–Danh mục một số cây thuốc Nam theo nhóm bệnh.

– Danh mục một số cây thuốc Nam theo nhóm bệnh.

Việt Nam là một nước có truyền thống lâu đời trong việc dùng cây cỏ để phòng và điều trị bệnh. Vườn thuốc nam có vai trò thiết thực trong việc sơ cứu và chữa trị một số bệnh thông thường, vừa tạo cảnh quan môi trường cho các cơ sở y tế, vừa giúp cho mọi người có thể tham quan học tập, tạo thói quen trồng và sử dụng những cây thuốc tuy đơn giản nhưng hữu ích.

Hiện nay, Vườn cây thuốc Nam của Trạm Y tế Học viện có 30 loại cây thuốc với các tác dụng khác nhau. Việc sử dụng cây thuốc mới chỉ đơn giản là dùng đơn lẻ và trực tiếp.

Dưới đây là tác dụng điều trị chính của một số loại cây:

I. CÚC HOA

Bộ phận dùng:

Hoa thu hái vào đầu tháng 10 đến tháng 1 – 2 của năm sau. Hoa phơi 3 – 4 nắng đến khô.

Công dụng:

Hoa cây cúc hoa vàng được dùng chữa các chứng cảm lạnh, sốt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, mụn nhọt sưng đau. Uống lâu ngày lợi khí huyết, có tác dụng về nội tiết làm trẻ lâu.

Liều dùng: Mỗi ngày 8-16g, dạng thuốc sắc.

II. SÂM ĐẠI HÀNH

Sâm đại hành là cây cỏ, sống nhiều năm, thường lụi vào mùa khô.

Bộ phận dùng: Thân hành. Thu hái cây khi cây lụi, thái thành lát, phơi hoạc sấy nhẹ tới khô.

Thuốc an thần gây ngủ: Sâm đại hành phơi khô và sao qua, mỗi ngày hãm 20g uống dùng làm thuốc an thần.

Sâm đại hành có thể dùng bằng cách nấu, hãm như trà, thuốc sắc, ngâm làm rượu thuốc. Sau đây là một số bài thuốc có sâm đại hành dùng để chữa:

Chữa vết thương bị bầm dập, trầy sướt, chảy máu, làm độc, ung nhọt: Dùng củ sâm đại hành tươi, giã nhuyễn bó hay đắp lên vết thương, rất mau lành.

Những người có chứng mất ngủ, viêm nhiễm, viêm gan thận: Dùng củ sâm đại hành tươi xào thịt bò hay thịt heo đều ngon. Khi dùng đem một ít ra lột bỏ vỏ ngoài như lột củ hành, rửa sạch, xắt lát dày. Xào thịt ăn rất dòn, thơm ngon và giấc ngủ rất êm dịu.

Sâm đại hành là vị thuốc quý và là món ăn ngon rất có lợi cho sức khỏe.

III. MẦN TƯỚI

Bộ phận dùng: thân và lá.

Mần tưới thường được thu hái vào mùa hè, cắt lấy đoạn ngọn cành có lá, rửa sạch phơi trong bóng râm, sấy khô hoặc tươi làm thuốc.

– Giải nhiệt, tiêu hóa tốt: Mần tưới 20g (nên hái trước khi cây có hoa, thái nhỏ rồi sấy khô) hãm với nước đun sôi hoặc sắc với 300ml nước còn 100ml, uống hàng ngày.

– Giải cảm do nắng nóng: Lá non mần tưới 100g, nấu canh ăn trong ngày. Nên ăn khi canh còn nóng. Dùng trong 3 ngày.

– Giảm sưng đau do mụn nhọt (mụn nhọt chưa mưng mủ):Lá mần tưới tươi 50g, rửa sạch, giã nát đắp nơi có mụn nhọt. Ngày đắp 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần 10-15 phút. Bài thuốc này giúp giảm sưng, đau do mụn nhọt nhanh chóng.

– Giúp sạch gàu: Mần tưới tươi 25g, bồ kết (3-5 quả) đốt cháy, lá bưởi 20g đun lấy nước gội đầu. Mỗi tuần nên gội 2 lần.

– Xua đuổi muỗi và dĩn: Lá mần tưới tươi 20g, rửa sạch, giã nát cho vào túi vải xát trực tiếp và tay, chân có hiệu quả tốt trong vòng 2-3 tiếng.

– Trừ côn trùng: Mần tưới diệt được chấy, rận, rệp; xua đuổi các loại bọ chó, bọ mạt, dĩn, kiến và hạn chế hoạt động của ruồi, muỗi…

IV. ĐINH LĂNG

Công dụng của cây đinh lăng:

– Rễ làm thuốc bổ, lợi tiểu, cơ thể suy nhược gầy yếu.

– Lá chữa cảm sốt, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sưng tấy.

– Thân và cành chữa tê thấp, đau lưng.

Liều dùng bài thuốc từ cây đinh lăng: Dùng rễ phơi khô, mỗi lần từ 1- 4 g, dùng thân, rễ, lá, cành mỗi lần từ 30-50 g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Bài thuốc chữa bệnh từ cây đinh lăng

Chữa mệt mỏi: Lấy rễ cây đinh lăng sắc uống có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể. Chữa sưng đau cơ khớp, vết thương: Lấy 40gam lá tươi giã nhuyễn, đắp vết thương hay chỗ sưng đau.

Phòng co giật ở trẻ: Lấy lá đinh lăng non, lá già cùng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm.

Chữa đau lưng mỏi gối (chữa cả tê thấp): Dùng thân cành đinh lăng 20 – 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày.

Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ, lá đinh lăng có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa tắc tia sửa hiệu quả. Rễ cây đinh lăng 30-40g. Thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng.

– Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng: Lá đinh lăng tươi từ 150 – 200g, nấu sôi khoảng 200ml nước (có thể dùng nước sôi có sẵn ở “phích”). Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5 – 7 phút chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Cách dùng lá tươi thuận tiện vì không phải dự trữ, không tốn thời gian nấu lâu, lượng nước ít, người bệnh dễ uống nhưng vẫn đảm bảo được lượng hoạt chất cần thiết.

V. CÂY RÂU MÈO

Bộ phận dùng, chế biến của Râu mèo: Lá và búp Râu mèo phơi hay sấy khô.

Công dụng, chủ trị Râu mèo: Thông tiểu tiện, dùng trong viêm tiết niệu, bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, tê thấp, phù.

Liều dùng Râu mèo:

+ Sỏi thận, sỏi mật: Dùng 30 – 50g hãm với nửa lít nước sôi, chia 2 lần uống trong ngày trước khi ăn 15 – 30 phút. Uống nóng. Thường uống luôn trong 8 ngày, nghỉ 2 – 4 ngày; uống làm nhiều đợt

+ Viêm đường tiết niệu: Râu mèo, Thài lài, Chó đẻ răng cưa, mỗi thứ 30g sắc uống.

