Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

Giun đất là động vật ruột khoang, không có xương sống. Môi trường sống của chúng là ở trong lòng đất, nhất là những nơi đất mát mẻ, có độ ẩm và tơi xốp. Con giun đất có thân màu nâu đen hoặc nâu hồng. Chúng có chiều dài khoảng 10cm-34cm, chiều rộng từ 5-15mm. Thân của giun đất có nhiều đốt và có khả năng co giãn. Điều này giúp con vật chui rúc trong đất một cách dễ dàng. Bề mặt da của con giun đất khá mềm và ẩm ướt. Chúng hô hấp qua da.

1. Lợi ích của giun đất

1.1. Trong trồng trọt

– Giúp đất trở nên tơi xốp và thoáng khí, tăng năng suất cây trồng

Giun đất được so sánh như những kỹ sư xây dựng tạo ra các đường mòn dẫn chất dinh đi khắp nơi. Các khe hở trong đất do con giun thường xuyên di chuyển sẽ làm cho đất tơi, giàu dưỡng khí, không khí trong đất cũng lưu thông tốt hơn. Đây là điều kiện rất tốt giúp rễ cây hô hấp dễ dàng. Nhờ đó cây trồng sẽ phát triển tốt và mang lại năng suất cao.

– Giúp đất giàu dinh dưỡng

Thức ăn chính của giun đất là vụn cây mục nát như thân, lá, rễ cây, đất. Bởi vậy chất thải của giun rất giàu khoáng chất và các thành phần hữu cơ. So với vùng đất không có giun sinh sống thì nơi có nhiều giun sinh sống sẽ có hàm lượng Nitơ cao gấp 5 lần, Phôtpho cao gấp 7 lần, Magiê cao gấp 3 lần và Kali cao gấp 11 lần.

– Cải thiện cấu trúc đất

Trong trồng trọt, giun đất mang lại quá nhiều lợi ích. Nếu không có loài vật này thì môi trường đất sẽ trở nên cằn cỗi. Phân giun và xác giun có tác dụng tuyệt vời trong cải tạo đất. Chúng giúp tái tạo keo đất và xây dựng cấu trúc bề mặt đất bằng lượng phân để lại. Nếu được phát triển thuận lợi, phân giun đất đủ để tạo thành lớp đất sâu 5mm.

moi truong song cua giun dat la 1

Giun đất góp phần cải tạo đất

– Giảm thiểu vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng

Trong quá trình giun đất sử dụng lá,thân, rễ cây để làm thức ăn, chúng sẽ tiêu hóa luôn những vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh. Trong khi đó phân giun đất lại là môi trường rất tốt để các vi sinh vật có lợi phát triển. Hệ vi sinh vật có lợi này có khả năng tạo ra các chất kháng sinh để tiêu diệt vi sinh có hại.

1.2. Lợi ích đối với động vật

Từ lâu con giun đất đã được biết đến là nguồn thức ăn rất tốt cho các loại gia súc, gia cầm như gà, vịt, lợn,… Đó là vì trong loài vật này có chứa tới 70% đạm thô nhưng lại không hề chứa các chất độc hại. Lượng protein có trong giun đất không hề thua kém so với protein có trong các loại thịt, cá.

Không chỉ vậy, giun đất còn chứa rất nhiều loại axit amin tốt cho sự phát triển của vật nuôi. Đây là nguồn thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Sử dụng con giun làm thức ăn chăn nuôi là giải pháp cực kỳ hiệu quả để tiết kiệm chi phí cho người nông dân.

1.3.Lợi ích đối với môi trường

Đối với ngành chăn nuôi thì việc xử lý chất thải do vật nuôi thải ra môi trường là một bài toán đau đầu. Người nông dân phải áp dụng một số biện pháp xử lý chất thải trong trồng trọt và chăn nuôi như dùng men vi sinh xử lý nước thải hoặc xây hầm bioga. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp phải đầu tư cả tỷ đồng để xử lý nước thải trước khi đưa nguồn nước này ra môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người chăn nuôi đã xử lý phân trong trang trại chăn nuôi nhờ vào giun đất. Phân của gia súc, gia cầm sẽ trở thành thức ăn cho trùn quế. Sau đó phân của trùn quế lại được sử dụng để làm phân bón cho cây trồng. Theo nghiên cứu chỉ với khoảng 2 lạng giun đất chúng có thể xử lý được 300 kg rác thải. Từ đó tạo ra một lượng phân hữu cơ rất giàu dinh dưỡng cho trồng trọt.

1.4. Lợi ích với đời sống con người

Giun đất cũng được sử dụng làm một vị thuốc chữa bệnh. Không chỉ có Việt Nam mới sử dụng giun đất làm thuốc mà nhiều nước trên thế giới cũng sử dụng giun đất như một phương thuốc điều trị bệnh. Thuốc được chiết xuất từ giun đất được sử dụng để điều trị một số bệnh về khớp, tim mạch, huyết áp, hen suyễn, xơ vữa động mạch. Thuốc được điều chế từ giun đất có tác dụng điều hòa nhiệt độ trong cơ thể, ổn định huyết áp,…

Giun đất cũng được sử dụng để điều trị tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược cơ thể ở trẻ em. Đối với phụ nữ, một số loại thuốc được bào chế từ giun đất có tác dụng giảm sự co bóp tử cung.

2.Một số biện pháp để duy trì và phát triển giun đất

– Không dùng kích điện để bắt giun đất

Giun đất có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái trong đất, giúp làm tơi xốp, tạo độ thông thoáng cho đất, khiến cho bộ rễ cây phát triển, sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao.Nếu dùng kích điện để bắt giun đất là hành vi hủy hoại môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học. Khi giun đất bị chết các sinh vật khác trong đất cũng chết theo, làm cho đất bị khô cằn, chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp.

– Trồng trọt theo hướng hữu cơ

Các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ khiến giun đất bị nhiễm độc và chết. Do đó nên hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học. Thay vào đó sử dụng các loại thuốc sinh học. Như vậy sẽ không gây hại cho giun đất và cũng tốt cho sức khỏe con người.

– Tạo thảm cỏ nền và cây bụi thấp

Giun đất cần một môi trường ẩm và có nhiệt độ vừa phải để có thể tồn tại và phát triển. Do đó việc tạo ra một lớp thảm thực vật để che phủ là rất cần thiết. Đồng thời phải đảm bảo nguồn thức ăn cho giun bằng xác cỏ cây chết để lại.

– Giữ ẩm cho đất

Mỗi ngày giun đất sẽ sử dụng 20% trọng lượng cơ thể để tạo chất nhầy vào phân. Do đó loài vật này cần một lượng nước nhất định để duy trì. Mùn có tác dụng giữ ẩm trong đốt rất tốt. Bởi vậy nên bổ sung các chế phẩm hữu cơ phân hủy vào đất để tạo môi trường sống phù hợp cho loài vật này.

– Duy trì độ pH đất trung tính

Giun đất không phù hợp sống trong môi trường đất chua với độ pH dưới 4,5. Bởi vậy cần điều chỉnh pH về trung tính để giun đất phát triển./.

Hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất và sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất là hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, đồng thời cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.

Đề nghị mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường không thực hiện sử dụng kích điện, sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất. Tuyên truyền đến mọi người dân xung quanh không sử dụng kích điện, sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất đồng thời tích cực phát giác,thông báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện hoạt động sử dụng kích điện, sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất./.

Cam Văn Giáp – TTKN