Bảo hiểm ô tô bị hết hạn bị phạt thế nào?

Theo Điều 6, Chương II của Nghị Định 03/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về Bảo hiểm bắt buộc Trách nhiệm dân sự của Chủ xe cơ giới – Ban hành ngày 15/1/2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2021 quy định:

Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (sau đây gọi là Giấy chứng nhận bảo hiểm) là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới khi tham gia bảo hiểm sẽ được cấp 1 giấy chứng nhận bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm do mỗi doanh nghiệp chủ động thiết kế mẫu nhưng nhất thiết phải bao gồm các nội dung sau đây:

– Tên, địa chỉ của chủ xe cơ giới

– Số biển kiểm soát (hoặc số khung/số máy)

– Loại xe, trọng tải, số chỗ ngồi, mục đích sử dụng đối với xe ô tô

– Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm

– Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba hoặc hành khách (đối với xe chở khách)

– Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn

– Thời hạn bảo hiểm, mức phí bảo hiểm và thời hạn thanh toán phí bảo hiểm

– Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm

– Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý, và sử dụng theo quy định của Bộ khoa học và Công nghệ để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và nội dung cơ bản của Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Trường hợp ô tô bị hết hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì chỉ bị phạt tiền chứ không bị tước bằng lái. (Ảnh: ĐN)

Trường hợp ô tô bị hết hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì chỉ bị phạt tiền chứ không bị tước bằng lái. (Ảnh: ĐN)

Mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mới nhất được quy định cụ thể tại Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/1/2021 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Căn cứ Điểm b Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: “Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới…4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;”

Như vậy, mức phạt tiền khi ô tô hết hạn bảo hiểm năm 2022 là từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng; không tăng so với quy định trước đó.

Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 10 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe như sau:

“10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm c khoản 5; điểm b, điểm d khoản 7; điểm c khoản 8; điểm b khoản 9 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, Giấy phép lái xe không hợp lệ;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5, điểm d khoản 7, điểm c khoản 8 bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.”

Đối chiếu quy định nêu trên có thể thấy; trường hợp ô tô bị hết hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì chỉ bị phạt tiền chứ không bị tước bằng lái.