Detail

Theo quan sát của ông, hiện nay Việt Nam có những điểm mạnh gì trong thu hút FDI? Đâu là lĩnh vực mà thu hút được nhiều nhất đầu tư nước ngoài?

Theo tôi, Việt Nam có một số điểm mạnh trong thu hút FDI, mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Thứ nhất, tình hình an ninh, chính trị ổn định là điều kiện quan trọng để quyết định đặt nền móng hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương. Thứ ba, với số dân 92 triệu người, Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh. Thêm vào đó, với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), là cơ hội tốt để kết nối Việt Nam với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực và thị trường thế giới. Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài xem là thế mạnh của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.Tính đến nay, lĩnh vực này thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài với 11.833 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 175 tỷ USD (chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam). Cơ cấu đầu tư như vậy được đánh giá theo hướng tích cực, và có tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa của nước ta. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước.

Môi trường kinh doanh Việt Nam hiện tại đối với doanh nghiệp FDI thế nào? Việc cải cách môi trường đầu tư đã đạt được những kết quả như thế nào trong thời gian qua?

Trong thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, điều đó sẽ tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là của các tập đoàn đa quốc gia.

Tôi cho rằng, việc Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trương đầu tư đã tác động rất tích cực đến khu vực FDI và được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Những đóng góp đó thể hiện qua nhưng con số rất cụ thể như: trong những năng gần đây, tỷ trọng vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm khoảng 25%; đóng góp trên 20% vào GDP; nộp ngân sách chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách và chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất của Việt Nam (năm 2016 xuất khẩu của khu vực ĐTNN đạt 126,28 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm; tạo hàng triệu việc làm cho người lao động.

Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng liên tục, từ năm 2013 đến nay vốn FDI đăng ký hàng năm luôn đạt trên 20 tỷ USD, riêng năm 2016, vốn FDI đăng ký đạt gần 27 tỷ USD, tăng hơn 11% với năm 2015,vốn đầu tư thực hiện đạt 15,8% tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2015. Các kết quả về sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và nộp ngân sách của khối doanh nghiệp FDI cũng đạt kết quả tốt.

Bên cạnh những đóng góp có thể lượng hóa được nêu trên thì khu vực ĐTNN còn có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế; khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế….

Việt Nam cần thay đổi thế nào để thích ứng với bối cảnh hội nhập sâu với kinh tế thế giới, khi những lợi thế không còn được như trước?

Tôi cho rằng, trong điều kiện những lợi thế trước đây dần thay đổi, để thích ứng với bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam cần phải giải quyết tốt một số vấn điểm sau. Thứ nhất, huy động sức mạnh tổng hợp để hội nhập bao gồm tất cả các thành phần kinh tế, tất cả các chủ thể, doanh nghiệp, doanh nhân, tri thức. Việc hội nhập phải đồng bộ trên các phương diện: cam kết quốc tế, chính sách kinh tế, pháp luật, bộ máy quản lý, trình độ cán bộ, hạ tầng quản lý. Thứ hai, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra (thông tin hoá). Hơn nữa, tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược là thể chế, nhân lực và hạ tầng. Bốn là, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh tạo môi trường đầu tư,kinh doanh thuận lợi cũng như thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm cam kết quốc tế. Thêm vào đó, chúng ta phải thực hiện tốt công cuộc hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giải quyết tốt các vấn đề xã hội