Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, luôn giữ vai trò, vị trí trung tâm, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công – nông. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), Đảng ta xác định sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân là: giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bạn đang xem: Giai cấp công nhân – lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam
Đầu thế kỷ XX, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời, ngày càng lớn mạnh và không ngừng trưởng thành, có vai trò quyết định trong tiến trình cách mạng nước ta. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, do ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân Việt Nam đã có bước chuyển biến sâu sắc về chất. Giai cấp công nhân đã từng bước giác ngộ về địa vị, vai trò của mình trong xã hội, trong cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Công hội đỏ Bắc Kỳ (28/7/1929) và Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển mới về chất của giai cấp công nhân Việt Nam từ tự phát lên tự giác. Từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng vươn lên và phát triển mọi mặt, từng bước giác ngộ và hiện thực hoá sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Cũng từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam – thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam – bước lên vũ đài chính trị nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ khi giành được chính quyền đến nay, giai cấp công nhân nước ta đã có những biến đổi rất to lớn, từ người làm thuê cho tư bản, đế quốc trở thành người làm chủ đất nước. Giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, trình độ, tay nghề, bản lĩnh chính trị,… thể hiện và khẳng định vị thế của người chủ đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Từ thực tế đó và trên cơ sở những chỉ dẫn của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định: “Giai cấp công nhân là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”(1).
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sau hơn 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đặc biệt quan trọng duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm công nghiệp, đóng góp chủ yếu vào ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng tạo nên thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới. Bước vào thời kỳ đổi mới, các ngành kinh tế nước ta, nhất là lĩnh vực công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giai cấp công nhân kiên trì khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, dần thích ứng với cơ chế quản lý mới, nâng cao năng suất lao động, tạo ra khối lượng sản phẩm công nghiệp, đóng góp chủ yếu vào ngân sách Nhà nước.
Xem thêm : Trước khi thực dân Pháp xâm lược xã hội Việt Nam có những gia cấp nào?
Giai cấp công nhân nước ta đã và đang phát huy hiệu quả vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, giai cấp công nhân nước ta là một trong những giai cấp, tầng lớp xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có của bước chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện từ xây dựng, phát triển nền kinh tế đất nước nói chung, phát triển kinh tế công nghiệp nói riêng theo mô hình hành chính, tập trung bao cấp sang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là nhiệm vụ nặng nề, mới mẻ, trong khi đó, phong cách, lề lối làm việc của công nhân còn chịu tác động của cơ chế hành chính, tập trung bao cấp. Song, phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất và tiên phong, giai cấp công nhân vẫn luôn giữ vững và thể hiện là giai cấp lãnh đạo cách mạng nước ta trong điều kiện mới. Điều này được Đảng ta khẳng định tại Hội nghị Trung ương 6 khóa X: giai cấp công nhân nước ta “Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Giai cấp công nhân nước ta đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là nhân tố quan trọng để đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân có vai trò đặc biệt quan trọng. Giai cấp công nhân trực tiếp làm việc trong các công xưởng, nhà máy, doanh nghiệp, trong các lĩnh vực của ngành kinh tế công nghiệp, trực tiếp tiếp nhận công nghệ tiên tiến đưa vào sản xuất, cải tiến công cụ, quy trình, quản lý… Đó là những người chủ trong ngành công nghiệp, người đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay. Đảng đã khẳng định: Giai cấp công nhân nước ta là “lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(2).
Giai cấp công nhân nước ta “là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”(3). Trong thực tế, quan hệ giữa công nhân với nông dân và trí thức đã hình thành nên khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức đã, đang và sẽ thúc đẩy sự hợp tác, liên minh, liên kết của công nhân với trí thức và nông dân; từ đó hình thành, phát triển các nhóm xã hội giáp ranh, đan xen giữa công nhân và trí thức, giữa công nhân và nông dân. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, liên minh, liên kết giữa các giai tầng xã hội. Thông qua đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, số lượng, chất lượng lao động, để tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Trong thời kỳ mới, liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức càng có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng CNXH trong điều kiện mới. Liên minh ấy chỉ có thể phát huy và khẳng định vai trò khi được xây dựng, củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức theo đường lối, quan điểm của Đảng, lập trường của giai cấp công nhân.
Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng mới, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, giai cấp công nhân Việt Nam đứng trước những thách thức mới. Cụ thể, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với yêu cầu hội nhập sâu rộng và đổi mới; việc tham gia vào ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do cũng đưa ra đòi hỏi cao đối với đội ngũ lao động. Trong khi đó, đa phần công nhân Việt Nam là lao động giản đơn, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng (trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế); còn thiếu các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cũng còn nhiều hạn chế…Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó, tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Văn kiện Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế, tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”. Do đó, để thực hiện xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp nhằm hiện hiện thực hóa được khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, phấn đấu đến năm 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, các cấp, các ngành cần tập trung nâng cao lập trường tư tưởng, có ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc, nhất là, trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Phát huy nội lực và tranh thủ những điều kiện thuận lợi do ngoại lực mang lại để đẩy mạnh ứng dụng và tiếp cận nhanh với sự tiến bộ của khoa học công nghệ thế giới để sản xuất được những sản phẩm cạnh tranh trong điều kiện hội nhập là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Điều này sẽ làm biến đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại, qua đó cũng làm cho giai cấp công nhân có điều kiện phát triển về số lượng và chất lượng, cơ cấu giai cấp công nhân cũng biến đổi theo hướng trí thức hóa công nhân. Bộ phận công nhân lao động trí óc ngày càng tăng, lực lượng lao động chân tay giảm dần trong cơ cấu giai cấp công nhân nước ta. hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách việc làm cho công nhân; hoàn thiện chính sách tiền lương phù hợp, bảo đảm sự công bằng trong phân phối thu nhập cho công nhân – lao dộng; đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội, mở rộng phúc lợi xã hội cho công nhân; hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả quy định về xây dựng thiết chế văn hóa – xã hội cho công nhân trong doanh nghiệp. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Đối với các doanh nghiệp đông công nhân, cần phải có cán bộ công đoàn chuyên trách; nghiên cứu việc cơ cấu đại diện công đoàn vào Thường vụ cấp ủy ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân. Mặt khác, công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục công nhân nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định con đường XHCN; tập hợp trí tuệ công nhân, phối hợp với các tổ chức đại diện quyền lợi cho công nhân trong doanh nghiệp để tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi và thực hiện chính sách, pháp luật.
Xem thêm : Ký hiệu vô cực trên điện thoại
Như vậy, để giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, để công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử to lớn của mình đó thực sự là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội./.
Kim Anh
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.43
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.44
(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.44
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp