Nghén ngủ là con trai hay gái?

Nghén ngủ thường phổ biến trong 3 tháng đầu của thai kỳ, khiến thai phụ thường xuyên mệt mỏi, muốn ngủ mọi nơi. Có thể cần phải ngủ từ 10-12 giờ/ ngày mới đạt được trạng thái tinh thần tốt nhất.

Nguyên nhân dẫn đến nghén ngủ có thể là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Cụ thể là tăng cao nồng độ progesterone và beta HCG trong máu khiến cho thai phụ bị nghén ngủ. Khi bước vào 3 tháng cuối thai kỳ, cảm giác lo lắng khi sắp sinh sẽ khiến mẹ bầu bị căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến mất ngủ vào buổi tối và thèm ngủ vào ban ngày.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến cho rằng, nghén ngủ là hiện tượng sinh lý bình thường lúc mang thai, nó không hề liên quan đến giới tính của thai nhi. Do vậy những ý kiến cho rằng nghén ngủdấu hiệu ốm nghén bé trai hay dấu hiệu ốm nghén bé gái là hoàn toàn không chính xác. Phụ nữ mang thai muốn biết chính xác là bé trai hay bé gái thì cần phải khám thai định kỳ, siêu âm hoặc làm xét nghiệm di truyền.

Mẹ bầu bị nghén ngủ trong 3 tháng đầu thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, do việc ngủ dành nhiều thời gian ở trên giường nên hạn chế vận động, tăng nguy cơ loãng xương sau sinh. Thai phụ nằm trên giường nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu linh hoạt và nguy hiểm hơn là có thể gây huyết khối tĩnh mạch đi vào trong phổi, dẫn đến thuyên tắc phổi.

Nghén ngủ trong 3 tháng cuối thai kỳ có nhiều nguy cơ, rủi ro hơn. Theo 1 số nghiên cứu, mẹ bầu ngủ giấc dài trên 9 tiếng và không tỉnh giấc thường sẽ có nguy cơ thai lưu cao hơn. Để hạn chế những nguy cơ do nghén ngủ gây ra thì mẹ bầu nên đặt báo thức trước khi đi ngủ, sau khi thức dậy nên di chuyển từ 5-10 phút mỗi lần.