Vì sao 25-10-1945 là ngày truyền thống của tình báo quốc phòng?

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 25-10

Sự kiện trong nước

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo, sinh ngày 25-10-1921, tên khai sinh là Tạ Thái An, quê quán thuộc xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1941 ông đã tham gia Việt Minh và được cử đi học quân sự tại Liễu Châu, Trung Quốc. Khi học ở đây, ông đã vinh dự được Bác Hồ đặt tên mới là Hoàng Minh Thảo-cái tên như một tiên đoán về cuộc đời và sứ mệnh của vị tướng tài ba trong quân đội.

ngay 25 10 la ngay gi 1

Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo phổ biến kế hoạch tác chiến ở Sở chỉ huy. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1944, ông tham gia gây dựng cơ sở chính trị và xây dựng lực lượng du kích ở vùng biên giới Lạng Sơn. Tháng 3-1945 ông được kết nạp vào Đảng và tham gia giành chính quyền ở Tràng Định, Lạng Sơn. Tháng 8-1945 đến năm 1949, ông là phái viên của Bộ Quốc phòng ở các tỉnh duyên hải tả ngạn sông Hồng, giữ chức Khu trưởng Chiến khu 3 khi ở tuổi 24, là vị Khu trưởng trẻ nhất và được phong quân hàm Đại tá Quân đội Quốc gia Việt Nam trong đợt phong quân hàm đầu tiên. Từ năm 1949 năm 1950, ông là Tư lệnh Liên khu 4.

Sau chiến dịch Biên giới 1950, ông được cử giữ chức Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 304 (1950-1954). Sau 1954, ông được phân công giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Học viện Quân sự (Học viện Lục quân). Năm 1962 ông được đi nghiên cứu ở Học viện Quốc phòng Bắc Kinh, sau có thời gian bổ túc quân sự ở Liên Xô. Năm 1968, ông là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 3-1975, ông giữ cương vị Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Sau 1975, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Viện trưởng Học viện Lục quân (1976-1977), Viện trưởng Học viện Quân sự Cao cấp (1977-1989), kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự Bộ Quốc Phòng (1990-1995). Ông được Nhà nước, Quân đội cho nghỉ hưu năm 1995.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (ngoài cùng bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng đồng chí Bằng Giang năm 1973. Ảnh tư liệu.

Ngày 25-10-1945, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã công bố Quyết định thành lập Phòng Tình báo trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, đánh dấu cho sự phát triển lớn mạnh của lực lượng tình báo quốc phòng Việt Nam. Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 07/CT nhằm tăng cường công tác tình báo phục vụ sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong tình hình mới. Ngày 17-5-1951, Chính phủ ra Sắc lệnh số 42/SL thành lập Ban Tình báo chiến lược, lấy bí danh là Nha Liên lạc trực thuộc Phủ thủ tướng. Việc thành lập Nha Liên lạc là bước ngoặt quan trọng của tình báo quốc phòng. Ngay sau khi được thành lập, Nha Liên lạc đã chọn địa bàn xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang làm trụ sở hoạt động, phục vụ tin tức.

Ảnh chụp các cán bộ lão thành của ngành tình báo quốc phòng vào năm 1995. Nguồn: trian.vn

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với tinh thần cách mạng tiến công, dựa vào sức mình, dựa vào đoàn thể, vào nhân dân để tổ chức hoạt động, tình báo quốc phòng đã có sự phát triển liên tục, vững chắc về tổ chức và lực lượng; có mặt ở khắp các mặt trận, các chiến trường; “đi sâu” vào tận sào huyệt của kẻ thù; đã thu thập được những tin tức, tài liệu có giá trị chiến lược cao, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho Đảng, Quân đội; góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta làm nên những chiến công vang dội như Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954; đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau đó, tình báo quốc phòng tiếp tục phục vụ hiệu quả cho Đảng, Nhà nước và Quân đội đối phó với kế hoạch hậu chiến, chiến tranh phá hoại nhiều mặt và chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, tình báo quốc phòng đã cung cấp kịp thời nhiều tin tức quan trọng để Bộ Quốc phòng chỉ đạo tác chiến; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng Tổng cục Tình báo năm 2020. Ảnh: qdnd.vn

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong những năm gần đây, với sự đoàn kết trên dưới một lòng, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo, tình báo quốc phòng quán triệt sâu sắc đường lối, nghị quyết của Đảng, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng; chủ động đổi mới tư duy và phong cách công tác, kịp thời chuyển hướng nhiệm vụ nắm địch, nắm tình hình, thực hiện đầy đủ chức năng là cơ quan tình báo chiến lược toàn diện của Đảng, Nhà nước, đồng thời là cơ quan tình báo chuyên ngành quân sự của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; hoàn thành tốt, nhiều mặt xuất sắc nhiệm vụ.

Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, để đáp ứng yêu cầu xây dựng sức mạnh chính trị, tinh thần cho Quân đội, tháng 7 năm 1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng Quân ủy ra Quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp QĐND Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay). Ngày 25-10-1951, Nhà trường vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị. Để ghi nhớ công ơn của Đảng và Bác Hồ, được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngày 25-10 trở thành Ngày truyền thống của Học viện Chính trị.

Sự kiện quốc tế

25-10-1971, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2758, thay thế Trung Hoa Dân quốc bằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đại diện của Trung Quốc tại tổ chức này.

25-10-1990, Kazakhstan trở thành nước Cộng hòa.

Theo dấu chân Người

Ngày 25-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ thảo luận một số vấn đề kinh tế và tiếp tục góp ý, bổ sung Dự thảo Hiến pháp.

Ngày 25-10-1946, tiếp tục loạt bài giới thiệu về “Binh pháp Tôn Tử”, Báo Cứu Quốc đăng bài “Bàn về địa hình”, trong đó Bác phân tích: “Về quân sự đành rằng phải có binh mạnh, tướng giỏi, nhưng không nghiên cứu địa hình một cách tường tận, không thể xuất trận thành công được. Trên mặt trận, biết lợi dụng địa hình, đánh trận không hao tổn công sức mà được thắng lợi dễ dàng… Gặp địa hình nào phải tùy cơ ứng biến để có thể lợi dụng một cách có hiệu quả trong cuộc chiến đấu với quân địch”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở số nhà 54 (1957). Ảnh tư liệu.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong phần viết về “Cách lãnh đạo”có đoạn: “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng… Nghĩa là: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu… Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh-Ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 25-10-1951, thăm và nói chuyện với Trường Chính trị Trung cấp Quân đội, Bác căn dặn: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh-Ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Từ ngày đầu ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng ta xác định: “Chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Theo Hồ Chủ tịch, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, “muốn có đội quân vũ trang phải có đội tuyên truyền vận động – đội quân chính trị trước đã. Nên việc này phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông… Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện cầm súng thì mới thắng được”.

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) thành lập ngày 22-12-1944. Ảnh tư liệu.

Như vậy, theo Bác: lấy chính trị làm “gốc”, lấy xây dựng về chính trị là nền tảng, là cơ sở để phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Chính trị có vững thì tư tưởng mới thông, quyết tâm mới cao, trí tuệ mới sáng, sức chịu đựng, khả năng vượt qua khó khăn, gian khổ mới lớn, kỷ luật mới nghiêm và mới tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Xây dựng quân đội về chính trị không chỉ ở thời điểm thành lập mà ngay cả khi lực lượng vũ trang nhân dân đã lớn mạnh, trưởng thành thì chính trị vẫn trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến và giữa hai lực lượng này vẫn có mối quan hệ hết sức bền chặt.

Tựu trung lại, thực chất của quá trình xây dựng quân đội về chính trị theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là xác lập, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm quân đội luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng quân đội cách mạng, cũng là nguyên tắc cốt lõi để xây dựng quân đội vững về chính trị; là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của QĐND Việt Nam.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quân đội ta là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: tuyengiao.vn

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến mau lẹ, phức tạp, khó lường; xu thế quốc tế hóa và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, đáng chú ý là các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược DBHB chống phá cách mạng nước ta, cổ súy cho cái gọi là: “quân đội phi chính trị”, “quân đội phi đảng phái”… thì hơn lúc nào hết, tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị càng có ý nghĩa chính trị, thời sự nóng hổi, sâu sắc và nhân văn.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quân đội ta là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nhưng cốt lõi, vẫn phải đặc biệt coi trọng xây dựng trận địa chính trị tư tưởng vững chắc trong quân đội, để tác chiến, đấu tranh làm thất bại và vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, đối ngoại quốc phòng… Trước tình hình mới, toàn quân càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị để tạo nền tảng, cơ sở vững chắc nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cao cả đặt ra.

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 25-10-1969 (trái) và 25-10-1976.

Ngày 25-10-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3028 đăng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tiêu đề “Bác Hồ sống mãi trong lòng chúng ta”.

Ngày 25-10-1976, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5565 đăng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên khóa 1 trường Luân huấn Chính trị Trung cấp (ngày nay là Học viện Chính trị) tại Việt Bắc, ngày 25-10-1951.

MINH ANH