Hiến pháp do cơ quan nào xây dựng nên?

Hiến pháp là đạo luật gốc của quốc gia, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Vậy Luật Hiến pháp là gì? Luật hiến pháp Việt Nam hiện nay là gì? Hiến pháp do cơ quan nào xây dựng nên? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.

Hiến pháp do cơ quan nào xây dựng nên?

1. Luật hiến pháp là gì?

Luật hiến pháp là văn bản quy phạm pháp lý cao nhất, là đạo luật gốc của một quốc gia. Luật hiến pháp điều chỉnh các quan hệ cơ bản, quan trọng nhất trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, địa vị pháp lý của con người và công dân và đặc biệt là tổ chức, hoạt động của Bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngành luật hiến pháp là ngành luật chủ đạo của hệ thống pháp luật. Trong khoa học pháp lý, Luật hiến pháp là bộ môn khoa học quan trọng. Kiến thức về Luật hiến pháp là nền tảng để nghiên cứu nhiều bộ môn khoa học pháp lý khác.

2. Hiến pháp do cơ quan nào xây dựng nên?

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền ban hành Hiến pháp ở nước ta là Quốc hội với chức năng lập pháp.

3. Năm bản Hiến pháp của Việt Nam qua các giai đoạn

Theo dòng lịch sử lập hiến của nước ta, kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta đã có 05 bản Hiến pháp, bao gồm:

– Hiến pháp năm 1946

Sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 03/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

Ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, tuyên bố nước Việt Nam độc lập từ Bắc đến Nam, theo chế độ dân chủ nhân dân, quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; các quyền tự do dân chủ được đảm bảo…

Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh (10 ngày sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ) bản Hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố, nhưng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần của các quy định trong Hiến pháp năm 1946 đã được thực hiện trên thực tế căn cứ vào tình hình cụ thể.

– Hiến pháp năm 1959

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hiến pháp năm 1946 đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, nhưng so với tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới cần được bổ sung, thay đổi.

Ngày 31/12/1959, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I đã nhất trí thông qua bản Hiến pháp sửa đổi và ngày 1.1.1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Hiến pháp. Với 10 chương, 112 điều, Hiến pháp năm 1959 đã phát huy tinh thần của Hiến pháp năm 1946, đồng thời phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã mang lại, phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc. Là bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 1959 khẳng định nước Việt Nam là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tổ chức theo chính thể Nhà nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, các quyền tự do dân chủ được bảo đảm

– Hiến pháp năm 1980

Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành trong phạm vi cả nước. Nước ta đã hoàn toàn độc lập, tự do, là điều kiện thuận lợi để thống nhất hai miền Nam – Bắc, đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1959 đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Ngày 18/12/1980, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI đã nhất trí thông qua Hiến pháp. Với 12 chương, 147 điều, Hiến pháp năm 1980 đã xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, có sứ mệnh lịch sử là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

– Hiến pháp năm 1992

Sau một thời gian phát huy hiệu lực, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Tình hình thực tiễn đòi hỏi phải có một bản hiến pháp mới, phù hợp hơn để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Ngày 15/4/1992, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 là sản phẩm trí tuệ của toàn dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đồng bào cả nước, là bản Hiến pháp của Việt Nam trong tiến trình đổi mới.

– Hiến pháp năm 2013

Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ngày 28/11/2013 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trên đây là các nội dung liên quan đến Hiến pháp do cơ quan nào xây dựng nên? Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm và theo dõi bài viết của chúng tôi. Nếu có thắc mắc hay cần tư vấn, hãy liên hệ với công ty luật ACC để chúng tôi có thể giải đáp cho quý bạn đọc một cách nhanh chóng nhất.