Đầu năm 1946, Chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng trước tình thế hết sức hiểm nghèo. Lịch sử đặt ra cho dân tộc buộc phải lựa chọn một trong hai con đường, hoặc là cầm súng đánh đuổi thực dân Pháp, hoặc là tạm thời hoà hoãn, nhân nhượng để tránh phải đối đầu trực diện với nhiều kẻ thù.
Trong thời khắc gian nguy, hiểm nghèo đó, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định lựa chọn giải pháp tạm thời hòa hoãn, nhân nhượng với người Pháp, bằng việc ký Hiệp định Sơ bộ vào ngày 6/3/1946.
Bạn đang xem: Bài học từ Hiệp định Sơ bộ năm 1946: Thỏa hiệp có nguyên tắc, ranh giới
Thỏa hiệp có nguyên tắc, ranh giới
Theo Hiệp định Sơ bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với người Pháp vào ngày 6/3/1946, Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Khối Liên hiệp Pháp. Như vậy, mặc dù phía Pháp chưa công nhận nền độc lập của Việt Nam, song đây là bản Hiệp định có tính chất văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam ký với nước ngoài, có sự chứng kiến của các nước Mỹ, Anh và Trung Hoa.
Như vậy, với Hiệp định Sơ bộ, người Pháp đương nhiên thừa nhận rằng, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp. Với việc ký Hiệp định Sơ bộ, chúng ta đã đẩy được 20 vạn quân Tưởng về nước. Nhờ đó, đất nước cũng có thêm thời gian hòa bình, để củng cố, xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với 10 vạn quân Pháp.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự phân tích, việc chúng ta ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 là một đòn tiến công ngoại giao hết sức chủ động và mềm dẻo. Nhìn tổng thể, Hiệp định Sơ bộ đã đẩy được 20 vạn quân Tưởng và tay sai của chúng đang ở miền Bắc nước ta về nước, mở ra thời kỳ hòa hoãn tạm thời giữa ta và Pháp, vô hiệu hóa được âm mưu của đối phương muốn tập trung lực lượng bóp chết chính quyền non trẻ lúc đó đang thiếu thốn đủ bề.
Xem thêm : Bị tước giấy phép lái xe có thời hạn, có thể cớ mất xin cấp bằng mới không?
“Từ thời điểm này, ta có thêm thời gian quý báu để tuyên truyền về chính nghĩa của ta và xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến dài lâu”, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho biết.
Trong đàm phán ngoại giao, Lênin đã từng nói “Nếu có lợi cho cách mạng, thì dù có phải thỏa hiệp với bọn kẻ cướp, chúng ta cũng thỏa hiệp”. Như vậy, có thể khẳng định: Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 là một mẫu mực về sự thoả hiệp. Chúng ta thỏa hiệp có nguyên tắc, có ranh giới và chỉ được thoả hiệp trong một biên độ nhất định. Và nhất quyết không để việc nhân nhượng, thoả hiệp đi quá giới hạn, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, đây là một hình mẫu, một bài học cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
“Đàm phán thường phải nhân nhượng, thậm chí thỏa hiệp, nhưng không thể hy sinh lợi ích quốc gia, dân tộc. Trước bối cảnh thế giới, khu vực hiện nay càng cho thấy, trong bất kỳ tình huống nào, việc bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là nguyên tắc bất di bất dịch. Các nhà ngoại giao, các cán bộ đàm phán cần vận dụng một cách sáng tạo và thích hợp kinh nghiệm của ông cha, của các thế hệ đi trước để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong sự hài hoà với lợi ích của các bên đối tác”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho biết.
Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh
Nếu như trong chiến tranh cần đến ngoại giao, đàm phán để kết thúc chiến tranh, thì trong hoà bình, ngoại giao phải đi tiên phong trong việc kiến tạo hoà bình, dập tắt mọi nguy cơ chiến tranh, không để chiến tranh xảy ra.
Xem thêm : Gợi ý thực đơn cho bữa sáng giúp giảm cân hiệu quả
Do vậy, trong hội nhập quốc tế, trong quan hệ đối tác, cần phải xử lý khéo léo, hài hoà vấn đề lợi ích với các đối tác, bảo đảm cao nhất cho lợi ích quốc gia dân tộc mình, nhưng cũng bảo đảm lợi ích cho đối tác. Nhưng cao hơn hết đó là phải giữ cho được môi trường hoà bình, lớn hơn hết là giữ cho được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Làm thế nào để trong đàm phán, trong ngoại giao không làm phức tạp thêm tình hình, không để tiến sát đến lằn ranh đỏ của chiến tranh? PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, cần phải nghiên cứu và nhận định, đánh giá đúng bản chất xu hướng của thời cuộc.
Lấy ví dụ về tình hình đang diễn ra ở Ukraine, Trung Đông, PGS.TS Dương Văn Quảng (nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao) đặt câu hỏi: Điều này có làm phá vỡ xu thế hòa bình ổn định và phát triển không? Có người nói rằng, hình như nó đang phá vỡ, tuy nhiên, theo quan điểm của PGS.TS Dương Văn Quảng, hiện nay xu thế chung vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Do vậy, muốn hiểu được và muốn xác định được đúng mục tiêu đó thì bắt buộc phải nghiên cứu cụ thể, nắm bắt được đúng xu thế của nó. Vì khi xác định xu thế không phải là hòa bình, đang phát triển thì xu thế đó có nguy cơ chiến tranh và phải chuẩn bị cho chiến tranh. Trong khi đó, chiến tranh là hết sức tốn kém.
“Trên thế giới này, có lẽ không có dân tộc nào hiểu được cái giá phải trả cho chiến tranh như người Việt Nam. Cho nên, bằng bất kỳ giá nào, ngoại giao phải làm được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và ngăn ngừa mọi nguy cơ chiến tranh”, PGS.TS Dương Văn Quảng cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta. Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa.
Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp