Bảng 1: Đầu tư từ NSNN cho khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2022

Năm

Tổng chi NSNN

(tỷ đồng)

Đầu tư cho

KHCN (tỷ đồng)

Cơ cấu (%)

2016

1.298.290

9.440

0,73

2017

1.355.034

9.256

0,68

2018

1.435.435

11.111

0,77

2019

1.526.893

12.426

0,81

2020

1.709.524

11.886

0,69

2021

1.854.940

10.763

0,58

2022

1.784.600

9.140

0,51

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2022)

Có thể thấy, đầu tư của Nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nước ta vẫn còn thấp, đặc biệt đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tới ngưỡng nên khó tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá. Mặc dù mức chi tiêu ngân sách cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp tăng lên nhưng hiện tại vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với GDP do ngành Nông nghiệp tạo ra.

Theo đánh giá của Viện Chính sách lương thực thế giới (IFPRI), Việt Nam mới chỉ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành Nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp. Trong khi đó, ở Brazil là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. Nếu đầu tư đúng mức thì Việt Nam cần đạt mức 0,86% của GDP nông nghiệp, tức là hơn 4 lần so với mức đầu tư hiện nay.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đạt 38%. KHCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2022, trên 60% tổ chức KHCN công lập có cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ngang tầm khu vực, trong đó một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Đối với Vùng Đồng bằng sông Hồng, xác định KHCN là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững, các tỉnh, thành phố trong vùng đã tập trung huy động nguồn lực và dành ngân sách đáng kể để đầu tư cho KHCN. Chẳng hạn như tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tập trung đầu tư ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Tỉnh cũng đã bố trí nguồn ngân sách đủ lớn trên phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư để tạo bước đệm cho các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào hoạt động. Trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chi gần 2.560 tỷ đồng cho KHCN, công nghệ thông tin và chính quyền điện tử. Bình quân mỗi năm, chi cho hoạt động KHCN đạt 2,68% tổng chi thường xuyên ngân sách của Tỉnh.

Hiện nay, CNC đã được nghiên cứu và ứng dụng vào nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng như: công nghệ lai tạo giống, công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ trồng cây trong nhà kính, công nghệ trồng cây trong dung dịch (thủy canh), khí canh và trên giá thể, công nghệ tưới nhỏ giọt…Việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp cũng ngày càng được nhân rộng như các hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động; ứng dụng BigData, IoT, AI trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng, vật nuôi; công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất…

Tuy nhiên, vốn đầu tư cho KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được chú trọng. Theo tính toán thì đầu tư cho KHCN chiếm tỷ trọng rất thấp chỉ khoảng trên dưới 1% so với tổng chi ngân sách địa phương (Bảng 1). Trong tổng chi KHCN thì chi cho KHCN của lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, thậm chí trong năm của một số địa phương trong còn không có khoản đầu tư này.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao