Xin nghỉ đi khám thai có bị công ty trừ phép năm không?

1. Nghỉ khám thai có bị trừ phép năm không?

Chế độ khám thai và chế độ nghỉ phép năm cùng là quyền lợi dành cho người lao động nhưng chúng là hai chế độ khác nhau, chịu sự điều chỉnh của các văn bản khác nhau. Do đó, người lao động nghỉ khám thai theo chế độ bảo hiểm xã hội sẽ không bị trừ phép năm

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nghỉ khám thai là quyền lợi về bảo hiểm dành cho lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mang thai.

Người lao động nghỉ làm để đi khám thai sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán tiền chế độ khám thai theo mức hưởng quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội:

Mức hưởng/ngày khám

=

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm của 06 tháng trước khi nghỉ chế độ khám thai

:

24

Trong khi đó, chế độ nghỉ phép năm được quy định tại Bộ luật Lao động là quyền lợi dành cho tất cả những người lao động. Theo Điều 113 Bộ luật Lao động, người lao nghỉ phép năm sẽ được doanh nghiệp trả lương lương theo hợp đồng lao động cho những ngày nghỉ đó.

Lưu ý: Người lao động không thể đồng thời hưởng cả 02 chế độ nghỉ khám thai và nghỉ phép năm bởi thời gian hưởng chế độ thai sản không tính cho khoảng thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm (theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH).

Nghỉ khám thai có bị trừ phép năm không?
Nghỉ khám thai có bị trừ phép năm không? (Ảnh minh họa)

2. Mỗi lần khám thai được nghỉ mấy ngày?

Căn cứ Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ mang thai được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 05 lần trong suốt thời gian thai kỳ với số ngày như sau:

– Trường hợp thông thường: Mỗi lần khám thai được nghỉ 01 ngày.

– Trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường: Mỗi lần khám thai được nghỉ 02 ngày.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khám thai được tính theo ngày làm việc, không kể ngày lễ, nghỉ Tết và ngày nghỉ hằng tuần.

Trường hợp cần nghỉ dài hơn, người lao động có thể tận dụng quyền lợi nghỉ phép năm hoặc xin nghỉ không hưởng lương (nếu được người sử dụng lao động đồng ý).

Mỗi bà mẹ được nghỉ khám thai mấy ngày?
Mỗi bà mẹ được nghỉ khám thai mấy ngày? (Ảnh minh họa)

3. Nghỉ khám thai được tính hưởng chế độ thế nào?

Người lao động nghỉ làm để đi khám thai sẽ được cơ quan bảo hiểm chi trả khoản tiền sau:

Mức hưởng chế độ khám thai

=

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ chế độ khám thai

:

24

x

Số ngày nghỉ

Ví dụ: Chị A có tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 06 triệu đồng/tháng. Mỗi lần nghỉ khám thai, chị A được nghỉ 01 ngày và được thanh toán số tiền sau:

Tiền nghỉ khám thai = 06 triệu đồng : 24 = 250.000 đồng.

Để nhận được tiền chế độ khám thai thì sau khi trở lại làm việc, người lao chỉ cần nộp lại cho doanh nghiệp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được cấp bởi cơ sở y tế nơi mình khám thai. Sau đó, phía doanh nghiệp sẽ hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, thời gian giải quyết hưởng chế độ khám thai cho người lao động là tối đa 06 ngày làm việc, tính từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ doanh nghiệp.

Tiền khám thai sẽ được chi trả cho người lao động theo phương thức đã đăng ký, thường là trả tiền mặt thông qua doanh nghiệp hoặc chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng cá nhân của người lao động.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Nghỉ khám thai có bị trừ phép năm không?” Để được tư vấn thêm về chế độ thai sản cùng các vấn đề khác về lao động, tiền lương, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ sớm nhất.