Tin tức

1. Đặc điểm hình thái và sinh trưởng của cây ké đầu ngựa

1.1. Nguồn gốc và tạo hình của cây ké đầu ngựa

Cây ké đầu ngựa mọc hoang dại tại nhiều khu vực. Nhiều tài liệu chỉ ra rằng quê hương đầu tiên của ké đầu ngựa là vùng đất châu Mỹ, sau đó nó phát triển tại các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như vùng châu Phi, châu Á,… Ké đầu ngựa xuất hiện trên dọc lãnh thổ Việt Nam, nơi thường thấy nhất là bờ ruộng, bờ mương hay bãi đất trống, thậm chí là vùng trung du, vùng núi và đồng bằng Bắc bộ từ Nghệ An trở ra.

Theo ngôn ngữ người Tày, ké đầu ngựa còn được người dân gọi là mac nháng, phắc ma hay xương nhĩ. Còn trong khoa học nó có tên là Xanthium strumarium L., họ Cúc.

Ké đầu ngựa được chia thành các loại khác nhau như ké hoa đào, ké hoa vàng, ké đồng tiền và ké đầu ngựa. Về mùi vị loài cây này có vị hơi đắng, ngọt nhạt, tính ấm. Theo tài liệu Đông y cổ, loài cây này nằm trong nhóm các vị thuốc “Tân ôn giải biểu”. Hàm ý là loài thảo dược tính ấm, trị được bệnh cảm lạnh và các bệnh xâm nhập vào phần biểu (phần ngoài) của cơ thể.

Ké đầu ngựa xuất hiện trên dọc lãnh thổ Việt Nam và mọc hoang dại

Ké đầu ngựa xuất hiện trên dọc lãnh thổ Việt Nam và mọc hoang dại

Xét về hình thái và sinh trưởng, loài cây này có những đặc điểm sau:

  • Là giống cây ưa ẩm và ánh sáng, tập trung theo những đám lớn;

  • Trồng vào mùa xuân và mùa hè, nhất là khi hè sang ké đầu ngựa phát triển rất nhanh. Sau khi đã đơm hoa kết trái sẽ lụi tàn dần, và đó cũng là khi mùa vụ của nó đã bước qua thu;

  • Số lượng quả trên một cây khá nhiều. Một điểm thú vị là quả được thiên tạo thiết kế có gai móc, do đó khi con người hay động vật đi qua đám cỏ ké đầu ngựa quả sẽ vướng vào lông thú hay quần áo người để phát tán hạt đi xa;

  • Ké đầu ngựa có thể sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, chỉ trừ đất quá khô cằn nhiều sỏi đá hoặc đất ngập úng.

1.2. Bảng thành phần hóa học của ké đầu ngựa

Thành phần hóa học của ké đầu ngựa khá đa dạng, bao gồm iot, saponin, alcaioid, chất béo, vitamin C, chất nhựa, xanthamin, xantheti, cacboxi atratylozit,… Ngoài ra còn có những chất độc hại cho gia súc như cholin, hydroquinon,…

Ké đầu ngựa còn có chứa dầu béo màu vàng nhạt, dạng lỏng, không mùi còn vị thì tương tự như dầu thực vật.

quả của ké đầu ngựa chứa một số chất như sequiterpen lacton (xanthinin, xathanin và xanthumin), iod hữu cơ. Còn phần rễ có nhiều stigmasterol và sitosterol. Toàn cây còn chứa rất nhiều đạm, là một nguồn phân hữu cơ dồi dào.

2. Những công dụng trị bệnh của cây ké đầu ngựa

Tác dụng kháng viêm

Hạt ké đầu ngựa có chứa rất nhiều hoạt chất sitosterol-D-glucoside, nó có công dụng loại bỏ các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm và ức chế sự tăng sinh, hình thành vi khuẩn. Bên cạnh đó, chiết xuất hạt ké đầu ngựa còn giúp diệt khuẩn, nhất là ở miệng vết thương hở.

Công dụng ổn định lượng đường trong máu

Hoạt chất chứa trong ké đầu ngựa có tác dụng làm chậm sự hấp thu đường vào máu, đồng thời thúc đẩy quá trình sản sinh thêm lượng insulin giúp cân bằng đường huyết.

Ké đầu ngựa hỗ trợ giảm lo âu, căng thẳng

Hoạt chất xanthumin có trong ké đầu ngựa đã được chứng minh là có công dụng giảm thiểu mệt mỏi, căng thẳng, ức chế hệ thần kinh trung ương giúp người bệnh cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng hơn khi sử dụng.

Hạn chế tình trạng viêm xoang

Một đặc tính khác ít ai biết đến của ké đầu ngựa đó là điều trị hiệu quả tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và những biểu hiện khó chịu khác của bệnh viêm xoang nhờ hoạt chất kháng sinh, ngăn ngừa virus, hạn chế tổn thương và bảo vệ niêm mạc mũi.

Công dụng điều trị lở loét, mụn nhọt trên da

Ké đầu ngựa được coi là vị thảo dược duy nhất có chứa thành phần xanthium. Như đã đề cập, đây là một loại hoạt chất giúp kháng khuẩn và chống viêm mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, điều trị mụn nhọt và lở loét ngoài da.

Bên trong một quả ké đầu ngựa

Bên trong một quả ké đầu ngựa

Bên cạnh đó, khi dùng bột nghiền từ hạt và quả ké đầu ngựa phơi khô để dùng điều trị các bệnh lý về da liễu như ngứa ngáy, ghẻ, eczema hay vết sâu bọ cắn đều đem lại hiệu quả khả quan. Đặc biệt, dầu ép từ quả ké đầu ngựa còn có công năng hỗ trợ điều trị bệnh về bàng quang, herpes hay viêm quầng do liên cầu.

Bạn có thể xay nhuyễn quả đã phơi khô thành bột và đắp trực tiếp lên vùng da bị thương sẽ giúp nhanh lành vết thương. Bởi vì ngày nay có rất nhiều loại thuốc trị mụn Tây y trên thị trường nên nhiều người đã quên mất công dụng này của ké đầu ngựa.

Những công dụng khác của ké đầu ngựa

Ké đầu ngựa còn được coi là một loại dược liệu quý được chế biến thành thuốc phòng bệnh bướu cổ, hỗ trợ hạ nhiệt, ra mồ hôi, điều trị cảm lạnh, thấp khớp, giúp an thần, lợi tiểu.

Đặc biệt bộ phận lá còn được ứng dụng trong điều trị bệnh lao hạch, dự phòng giang mai. Phần rễ dùng để chữa một số loại bệnh ung thư, khi nấu thành cao còn được sử dụng để cải thiện tại chỗ những vết loét, áp xe và mụn nhọt.

3. Khi dùng ké đầu ngựa cần lưu ý những gì?

Sau đây là một số lưu ý bạn cần ghi nhớ nếu muốn sử dụng ké đầu ngựa để điều trị bệnh:

  • Nên hỏi ý kiến của bác sĩ Đông y hoặc bác sĩ Y học cổ truyền trước khi dùng ké đầu ngựa chữa bệnh. Ngoài ra, hãy cung cấp thông tin về các loại thuốc và thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng vì thành phần của thuốc có thể xảy ra tương tác với hoạt chất trong ké đầu ngựa;

  • Công dụng đối với cơ địa của từng người là khác nhau, do đó bạn nên kiên trì khi điều trị bằng dược liệu Đông y;

  • Ké đầu ngựa được khuyến cáo là không dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú;

  • Khi dùng ké đầu ngựa, người bệnh nên kiêng thịt ngựa và thịt lợn vì đối với những trường hợp mẫn cảm có thể gặp tình trạng nổi quầng trên da.

  • Không dùng ké đầu ngựa khi bạn đang bị nhức đầu do khí huyết kém hoặc cây đã mọc mầm.

Ké đầu ngựa thường được dùng làm thuốc để điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau

Ké đầu ngựa thường được dùng làm thuốc để điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau

Mong rằng những chia sẻ trên đây của MEDLATEC đã giúp bạn hiểu rõ hơn về loài thảo dược này. Tốt hơn hết nếu đang có kế hoạch dùng ké đầu ngựa trong chữa trị bệnh lý nào đó, bạn nên tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia.