QĐND Online – Mùa hè năm 1965, với các chiến thắng ở Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài của Quân giải phóng, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa do Mỹ nuôi dưỡng, trang bị, huấn luyện và chỉ huy đứng trước nguy cơ sụp đổ. Không chấp nhận thất bại, với bản chất kiêu căng, hiếu chiến, Mỹ liền thay đổi chiến lược, tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân viễn chinh và quân các nước đồng minh vào tham chiến trên chiến trường miền Nam. Với ưu thế quân sự vượt trội, quân đông, được trang bị vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh, sức cơ động nhanh, vừa vào miền Nam, Mỹ đã cho quân viễn chinh mở ngay cuộc hành quân “tìm diệt”, tiến công vào đơn vị Quân giải phóng của ta.

Lược đồ trận vạn Tường (8-1965)

Nhận được tin báo của lực lượng trinh sát của Sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, đóng quân ở vùng căn cứ Chu Lai, phát hiện có đơn vị chủ lực của ta (Trung đoàn 1 mang tên Ba Gia, đơn vị chủ lực của Liên khu 5) đóng quân tại Vạn Tường (xã Bình Thiện, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Oétmolen (Westmoreland) liền ra lệnh cho lính thuỷ đánh bộ mở cuộc hành quân mang tên Ánh sáng sao (Starlite) đánh vào Vạn Tường, nhằm tiêu diệt Trung đoàn 1 Quân giải phóng, gây uy thế cho quân Mỹ.

Thấy rằng trong trận này quân Mỹ hoàn toàn chủ động, lựa chọn chiến trường tác chiến hợp với sở trường để xuất quân. Tại đây, Mỹ có điều kiện thuận lợi sử dụng xe tăng, pháo binh, hải quân, không quân của chiến tranh hiện đại. Theo đó, chúng đưa vào trận đánh Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 cùng lực lượng bổ sung lên đến khoảng 9.000 quân, gồm ban chỉ huy Quân đoàn 7 thuộc Sư đoàn lính thủy đánh bộ, 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 2 tiểu đoàn bộ binh Việt Nam Cộng hòa, 1 tiểu đoàn xe tăng và xe lội nước, một số lượng pháo binh và công binh… ngoài ra chúng còn huy động 6 tàu đổ bộ, 105 xe tăng và xe bọc thép, 100 máy bay lên thẳng và 70 máy bay chiến đấu vào cuộc càn quét.

Đêm 17-8-1965, hơn chục tàu chiến thuộc Hạm đội 7 – Mỹ đậu thành vòng cung ngoài khơi liên tục bắn đại bác vào thôn Vạn Tường và các điểm cao. Sáng ngày 18-8-1965, một lực lượng lớn quân Mỹ gồm 4 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ, 1 tiểu đoàn xe tăng và xe bọc thép, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 6 tàu đổ bộ và pháo hạm cùng hàng trăm máy bay chiến đấu, mở cuộc hành quân phối hợp hải, lục, không quân tiến vào Vạn Tường. Sau khi dùng pháo, máy bay bắn phá dọn đường, quân Mỹ liền chia thành 4 mũi tiến về Vạn Tường: 1 mũi theo đường bộ từ Chu Lai vào, 2 mũi đổ bộ đường biển và 1 mũi đổ bộ đường không.

Với hy vọng sẽ tiêu diệt quân ta trong thời gian ngắn nhất, quân Mỹ từng bước khép chặt vòng vây, dồn quân ta vào Vạn Tường rồi dùng hỏa lực tiêu diệt. Trước tình hình đó, toàn đơn vị thuộc Trung đoàn 1 đã bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích đánh trả quân địch. Kế hoạch tác chiến của Trung đoàn là cản chậm bước tiến của các cánh quân Mỹ hướng Bắc và Đông Nam, tập trung lực lượng ở hướng Tây Nam dựa vào các hầm sâu và các vị trí chiến đấu ngụy trang kín đáo để diệt cánh quân đổ bộ bằng đường không.

Từ chỗ bị bất ngờ, ta đã giành được thế chủ động tiến công. Các mũi tiến công của quân địch đều vấp phải hệ thống bãi mìn, hố chông, vật cản khiến đội hình địch bị dồn ứ và bị bộ đội ta vận động tới đánh hoặc dùng hỏa lực tiêu diệt.

Trận đánh kéo dài đến chiều tốì ngày 18, địch bị đánh thiệt hại 4 đại đội. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ chẳng những không hợp điểm được tại thôn Vạn Tường theo ý định ban đầu, mà còn có nguy cơ bị sa lầy, bị diệt lớn. Hải quân Mỹ pháo kích dữ dội hòng làm giảm áp lực của ta và dùng máy bay lên thẳng chở lực lượng dự bị từ hạm đội đang đậu ngoài khơi đổ xuống Vạn Tường. Ta tiếp tục tiến công cho đến khi màn đêm buông xuống thì trận đánh kết thúc. Quân Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 900 tên, 22 xe tăng, xe bọc thép, 13 máy bay bị bắn rơi. Đêm 18 rạng 19 lực lượng ta bí mật rút khỏi Vạn Tường an toàn.

Chiến thắng Vạn Tường có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, là mốc son chói lọi phản ánh khí thế cách mạng tiến công, sự mưu trí, kiên cường, dũng cảm, đoàn kết chiến đấu của quân và dân Quảng Ngãi với bộ đội chủ lực Quân khu 5. Nếu như chiến thắng Ấp Bắc mở đầu cho “cao trào diệt ngụy”, thì chiến thắng Vạn Tường lịch sử mở đầu cho “cao trào diệt Mỹ”. Chiến thắng Vạn Tường khẳng định quân và dân ta có khả năng đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lăng, dù chúng có thể đông quân, hùng hậu về vũ khí trang bị và khả năng cơ động.

Cùng với chiến thắng Ba Gia, chiến thắng Vạn Tường đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong đó nổi bật nhất là bài học lớn về phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và sự kết hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương; giữa tiến công tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang với nổi dậy của quần chúng giành quyền chủ động; thể hiện tư duy nhạy bén trong nghệ thuật chỉ huy, điều hành chiến dịch của Bộ Tư lệnh Quân khu 5; tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Chiến thắng Vạn Tường mãi mãi đi vào lịch sử đất nước như một chiến công chói lọi của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đánh giá về trận Vạn Tường, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói: Nếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, trận Stalingrad là một bước ngoặt chứng minh quân phát xít Hitler không phải là không đánh được, thì chúng ta cũng có thể coi trận Vạn Tường là một bước ngoặt chứng minh một cách hùng hồn rằng quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí và hỏa lực so với quân giải phóng. NGUYỄN NGỌC TOÁN (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)