Người Thân Chết Thì Nghỉ Phép Như Thế Nào?

nha co tang duoc nghi may ngay 1

  1. Nghỉ hằng năm

Theo quy định tại Điều 13 Luật Viên chức 2010 thì viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động, tức là Bộ luật lao động 2019. Theo đó, căn cứ Khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì viên chức, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một đơn vị sự nghiệp công lập, một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng như sau:

– 12 ngày làm việc đối với viên chức, người lao động làm công việc trong điều kiện bình thường.

– 14 ngày làm việc đối với viên chức, người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển viên chức có thể thấp hơn 18 tuổi; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật).

– 16 ngày làm việc đối với viên chức, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cứ đủ 05 năm làm việc cho một đơn vị sự nghiệp công lập, một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm trên của viên chức, người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Còn đối với viên chức, người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một đơn vị sự nghiệp công lập, một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Cụ thể, Điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ-CP đã hướng dẫn cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị.

Trường hợp viên chức, người lao động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của viên chức, người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ luật Lao động) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.

  1. Người thân chết thì nghỉ phép như thế nào?

Trong quá trình làm việc, ngoài nghỉ hằng năm, viên chức, người lao động có những công việc riêng và phải nghỉ thì viên chức, người lao động sẽ được nghỉ việc riêng, nghỉ không lương. Theo quy định tại Điều 13 Luật Viên chức 2010 thì viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động, tức là Bộ luật lao động 2019

Theo đó, Điều 115 Bộ luật lao động 2019 quy định rằng:

  • Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
    • Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
    • Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
    • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
  • Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
  • Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Như vậy, đối với trường hợp người thân là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết thì viên chức, người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương 03 ngày. Trường hợp người thân là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết thì viên chức, người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày. Trường hợp muốn nghỉ thêm, hoặc người thân là bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột,… chết thì viên chức, người lao động có thể sử dụng đến ngày nghỉ phép năm; khi đã hết phép năm hoặc phép năm không còn đủ, thì viên chức, người lao động có thể thỏa thuận với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.