Soạn bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn chi tiết Ngữ Văn 9

Trong bài viết Soạn bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn này, HOCMAI đã tổng hợp và biên soạn nội dung bao gồm phần lý thuyết cần nắm vững và phần trả lời các câu hỏi trong Sách Giáo Khoa Ngữ văn 9 Tập 2.

Tham khảo thêm bài viết:

  • Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới
  • Soạn bài Các thành phần biệt lập (tiếp theo)
  • Soạn bài Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

I. Lý thuyết cần nắm khi Soạn bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Định nghĩa về Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Liên kết câu và liên kết đoạn văn là sự kết nối ý nghĩa giữa các câu với nhau, giữa các đoạn văn với nhau bằng các từ ngữ có tác dụng liên kết. Qua đó làm cho các câu, các đoạn văn trong văn bản có nghĩa giúp người nghe, người đọc có thể hiểu dễ dàng hơn suy nghĩ, ý kiến, cách biểu đạt của người nói, người viết.

Trong một văn bản, sẽ có một sợi dây để liên kết chặt chẽ các câu lại với nhau. Câu này sẽ được liên kết với câu kia, sự liên kết này tạo nên một mạng lưới – Mạng lưới liên kết giữa các câu trong một văn bản được gọi là Tính liên kết của văn bản.

Liên kết là mối quan hệ giữa hai yếu tố ngôn ngữ mà trong đó, muốn hiểu được nghĩa của yếu tố này ta phải tham khảo nghĩa của yếu tố kia. Trên cơ sở đó, hai câu chứa chúng được liên kết lại với nhau.

Ví dụ:

a) Tôi thấy bộ phim đó khá ổn, nhưng bạn của tôi thì lại thấy bộ phim khá nhạt nhẽo.

b) Lớp tôi không chỉ có thành tích tốt trong thi đua học tập, lớp tôi còn tích cực tham gia và nhận được rất nhiều giải thưởng trong các hoạt động văn nghệ, thể thao do nhà trường tổ chức.

Các phép liên kết câu và liên kết đoạn văn

Các đoạn văn trong cùng một văn bản cũng tương tự như các câu trong một đoạn văn, chúng phải được liên kết chặt chẽ với nhau về cả nội dung lẫn hình thức.

a) Liên kết về nội dung:

Liên kết chủ đề: Các câu trong một đoạn văn phải cùng phục vụ chủ đề chung, các đoạn văn cần phải thể hiện được chủ đề chung của cả văn bản.

Liên kết logic: Các câu trong một đoạn văn và các đoạn văn trong cùng một văn bản phải được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

b) Liên kết hình thức:

Phép lặp từ ngữ: Là phép lặp lại từ ngữ đã có ở câu trước vào câu đứng sau.

– Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng: Là sử dụng các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc có cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước vào câu đứng sau.

– Phép thế: Sử dụng các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước vào câu đứng sau.

– Phép nối: Sử dụng các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước với câu đứng sau.

Trả lời câu hỏi | Trang 43 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Đọc đoạn văn ở SGK và trả lời các câu hỏi sau:

  1. Đoạn văn ở trên bàn luận về vấn đề gì? Chủ đề này có mối quan hệ gì với chủ đề chung của văn bản?
  2. Nội dung chính của ba câu nêu trong đoạn văn trên là gì? Những nội dung này có mối quan hệ gì với chủ đề của đoạn văn? Hãy nhận xét của mình về trình tự sắp xếp các câu trong đoạn văn.
  3. Những biện pháp thể hiện quan hệ chặt chẽ về nội dung giữa các câu trong đoạn văn là những biện pháp nào?( Hãy tập trung vào các từ ngữ in đậm).

Gợi ý:

Câu 1:

– Vấn đề được bàn trọng đoạn văn trên: Cách phản ánh cuộc sống thực tại của văn nghệ.

– Chủ đề của đoạn văn là một phần tạo nên chủ đề chung của toàn văn bản => Nó có mối quan hệ chặt chẽ với chủ đề chung của toàn văn bản.

Câu 2:

– Nội dung chính của ba câu trong đoạn văn:

  • Câu (1): Tác phẩm nghệ thuật nào cũng được xây dựng trên cơ sở từ hiện thực.
  • Câu (2): Điều quan trọng nhất là người nghệ sĩ cần phải nói cái mới mẻ từ những cái hiện thực đó.
  • Câu (3): Qua các tác phẩm nghệ thuật, mục đích của người nghệ sĩ là muốn gửi gắm các thông điệp, đóng góp vào đời sống xung quanh.

– Nhận xét: Trình tự được sắp xếp logic và hợp lý. Các câu góp phần giúp làm nổi bật chủ đề của đoạn văn trên.

Câu 3: Những biện pháp thể hiện quan hệ chặt chẽ về nội dung giữa các câu trong đoạn văn:

  • Sử dụng phép lặp từ ngữ: Lặp từ “tác phẩm”;
  • Sử dụng từ cùng trường nghĩa: Các từ “tác phẩm, nghệ sĩ”;
  • Sử dụng phép thế: Từ “anh | nghệ sĩ”;
  • Sử dụng quan hệ từ: Từ “nhưng”;
  • Sử dụng Phép đồng nghĩa: Cụm từ “cái đã có rồi” và cụm từ “những vật liệu mượn ở thực tại”.

II. Luyện tập

Phân tích sự liên kết về nội dung, về hình thức giữa các câu trong đoạn văn sau theo gợi ý nêu ở dưới.

soan-bai-lien-ket-cau-va-lien-ket-doan-van-2

Câu 1 | Trang 45 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Đoạn văn ở trên có chủ đề gì? Nội dung của các câu trong đoạn văn phục vụ cho chủ đề ấy như thế nào? Hãy nêu một trường hợp cụ thể để thấy rằng trình tự sắp xếp các câu trong đoạn văn trên là hợp lí.

Gợi ý:

Chủ đề của đoạn văn: Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam.

– Nội dung của các câu trong đoạn phục vụ cho chủ đề ấy:

  • Câu (1) và câu (2) → Phân tích những điểm mạnh của con người VN và tính ưu việt của nó.
  • Câu (3) và câu (4) → Khẳng định và phân tích những điểm yếu của con người VN.
  • Câu (5) → Nhiệm vụ cấp bách cần làm để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế mới.

Câu 2 | Trang 45 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Các câu của đoạn văn trên được liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào?

Gợi ý:

Các câu của đoạn văn được liên kết với nhau bằng:

  • Phép đồng nghĩa: Cụm từ “Bản chất trời phú ấy” → Nối câu (2) với câu (1).
  • Phép nối: Từ “nhưng” → Nối câu (3) và câu (2).
  • Phép thế: Từ “ấy” tại câu (2) thay thế cho cụm từ “sự thông minh nhạy bén với cái mới” ở câu 1; từ “ấy” tại câu (4) thay thế cho cụm từ “không ít cái yếu” ở câu (3).
  • Phép lặp: Lặp từ “lỗ hổng” tại câu (4) và câu (5), lặp từ “thông minh” tại câu (1) và câu (5).

Bài viết Soạn bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn đã cung cấp cho các em các kiến thức về Liên kết câu và liên kết đoạn văn cũng như trả lời các câu hỏi trong SGK lớp 9. Hy vọng bài viết sẽ là những kiến thức bổ ích dành cho các em học sinh chuẩn bị bài soạn văn của mình tốt và đạt được kết quả tốt.