Những người giữ đất: "Bình Tây Đại Nguyên soái" Trương Định

“Trong Nam tên họ nổi như cồn” là lời thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu nói về ông Trương Định – nhân vật lịch sử đứng hàng đầu trong sự nghiệp giữ đất Nam Kỳ, chống thực dân Pháp xâm lược, ở thời gian giữa thế kỷ XIX.

Thành “Bình Tây Đại Nguyên soái”

Trương Định sinh năm 1820, tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Năm 1844, ông theo cha là lãnh binh Trương Cầm vào Nam, sống cùng cha ở nơi đóng quân tại Gia Định. Sau khi cha mất, ông về huyện Tân Hòa (nay là Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) lấy vợ là con gái một nhà hào phú họ Lê ở địa phương.

Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Tướng Nguyễn Tri Phương, ông xuất tiền nhà vợ, chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền lớn ở Gò Công, được triều đình Huế bổ nhiệm chức Quản cơ, hàm chánh lục phẩm.

Năm 1861, ông đem lực lượng “dân dũng” của mình, đông tới cả vạn người, giúp Tướng Nguyễn Tri Phương giữ Đại đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa), chống lại cuộc tấn công của người Pháp. Năm 1862, Đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, xây dựng đại bản doanh ở đấy, chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp khắp Nam Kỳ.

Nhưng, triều đình Huế lúng túng như gà mắc tóc trong việc đối phó với người Pháp đã nhu nhược ký “Hàng ước 1862”, nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Và theo những điều khoản của hàng ước đã ký, xuống lệnh giải giáp những lực lượng chống Pháp ở các vùng đất đã “nhường”, điều các chỉ huy – trong đó có Trương Định – ra khỏi các vùng đất ấy, đi nơi khác “làm nhiệm vụ”.

Trương Định đã dũng cảm, kiên quyết chống lại tình thế và mệnh lệnh ấy và trở thành “Bình Tây Đại Nguyên soái” trong hoàn cảnh đó.

Đối tượng lớn để chiêu dụ

Sử triều Nguyễn – sách “Đại Nam Thực lục Chính biên” – hoang mang theo chủ trương của triều đình Huế, không nói gì đến danh hiệu “Bình Tây Đại Nguyên soái” của Trương Định, chỉ gọi ông là “Đại đầu mục”, nhưng cũng có được những dòng chính sử viết về ông, như sau:

“Từ khi hòa (hàng) ước (năm 1862) đã thành, thông dụ cho Nam Kỳ nghỉ quân, đổi Trương Định về Phú Yên. Khi ấy, những chúng dân ứng nghĩa ở Gia Định, Định Tường, Biên Hòa không chịu theo Tây Dương, tụ họp đoàn kết, suy tôn Trương Định làm người Đại đầu mục, tâu bầy xin ra đánh giặc. Đình thần (nghị bàn) cho rằng: Việc miền Bắc đang khẩn, mà việc miền Nam chưa có cơ hội. Bèn sai Phan Thanh Giản đi hiểu dụ. Trương Định lâu không đến nhận chức. Bèn cách chức hàm”.

Thế là thành sự thể: Trương Định không còn chức hàm triều đình nữa nhưng vẫn là đối tượng lớn để cả triều đình Huế lẫn Pháp thực dân chiêu dụ.

Sách “Đại Nam Thực lục Chính biên” viết tiếp: “Phan Thanh Giản hàng dụ Trương Định. Định thề không cùng giặc Tây Dương chung sống. Binh dân ứng nghĩa ở lục tỉnh thuộc vào trong hàng ngũ của Trương Định đều cùng cầm cự, chống lại Tây Dương. Tướng nước Phú (tức nước Pháp) cũng chiêu dụ Định. Nhưng Định không chịu khuất. Phan Thanh Giản lại xin (vua Tự Đức) xuống sắc để chiêu dụ Định. Vua bảo các thị thần rằng: Lòng người còn như thế, âu cũng là một sự giúp cho cuộc mưu tính lấy lại (ba tỉnh miền Đông), há phải lẽ nào cứ răn dụ lặt vặt mãi”!

Suy tôn làm chủ soái

Thái độ hai mặt của vua Tự Đức – vừa điều Trương Định ra khỏi chiến trường giữ đất vừa nhìn nhận giá trị cuộc chiến đấu của họ Trương – như thế, có thể được Đại đầu mục của sự nghiệp “Nam Kỳ kháng Pháp” biết, cũng có thể là không, nhưng chắc chắn và sự thực là – như lời chép trong sách “Lịch sử Việt Nam 1858 – 1896” của Viện Sử học – như sau:

“Trương Định cho vợ con đi trước và nói: Sẽ thu xếp việc quân, rồi đi sau. Nhưng nghĩa quân đã bàn nhau giữ Trương Định ở lại. Khi ấy có Phan Tấn Phát ở Tân Long – một làng nằm giữa Chợ Gạo và Tầm Vu – truyền thư cho các đội nghĩa quân suy tôn Trương Định làm chủ soái. Mọi người đều đồng lòng và tổ chức đắp đàn, làm lễ, đem nhiễu đỏ quàng lên vai Trương Định, tôn làm Bình Tây Đại Nguyên soái, Lê Quang Quyền làm tham tán quân vụ.

“Cả Phan Thanh Giản, cả chủ tướng Pháp (là Bô-na) đều ra sức nhiều lần dụ Trương Định. Nhưng Trương Định đã trả lời: “Quốc gia bàn hòa thì cứ hòa nghị, còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với triều đình, chứ không nỡ ngồi nhìn giang sơn chìm đắm!”.

Vậy là sách “Lịch sử Việt Nam 1858 – 1896” chép tiếp:

“Từ ngày 16-12-1862, dưới sự chỉ huy thống nhất của Trương Định, một cuộc tổng tiến công của nghĩa quân đã nổ ra.

Hầu hết các đồn trại của địch ở vùng Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho đều bị tấn công.

Trận đánh lớn đầu tiên là tấn công đồn Rạch Tra trên đường Sài Gòn đi Tây Ninh, vào lúc đêm tối. Nghĩa quân vào đồn, giết lính gác, giết đồn trưởng Thouroude bằng mác gỗ, thu được hầu hết vũ khí đạn dược, rồi rút lui.

Trên sông Vàm Cỏ Đông, ba tàu chiến của địch, cùng một lúc, bị tấn công theo cách đánh của Quản Lịch (Nguyễn Trung Trực) năm trước.

Ở Biên Hòa, hàng ngàn đồng bào Kinh/Thượng với cung tên giáo mác ào vào đánh các trại giặc.

Ở Bà Rịa, quân khởi nghĩa chiếm được huyện Long Thành, toàn thể binh lính người Việt của địch chạy theo nghĩa quân.

Ở Cần Giuộc, quanh Chợ Lớn, 5.000 nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Hàn Lâm Phục và Quản Là đánh phá quyết liệt đám quân địch đang hành tiến qua đường từ Sài Gòn đi Mỹ Tho.

Ở Mỹ Tho hơn 2000 nghĩa quân đánh đồn Thuộc Nhiêu.

Nghĩa quân đã đánh và kiểm soát được con đường Sài Gòn – Biên Hòa…”.

Mãnh liệt đánh giặc giữ đất

Sau cuộc tổng tiến công năm 1862 gây cho địch nhiều tổn thất, khiến nghĩa quân giành lại được quyền kiểm soát nhiều vùng đất quan trọng, Bình Tây Đại Nguyên soái bị địch tập trung lực lượng phản kích lớn, vào và từ đầu năm 1863.

Chúng lại bị tổn thất lớn, khi đánh trận mở đầu ở Quy Sơn. Nhưng sau đấy, gồm ba mũi tấn công, dùng nhiều pháo hạm yểm trợ, từ ngày 25-2-1863 đến 28-3-1863 địch đã chiếm được đại bản doanh Tân Hòa của Trương Định.

Bình Tây Đại Nguyên soái phải rút về Phước Lộc, lập căn cứ mới, chỉ huy nghĩa quân phân tán lực lượng về các miền rừng Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Đồng Tháp Mười… tiếp tục đánh giặc.

Từ đấy sang đến năm 1864, những bố cáo đầy tinh thần mãnh liệt đánh giặc giữ đất của Bình Tây Đại Nguyên soái vẫn được dán ở khắp nơi. Và những cuộc đánh nhỏ vẫn diễn ra ở Biên Hòa, Tân An, Mỹ Tho, Cần Giuộc, Phú Lạc, Bà Hom…

Gặp bước gian truân

Vào tháng 8-1864, Trương Định đóng quân ở Lý Nhơn, chuyển về Soài Rạp, với lực lượng nghĩa quân được tập hợp lại, lên tới 10.800 người, chuẩn bị lấy lại căn cứ Tân Hòa.

Nhưng bất ngờ vào ngày 20-8, chỉ có 25 nghĩa quân đi theo, hộ vệ, tại làng Tân Phước, ông bị một thủ hạ là Huỳnh Công Tấn phản bội, dẫn đường cho đội quân địch kéo tới bao vây, toan bắt sống.

Trương Định đã anh dũng chỉ huy nghĩa quân đánh trả kịch liệt. Không may, trong lúc tả xung hữu đột, bị trúng một viên đạn, gãy cột sống, quyết không để giặc bắt, ông đã dùng gươm tự sát.

Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định bấy giờ mới 44 tuổi. Người anh hùng đứng ở hàng đầu trong sự nghiệp giữ đất Nam Kỳ, đầu những năm 60 của thế kỷ XIX một lần nữa vào trong lời thơ điếu bất hủ, thay mặt nghĩa quân Nam Kỳ kháng Pháp của Đồ Chiểu:

“Ôi trời!

Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp bước gian truân.

Gò Công cây cỏ ủ ê, cả miền thần tử hết lòng trung ái.

Xưa còn làm tướng, dốc dạng dồi hai chữ Bình Tây.

Nay thác theo thần, xin đang hộ một câu Phúc Thái…”.