LTS: Đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Hàn Quốc nói riêng thì vấn đề quốc tịch hết sức quan trọng. Việc họ còn hay không còn giữ quốc tịch Việt Nam, cũng như đã được nhập quốc tịch nước ngoài, có được song tịch hay không có ảnh hưởng trực tiếp đến địa vị pháp lý và đời sống của họ. Bà Nguyễn Ngọc Cẩm, Thị trưởng danh dự người nước ngoài TP Seoul, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, đã có những chia sẻ với Tạp chí Quê Hương xoay quanh vấn đề quốc tịch của người Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay.
Chị Nguyễn Ngọc Cẩm nhận quyết định công nhận Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc nhiệm kỳ III
Bạn đang xem: VẤN ĐỀ QUỐC TỊCH ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC
PV: Xin chị chia sẻ về chính sách của Hàn Quốc trước đây và hiện nay đối với vấn đề song tịch/đa tịch. Đối với người Việt Nam tại Hàn Quốc, có những lợi ích gì trong việc thực hiện chính sách song tịch/đa tịch của Hàn Quốc?
Bà Nguyễn Ngọc Cẩm: Hàn Quốc sau khi thiết lập chính phủ vào năm 1948 vẫn duy trì chế độ một quốc tịch. Chế độ này duy trì mãi cho đến tận ngày 4/5/2010 mới sửa đổi luật quốc tịch và bắt đầu thi hành từ ngày 1/1/2011 cho phép song tịch với một số đối tượng.
Theo luật quốc tịch Hàn Quốc, trong vòng 1 năm phải thôi quốc tịch nước ngoài (điều 10, khoản 1), nhưng đối với một số đối tượng nhập tịch Hàn Quốc không cần thôi quốc tịch nước ngoài mà chỉ cần ký cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài ở Hàn Quốc thì sẽ được giữ hai quốc tịch.
Một số đối tượng được áp dụng giữ 2 quốc tịch:
Một là, người xin nhập quốc tịch Hàn Quốc là chồng (vợ) của người Hàn Quốc, đời sống hôn nhân tiếp diễn 2 năm trở lên và có địa chỉ ở Hàn Quốc hoặc là kết hôn với người Hàn Quốc được 3 năm trở lên, có địa chỉ cư trú ở Hàn Quốc được 1 năm trở lên.
Hai là, là người nước ngoài có công lao đặc biệt đối với Hàn Quốc (đấu tranh giải phóng đất nước), người được công nhận đóng góp cho lợi ích quốc gia bằng năng lực ưu tú trong các lĩnh vực đặc định như: khoa học, kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao…
Ba là, người xin trở lại quốc tịch Hàn Quốc có công lao đặc biệt cho Hàn Quốc hoặc được công nhận đóng góp cho lợi ích quốc gia bằng năng lực ưu tú trong các lĩnh vực đặc định như khoa học, kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao…
Bốn là, người được xin ra ở Hàn Quốc nhưng trước khi thành niên được nhận làm con nuôi ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài, sinh sống ở nước ngoài rồi xin trở lại quốc tịch Hàn Quốc.
Năm là, người gốc Hàn, định cư ở nước ngoài, đến 65 tuổi xin trở lại quốc tịch Hàn Quốc về sống định cư tại Hàn Quốc.
Sáu là, người muốn thôi quốc tịch nước ngoài nhưng do pháp luật của nước đó không cho phép thôi quốc tịch.
Ngoài các đối tượng người nước ngoài khi nhập tịch Hàn Quốc vẫn được giữ lại quốc tịch nước ngoài vừa nói trên ra, còn một đối tượng nữa cũng được song tịch đó là những đứa trẻ có cha hoặc mẹ là người Hàn Quốc và có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, mà nước ngoài đó có luật quốc tịch cho phép con cái của công dân nước đó được 2 quốc tịch. Ví dụ Việt Nam, theo Luật Quốc tịch điều 23 khoản 5, mục a thì những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc nếu vẫn giữ quốc tịch Việt Nam mà có con, thì những đứa con đó nếu nộp đơn đăng ký xin quốc tịch Việt Nam thì sẽ được chấp nhận, vì đã có quốc tịch Hàn Quốc rồi nên những đứa trẻ này sẽ mang 2 quốc tịch Việt Nam và Hàn Quốc.
Xem thêm : 50+ Ý Tưởng Tặng Quà 20/10 Cho Cô Giáo Mầm Non
Những đứa trẻ có 2 quốc tịch này khi đến tuổi 20, trong vòng 2 năm từ 20 tuổi đến 22 tuổi, phải chọn lựa 1 trong 2 quốc tịch, nếu muốn giữ quốc tịch Hàn Quốc, không muốn thôi quốc tịch nước ngoài, chỉ cần ký giấy cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài trên đất Hàn Quốc. Đối với những đối tượng này mà là nam giới, thường thì thời điểm trước 20 tuổi này là thời điểm quyết định có đi lính hay không, nếu quyết định đi lính theo nghĩa vụ quân sự do nhà nước quy định để làm tròn trách nhiệm công dân Hàn Quốc, thì chỉ việc ký giấy cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài ở Hàn Quốc, thì vẫn giữ được 2 quốc tịch, còn không muốn đi lính, đối tượng này có thể nộp đơn đăng ký xin thôi quốc tịch Hàn Quốc.
Một số lí do Hàn Quốc thi hành chính sách song tịch:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho người kết hôn nhập cư ở Hàn Quốc được sinh sống ở Hàn Quốc tốt hơn. Trước ngày 1/1/2011, khi nhập tịch Hàn Quốc, họ phải làm các thủ tục thôi tịch nước ngoài vừa phức tạp vừa tốn kém, sau khi sửa đổi luật quốc tịch cho phép được song tịch, họ không cần phải làm thủ tục thôi tịch nữa. Và nếu vẫn giữ được quốc tịch nước ngoài, khi họ về quê thăm nhà, họ không cần phải xin visa của nước mẹ đẻ. Còn 1 lý do nữa là vì đối tượng này có các quyền lợi ở nước ngoài như quyền thừa kế, quyền kinh doanh, quyền bầu cử… nên Hàn Quốc tạo điều kiện cho họ song tịch nhằm giữ lại các quyền lợi mà họ vốn có ở nước họ xuất thân.
- Ưu đãi cho người có công cống hiến cho đấu tranh giành độc lập cho đất nước.
- Tạo điều kiện cho các nhân tài thuộc các lĩnh vực khoa học, kinh tế… để khuyến khích họ sang sinh sống ở Hàn Quốc, để họ cống hiến nhiều hơn cho Hàn Quốc.
- Hàn Quốc có lịch sử đáng buồn là do nghèo đói sau chiến tranh, đã từng gửi hàng chục nghìn trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi cho người nước ngoài, giờ đây khi những đứa con tìm về cội nguồn, Hàn Quốc mở rộng vòng tay đón họ.
- Tạo điều kiện cho những người gốc Hàn Quốc nhưng đã định cư ở nước ngoài muốn về Hàn Quốc hưởng tuổi già nhưng có các quyền công dân ở nước ngoài như hưởng tiền hưu trí… được hưởng các quyền đó.
Người Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc và cư trú ở Hàn Quốc 2 năm trở lên, hoặc kết hôn được 3 năm và sống ở Hàn Quốc được 1 năm trở lên, với luật quốc tịch sửa đổi và thi hành từ ngày 1/1/2011, đối tượng này khi đăng ký xin nhập tịch Hàn Quốc, không cần phải thôi quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ được cả 2 quốc tịch Việt Nam và Hàn Quốc nhưng với điều kiện là “sống ở Hàn Quốc chỉ có thể là công dân Hàn Quốc, không được sử dụng quốc tịch Việt Nam”.
Nhờ luật sửa đổi này mà người Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc, xin nhập tịch Hàn Quốc sau 1/1/2011, có thể giữ quốc tịch Việt Nam, họ không cần phải từ bỏ các quyền lợi của mình ở Việt Nam như quyền thừa kế, quyền đứng tên công ty… và khi về Việt Nam, họ không cần xin visa; vì họ vẫn giữ được quốc tịch Việt Nam nên con cái họ sinh ra cũng được giữ 2 quốc tịch, khi các con về Việt Nam, cũng không cần xin visa và có rất nhiều điểm lợi khác cho các con của họ.
Một gia đình cô dâu Việt tại Hàn Quốc về thăm Việt Nam nhân ngày Tết cổ truyền
PV: Theo chị có những kinh nghiệm thực tiễn nào về xử lý những vấn đề phát sinh khi áp dụng chính sách quốc tịch của Hàn Quốc mà Việt Nam có thể tham khảo?
Bà Nguyễn Ngọc Cẩm: Người song tịch không được sử dụng quốc tịch nước ngoài ở Hàn Quốc. Nếu người song tịch sử dụng hộ chiếu nước ngoài để xuất nhập cảnh ở Hàn Quốc hoặc khẳng định quyền lợi với tư cách là người nước ngoài ở Hàn Quốc thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ ra quyết định chọn lựa 1 trong 2 quốc tịch trong vòng 6 tháng đối với người song tịch đó. Nếu người song tịch có hành vi ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hoặc làm rối loạn trật tự an ninh xã hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ có quyết định tước quốc tịch Hàn Quốc của người đó.
Do vậy, người song tịch sống ở Hàn Quốc phải làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân Hàn Quốc như đóng thuế, bầu cử, đi lính…; còn các trách nhiệm kèm theo từ quốc tịch nước ngoài thì tùy thuộc vào luật quốc tịch của nước đó mà người song tịch phải có trách nhiệm thực hiện, Hàn Quốc không can thiệp vào vì đó là phạm vi cố hữu của mỗi nước. Ví dụ như người song tịch sống ở Hàn Quốc đến tuổi nhập ngũ thì phải đi lính ở Hàn Quốc; nhưng người đó có thêm quốc tịch Singapore mà luật quốc tịch của Singapore quy định người song tịch phải đi lính thì người đó phải đi lính luôn ở cả Singapore, nếu không muốn đi thì phải thôi 1 trong 2 quốc tịch mà mình có; đối với nghĩa vụ nộp thuế cũng tương tự.
PV: Vậy làm thế nào để người Việt Nam tại Hàn Quốc xin trở lại hay nhập quốc tịch Việt Nam?
Bà Nguyễn Ngọc Cẩm: Đa phần chị em phụ nữ kết hôn nhập cư qua sinh sống tại Hàn Quốc muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam là vì trước ngày 1/1/2011 theo luật quốc tịch của Hàn Quốc, muốn nhập quốc tịch Hàn Quốc, bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam. Do vậy, để hòa nhập cũng như nuôi dạy con cho tốt ở Hàn Quốc, chị em phải thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện nay có 196.882 người Việt Nam sang sinh sống ở Hàn Quốc, trong đó có khoảng 67.798 người theo diện kết hôn nhập cư, 30.150 người trong số này đã nhập quốc tịch Hàn Quốc mà đa số là phụ nữ. Trong số 30.150 người có quốc tịch Hàn Quốc, số người Việt Nam có 2 quốc tịch Hàn – Việt không nhiều, nghĩa là số phụ nữ gốc Việt chỉ có quốc tịch Hàn mà không có quốc tịch Việt Nam là không nhỏ.
Những phụ nữ này có nguyện vọng muốn trở lại quốc tịch Việt Nam để được song tịch, và lí do như đã nói ở trên: muốn được nhận quyền thừa kế nhà hay đất do cha mẹ để lại, muốn được về quê thăm nhà trên 15 ngày không cần xin visa, muốn được làm ăn buôn bán kinh doanh với tư cách là người Việt Nam, muốn được là người Việt Nam khi ở Việt Nam, muốn được hưởng các quyền lợi cũng như nghĩa vụ mà người Việt Nam được hưởng. Vì họ cũng là người Việt Nam.
Theo luật quốc tịch của Việt Nam sửa đổi năm 2008, đối tượng được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không cần thôi quốc tịch nước ngoài được quy định ở điều 23, khoản 5 bị giới hạn bởi những đối tượng sau:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
Xem thêm : Top 7+ loại thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi nhanh chóng, an toàn, hiệu quả
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với những người kết hôn nhập cư Việt Nam đã thôi quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch Hàn Quốc trước khi luật quốc tịch cho phép song tịch (1/1/2011), thì dù được chính phủ Việt Nam cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam đi chăng nữa cũng không được song tịch ở Hàn Quốc. Lý do là đối tượng này đã thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập tịch Hàn Quốc, đã là công dân Hàn Quốc nên nếu nhập thêm quốc tịch Việt Nam nữa thì bị mất quốc tịch Hàn Quốc theo như điều 15 luật quốc tịch quy định. Ngoại trừ các trường hợp sau không bị mất quốc tịch Hàn Quốc:
a) Người kết hôn với người nước ngoài và nhập quốc tịch của nước đó.
b) Người được người nước ngoài nhận làm con nuôi và nhập quốc tịch của cha nuôi hoặc mẹ nuôi của nước đó.
c) Người được xác nhận là con đẻ của cha hoặc mẹ người nước ngoài, nhập quốc tịch của cha hoặc mẹ người nước ngoài.
d) Người là chồng (vợ) hay con của người nhập quốc tịch nước ngoài nên mất quốc tịch Hàn Quốc, nhập quốc tịch nước ngoài theo luật nước ngoài quy định.
Vì vậy, người kết hôn nhập cư Việt Nam đã thôi quốc tịch Việt Nam nhập quốc tịch Hàn Quốc, nếu muốn được song tịch, phía Việt Nam cần mở rộng đối tượng được trở lại quốc tịch Việt Nam mà không cần thôi quốc tịch nước ngoài được quy định ở điều 23, khoản 5. Phía Hàn Quốc, cần sửa đổi luật quốc tịch, ở điều 15, khoản 2, luật quốc tịch Hàn Quốc quy định đối với người Hàn Quốc nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ được quốc tịch Hàn Quốc, thêm mục 5 vào với nội dung là: “Chồng (vợ) của công dân Hàn Quốc đã thôi quốc tịch nước ngoài muốn trở lại quốc tịch nước ngoài”.
PV: Những khó khăn đối với người Việt Nam tại Hàn Quốc khi Việt Nam thực hiện chính sách cho phép một quốc tịch “mềm dẻo” như hiện nay?
Bà Nguyễn Ngọc Cẩm: Chính sách quốc tịch “mềm dẻo” như hiện nay đã mang lại cơ hội tốt cho các gia đình đa văn hóa Viêt-Hàn khi cô dâu Việt và con của những gia đình đa văn hóa này có thể nhận song tịch và được hưởng đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của công dân ở mỗi nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn đối với người Việt ở nước ngoài khi thực hiện chính sách này.
Cụ thể, hiện nay số phụ nữ gốc Việt chỉ có quốc tịch Hàn mà không có quốc tịch Việt Nam khá lớn. Vì vậy, Bộ Tư pháp hai nước cần thảo luận đưa ra giải pháp tháo gỡ, phục hồi chế độ song tịch cho cô dâu Việt đã buộc phải từ bỏ quốc tịch Việt theo quy định của Luật cư trú Hàn Quốc trước thời điểm 1/1/2011. Điều này đảm bảo sự công bằng trong khối cộng đồng cô dâu Việt tại Hàn Quốc, đồng thời tạo điều kiện giúp họ hướng về quê hương đất nước nhiều hơn.
Mặc dù chính sách quốc tịch “mềm dẻo” có thể đem lại lợi ích cho gia đình Việt – Hàn nhưng tính thực thi còn rất thấp. Hiện nay có rất nhiều con em gia đình đa văn hóa Hàn Việt mặc dù đạt điều kiện xin được quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn chỉ có 1 quốc tịch Hàn Quốc, do khi xin quốc tịch Việt Nam thì phải từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc như được quy định tại khoản 2 Điều 19, Luật quốc tịch 2008. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi khoản 2 Điều 19 nói trên nhằm tạo điều kiện để các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn gia nhập quốc tịch cho con em mình, để các bé hướng về cội nguồn quê ngoại, làm cầu nối vững chắc cho 2 nước sau này.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nhật Việt (thực hiện)
Nguồn: http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/van-de-quoc-tich-doi-voi-nguoi-viet-nam-tai-han-quoc-20180213112632903.htm
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp