Chiến tranh nhân dân – giá trị văn hóa quân sự chủ đạo trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc

Yếu tố “nhân dân” – nền tảng vững chắc trong chiến tranh của dân tộc Việt Nam

Tùy theo lập trường giai cấp và hoàn cảnh lịch sử, các nhà nước giải quyết vấn đề chiến tranh bằng nhiều cách khác nhau, song, dù bằng cách nào thìcác cuộc chiến tranh đều đứng trước hai vấn đề: một là, phải huy động sức mạnh nào để có thể chiến thắng; hai là, chiến thắng đó có thể đem lại lợi ích cho đối tượng nào. Việc giải quyết hai vấn đề trên quy định tính chất chính trị – xã hội và phương thức tiến hành chiến tranh.

Đối với cuộc chiến tranh có tính chất tự vệ, chính nghĩa, nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền, khi giải quyết hai vấn đề trên, yếu tố “nhân dân” giữ vai trò quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để tiến hành chiến tranh. Bởi xét đến cùng, quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử – một nguyên lý khoa học được đúc kết từ thực tiễn lịch sử nhân loại. Trong đấu tranh giai cấp, giai cấp, nhà nước nào thấu triệt đnguyên lý trên sẽ huy động được sức mạnh thực sự để giành thắng lợi. Thực tiễn cũng chứng minh, lịch sử chỉ có ý nghĩa và giá trị khi mang lại lợi ích cho cộng đồng. Một giai cấp, nhà nước hay tập đoàn chính trị muốn huy động được sức mạnhcủa nhân dân để thực hiện mục đích của mình đều phảixét đến lợi ích của quần chúng nhân dân.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước, do đó việc cố kết cộng đồng dân tộc để tạo nên sức mạnh chống lại thiên tai, địch họa là yêu cầu tất yếu. Cùng với tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, tình thương yêu con người…, tinh thần đoàn kết cộng đồng trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi giai đoạn, thời kỳ, thể hiện tâm hồn và cốt cách của người Việt Nam trong lối sống, cách ứng xử với tự nhiên, giữa con người với con người.

Chiến tranh toàn dân trong thời kỳ phong kiến

Trong vòng 30 năm (1258-1288), quân và dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của nhà Trần đã phải ba lần kháng chiến chống lại tham vọng bành trướng, xâm lược của đế chế Mông – Nguyên, một thế lực du mục hùng mạnh, hung hãn bậc nhất thế giới thời bấy giờ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của yếu tố “nhân dân”, các triều đại phong kiến tiến bộ đã hình thành phương thức chiến tranh toàn dân, động viên quần chúng nhân dân hăng hái chiến đấu, bảo vệ, tái thiết đất nước; gắn kết tư tưởng “dĩ dân” (dựa vào dân, huy động sức dân) với “vi dân” (coi trọng lợi ích của dân, duy trì dân sinh và mọi mặt đời sống xã hội). Điều này được biểu hiện rõ trong “nghệ thuật dựng binh” và “nghệ thuật dụng binh” để chuẩn bị và tiến hành chiến tranh.

Nghệ thuật dựng binh thể hiện nổi bật ở các tư tưởng, chính sách: “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, “chúng chí thành thành”, “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, “quốc gia tính lực”… Tư tưởng thân dân, dựa vào dân, “dĩ dân vi bản” được các nhà nước phong kiến hết sức coi trọng. Đặc biệt, trong xây dựng lực lượng, các nhà nước phong kiến đã biết lấy dân làm cơ sở để xây dựng tiềm lực trong thời bình cũng như trong chiến đấu. Việc tổ chức lực lượng vũ trang thường theo hai hướng: một là, chế độ binh dịch với tất cả các đinh tráng; hai là, chế độ quân lính chia phiên về sản xuất trong thời bình.

Nghệ thuật dụng binh thể hiện ở tư tưởng, nghệ thuật đánh giặc: “cử quốc nghênh địch”, “phúc chu thủ tín dân do thủy”, “kế thanh dã”, “bách tính giai binh”, “quân quý hồ tinh bất quý hồ đa”… Đặc biệt, nghệ thuật tiến hành chiến tranh được thể hiện rõ qua thế trận phòng thủ, phòng ngự, liên kết giữa kinh thành với các vùng phụ cận để xây dựng hậu phương chiến lược vững chắc. Cách đánh thời kỳ phong kiến rất đa dạng, chủ động tiến công, phòng thủ vững chắc trên các phòng tuyến và phản công, truy kích địch.

