Giải mã bí ẩn 50 năm của hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời

Giải mã bí ẩn 50 năm của hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời
Các nhà khoa học cho rằng cực quang là “thủ phạm” đứng sau hiện tượng nóng lên bí ẩn trên sao Mộc. Ảnh: NASA

Theo Space.com, sao Mộc từ lâu đã được biết đến là một thế giới rất ấm mặc dù có khoảng cách rất xa so với Mặt trời.

NASA cho biết, các nhà khoa học từng ước tính nhiệt độ bầu khí quyển của sao Mộc rơi vào khoảng -73 độ C do có rất ít ánh sáng Mặt trời chiếu đến. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiệt độ trung bình của khí quyển của sao Mộc là 426 độ C, nóng gần bằng bề mặt của hành tinh địa ngục – sao Kim.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà thiên văn học đã tranh luận về điều gì đã gây ra “cuộc khủng hoảng năng lượng” này trên sao Mộc. Giờ đây, một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng cực quang khắc nghiệt được thúc đẩy bởi từ trường mạnh của hành tinh chính là nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao.

Sao Moc
Từ trường của sao Mộc mạnh hơn nhiều so với từ trường của Trái đất. Ảnh: NASA/ ESA/JAXA/Hubble/A.Simon/J.Schmidt.

Cực quang là hiện tượng phổ biến trong Hệ Mặt trời của chúng ta, thường xảy ra trên các hành tinh có từ trường bền bỉ như Trái đất và sao Mộc. Tại các thế giới có từ trường mạnh như vậy, cực quang xảy ra khi các hạt mang điện bị mắc kẹt trong từ trường và xoắn ốc về phía các cực. Trên đường đến các cực, những hạt này va chạm vào các nguyên tử và phân tử trong khí quyển, tạo ra ánh sáng.

Từ trường của sao Mộc mạnh hơn nhiều so với từ trường của Trái đất. Một mặt trăng núi lửa của sao Mộc có tên là IO đã cung cấp rất nhiều hạt mang điện đi vào bầu khí quyển của sao Mộc thông qua các vụ phun trào núi lửa. Kích thước khổng lồ và gió mạnh của sao Mộc cũng đóng một vai trò trong việc khiến nhiệt có sẵn từ các cực quang lưu thông quanh hành tinh.

Để đưa ra kết luận về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu mới của tàu vũ trụ Juno của NASA, vệ tinh Juno và Hisaki của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và kính thiên văn Keck II.