bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN), đến nay học thuyết giá trị thặng dư vẫn còn nguyên giá trị, nhưng có nhiều luận điệu của các học giả tư sản, những người bảo vệ cho lợi ích của CNTB cho rằng: Trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ phát triển, máy móc hiện đại, rôbốt tham gia vào quá trình sản xuất, tạo ra năng suất lao động cao, thu được nhiều lợi nhuận Luận điệu này cho rằng: CNTB có chăng chỉ bóc lột “máy móc” chứ không bóc lột “con người”, đặc biệt nó có vẻ “thuyết phục” khi được dẫn chứng bằng thực tế của quá trình ứng dụng KHCN vào trong quá trình sản xuất, dẫn đến nhiều người nhầm tưởng: máy móc tạo ra giá trị thặng dư, lợi nhuận, chứ không phải do công nhân tạo ra, nên không có chuyện chủ tư bản bóc lột công nhân. Luận điệu này đã che đậy bản chất bóc lột của nền sản xuất TBCN, của các chủ tư bản, chủ doanh nghiệp. Hơn nữa, CNTB hiện đại ngày nay có sự điều chỉnh quan hệ sản xuất để phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất và ổn định xã hội. Cụ thể như: công nhân được sở hữu cổ phần, cổ phiếu, được tham gia vào các vị trí quản lý nhất định… nên có mức sống “trung lưu” nên cho rằng không có sự phân biệt “chủ – thợ”, không ai bóc lột ai… dẫn đến sự chấp nhận cuộc sống và thủ tiêu ý chí đấu tranh đòi hỏi các quyền và lợi ích chính đáng có được từ thành quả lao động của mình. Nhưng thực tế đã không phủ định được sự giàu có của các chủ tư bản, sự giàu có đó chính là do kết quả lao động của người lao động tạo ra. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra bản chất nhà nước tư sản và việc phân phối lợi ích trong CNTB: “Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội”[1].
Những luận điệu trên hoàn toàn không đúng vì những lý do sau:
Những doanh nghiệp áp dụng máy móc hiện đại, đem lại năng suất lao động cao nên sẽ có giá trị hàng hóa cá biệt của doanh nghiệp thấp hơn giá trị hàng hóa của thị trường nên thu được nhiều lợi nhuận, điều này gây ra sự hiểu lầm là máy móc cũng tạo ra lợi nhuận.Không phân biệt được vai trò của máy móc trong quá trình sản xuất. Máy móc cho dù có hiện đại như thế nào thì nó vẫn tham gia quá trình sản xuất với tư cách là tư liệu lao động, là phương tiện để tạo ra giá trị sử dụng. Máy móc bộ phận của tư bản bất biến và giá trị của nó được chuyển dịch sang sản phẩm mới theo con đường khấu hao chứ không làm thêm giá trị mới.
Xem thêm : Uống nước đun sôi để nguội lâu ngày có tốt cho sức khỏe?
Hơn nữa, máy móc dù tiên tiến, hiện đại đến đâu đi nữa thì nó vẫn do con người chế tạo, vận hành, điều khiển. Nếu tách khỏi lao động sống thì thì máy móc cũng không hoạt động được và không thể chuyển được giá trị của nó vào sản phẩm mới.
Xem xét quá trình sản xuất theo “chuỗi giá trị”, từ khi đưa các yếu tố đầu vào (TLSX), tiến hàng sản xuất và đến khi trở thành hàng hóa trên thị trường thì có vô số khâu lao động, sản xuất. Máy móc cho dù có tự động hóa cũng chỉ đảm nhận ở một số khâu cụ thể, máy móc không thể thay thế được hoàn toàn được lao động sống của công nhân. Nếu như máy móc hoàn toàn thay thế được thì đại dịch Covid- 19 lại không gây đình trệ sản xuất, suy thoái kinh tế. Không bỗng dưng các nhà tư bản bỏ tiền ra tiêm vacxin miễn phí, phòng chống dịch – mà đây chính là cách để đảm bảo được động ngũ lao động để duy trì cho quá trình sản xuất của các nhà tư bản.
Nắm rõ được nguồn gốc của giá trị, giá trị thặng dư, lợi nhuận là do lao động sống, sức lao động của con người tạo ra trong quá trình lao động sản xuất giúp chúng ta có sự nhìn nhận, đánh giá đúng các quan hệ kinh tế – xã hội trong thời kỳ quá độ lên CNXH hiện nay. Từ đó, đề ra các phương hướng để khai thác tối đa các nguồn lực của đất nước, đặc biệt là nguồn nhân lực vào quá trình phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) nhằm thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để phát huy các nguồn lực trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò chủ thể, đặc biệt yêu cầu của quá trình sản xuất ngày càng cao gắn với nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên phải tập trung phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, công tác giáo dục – đào tạo luôn phải đặt lên “quốc sách hàng đầu”, cần đa dạng hóa học tập nâng cao trình độ, tri thức, giáo dục theo cả chiều rộng và chiều sâu, bên cạnh đào tạo chuyên sâu, cần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Làm tốt công tác quy hoạch, định hướng và phân luồng trong giáo dục – đào tạo để tạo tạo ra cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phát triển nguồn nhân lực cũng được Đảng ta cũng xác định là khâu đột phá chiến lược: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục”[2]
Hai là, để đảm bảo kinh tế phát triển nhanh, bền vững, phát huy được mọi nguồn lực cho sự phát triển, hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quá trình phát triển đất nước cần phải hoàn thiện thể chế và cụ thể hóa bằng luật pháp, cơ chế, chính sách để đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người lao động trong các hoạt động kinh tế, nhà nước cần nhanh chóng ban hành các thể chế, hoàn thiện pháp luật để mọi hoạt động đều được điều chỉnh bằng pháp luật nhằm tạo ra động lực để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; mặt khác giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo quyền lợi ích chính đáng cho người lao động. Do đó, Đảng ta cũng xác định cần phải “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” [3].
Xem thêm : Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
Ba là, để ngày càng nâng cao sức sản xuất cần đẩy mạnh ứng dụng KHCN, máy móc, trang thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất. Do đó, cần phải đầu tư phát triển kết cấu vật chất, kỹ thuật, ngày càng hiện đại thì mới có thể đáp ứng được những yêu cầu cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Đảng ta xác định một trong những trong khâu đột phá đó là: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về KT và XH… chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số” [4].
Tóm lại, làm rõ bản chất của quá trình tạo ra giá trị và giá trị thặng dư (lợi nhuận), đây là cơ sở để chúng ta thấy được vị trí và vai trò của người lao động trong quá trình sản xuất cũng như phát triển kinh tế – xã hội. Việc xác định đúng vai trò của con người, phát huy và khai thác nguồn lực con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng để chúng ta thực hiện các mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII đề ra, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
ThS. Vương Mạnh Toàn
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh
–
(1) GS, TS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/
(2) (3) (4) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp