Bảo hiểm y tế (BHYT) đã từ lâu trở thành người bạn đồng hành chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may ốm đau, bệnh tật. Tại Việt Nam, BHYT không nhắm mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia, để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Bạn đang xem: Hệ thống đang xử lý. Vui lòng đợi!
Bạn là người sử dụng thẻ BHYT, nhưng bạn đã thực sự hiểu hết ý nghĩa thông tin ghi trên thẻ BHYT chưa? Hãy đồng hành cùng Nhân Kiệt để giải mã ý nghĩa thông tin trên thẻ BHYT nhé!
Bộ 15 ký hiệu ghi trên thẻ BHYT nhằm mục đích phân loại, thống kê đối tượng tham gia BHYT, đồng thời xác định quyền lợi, mức chi trả khi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Để trở thành nhà thông thái khi sử dụng thẻ BHYT, bạn nên biết ý nghĩa của 4 loại mã mà Nhân Kiệt chia sẻ dưới đây:
v Mã đối tượng
v Mã quyền lợi
v Mã tỉnh, thành phố
v Mã số BHXH
1. MÃ ĐỐI TƯỢNG
Mã đối tượng trên thẻ BHYT được viết tắt bằng 2 chữ cái (Hình minh họa). Mã đối tượng dùng để xác định đối tượng tham gia BHXH, BHYT và là căn cứ để xác định mã quyền lợi. Tại Việt Nam mã đối tượng trên thẻ BHYT gồm 44 mã, được chia thành 5 nhóm cụ thể như sau:
ü Nhóm do NLĐ và người sử dụng lao động đóng:
– DN (Doanh Nghiệp): NLĐ làm việc trong các DN thành lập, hoạt động theo Luật DN, Luật Đầu tư.
– HX (Hợp tác xã): NLĐ làm việc trong các HTX, liên hiệp HTX thành lập và hoạt động theo Luật HTX.
– CH: NLĐ làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp và tổ chức xã hội khác.
– NN (Nước Ngoài): NLĐ làm việc trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên tham gia có quy định khác.
– TK (Tổ chức khác): NLĐ làm việc trong các tổ chức khác có SDLĐ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
– HC (Cán bộ công chức viên chức): NLĐ là Cán bộ công chức viên chức theo quy định của pháp luật về CBCCVC.
– XK: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về CBCC.
ü Nhóm do tổ chức BHXH đóng
– HT (Hưu trí): Người hưởng lương hưu, trợ cấp MSLĐ hằng tháng.
– TB (Tai nạn lao động- Bệnh nghề nghiệp): Người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị TNLĐ-BNN.
– NO: NLĐ nghỉ việc đang hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về BHXH do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
– CT (Cấp Tuất): Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
– XB: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng.
Xem thêm : Xà phòng cám gạo có tác dụng gì?
– TN (Thất nghiệp): Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật về BH thất nghiệp.
– CS (Cao su): Công nhân cao su nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30/5/1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.
ü Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
– QN: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Việt Nam đang tại ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước (NSNN) theo chế độ, chính sách như đối với học viên quân đội.
– CA: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ đang công tác trong lực lượng công an nhân dân (CAND), học viên CAND hưởng sinh hoạt phí từ NSNN.
– CY: Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại các tổ chức cơ yếu thuộc các bộ, ngành, địa phương.
– XN: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ NSNN.
– MS (Mất sức lao động): Người đã thôi hưởng trợ cấp MSLĐ đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ NSNN.
– CC: Người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– CK: Người có công với cách mạng theo quy định pháp luật về người có công với cách mạng, trừ các đối tượng được cấp mã CC.
– CB: Cựu chiến binh theo quy định pháp luật về cựu chiến binh.
– KC: Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975; thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; dân công hoả tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ các đối tượng được cấp mã CC, CK và CB.
– HD: Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đương nhiệm.
– TE: Trẻ em dưới 6 tuổi, kể cả trẻ đủ 72 tháng tuổi mà trong năm đó chưa đến kỳ nhập học.
– BT (Bảo Trợ): Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật.
– HN (Hộ Nghèo): Người thuộc hộ gia đình nghèo.
– DT (Dân Tộc): Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
– DK: Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
– XD: Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
– TS: Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.
– TC: Thân nhân của người có công với cách mạng, bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con đẻ từ trên 6 tuổi của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, trừ các đối tượng được cấp mã TS.
– TQ: Thân nhân của đối tượng được cấp mã QN (Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ)
– TV: Thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội không có chế độ BHYT.
– TA: Thân nhân của đối tượng được cấp mã CA.
– TY: Thân nhân của đối tượng được cấp mã CY.
– HG: Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật.
– LS: Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
Xem thêm : Giờ phối hợp quốc tế (UTC) là gì? Cách chuyển giờ UTC sang giờ Việt Nam
– PV: Người phục vụ người có công với cách mạng, bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình; người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên ở gia đình; người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình.
ü Nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng
– CN (Cận Nghèo): Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
– HS (Học sinh): Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
– SV (Sinh viên): Sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
– GB: Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật.
ü Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình
– GD: Người tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình
2. MÃ QUYỀN LỢI
Mã quyền lợi là ký hiệu để NLĐ xác định mức chi trả khám chữa bệnh khi tham gia khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT
Thông tin về mức hưởng khám chữa bệnh BHYT của người có thẻ BHYT được mã hóa tại thông tin ô số 2 và được ký hiệu bằng số (từ 1 đến 5).
Trường hợp nếu 1 người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất.
· Ký hiệu số 1: Mức hưởng được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT và không phải áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế (VTYT) và dịch vụ kỹ thuật (DVKT) theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật, chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CC, TE.
· Ký hiệu số 2: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CK, CB, KC, HN, DT, DK, XD, BT, TS.
· Ký hiệu số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: HT, TC, CN.
· Ký hiệu số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: DN, HX, CH, NN, TK, HC, XK, TB, NO, CT, XB, TN, CS, XN, MS, HD, TQ, TA, TY, HG, LS, PV, HS, SV, GB, GD.
· Ký hiệu số 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là QN, CA, CY.
3. MÃ TỈNH, THÀNH PHỐ
Mã tỉnh, thành phố là hai ký tự ở ô thứ 3 trên thẻ BHYT (Hình minh họa). Mã tỉnh, thành phố giúp NLĐ đăng ký đúng mã bệnh viện nơi tỉnh, thành phố NLĐ đang sinh sống, để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Được ký hiệu bằng số (từ 01 đến 99) là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT (theo mã tỉnh, thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam và Công văn số 628/TCTK-PPCĐ ngày 06/08/2009 của Tổng cục Thống kê về việc thông báo mã số danh mục hành chính mới). Riêng mã của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng được ký hiệu bằng số 97, của Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân được ký hiệu bằng số 98.
4. MÃ SỐ BHXH
Mã số BHXH là 10 ký tự cuối ô thứ 4 trên thẻ BHYT (Hình minh họa). Là số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT quy định tại Quyết định 1263/QĐ BHXH ngày 21/11/2014. 10 ký tự cuối của mã số thẻ BHYT là duy nhất không thay đổidùng để quản lý và theo dõi ngườitham gia bảo hiểm trong suốt quá trình sử dụng bảo hiểm y tế.
Lời kết
BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật. BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám, chữa bệnh theo đúng nơi đăng ký ghi trên thẻ.
Trên đây là những kiến thức bổ ích, Nhân Kiệt dành cho các bạn, những người đã và đang sử dụng thẻ BHYT để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình. Đừng quên thường xuyên cập nhật những thông tin mới về BHYT các bạn nhé!
Các bạn có thắc mắc về BHXH, vui lòng đặt câu hỏi tại đây:zalo.me/2019758035563109256
Hoặc quét QR code sau
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp