Mức phạt uống rượu khi lái xe máy cao nhất 100 triệu đồng

Được xem là lỗi nghiêm trọng, mức phạt uống rượu khi lái xe máy tại Việt Nam cao nhất lên đến 100 triệu đồng và có thể đối diện án tù.

Rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Lỗi uống rượu lái xe thường bị phạt rất nặng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 trường hợp vi phạm lỗi uống rượu lái xe.

Luật Giao thông đường bộ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có bao gồm hành vi điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt khung cho phép.

  • Xem thêm: Mức phạt nồng độ cồn xe máy: Nặng nhất tịch thu GPLX
  • Xem thêm: Những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt tương ứng

Mức phạt uống rượu khi lái xe máy

Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định các mức phạt với các hành vi sau:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở.

muc phat uong ruou khi lai xe may 1

Lái xe sau khi uống rượu bia sẽ đối mặt với mức phạt khá cao.

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở.

– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi:

  • Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.

  • Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Không chỉ xe máy, người điều khiển xe đạp, xe đạp điện cũng đối diện các mức phạt khi trong người có nồng độ cồn. Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

– Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở.

– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi:

  • Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở.

  • Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở;

  • Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi :

  • Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở;

  • Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi uống rượu khi lái xe máy gây tai nạn

Không chỉ bị phạt tiền, người uống rượu lái xe máy có những hành vi sau đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo 260 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

89 content news muc phat uong ruou khi lai xe may 2 20221215090038 0kldauuz o

Uống rượu lái xe gây tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cao nhất lên đến 15 năm tù. Ảnh: Zing News.

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, người đi xe máy uống rượu bia rồi gây ra tai nạn giao thông có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù lên đến 15 năm, tùy theo trường hợp, mức độ gây thương tích, thiệt hại tài sản.