VI. CÂY KHỔ SÂM

Cây thường ra hoa vào tháng 5 – 7 và có quả vào tháng 7 – 9.

Cây khổ sâm thường được nhiều người trồng trong vườn nhà để làm thuốc, cách trồng chủ yếu là dâm bằng cành hoặc ươm hạt vào mùa xuân. Bộ phận được thu hoạch chính cây khổ sâm là lá. Lá được thu hái khi cây đang ra hoa, có thể để lá tươi hoặc muốn dùng lâu thì đem phơi khô hoặc sao vàng.

Theo đông y, lá của cây khổ sâm có các thành phần hóa học là Flavonoid, alcaloid, tanin, polyphenol với tính năng giải độc, sát khuẩn, thường sử dụng để điều trị những căn bệnh thường gặp như: trị đau bụng, kiết lỵ, viêm dạ dày,tá tràng…

Trị đau bụng không rõ nguyên nhân: Nếu bụng đột nhiên đau dữ dội mà không xác định rõ nguyên nhân là gì, bứt ngay vài lá khổ sâm tươi, thêm vài hạt muối và nhai nuốt. Nếu thấy sôi bụng và muốn nôn thì nhai thêm với miếng gừng sống.

Trị đau bụng đi ngoài, chữa lỵ: Các vị thuốc như lá mơ lông, lá khổ sâm, lá rau sam, nhọ nồi. Mỗi thứ 10g, sắc uống ngày 1 thang

Trị mẩn đỏ, ngứa: Lá khổ sâm, kinh giới, lá trầu không mang nấu nước tắm hoặc xông

Trị chốc đầu: Lá khổ sâm nấu nước tắm hoặc hái lá tươi rửa sạch, giã đắp trực tiếp lên vùng chốc đầu.

VII. CÂY HƯƠNG NHU

Mùa hoa quả vào tháng 5-7.

Thu hái, sơ chế:

Thu hái vào lúc cây đang ra hoa, hay một số hoa đã kết quả. Dùng khô hoặc tươi.

Phần dùng làm thuốc: Toàn cây trừ rễ

Chữa cảm lạnh (đi mưa bị nhiễm lạnh): Hương nhu tía, 100g đem tán nhỏ. Pha với nước sôi uống mỗi lần 8g. Ngày uống 2 lần sau bữa ăn, nếu thấy ra mồ hôi thì sẽ khỏi bệnh.

Trị cảm sốt nhức đầu: Lá hương nhu tươi mang giã nhỏ, cho nước sôi vào vắt lấy nước uống, phần bã đắp lên đầu, trán và thái dương. Trường hợp bị sốt có mồ hôi dùng thêm 200g sắn dây tươi giã nhỏ vắt nước uống.

Trị hôi miệng: Lấy 10g hương nhu cùng 200ml nước sắc nước súc miệng 2 lần 1 ngày vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Dùng liên tiếp trong 15 ngày.

Ngăn rụng tóc, giúp mọc tóc: Lá hương nhu tươi, quả bồ kết cho thêm nước đem đun trên lửa nhỏ trong khoảng 1h. Lọc bỏ cặn chỉ giữ lại nước, để nước còn ấm, gội đầu mà mát xa nhẹ nhàng trên tóc và da đầu.

VIII. CÂY CHANH

Bộ phận dùng: Lá, quả, rễ. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Quả thu hái vào mùa thu, dùng tươi hoặc phơi khô, muối dùng dần. Nước chanh: vắt lấy nước, thêm nước sôi nguội, có thể thêm đường hay muối vừa đủ. Chống nắng, chống nóng, giải khát.

Chanh ướp muối đường: chanh tươi bóc bỏ vỏ, bỏ hột, dầm nát, thêm chút muối hoặc đường tùy ý, ngậm ít một. Dùng cho các trường hợp lợm giọng, buồn nôn, nôn ói, nóng rát vùng thượng vị.

Chanh ướp muối: chanh bóc vỏ, bỏ hột, ướp muối khoảng 12 tiếng. ăn hay ngậm tùy ý. Dùng cho trường hợp sốt nóng, viêm họng, viêm thanh phế quản, đờm đặc, ho khan, khản giọng.

Đặc biệt, trong lá chanh tươi có nhiều tinh dầu mùi thơm dễ chịu nên thường được sử dụng làm nguyên liệu cho nồi xông giải cảm.

Chữa ho do lạnh

Lá chanh tươi 5g, gừng tươi 3g. Tất cả rửa sạch, gừng thái lát, sắc với 400ml nước còn 100ml, khi uống cho thêm ít đường. Dùng trong 3-5 ngày.

Cảm sốt không ra mồ hôi

Lá chanh khô 30g (tươi 10g), sắc lấy nước uống trong ngày. Hoặc lá chanh 20g, lá cúc tần 15g, lá bưởi 5g, vỏ quýt 10g, sắc uống trong ngày. Dùng trong 2 -3 ngày.

Nước xông giúp giải cảm, nhức đầu

Lá chanh, lá bưởi, hương nhu, cúc tần, lá tre, mỗi vị 50g, bạc hà 20g, sả 2 củ, tỏi 3 nhánh. Tất cả rửa sạch, nấu nước xông cho ra mồ hôi. Phương thuốc này giúp nhanh ra mồ hôi, giảm nhức đầu và giải cảm rất hiệu quả

IX. CÂY ÍCH MẪU

Cây thảo, sống hàng năm hoặc hai năm.

Bộ phận dùng: Toàn cây thường gọi là Ích mẫu thảo

Bài thuốc từ cây ích mẫu:

Kinh nguyệt không đều, thấy kinh trước kỳ (ngắn vòng), kinh ít, đau bụng trước khi thấy kinh: Dùng 20g thân lá sắc uống 10 ngày kể từ ngày thứ 14 sau kỳ kinh.

Viêm thận cấp và phù thũng: Ích mẫu tươi 180-240g, nấu với 700ml nước và cô lại còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Suy nhược toàn thân và cằn cỗi ở phụ nữ: Ích mẫu 30-60g, nấu với trứng gà hay thịt gà

Chú ý: Không dùng ích mẫu cho người huyết hư không ứ. Phụ nữ đang mang thai uống quá liều có thể gây tai biến chảy máu nhiều.

