Phần mềm hợp đồng điện tử iContract được nhiều DN FDI tin dùng

Thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng. Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng, vì đây là thời điểm xác định sự thống nhất ý chí của các bên. Để tìm hiểu nội dung về thời điểm giao kết hợp đồng mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!

1. Thời điểm giao kết hợp đồng là gì?

giao kết hợp đồng 11

Thời điểm giao kết hợp đồng

Thời điểm giao kết hợp đồng thường là thời điểm các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng, hay khi bên đề nghị đã nhận được sự chấp nhận giao kết hợp đồng của bên được đề nghị. Quy định tại Điều 400, Bộ luật Dân sự 2015 về thời điểm giao kết hợp đồng được như sau:

“(1). Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

(2). Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

(3). Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

(4). Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.”

2. Cách xác định thời điểm giao kết hợp đồng

Thời điểm giao kết hợp đồng được xác định như thế nào? Việc nắm được cách xác định thời điểm giao kết hợp đồng có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ pháp lý để thực hiện hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai bên ký kết hợp đồng.

2.1. Xác định thời điểm giao kết hợp đồng

Tùy theo hình thức giao kết hợp đồng giữa các bên mà pháp luật quy định thời điểm giao kết tương ứng:

  • Hình thức giao kết hợp đồng bằng lời nói

Hợp đồng được thỏa thuận trực tiếp bằng lời thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận của bên được đề nghị. Nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng, thì hợp đồng được xem là đã giao kết tại thời điểm hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng.

Ví dụ: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 452, Bộ luật Dân sự 2015 Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận vật dùng thử.

  • Hình thức hợp đồng bằng văn bản

Trong trường hợp đồng giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản. Một số trường hợp ký kết bằng văn bản đặc biệt:

+ Thời điểm giao kết hợp đồng phải có công chứng, chứng thực, đăng ký là thời điểm hợp đồng được công chứng, chứng thực, đăng ký.

+ Thời điểm giao kết hợp đồng bằng thư tín, qua bưu điện là thời điểm hợp đồng được giao kết vào ngày bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận hợp lệ.

+ Thời điểm giao kết bằng phương tiện điện tử thì việc giao kết phải tuân theo quy định đặc thù của pháp luật về giao dịch điện tử. Theo Khoản 2, Điều 11, Nghị định 57/2006/NĐ-CP ngày 09/06/2006, thì:

“Thời điểm nhận một chứng từ điện tử là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử đó tại một địa chỉ điện tử đo người nhận chỉ ra. Thời điểm nhận một chứng từ điện tử ở địa chỉ điện tử khác của người nhận là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử tại địa chỉ này và người nhận biết rõ chứng từ điện tử đã được gửi tới địa chỉ này.

Người nhận được coi là có thể truy cập được một chứng từ điện tử khi chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử của người nhận.”

  • Đối với hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể

Thời điểm giao kết bằng hành vi cụ thể là thời điểm khi người giao kết hợp đồng thực hiện một hành vi cụ thể khi đó đã hoàn thành xong việc giao kết.

2.2. Ý nghĩa thời điểm giao kết hợp đồng

Ý nghĩa thời điểm giao kết hợp đồng

Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng như:

(1) Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, thời điểm giao kết sẽ là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Đây là cơ sở pháp lý để xác định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Bên có quyền được phép yêu cầu bên có nghĩa vụ thi hành nghĩa vụ trong hợp đồng, và được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp phát sinh từ hợp đồng. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng các nghĩa vụ, đã cam kết trong hợp đồng, và phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền về việc vi phạm hợp đồng.

(2) Thời điểm giao kết hợp đồng là cơ sở để xác định thời điểm chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Khi xem xét hiệu lực của hợp đồng, hiệu lực của các điều khoản liên quan trong hợp đồng, tòa án thường căn cứ vào văn bản pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng.

(3) Thời điểm giao kết hợp đồng là cơ sở đề xác định năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của chủ thể tham gia hợp đồng.

(4) Thời điểm giao kết hợp đồng là mốc tính thời hiệu khởi kiện trong giải quyết các tranh chấp liên quan tới việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

giao kết hợp đồng 22

Phân biệt thời điểm giao kết hợp đồng và có hiệu lực của hợp đồng

Căn cứ vào Điều 401, Bộ luật Dân sự 2015 về Hiệu lực của hợp đồng:

“(1). Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

(2). Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.”

Do vậy, hợp đồng sẽ hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng trừ trường hợp các bên thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm giao kết của hợp đồng thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Hay đối với trường hợp Luật khác có quy định thì thực hiện theo Luật đó.

Theo đó có một số hợp đồng cụ thể chưa có giá trị pháp lý tại thời điểm giao kết mà chỉ phát sinh hiệu lực pháp luật tại thời điểm luật liên quan có quy định khác. Áp dụng với các loại hợp đồng đặc thù, chuyên biệt như: hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tặng cho bất động sản…

Qua bài viết Thời điểm giao kết hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015 hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ: https://icontract.com.vn/