Học ngành gì để trở thành tiếp viên hàng không?

Tiếp viên hàng không là một trong những nghề đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay. Trong vai trò là người đại diện cho hãng hàng không, tiếp viên hàng không có nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn và hài lòng của khách hàng trong quá trình bay. Nếu quan tâm đến nghề tiếp viên hàng không, bạn cần tìm hiểu về ngành học phù hợp để có thể bắt đầu. Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn tìm hiểu về những khía cạnh của nghề và thu nhập khi trở thành tiếp viên hàng không nhé.

Tiếp viên hàng không là nghề gì?

Tiếp viên hàng không là những nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp để phục vụ và đảm bảo an toàn cho khách hàng trên các chuyến bay. Công việc của tiếp viên hàng không bao gồm: hướng dẫn khách hàng về an toàn trong khi bay, phục vụ thức ăn, đồ uống và các dịch vụ khác trên chuyến bay, xử lý các vấn đề liên quan đến khách hàng, cũng như giải quyết các tình huống khẩn cấp trong khi bay.

Ngoài những kỹ năng cần thiết về y tế và an toàn, tiếp viên hàng không phải có khả năng giao tiếp tốt, đặc biệt là trong việc làm việc với khách hàng từ nhiều quốc gia và văn hóa khác nhau. Nói chung, tính chất công việc đòi hỏi tiếp viên hàng không có những kỹ năng chuyên môn cao, sự tỉ mỉ, chính xác, kiên nhẫn, cùng với sự năng động, linh hoạt và tinh thần trách nhiệm cao.

Tiêu chuẩn gì để trở thành tiếp viên hàng không?

Các hãng hàng không luôn đưa ra các tiêu chuẩn cao trong các kỳ tuyển chọn tiếp viên hàng không – những người được coi là bộ mặt đại diện của hãng. Dẫu có yêu thích, bạn cần xem liệu mình có đáp ứng những tiêu chuẩn dưới đây rồi hẳn xác định theo đuổi nghề tiếp viên hàng không nhé.

Ngoại hình

  • Nữ tiếp viên hàng không: cao 1.58 – 1.75m

  • Nam tiếp viên hàng không: cao 1.68 – 1.82m

  • Thân hình cân đối với chỉ số Body Mass Index (BMI) trong khoảng 18.5 – 22.9

Gương mặt

  • Ngoại hình ưa nhìn, tươi tắn

  • Không có khuyết điểm như sẹo, hình xăm, khuyết tật, vết bớt dễ thấy

  • Tác phong đứng đắn

Sức khỏe

Bằng cấp

  • Có bằng tốt nghiệp THPT

  • Trình độ tiếng Anh theo quy định của hãng (chẳng hạn như TOEIC từ 440 với Vietjet, từ 500 với Bamboo, 550 với VN Airline… )

  • Lý lịch rõ ràng

Độ tuổi

  • Nữ: từ 18 – 28 tuổi

  • Nam: từ 18 – 30 tuổi

hotcourses.vn

Tiếp viên hàng không học ngành gì?

Trở thành tiếp viên hàng không hiện không yêu cầu bằng cấp quá cao nhưng bạn có thể học đại học, cao đẳng với ngành phù hợp hoặc thi vào các trường hàng không để trang bị những kỹ năng cần thiết và tăng lợi thế. Nếu muốn tăng cơ hội làm tiếp viên hàng không, bạn có thể cân nhắc các ngành như sau:

Ngành Ngoại ngữ

Việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp là điều cần thiết đối với một tiếp viên hàng không. Do đó, học ngôn ngữ Anh là một yếu tố quan trọng trong việc trở thành một tiếp viên hàng không. Bạn có thể thi vào các khối như D01 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán), D09 (Tiếng Anh, Toán, Lịch sử), D14 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử), D15 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Địa lý).

Ngành Quản trị khách sạn

Ngành quản trị khách sạn cung cấp kiến thức về quản lý, điều hành khách sạn và các dịch vụ liên quan. Các kỹ năng được đào tạo trong ngành này rất phù hợp với nghề tiếp viên hàng không, như kỹ năng giao tiếp, tư vấn khách hàng, cách xử lý các tình huống phức tạp, và quản lý các hoạt động phục vụ khách hàng.

Ngành Du lịch

Ngành du lịch là một trong những ngành học phổ biến nhất cho những người muốn trở thành tiếp viên hàng không. Các trường đại học và cao đẳng có chương trình đào tạo về du lịch thường cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng về quản lý, tổ chức tour du lịch, chăm sóc khách hàng, và các kỹ năng giao tiếp mà tiếp viên hàng không cần biết.

Ngành Hàng không

Nếu muốn trở thành tiếp viên hàng không, bạn có thể học trực tiếp ngành hàng không tại Học viện hàng không (VAA). Với VAA, tùy vào chuyên ngành sẽ có khối thi riêng. Các trường đại học và cao đẳng có chương trình đào tạo về hàng không thường cung cấp kiến thức về kỹ thuật bay, quản lý đội bay, quản lý khách hàng, an toàn hàng không, và các kỹ năng giao tiếp với khách hàng.

Ngành quản trị vận tải hàng không (QTVTHK)

Bạn cũng có thể học chuyên ngành QTVTHK, sau đó tham gia khóa nghiệp vụ để tăng tự tin trước khi thi tuyển. Ngoài tiếp viên hàng không, bạn vẫn có nhiều cơ hội làm việc trong ngành hàng không ở nhiều vị trí như:

  • Chuyên viên giám sát An Ninh – An Toàn hàng không

  • Chuyên viên điều hành bay, khai thác nhà ga – khu bay

  • Chuyên viên cung ứng dịch vụ hàng không

  • Chuyên viên thương mại Hãng hàng không

  • Nhân viên bán vé máy bay

  • Chuyên viên phục vụ hành khách/hành lý/hàng hóa

Chi phí để học trở thành tiếp viên hàng không có thể dao động tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Nếu bạn đủ điều kiện xét tuyển và đậu phỏng vấn, bạn có thể nộp hồ sơ vào hãng để được đào tạo. Tuy nhiên, mức chi phí đào tạo lại phụ thuộc vào từng hãng hàng không khác nhau, trong khoảng từ 40-90 triệu đồng.

Ngoài ra, bạn có thể tham gia các khóa đào tạo tiếp viên hàng không ngắn hạn từ 2-3 tháng để học nghiệp vụ trước khi thi tuyển. Chi phí cho các khóa đào tạo này cũng phụ thuộc vào từng trường đào tạo khác nhau.

Trường hợp bạn muốn học đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành hàng không để trở thành tiếp viên hàng không, chi phí sẽ bao gồm tiền học phí cộng với phí đào tạo ở trên. Chẳng hạn, học chuyên ngành hàng không tại Học Viện Hàng không, học phí đại học chính quy dao động từ 80-90 triệu đồng, tùy thuộc vào chuyên ngành cụ thể.

Mức lương của nghề tiếp viên hàng không như thế nào?

Nghề tiếp viên hàng không là một trong những nghề có thu nhập cao và hấp dẫn tại Việt Nam. Thu nhập của tiếp viên hàng không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm làm việc, địa điểm làm việc, hãng hàng không mà tiếp viên đang làm việc, cũng như các khoản phụ cấp và quyền lợi khác.

Theo thống kê của các hãng hàng không tại Việt Nam, mức lương trung bình của một tiếp viên hàng không là từ 18-30 triệu đồng/tháng. Đối với các tiếp viên hàng không có kinh nghiệm và làm việc tại các hãng hàng không nổi tiếng, thu nhập của họ có thể lên đến 30-40 triệu đồng/tháng.

Ngoài mức lương chính thức, các tiếp viên hàng không còn được hưởng các khoản phụ cấp như phụ cấp chuyến bay, phụ cấp tiền lưu động, phụ cấp chức vụ và các khoản thưởng khác. Các tiếp viên hàng không cũng được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm, du lịch miễn phí, và các chương trình đào tạo chuyên nghiệp để nâng cao kỹ năng và tăng cơ hội thăng tiến trong nghề.

>> Muốn trở thành phi công thì học gì, học ở đâu?

>> Ngành phẫu thuật thẩm mỹ: Học gì, học ở đâu và cơ hội nghề nghiệp