Rất nhiều thí sinh băn khoăn về thứ tự ưu tiên khi xét tuyển nguyện vọng trong trường hợp nguyện vọng của mình là thứ 2, 3,… trong khi nguyện vọng của thí sinh khác là 1. Bộ GD-ĐT đã giải đáp cách thức xét tuyển.
Qua chia sẻ, nhiều thí sinh đặt câu hỏi với trường hợp điển hình có thể khái quát bằng ví dụ sau:
Bạn đang xem: Nguyện vọng 2 được ưu tiên hơn Nguyện vọng 1?
- Thí sinh A có tổng số điểm 25, đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Thương mại.
- Thí sinh B có tổng số điểm 20, đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Thương mại, nguyện vọng 2 vào một trường nào đó bất kỳ.
Ngành đăng ký vào Trường ĐH Thương mại của 2 thí sinh này là như nhau.
Giả sử trong quá trình xét tuyển năm 2017, thí sinh A không đủ điểm và trượt khỏi nguyện vọng 1 vào Trường Kinh tế quốc dân và phải xét đến nguyện vọng 2 là vào Trường ĐH Thương mại.
Trong trường hợp này, thí sinh A có điểm 25 nhưng là nguyện vọng 2 có bị xếp sau về thứ tự ưu tiên trúng tuyển so với thí sinh B có điểm 20 nhưng đăng ký nguyện vọng 1?
Rộng hơn cũng tương tự với các trường hợp khác là nguyện vọng của các thí sinh là các ngành khác nhau trong cùng một trường.
Xem thêm : Tết Trung thu ngày mấy năm 2023? Ý nghĩa sự tích Tết trung thu
Liên hệ tới ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) để giải đáp băn khoăn của các thí sinh.
Về điều này, theo ông Nghĩa, thí sinh có thể hình dung một cách đơn giản và dễ hiểu nhất là thí sinh nào điểm cao hơn thì được ưu tiên xét trúng tuyển trước mà không quan trọng đến số thứ tự nguyện vọng của thí sinh.
“Dù thí sinh B đăng ký nguyện vọng 1 nhưng điểm thấp hơn thí sinh A dù A chỉ đăng ký nguyện vọng 2, thì khi A trượt nguyện vọng 1 vẫn đẩy B xuống dưới và xếp trên ở ưu tiên trúng tuyển. Tương tự với tất cả các trường hợp khác và theo nguyên tắc ai có điểm cao hơn thì được. Việc này hệ thống phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT sẽ tự gạt dần và điều chỉnh”, ông Nghĩa phân tích.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, trong trường hợp điểm của thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 thì hệ thống sẽ tự động không xét các nguyện vọng khác nữa. Tương tự trúng tuyển nguyện vọng bên trên thì không xét các nguyện vọng dưới.
Cách làm tròn điểm xét tuyển đại học
Ngoài ra, trước việc nhiều thí sinh thắc mắc về cách làm tròn điểm trong xét tuyển đại học 2017, ông Nghĩa cho biết, với bài thi môn Ngữ văn có thang điểm 10 sẽ lấy lẻ đến 0,25 và không quy tròn điểm.
Xem thêm : Mẹ và bé
Điểm các bài thi trắc nghiệm được máy tính chuyển sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài. Với những môn thi có 50 câu trắc nghiệm, mỗi câu sẽ tương ứng 0,2 điểm. Với những môn thi có 40 câu, mỗi câu sẽ tương ứng 0,25 điểm.
Tuy nhiên, ông Nghĩa đặc biệt lưu ý, khi xét tuyển đại học, điểm xét tuyển của thí sinh sẽ là tổng điểm 3 môn được làm tròn đến 0,25 điểm. Trong đó, điểm các môn thành phần được giữ nguyên và chỉ làm tròn sau khi đã cộng tổng điểm ba môn. “Nguyên tắc là làm tròn điểm lẻ về số lẻ gần nhất với các mức 0,25, 0,5 và 0,75. Ví dụ, thí sinh được 21,4 điểm sẽ được làm tròn thành 21,5 điểm vì chỉ cần 0,1 điểm nữa để lên 21,5 trong khi phải mất 0,15 điểm để về mức 0,25. Có nghĩa cứ gần với mốc nào hơn thì quy về mốc đấy”, ông Nghĩa nói.
Như vậy, với cách tính này, 2 thí sinh có các mức điểm là 21,4 và 21,6 sau khi làm tròn sẽ có số điểm bằng nhau.
Trước câu hỏi về việc liệu có công bằng cho thí sinh, ông Nghĩa cho rằng thí sinh phải chấp nhận quy chế như một “luật chơi” đã được Bộ GD-ĐT công bố từ trước.
“Nếu nhìn một cách tổng thể, những năm thi trước việc làm tròn này còn nặng hơn khi làm tròn từng môn một rồi khi cộng tổng điểm lại tiếp tục làm tròn một lần nữa. Cách làm tròn như thế này đã hạn chế sự bất công hơn cho thí sinh. Các thí sinh cũng cần phải hiểu rằng sẽ chẳng có trường đại học nào công bố mức điểm chuẩn xét trúng tuyển là 21,4 hay 21,6 cả”, ông Nghĩa lý giải.
Ông Nghĩa cũng cho biết, điểm xét tuyển đại học cuối cùng gồm tổng điểm các môn thi của tổ hợp xét tuyển cộng với điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có). “Tuy nhiên, điểm khuyến khích, ưu tiên đã làm tròn đến 0,25 nên về cơ bản dù làm tròn điểm xét tuyển đại học trước hay sau khi cộng điểm khuyến khích, ưu tiên cũng như nhau. Do đó thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm”, ông Nghĩa nói.
Theo Vietnamnet
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp