TẾT CON THỎ Ở TRUNG QUỐC

Từ xưa đến nay, thỏ là loài động vật gần gũi, thân thiết trong đời sống của người Trung Quốc. “Thi kinh” – tập thơ đầu tiên trong lịch sử cổ đại Trung Hoa (từ thế kỷ thứ X đến VI trước Công nguyên), đã có những ghi chép về loài thỏ. Từ thời Tiên Tần, thỏ đã trở thành một trong “lục súc” – 6 loài động vật chính được săn bắt và chăn nuôi. Không chỉ là loài vật gắn bó với cuộc sống con người, thỏ còn đi vào thi ca, thần thoại, nghệ thuật, trở thành một hình tượng văn hóa với nhiều ý nghĩa phong phú.

Trong xã hội nông nghiệp Trung Quốc xưa, xuất phát từ tâm lý cần nhiều con cái để lao động, sản xuất, người ta coi thỏ, một loài động vật có khả năng sinh sản rất cao làm đối tượng để tôn thờ; dùng hình tượng thỏ để biểu đạt mong ước giản đơn là có thể sinh con đẻ cái, “nhiều con nhiều phúc”. Theo truyền thống, khi trang trí phòng tân hôn cho các cặp vợ chồng mới cưới, người ta thường dán nhiều tranh, ảnh có hình tượng thỏ, với mong muốn vợ chồng hòa hợp, con cháu đầy nhà. Một số nơi, còn có lệ cưới vợ, làm nhà vào năm Mão, để cầu nhiều con cháu, gia đạo hưng thịnh.

Thỏ gắn liền với vẻ đẹp nết na, thùy vị và nhanh nhẹn của người phụ nữ, thường được coi là biểu tượng của nữ giới. Theo truyền thuyết, trên cung trăng có Hằng Nga và Thỏ Ngọc, là những hình ảnh đẹp, gắn với nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương và ước vọng đoàn viên, tụ họp với gia đình của những người xa nhà, xa xứ.

Với vẻ ngoài đáng yêu, nhanh nhẹn, đặc tính ôn hòa, thỏ được coi là loài vật mang đến sự may mắn, cát tường, rất được người dân Trung Quốc ưa thích, do vậy thường xuất hiện trên các tác phẩm hội họa, thủ công mỹ nghệ, thêu thùa, trở thành vật trang trí của nhiều gia đình hoặc trang sức mang theo người để cầu bình an, may mắn.

Dân gian còn coi hình tượng thỏ là một vị thần bảo hộ, trừ tà ma và bệnh tật, đem lại bình an cho con người. Nhiều nơi có phong tục mùng 1 Tết treo bức tranh đầu thỏ để trấn tà trừ tai, tặng trẻ con tranh thỏ để cầu phúc; mang đèn thỏ dạo chơi ngày Tết Nguyên tiêu để cầu may mắn; mang túi thơm hình thỏ ngày Tết Đoan ngọ để tiêu trừ độc khí, bảo vệ sức khỏe; cúng bái hình tượng Thần thỏ nặn bằng bột hoặc đất sét ngày Tết Trung thu để trừ bệnh tiêu tai…

Trong văn hóa Trung Hoa xưa, thỏ trở thành một biểu tượng của đạo đức, nhân nghĩa, gắn với các phẩm chất của người quân tử, nhất là sự hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Tiếng Hán có không ít thành ngữ, tục ngữ dùng hình ảnh thỏ để biểu đạt những nét nghĩa tích cực như thông minh, nhanh nhẹn, giỏi giang, năng động…

Theo giáo sư Trương Chấn Trung, Hội Thư pháp Trung Quốc, nói đến năm con thỏ là nói đến văn hóa con giáp có lịch sử lâu đời, thỏ tương ứng với “Mão” trong 12 địa chi, với ý nghĩa là vạn vật tốt tươi, sinh sôi nảy nở, cũng tượng trưng cho mùa xuân, bình minh tràn đầy sức sống.

Là một trong 12 con giáp, thỏ xếp ở vị trí thứ 4 trong các địa chi, sau chuột (Tý), trâu/bò (Sửu) và hổ (Dần). Đặc tính ôn hòa, đáng yêu, hồn nhiên, sôi nổi, tự do, năng động của thỏ, dường như cũng phản chiếu nét tính cách của những người sinh năm Mão. Người Trung Quốc quan niệm những ai sinh năm Mão, sẽ có tính cách rất tốt như hiền lành, khiêm tốn, lễ độ; nhanh nhẹn, tỉ mỉ, kiên nhẫn; tốt bụng, giản dị. Trong công việc, người sinh năm Mão thường cần cù chịu khó, nghiêm túc, cẩn thận, tỉ mỉ, có tinh thần trách nhiệm cao và lòng yêu nghề.