Thực tiễn lịch sử chứng minh, ngay từ khi dựng nước cho đến các cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ phương Bắc, những người lãnh đạo đã biết cách tập hợp nhân dân, phát triển lực lượng, huy động toàn dân đánh giặc.

Dưới thời Đại Việt, nhân dân vừa là chỗ dựa của triều đình, quân đội, vừa là những người trực tiếp tham gia đấu tranh. Dưới thời Lý – Trần, chế độ binh dịch theo kiểu “ngụ binh ư nông” được vận dụng nhằm phát triển tiềm lực quân sự, dựa vào sức mạnh của dân để chuyển hóa tiềm lực của đất nước. Để huy động sức dân, các đời vua Lý – Trần chủ trương “khoan – giản – an – lạc”, cơi nới sức dân để làm “kế sâu rễ bền gốc”. Cụ thể, dưới thời nhà Lý, nhờ dựa vào dân nên đã huy động được lực lượng nhân công đông đảo để xây dựng hệ thống phòng thủ trên bờ Nam sông Như Nguyệt – phòng tuyến với chiến lũy kiên cố, song quan trọng hơn là phòng tuyến lòng dân – điểm tựa vững chắc, tạo điều kiện, thời cơ để tiến hành phản công tiêu diệt quân Tống. Đến thời nhà Trần, đặc biệt chú trọng vai trò của “lòng dân không chia”, chuẩn bị thế trận toàn diện để cả nước chung sức đánh giặc. Theo đó, coi trọng hoạt động tác chiến của quân đội và hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu của đông đảo quần chúng nhân dân, gắn bó chặt chẽ triều đình với nhân dân, xây dựng được một hậu phương chiến lược rộng lớn ở vùng phụ cận kinh thành, từ đó thực hiện cuộc rút lui chiến lược, dần tạo thế phản công chiến lược.

Dưới thời Hậu Lê, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giữ nước được đặc biệt quan tâm, với tư tưởng trọng dân của Nguyễn Trãi: mến người có nhân là dân, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, thế trận lòng dân không ngừng được củng cố và phát triển nhanh chóng. Đồng thời, với phương châm vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, cách đánh du kích sớm mang dáng dấp kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện. Khi đủ lớn mạnh và có thời cơ, lực lượng khởi nghĩa tiến quân ra Bắc tiến công mạnh mẽ.

Hiểu rõ vai trò và sức mạnh của nhân dân, trong Hịch truyền quân dân đánh giặc giữ nước, vua Quang Trung khẳng định những chiến thắng giành được là nhờ sự phù trợ hết lòng của dân. Lúc này, tính chất của dân, do dân, vì dân đã bộc lộ khá rõ, bởi người lãnh đạo là thủ lĩnh nông dân, lực lượng khởi nghĩa là những người nông dân mặc áo lính,. Từ cuộc khởi nghĩa nông dân chống áp bức phong kiến, khởi nghĩa Tây Sơn phát triển thành cuộc chiến tranh toàn dân bảo vệ Tổ quốc, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Cuộc tổng hành binh thần tốc ra Bắc đại phá quân Thanh không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, mà còn là cuộc tổng chuyển hóa thần tốc nhân tâm Bắc Hà. Đây là nghệ thuật tác chiến tài tình, kết hợp giữa tổng tấn công của binh đoàn chủ lực với sự nổi dậy rộng khắp của nhân dân, từ đó tiến đến cả nước chung lòng, toàn dân đánh giặc.

Chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh

chien-tranh-nhan-dan-gia-tri-van-hoa-quan-su-chu-dao-trong-suot-chieu-dai-lich-su-dan-toc-chinh-tri-va-phat-trien-1-1699523919.jpg