X. NGẢI CỨU

Ngải cứu là cây thân thảo, sống lâu năm

Bộ phận dùng: Lá

Sử dụng ngải cứu chữa bệnh:

+ Hái lá ngải cứu và ngọn để ăn tươi, hoặc phơi khô dưới bóng râm để chữa bệnh. + Ngải cứu phơi khô có thể để được rất nhiều năm mà không hề làm giảm đi công dụng chữa bệnh.

Điều kinh: Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Cầm máu: Những trường hợp ho ra máu, nôn ra máu, trĩ ra máu và đặc biệt là các trường hợp có thai ra máu thì thường dùng ngải cứu để chữa trị.

Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức.

Giảm đau: Dùng trong các trường hợp phong tê thấp, đau nhức xương cơ khớp.

Giúp an thai: Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai. Ngải cứu không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.

Sơ cứu vết thương: Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức.

Trị mụn nhọt: Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục sẽ cho bạn làn da mịn màng và trắng hồng.

– Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Bài thuốc chữa các bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh…). Thịt nạc heo băm nhỏ, ướp hạt nêm, xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu. Canh sôi đều, nêm hạt nêm vừa miệng, ăn nóng.

– Trứng gà tráng ngải cứu: Giúp lưu thông máu lên não trị bệnh đau đầu. Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín.

– Cháo ngải cứu: Chữa động thai hoặc giảm đau thấp khớp. Cách nấu: Lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 – 5 ngày.

* Tác dụng chữa đau đầu của lá ngải cứu:

Nguyên liệu: Lá ngải cứu đã rửa xạch với nước muối, mật ong.

Thực hiện: Giã nát lá ngải cứu, vắt lấy nước, sau đó thêm mật ong vào phần nước cốt đã chiết được.

Nên uống hàng ngày vào buổi trưa và chiều trong khoảng 2 tuần, cách làm này sẽ giảm đáng kể chứng đau đầu thường gặp.

Dược liệu: lá ngải cứu, một quả trứng gà, 50g đậu đen.

Thực hiện: đậu đen ngâm trong nước đến khi mềm thì lấy toàn bộ đem đun sôi với lá ngải và trứng gà (lưu ý đun với lửa nhỏ cho đến khi chín nhừ)

Trứng gà sau khi chín ăn, cùng với phần nước vừa đun liên tục trong 10 ngày để chữa bệnh đau đầu. Cách chữa này đặc biệt tốt cho người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, khí huyết kém.

Một món ăn ưa thích, quen thuộc của nhiều người với trứng gà và lá ngải cứu. Lá ngải xắt nhỏ và đánh tan với trừng gà một quả, thêm gia vị vừa đủ và chiên chín với dầu, ăn nóng. Món trứng chiên lá ngải có tác dụng cải thiện khả năng tuàn hoàn máu não, phòng ngừa chứng đau đầu kinh niên rất tốt.

Dược liệu: lá ngải cứu 100gr, lá tía tô 100gr, lá tần dầy 100gr, lá sả 50gr. Đun các dược liệu trên trong một 1lít nước đên khi giảm còn nửa lít là được. Chắt lấy nước cốt, dùng để uống từ 3 đến 5 ngày.

Tác dụng chủ trị cho chữa đau đầu, chứng đau cổ họng và cảm cúm.

Trên đây là 4 bài thuốc đơn giản với lá ngải cứu để đặc trị các hội chứng đau đầu thường gặp. Những bài thuốc này đều dễ làm và có hiệu quả chữa bệnh rất tốt.

XI. CÀ GAI LEO

Bộ phận dùng: Rễ, cành lá, thu hái quanh năm, phơi hay sấy khô. Có khi dùng cả tươi.

Thành phần hóa học

Rễ cây có chứa tinh bột và đặc biệt chứa các hoạt chất chất như ancaloid, glycoancaloid… có tác dụng bảo vệ tế bào gan, hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan virus, ngăn chặn sự phát triển của xơ gan nên dùng điều trị các bệnh lý gan mật.

1. Trong kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền

Cây cà gai leo được sử dụng rất phổ biến trong dân gian và được ghi lại trong các sách y học cổ truyền với các bài thuốc sau:

Chữa rắn cắn:

Cấp cứu người bị rắn cắn, dân gian thường lấy 30-50g rễ cà gai leo tươi, rửa sạch, giã thật nhỏ rồi hòa vào 200ml nước, chắt nước uống tức thì, uống 2 lần/ngày. Người bị rắn cắn sẽ thấy bớt đau nhức ngay.

Các ngày tiếp theo vẫn uống nước sắc của rễ cà gai leo khô (10-30g rễ khô, sao vàng, nấu với 600ml nước còn khoảng 200ml là được). Ngày 2 lần, uống 3-5 ngày sẽ khỏi hẳn. Bài thuốc này đã được Bệnh viên Hưng Nguyên (Nghệ An)

Chữa ho gà: Lá chanh (30g), rễ cà gai leo (10g). Sắc uống làm 2 lần/ngày. Tác dụng có thể khác nhau tùy cơ địa của người dùng.

– Cà gai leo đặc biệt được ưa chuộng hơn cả là các bài thuốc trị bệnh về gan và giải rượu. Những bài thuốc này cho đến nay vẫn được áp dụng và mang lại hiệu quả nhất định.

Vàng mắt, vàng da, mẩn ngứa, mụn nhọt: Lấy thân, lá, rễ cà gai leo hãm nước uống hàng ngày. Ngoài ra, cây cà gai leo là loại cây không có tác dụng phụ nên mọi người có thể dùng hàng ngày ngay cả khi không mắc bệnh gì để tăng cường chức năng gan, giúp gan khỏe mạnh.

Hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan: Toàn bộ thân, rễ, lá cà gai leo 30g, dừa cạn 10g, chó đẻ răng cưa 10g. Tất cả đem sao vàng, sắc uống 1 thang/ngày.

Dùng giải rượu: Cà gai leo dùng để chữa ngộ độc rượu rất tốt. 100g cà gai leo (toàn cây) khô sắc với 400ml nước còn khoảng 150ml, uống khi còn ấm, dùng trong ngày.

Hạ men gan, giải độc gan: Dùng 35g cà gai leo (toàn cây) khô, nấu với 1l nước, còn 300ml uống trong ngày thành 3 lần.

2. Cà gai leo dưới lăng kính khoa học hiện đại

Buổi Nghiệm thu nghiên cứu lâm sàng Giải độc gan Tuệ Linh tại bệnh viện TƯ Quân đội 108

Dựa theo các bài thuốc cổ truyền trị bệnh gan, hiện nay, cà gai leo đã được nghiên cứu chuyên sâu, bài bản với hàng trăm công trình khoa học để đáp ứng nhu cầu trị bệnh gan ngày càng tăng cao trong cộng đồng.

Cà gai leo có tác dụng hạ men gan nhanh chóng

Công dụng này đã được cố GS. Phạm Kim Mãn nghiên cứu ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bởi các bệnh gan thường kèm theo men gan tăng nên trong các nghiên cứu về sau, hầu như nghiên cứu nào cũng chỉ ra rằng thảo dược này giúp men gan trở về bình thường nhanh chóng.

Cà gai leo là thảo dược duy nhất đến nay được kiểm chứng lâm sàng có hiệu quả hỗ trợ bệnh viêm gan virus

Các đề tài nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân viêm gan B mạn tính thể hoạt động tại các bệnh viện lớn là Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện 354, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã chứng minh hoạt chất glycoalkaloid có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan virus, nhất là viêm gan B mạn thể hoạt động hiệu quả không thua kém gì so với thuốc tân dược. Các bệnh nhân thử nghiệm được uống thuốc từ cà gai leo mỗi ngày 6 viên trong vòng 3 tháng. Kết quả các bệnh nhân đều cả thiện nhanh các triệu chứng lâm sàng của bệnh như vàng da, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, đau tức hạ sườn, men gan trở về chỉ số bình thường sau 2 tháng. Sau 3 tháng đã giảm được nồng virus trong máu, virus viêm gan dưới ngưỡng phát hiện, thậm chí xuất hiện bệnh nhân âm tính với virus.

Cà gai leo hỗ trợ điều trị xơ gan, làm chậm quá trình tiến triển của xơ gan Đề tài cấp nhà nước của TS. Nguyễn Thị Minh Khai và các công trình nghiên cứu khoa học năm 1987-2000 của Viện Dược liệu trung ương đã công bố chiết xuất Cà gai leo với hoạt chất glycoalkaloid có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của xơ gan rõ rệt thông qua cơ chế ức chế sự tạo thành sợi collagen trong các tế bào gan.

Cà gai leo giúp giải độc gan, hạn chế tổn thương gan

Đề tài khoa học của Tiến sỹ y học Nguyễn Phúc Thái: “Nghiên cứu lâm sàng tổn thương gan và tác dụng bảo vệ gan của Cà gai leo” năm 1998 kết luận dịch chiết từ cây cà gai leo giúp bảo vệ gan trong môi trường độc hại, giảm thiểu tối đa hủy hoại tế bào gan và giảm bớt các biểu hiện tổn thương ở gan.

Nói về cây thuốc này, GS.TS Nguyễn Văn Mùi (Nguyên PGĐ kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103) còn khẳng định thêm: “Riêng về điều trị các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm gan B mạn tính thể hoạt động thì cây Cà gai leo thể hiện tính ưu việt tuyệt đối so với các cây thuốc khác được biết đến từ trước đến nay. VÌ thế, có thể khẳng định rằng Cà gai leo là cây thuốc vô cùng quý đối với người bệnh gan.”

1. Dạng sắc nước

Định lượng cà gai leo phù hợp nhất là từ 50-60g khô/người/ngày. Người dùng có thể dùng theo hai cách là sắc uống và hãm nước.

Với cách sắc uống: Cà gai leo trước khi sắc phải đem rửa qua nước sạch. Đun với 1 lít nước, khi sôi duy trì lửa nhỏ trong thời gian 10 phút. Sau đó chắt nước ra để uống hàng ngày. Nước cà gai leo ngon nhất là khi uống lạnh.

Với cách hãm nước: Cà gai leo rửa sạch, tráng qua 1 lần bằng đun sôi, thêm 700ml nước sôi rồi ủ trong 30 phút là dùng được.

XII. CÂY DẠ CẨM

Cây phát triển quanh năm

Bộ phận dùng: Toàn cây

Bài thuốc chữa đau dạ dày từ cây dạ cẩm

Dạng thuốc sắc: Dùng 10 – 25g lá và ngọn khô, thêm nước vào sắc, thêm đường cho đủ ngọt, chia 2 hoặc 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn hay vào lúc đau.

XIII. CÂY SÀI ĐẤT

Bộ phận dùng làm thuốc: Dùng cây sài đất tươi hoặc khô.

Thu hoạch quanh năm, tốt nhất vào tháng 4 – 5

– Chữa rôm sảy trẻ em: Sài đất rửa sạch,vò nát, pha nước tắm cho trẻ.

– Chữa sốt cao: Sài đất 20-50 g, rửa sạch giã nát, pha với nước sôi để nguội uống, bã đắp vào lòng bàn chân.

XIV. SẢ

Phần dùng làm thuốc: Toàn cây

Một số bài thuốc từ cây sả

1. Giải cảm: Lá sả cùng với một số loại lá như kinh giới, tía tô, trắc bách diệp, bạc hà, chanh, ngải cứu, lá tre, lá ổi (mỗi nồi dùng 5 loại lá) … đun sôi, dùng để sông giải cảm rất hiệu nghiệm.

2. Chữa cảm cúm trúng hàn: Ngày dùng 15 đến 30 gam củ hoặc lá tươi để nấu nước xông.

3. Trị nhức đầu: Lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu, thêm 3-4 củ tỏi, (thiếu một thứ cũng không được), nấu nước xông. Hoặc lá sả, lá tre, lá bưởi, (hoặc lá chanh), lá tía tô, lá ổi, nấu nước xông, trước khi sông nên múc sẵn một chén để riêng, xông xong uống rồi đắp chăn mằm một lúc sẽ đỡ (bài thuốc gia truyền).

4. Rễ sả giã nhỏ, xát chữa chàm mặt.

5. Trị mụn nhọt: Nấu nước lá sả tắm hàng ngày.

Giải độc rượu: dùng 1 bó sả giã nát, thêm nước lọc, gạn lấy 1 chén, uống hết. Người say rượu uống vào sẽ nhanh chóng tỉnh và đỡ mệt, đỡ nhức đầu.

Tốt cho tóc: phụ nữ thường nấu nước sả để gội đầu cho trơn tóc, sạch gầu, ít rụng tóc và có thể tránh được một số bệnh về tóc.

Trị ho do cảm lạnh, cảm cúm: củ sả 40g, gừng tươi 40g. Hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 650ml nước, sôi khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường vào nấu cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày.

Giảm cảm giác buồn nôn khi có thai: củ sả băm nhỏ hãm với nước sôi uống hàng ngày.

Giải nhiệt, thông tiểu, tiêu thực: lá sả tươi 30 – 40g nấu với 1 lít nước, đun sôi khoảng 5 phút, uống.

Trị đau răng: sắc sả lấy nước súc miệng hàng ngày.

Trị hôi nách: củ sả, giã nát, hợp với phèn phi, bôi ngày 1 lần. Dùng liên tục 7 – 10 ngày giúp cải thiện mùi hôi đáng kể.

XV. CÂY ĐƠN MẶT TRỜI

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa mẩn ngứa, mụn nhọt, đi lỵ, đái ra máu, đại tiện ra máu, ỉa lỏng lâu ngày.

Bộ phận dùng, chế biến của Đơn lá đỏ: Lá Đơn lá đỏ thu hái quanh năm, phơi khô hay sao vàng.

Cách trồng Đơn lá đỏ: Trồng Đơn lá đỏ bằng hạt vào vụ đông xuân.

Đơn thuốc:

1. Chữa mẩn ngứa, mụn nhọt: Dùng 20-30g cành lá Đơn mặt trời, dạng thuốc sắc

2. Chữa đi ỉa lỏng lâu ngày: Dùng 15 g lá khô sao vàng, thêm một miếng gừng nướng, sắc với 3 bát nước, còn 1 bát, chia 3 lần uống trong ngày.

3. Chữa đại tiện ra máu và trẻ em đi lỵ: lá Đơn mặt trời 1 nắm sắc uống.

XVI. CÂY CỐI XAY

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thu hái: Vào mùa hạ, đem về, giü sạch bụi, cắt thành những đoạn, phơi hoặc sấy khô.

1. Cối xay điều trị bí tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt

– Thành phần: Cây cối xay 30g, bông mã đề 20g, rễ cây tranh 20g, râu ngô 12g, cỏ mần trầu 8g.

– Cách dùng: Sắc với 1 lít nước, sắc còn 350ml, chia 2 lần, uống trước bữa ăn. Dùng 10 ngày liền là khỏi bệnh.

2. Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ

– Thành phần: Cây cối xay phơi khô 200g

– Cách dùng: Các vị thuốc sắc đặc còn khoảng 1 bát nước để uống sau bữa ăn, phần bã thuốc còn lại, đun nóng để xông hậu môn, khi nước còn ấm thì dùng rửa, ngày xông rửa 5-6 lần.

3. Điều trị vàng da do bệnh gan

Lá, thân cây cối xay 30g; nhân trần 30g sắc nước uống trong ngày thay cho nước trà. Dùng liên tục 1 tháng là có hiệu quả.

4. Cách dùng cây cối xay điều trị tai điếc, tai ù, khiếm thính

Cây cối xay (lá, thân khô) 10g đem hầm với 100g thịt lợn nạc để ăn trong ngày. Dùng liên tục cách trên khoảng 2 tuần là có hiệu quả.

Bộ phận dùng: Vỏ quả và lá

Không chỉ ăn bưởi có tác dụng giảm cân mà quả bưởi non cũng có rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể.

Quả bưởi non chữa gan nhiễm mỡ, mỡ máu vô cùng hiệu quả. Để cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ máu bạn nên lấy quả bưởi non thái lát sau đó phơi khô, sao vàng sau đó sắc uống dần.

Cách dùng

Để làm giảm mỡ máu và gan nhiễm mỡ, bạn có thể dùng quả bưởi non theo hướng dẫn sau: ngắt quả bưởi non (những quả có vỏ xanh, nhỏ, múi còn khô, vị đắng) thía thành lát mỏng, đem phơi khô sau đó cho vào chảo sao cho chuyển sang màu vàng đến khi có mùi thơm và khô kiệt.

Sử dụng: Mỗi ngày dùng từ 30 -50 gr bưởi non sao khô cho vào 500ml nước, sắc kỹ trong vòng 30 phút, chắt lấy nước chia uống làm ba lần trong ngày. Nước sắc bưởi non màu nâu nhạt, vị đắng, mùi thơm, có tác dụng làm giảm mỡ trong máu, chữa bệnh mỡ máu và gan nhiễm mỡ.

– Gội đầu bằng vỏ bưởi: giúp nhanh mọc và mượt tóc. Vỏ bưởi đun nước gọi đầu hoặc sau khi gội, bóp tinh dầu vỏ bưởi lên tóc sẽ giúp tóc bạn trở nên bóng mượt, chắc khỏe.

– Chữa ho có đờm: Lấy 10g vỏ bưởi, rửa sạch, thái chỉ, cho vào bát sau đó thêm đường kính và hấp uống, ngày 3 lần rất hiệu quả.

– Làm đẹp da: Vỏ bưởi sẽ giữ trẻ hóa lâu, giảm tỷ lệ xuất hiện nếp nhăn, tàn nhang do tăng sắc tố, cũng như mụn đầu đen, da khô.

Ai cũng biết tác dụng của quả bưởi nhưng không phải ai cũng biết đến tác dụng chính mà hoa bưởi mang lại cho sức khỏe con người. Hoa bưởi không chỉ thơm, có màu đẹp mà còn có tác dụng giải rượu, đau đầu, chữa dạ dày, giúp thư thái tinh thần và giảm cân rất hiệu quả.

Để hoa bưởi phát huy hết tác dụng của nó bạn cần chế biến:

Nguyên liệu:

– 1 kg hoa bưởi

– 1 kg đường trắng

Cách làm:

Lấy những bông hoa bưởi trắng tinh, rửa sạch bụi sau đó vớt ra để ráo nước. Sử dụng một lọ thủy tinh để cất giữ hoa bưởi, bắt đầu xếp hoa bưởi vào lọ và cho đường trắng phía trên cho tới khi hết hoa bưởi vào lọ và lại cho đường trắng phía trên cho tới khi hết hoa bưởi đã hái rồi đậy nắp cho thật kín.

Để sau khoảng 10 ngày trở lên bạn có thể dùng được. Trong khoảng thời gian này hoa bưởi và đường sẽ tan ra thành nước. Chú ý: Cần bảo quản nơi khô ráo với nhiệt độ bình thường rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần.

Nước hoa bưởi có nhiều tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả, hương thơm dịu nhẹ của hoa bưởi sẽ giúp tinh thần thư thái, giảm những cơn đau đầu, mệt mỏi nhanh chóng.

Một số bài thuốc quý từ hoa bưởi tự nhiên

– Bài thuốc 1: Lấy 10g hoa bưởi chưng với trà để uống mỗi ngày giúp tiêu hóa tốt, giúp tinh thần thoải mái. Dùng 10g hoa bưởi và bạch cấp môi chưng với trà để uống giúp làm đẹp. Dùng hoa bưởi và hoa sen mỗi thứ 10g chưng với trà để uống có thể khai tâm tỉnh tỳ.

– Bài thuốc 2: Lấy 5g hoa bưởi, 1 ít đường phèn. Đem đun trong 200ml nước, sau khi sôi 5 phút cho đường vào nồi đun tiếp. Đem uống có tác dụng tuần hoàn khí huyết, chữa đau dạ dày.

– Bài thuốc 3: Lấy 300g cùi bưởi và 50g phèn chua đun với 500ml nước uống mỗi ngày sẽ giúp trị ho cho người già nhanh chóng.

– Bài thuốc 4: Lấy 100g lá bưởi, 100g lá cúc tần, 50g lá sả cho vào nồi đun sôi để xông cho ra mồ hôi, viêm đường hô hấp, cảm lạnh rất hiệu quả.

Ngoài ra, hoa bưởi còn được dùng nhiều trong cuộc sống hằng ngày để gội đầu, làm đẹp, xông hơi, tắm rửa. Dùng rất nhiều trong ẩm thực như nấu chè, ướp hương bưởi, món mía, bột sắn dây, ướp hoa bưởi với những món ăn tinh tế mà dân dã mà mang lại nhiều công dụng tuyệt vời.

XVIII. CÂY HÒE

Thu hái, sơ chế: Vào mùa hè khi hoa sắp nở hoặc khi quả chín, phơi khô dùng.

Bộ phận dùng:

– Nụ hoa

– Quả (Hòe Thực).

1. Chữa người có huyết áp cao, đầu choáng váng, ngón tay hơi tê, đầu óc căng thẳng, thần kinh suy nhược, mắt đau sợ chói, khó ngủ: Hoè hoa sao, hạt Muỗng sao, hai loại bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng 10-20g; hoặc dùng riêng mỗi vị 10g hãm uống thay chè.

2. Chữa trĩ bị sưng đau: Quả Hoè phối hợp với Khổ sâm, lượng bằng nhau, nghiền thành bột hoà với nước bôi ngoài.

XIX. CÂY KIM NGÂN HOA

Cây sống quanh năm

+ Hoa tươi: Giã nát, vắt nước, đun sôi, uống.

+ Hoa khô: sắc uống hoặc sấy nhẹ lửa cho khô, tán bột.

Hoa kim ngân 20g, Cam thảo 12g, sắc uống. Bên ngoài dùng Hoa kim ngân tươi trộn với rượu đắp chung quanh chỗ đau (Kim Ngân Hoa Tửu – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Hoa kim ngân 10g, Ké đầu ngựa 4g, nước 200ml. Sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày (Dược Liệu Việt Nam).

Kim ngân 6g (hoa) hoặc 12g (lá và cành), nước 100ml, sắc còn 10ml, thêm 4g đường. Ngườilớn uống 2 – 4 liều trên, trẻ nhỏ 1 – 2 liều (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Hoa kim ngân 6g, Cam thảo 3g, nước 200ml. Sắc còn 100ml, chia 2-3 lần uống trong ngày (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

XX. DÂY THÌA CANH

Làm tăng tiết insulin của tuyến tụy và tăng cường hoạt lực của insulin Tác dụng làm ức chế hấp thu đường glucose ở ruột Chú ý : Do tùy thuộc vào cơ địa của từng người nên cũng có một số trường hợp sử dụng dây thìa canh nhưng không mạng lại hiệu quả như mong muốn

Bộ phận dùng: Thân và lá

1. Cách hãm nước uống

* Chuẩn bị

– Bình giữ nhiệt hoặc tích pha trà tươi (Ngoài bắc gọi là tích và giành tích)

– Bình chứa 1 lít nước sôi

– 50g dây thìa canh khô

* Cách pha

– Lấy 50g (tức nửa lạng) dây thìa canh khô đem rửa sạch

– Bỏ dây thìa canh vào bình hãm

– Chế khoảng 200ml nước sôi vào bình hãm và đổ bỏ nước đó đi (Để làm sạch dây thìa canh 1 lần nữa)

– Chế 800ml nước sôi vào bình hãm rồi đậy kín, chờ khoảng 30-40 phút là dùng được.

– Lượng nước hãm ta chia ra uống sau bữa ăn 30 phút

2. Cách sắc uống

* Chuẩn bị

– 01 ấm sắc, có thể dùng xoong nhôm hoặc ấmđiện

– 1.5 lít nước sạch

– 50g dây thìa canh phơi khô

* Cách làm

– Dây thìa canh đem rửa sạch

– Dây thìa canh sau khi rửa cho, ta cho vào xoong, tiến hành chế 1.5 lít nước sạch

– Đun đến khi sôi, day trì sôi nhỏ lửa thêm khoảng 15 phút là dùng được

– Nước sắc dây thìa canh chia ra uống trong ngày, dùng sau bữa ăn 30 phút.

– Có thể để nguội rồi bỏ tử lạnh uống mát rất thích.

Cây mã đề hay còn gọi là xa tiền.

Cây mã đề có khá nhiều dược tính. Theo đông y, mã đề vị ngọt, tính lạnh, tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, thông mồ hôi, làm sáng mắt, làm sạch phong nhiệt tại gan… Hầu như mọi bộ phận của cây này đều có thể dùng làm thuốc như: lá, rễ, bông, hạt. Mã đề được xếp vào danh sách các loại cây cỏ mạnh nhất của tự nhiên có thể dùng để chữa bệnh.

Thanh nhiệt, lợi tiểu

Theo dân gian, mã đề thường có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu rất tốt, do đó ngoài việc ăn món canh mã đề trong các bữa ăn, không ít người còn dùng mã để để sắc nước uống nhằm lợi tiểu và loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể.

Trị các bệnh liên quan đến thận: Cây mã đề đặc biệt là phần lá có tác dụng tăng thải trừ ure, acid uric và muối trong thận khá hiệu quả.

– Trị đi tiểu ra máu: Lấy 12g lá mã đề, 12g ích mẫu, rửa sạch, xay vắt lấy nước cốt uống hàng ngày

– Trị tiêu chảy: Lấy 1 nắm mã đề tươi, 1 nắm cỏ nhọ nồi, 1 nắm rau má rửa sạch, cho vào ấm, sắc đặc uống

– Trị sốt xuất huyết: Lấy 50g mã đề tươi, 30g củ sắn dây tươi. Rửa sạch, cho vào ấm đun cùng 1 lít nước. Sắc đến khi còn một nửa. Uống 2 lần một ngày vào lúc đói. Uống trong 3 ngày

– Trị đau mụn nhọt: Lấy lá mã đề tươi, rửa sạch, giã nhỏ đắp lên mụn nhọt.

XXII. DIẾP CÁ

Là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm

Bộ phận dùng là toàn cây tươi hoặc khô.

Chữa bệnh trĩ: Hằng ngày nên ăn sống diếp cá, ngoài ra có thể dùng lá diếp cá nấu nước để xông, ngâm, rửa lúc còn ấm. Bã còn lại dịt vào hậu môn.

Chữa táo bón: Sao khô 10g diếp cá, hãm với nước sôi khoảng 10 phút, uống thay trà hàng ngày. Uống trong 10 ngày.

Chữa sốt ở trẻ em: Rau diếp cá 30g để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nửa bát nước nguội vào đun sôi, để nguội và uống làm một lần; đồng thời, lấy bã đắp vào thái dương.

Chữa kinh nguyệt không đều: Cây diếp cá 40g, ngải cứu 30g (cả hai đều dùng tươi). Rửa sạch cây diếp cá và ngải cứu, giã nhỏ lọc bằng nước sôi để nguội, lấy một bát nước thuốc, uống làm 2 lần trong ngày, uống liền 5 ngày, uống trước kỳ kinh 10 ngày.

Chữa mụn nhọt sưng đỏ: Lá diếp cá ăn sống hoặc giã nát đắp vào chỗ mụn nhọt.

Chữa viêm phế quản: Lá diếp cá, cam thảo đất mỗi thứ 20g. Sắc đặc, uống dần trong ngày.

Trị mụn nhọt sưng đỏ (chưa có mủ): 12g diếp cá, rửa sạch, giã nát đắp vào mụn nhọt rồi băng lại. Ngày thực hiện 2 lần. Làm trong 3 ngày, mụn nhọt sẽ đỡ sưng đau nhanh chóng.

Trị chứng đái buốt, đái dắt: 20g diếp cá, rau má, rau mã đề mỗi vị 40g rửa sạch, giã nát lọc lấy nước trong. Ngày uống 3 lần. Thực hiện trong 7-10 ngày.

XXIII. LÁ LỐT

Thu hái quanh năm

Bộ phận dùng, chế biến: Dùng lá, có thể dùng thân, hoa hay rễ. Thường dùng tươi hoặc phơi khô.

Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt.

– Chữa đau nhức xương, khớp khi trời lạnh: 5-10g lá lốt phơi khô (15-30g lá tươi), sắc 2 bát nước còn ½ bát, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm, nên uống sau bữa ăn tối. Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày

– Chữa đau bụng do nhiễm lạnh: Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.

– Chữa chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân: Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày.

– Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay: 30g lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống trong ngày. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi khoảng 5 phút rồi vớt bã để riêng. Nước dùng để rửa nơi có tổ đỉa, sau đó lau khô lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày.

– Chữa đầu gối sưng đau: Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau. Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày.

Đặc biệt, món canh lá lốt nấu với thịt, cá là món ăn bổ dưỡng, giúp người già chống đỡ được một số bệnh tật, nhất là làm giảm đau nhức xương, khớp nhất là trong lúc giao mùa, từ mùa hại chuyển sang mùa thu.

XXIV. GỪNG

Gừng là cây sống lâu năm

Bộ phận dùng: Thân, củ

– Nhai một củ gừng nhỏ với muối trước khi đi tàu xe khoảng 30 phút sẽ tránh được chuyện say tàu xe.

– Khi bị cảm cúm, dùng lá gừng, tía tô, lá sả… nấu nước xông cho ra mồ hôi hạ sốt. Hoặc cho người bệnh uống nước sắc gừng gồm gừng củ, lá cam thảo, vỏ cam quýt

– Ngừa cảm lạnh sau khi dầm mưa nhiều giờ: gừng tươi giã nát, cho vào ly nước sôi hoặc trà nóng, có thể cho thêm ít đường để dễ uống.

– Trong gừng có nhiều tinh dầu có tính diệt nấm và diệt khuẩn nên thường được dùng làm thuốc chữa các chứng viêm đường hô hấp trên (giã nát gừng tươi với muối ngậm hay vắt lấy nước nhỏ mũi) và giảm đau kháng viêm (dùng xoa bóp với muối khi đau nhức).

– Giảm đau, kháng viêm: Uống nước gừng, đắp bã gừng, ngâm tay, chân trong nước gừng loãng mỗi tối 15 – 20 phút có thể chữa được các chứng viêm khớp. Liệu pháp này có tác dụng giảm triệu chứng đau, sưng rất rõ rệt.

– Với những người khó ngủ hoặc mất ngủ, ngâm chân trong nước gừng giúp cho giấc ngủ có chất lượng hơn. Cách pha nước gừng như sau: giã nát gừng hòa vào nước ấm, cho thêm chút muối.

– Phòng chữa cảm mạo: Ngậm 1 lát to gừng tươi, thỉnh thoảng nhấm cho ra nước cay trong những ngày lạnh giá, trước khi ra đường hoặc trước khi tắm, khi làm việc ở môi trường lạnh giúp bạn không bị nhiễm lạnh. Đối với những người bị cảm, trà gừng có tác dụng giúp cơ thể toát mồ hôi, nhờ đó thải được các độc tố.

Lưu ý khi sử dụng gừng:

1. Không nên gọt vỏ: Nhiều người gọt vỏ khi ăn gừng mà không biết rằng vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Vì vậy khi ăn gừng nên rửa sạch sau đó sử dụng theo mục đích.

2. Không nên ăn gừng trong thời gian dài: Những người mắc những bệnh dưới đây không nên ăn gừng liên tục: mắc các bệnh mụn nhọt, viêm phổi, phù thũng phổi, hạch phổi, viêm dạ dày, viêm gan, viêm thận, bệnh tiểu đường…

3. Không dùng gừng cho người say nắng: Khi bị cảm lạnh uống nước gừng sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, trái lại đối với những trường hợp cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt hoặc bị trúng nắng tuyệt đối không cho dùng gừng.

4. Không nên ăn gừng tươi đã bị dập: Chắc chắn nhiều người không biết rằng củ gừng tươi sau khi bị dập sẽ sinh ra một loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu dần sẽ biến thành ung thư gan, ung thư thực quản.

XXV. CÂY HẸ

Trồng được quanh năm.

Tuy nhiên, nó hay được trồng vào tháng 10, 11 để thu hoạch vào dịp tết, đạt hiệu quả cao.

– Chữa cảm mạo, ho do lạnh: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước. Dùng liền 5 ngày.

– Chữa nhức răng: Lấy một nắm hẹ (cả rễ), rửa sạch, giã nhuyễn đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.

– Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Hàng ngày sử dụng từ 100-200g rau hẹ, nấu cháo, nấu canh hoặc xào ăn. Không dùng muối hoặc chỉ dùng một chút muối khi chế biến món ăn. 10 ngày một liệu trình.

– Chữa ho trẻ em do cảm lạnh: Lấy lá hẹ xắt nhỏ trộn với đường phèn vào cùng một chén, sau đưa chén vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê. Dùng liền 5 ngày.

Hẹ tốt cho làn da

Vì hẹ có đặc tính chống vi khuẩn và nấm nên rất tốt cho da, đồng thời cải thiện những vấn đề về nhiễm trùng da. Hẹ có thể thay thế cho các loại kem bôi trị vảy và làm lành vết thương hở. Nhờ đặc tính này, hẹ có thể tiêu diệt vi khuẩn, nấm, giúp vết thương mau lành.

Giải pháp tuyệt vời cho da khô

Nếu bạn bị da khô, hẹ tươi là biện pháp cho bạn. Nghiền hẹ ra, rồi đắp lên mặt, để khô trong vòng 30 phút sau đó rửa mặt lại. Làm thường xuyên, bạn sẽ nhận thấy da có sự thay đổi rõ rệt.

Giúp ngăn ngừa mụn

Sự xuất hiện của beta-carotene trong hẹ có tác dụng làm sáng làn da, ngăn ngừa mụn. Ăn hẹ thường xuyên giúp da sáng rạng rỡ.

Một số trường hợp không nên dùng hẹ: Mặc dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng,lại vừa là một vị thuốc quý từ thiên nhiên nhưng bởi nó lại không tốt cho những người có thể trạng âm suy, bốc hoả. Không nên dùng hẹ vào mùa nóng. Hẹ rất kỵ với thịt trâu và mật ong.

XXVI. TRINH NỮ HOÀNG CUNG

Thời gian cây phát triển mạnh: vào mùa cuối xuân sang hè

Bộ phận dùng: Lá

Đối với u lành thì việc sử dụng lá TNHC để hỗ trợ điều trị là tốt, nhưng phải uống đúng liều thì mới có tác dụng ( từ 90 ngày).

Chữa u tuyến tiền liệt, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u vú, viêm loét dạ dày: Dùng lá khô và lá tươi với liều lượng:

Lá tươi: 3 lá tươi dài khoảng 5 tấc. Sau khi rửa sạch, thái nhỏ và sắc với 2 chén nước. Sắc đến khi nào còn nửa chén. Chia làm 3 lần, uống hàng ngày sau khi ăn.

Lá khô: Dùng 200gram lá khô sắc với 2 chén nước. Sắc đến khi nào còn nửa chén chia uống 3 lần trong ngày, sau khi ăn.

Thuốc được uống thành từng đợt, mỗi đợt khoảng 20 – 25 ngày, nghỉ 10 ngày rồi uống đợt tiếp theo. Hoặc có thể uống một đợt duy nhất liên tục 64 ngày đối với nam và 49 ngày đối với nữ.

XXVII. CÂY RẺ QUẠT

Trồng được quanh năm.

Rẻ quạt được xem là một thảo dược quý có thể làm giảm nhanh các cơn đau do viêm họng, viêm amidan có mủ, ho có đờm. Dưới đây là một số bài thuốc có tác dụng hỗ trợ chữa viêm họng tuyệt vời từ cây rẻ quạt.

Phần dùng làm thuốc: Toàn cây

* Cây rẻ quạt hỗ trợ chữa viêm họng hạt:

– Bài thuốc 1: Lấy lá cây rẻ quạt cắt ngắn chừng 1 đốt ngón tay cho vào chén, giã nát sau đó thêm nước ấm quấy đều. Đợi nước lắng cặn thì chắt lấy phần nước trong và uống từ từ. Sau khi uống khoảng 1phút sẽ thấy cổ họng nóng rát nhưng ngay sau đó sẽ không còn cảm giác đau, khó nuốt của viêm họng. Bạn thực hiện bài thuốc này vào buổi tối trong khoảng 3-5 ngày thì khỏi. – Bài thuốc 2: Củ rẻ quạt đem nướng chín kỹ cùng muối sau đó cho vào hũ thủy tinh bảo quản kín. Mỗi ngày 3 lần lấy ra một ít ngậm rồi sau cùng nuốt nước xuống cổ họng.

– Bài thuốc 3: Rễ rẻ quạt đem phơi khô, nhai cùng với muối hạt để sát trùng họng trong trường hợp bị viêm amidan, viêm họng hạt.

– Bài thuốc 4: Rễ rẻ quạt đem sao vàng, bảo quản kín. Mỗi ngày lấy ra một chút sắc với nước uống ngày 2-3 lần. Bạn uống trong khoảng 3-5 ngày là khỏi bệnh.

– Bài thuốc 5: Lấy 5-6 gam cả thân và rễ rẻ quạt đem sắc lấy nước uống mỗi ngày. * Hỗ trợ chữa viêm họng, đau họng từ bên ngoài:

Lấy 10 – 20 gam thân rễ rẻ quạt tươi, nhúng qua nước sôi, đem giã nát với muối hạt. Nước ngậm và nuốt dần, bã thuốc đem hơ nóng và đắp vào cổ.

XXVIII. CÂY TÍA TÔ

Bộ phận dùng:

– Chữa mẩn ngứa, làm đẹp da: Vò lát lá tía tô vào nước tắm, bã lá tía tô có thể đắp vào vùng da bị ngứa.

– Chữa cảm ho: lá tía tô tươi 150g, 3 củ hành tươi thái nhỏ cho vào cháo nóng, ăn lúc còn nóng.

– Chữa cảm lạnh: Một nắm lá tía tô nấu với nước uống hoặc dùng lá tía tô với kinh giới, hương nhu, lá xả, lá tre nấu với nước để xông.

– Chữa đau bụng, đầy chướng: Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần.

XXIX. KINH GIỚI

Bộ phận dùng: Toàn cây trừ dễ

Cách dùng: Dùng 10 – 16g (khô) hay 30g cây tươi một ngày. Dạng thuốc sắc, hãm, có khi giã nát dùng tươi.

Một số ứng dụng chữa bệnh từ kinh giới:

– Chữa sốt nóng, nhức đầu, đau mình: Kinh giới (12g) phối hợp với sắn dây (24g), sắc uống.

– Chữa cảm đau nhức các đầu xương: Kinh giới tươi (cành non, lá) 50g. Gừng sống (10g), hai thứ rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống, ngày uống 2 lần, bã thuốc xoa dọc xương sống từ trên xuống.

– Chữa cảm lạnh phát sốt, nhức đầu đau mình ê ẩm không có mồ hôi: Kinh giới hoa (hoa, cành, lá) 20g. Sắc uống 1 lần lúc thuốc còn nóng.

– Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt: Kinh giới để tươi nấu nước uống và tắm hằng ngày.

Việc sử dụng kết hợp Tây y và cây thuốc Nam trong điều trị bệnh đã góp phần không nhỏ vào hiệu quả điều trị bệnh cho cán bộ viên chức, người lao động và người học.

Trân trọng cảm ơn!