Chiến tranh nhân dân giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh là sự tiếp nối cuộc chiến tranh toàn dân dưới thời kỳ phong kiến, có sự phát triển vượt bậc về chất trên cơ sở tích hợp những giá trị văn hóa quân sự trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, được quy định bởi sự thay đổi căn bản nền tảng kinh tế và chế độ chính trị – xã hội. Nếu chiến tranh toàn dân dưới thời kỳ phong kiến chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh “dĩ dân”, “vi dân” mới chỉ hướng đến củng cố lợi ích, quyền lực của giai cấp quý tộc phong kiến, do đó “vi dân” không toàn diện, không triệt để; thì chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh là sự tổng hòa các yếu tố “của dân, do dân, vì dân”, khối đại đoàn kết dân tộc hòa cùng chủ nghĩa quốc tế vô sản, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về lực lượng, chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh huy động sự tham gia của toàn dân trên cơ sở tự giác, có tổ chức lãnh đạo theo đường lối chính trị đúng đắn. Đảng chủ trương thực hiện vũ trang quần chúng đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Về mục tiêu, chiến tranh nhân dân không chỉ giành và giữ độc lập dân tộc, mà còn gắn với phương châm “người cày có ruộng”, đem lại lợi ích trực tiếp, căn bản, lâu dài, giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Thực tiễn cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Việt Nam, đỉnh cao là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân nhằm tạo khí thế áp đảo, còn lực lượng vũ trang đóng vai trò sẵn sàng chiến đấu. Tính chất toàn dân thể hiện ở tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân dân Thủ đô, giữ chính quyền bằng hoạt động của lực lượng vũ trang là nét nổi trội, song yếu tố quyết định thắng lợi là sự hậu thuẫn, trực tiếp đóng góp sức người, sức của của nhân dân.

Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới đều nhằm mục tiêugiải phóng nhân dân khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, mục tiêu, lực lượng tiến hành được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị toàn dân kháng chiến (ngày 12/12/1946) của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trong đó chỉ thị nhấn mạnh mục đích kháng chiến là “đánh phản động thực dân Pháp xâm lược, giành thống nhất và độc lập; tính chất là trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến”1; chính sách kháng chiến là “đoàn kết chặt chẽ toàn dân, thực hiện toàn dân kháng chiến”2…

Chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có sự phát triển về chất trong điều kiện mới. Để chiến thắng kẻ thù hung bạo, sừng sỏ nhất, chúng ta phải phát huy cao độ ưu thế và sức mạnh của chiến tranh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”3. Theo đó, miền Bắc đẩy mạnh hoạt động phòng thủ dân sự, phục vụ chiến đấu và vũ trang chiến đấu, tạo “lưới lửa” phòng không nhân dân nhiều tầng và rộng khắp, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam. Ở miền Nam, Đảng ta kiên trì chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, tiến công Mỹ ở cả rừng núi, thành thị và nông thôn, với tất cả các hình thức đấu tranh sáng tạo, kết hợp “2 chân, 3 mũi, 3 vùng”, trong đó đòn quyết định là cuộc tấn công thần tốc của các binh đoàn chủ lực kết hợp với cuộc nổi dậy của toàn dân.

Chiến tranh nhân dân trong tình hình mới

Hiện nay, cuộc chiến tranh nhân dân trong tình hình mới là cuộc chiến tranh chống lại chiến tranh xâm lược kiểu mới của các thế lực thù địch, phản động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý và điều hành của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lực lượng tiến hành chiến tranh là lực lượng toàn dân cả ở trong nước và nước ngoài, cả lực lượng quân sự và lực lượng chính trị của quần chúng, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt, kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại. Mục đích của cuộc chiến tranh nhân dân trong thời kỳ mới thực sự “vì dân” với nội dung và ý nghĩa đầy đủ nhất, do đó, cuộc chiến tranh “do dân” cũng được tiến hành một cách rộng rãi nhất, thể hiện ở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để thực hiện mục tiêu và phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân trong tình hình mới, mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động cao nhất các tầng lớp nhân dân cùng tổ chức thực hiện. Hiện thực hóa ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong đường lối quân sự, quốc phòng. Tăng cường xây dựng và củng cố thế trận lòng dân, tạo khả năng cao nhất để huy động tiềm lực của nhân dân. Đặc biệt chú trọng phát triển lý luận, nghiên cứu những vấn đề mới về chiến tranh nhân dân trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuẩn bị mọi điều kiện thực tiễn, xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, sẵn sàng chuyển sang tác chiến khi có chiến tranh. Chăm lo xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để giành thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chiến tranh kiểu mới của các thế lực thù địch, phản động.

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 150.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 344.

TS. Tạ Hữu Hùng

Trường Sĩ quan lục quân 1