Các biện pháp xử lý nợ xấu đã thực hiện
Năm 2016, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank) đã ban hành Quyết định số 892/2016/QTr-LienVietPostBank ngày 05/02/2016 về việc ban hành “Quy trình xử lý nợ cần xử lý”. Theo đó, các biện pháp xử lý nợ xấu của LienVietPostbank được đưa ra để áp dụng cho từng trường hợp cụ thể sau:
Biện pháp đôn đốc
Là biện pháp thu hồi nợ bằng các hình thức, phương pháp phi tố tụng như nhắc nhở, đôn đốc khách hàng trả nợ thông qua công văn, điện thoại, thư điện tử, tin nhắn, trao đổi trực tiếp để thỏa thuận với khách hàng về kế hoạch, thời gian, phương thức trả nợ. Biện pháp đôn đốc được áp dụng từ ngày khoản vay chuyển sang nợ quá hạn đến ngày thứ 90 tại các đơn vị kinh doanh trong toàn hệ thống của LienVietPostBank.
Kết quả thực hiện biện pháp đôn đốc chính là khách hàng tự trả nợ cho ngân hàng. Năm 2013, 2014, 2015, 2016 và 2017, tỷ lệ nợ xấu tại LienVietPostbank được khách hàng trả nợ lần lượt là: 61,31%; 62,03%; 65,39%; 67,62% và 68,25%.
Biện pháp tài chính
LienVietPostbank đưa ra 6 biện pháp tài chính để xử lý nợ xấu phù hợp với từng tình huống phát sinh bao gồm:
– Biện pháp thay đổi trật tự thu nợ: Là việc Ngân hàng đồng ý cho phép khách hàng thay đổi thứ tự ưu tiên trả nợ gốc, lãi tiền vay so với quy định của Ngân hàng hoặc so với hợp đồng cấp tín dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Biện pháp cơ cấu thời gian trả nợ: Là việc Ngân hàng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ vay đối với các khoản nợ vay.
– Biện pháp tạm dừng thời gian tính lãi: Là biện pháp Ngân hàng không tính lãi đối với khoản nợ trong một thời gian nhất định.
– Biện pháp miễn giảm lãi: Ngân hàng không thu một phần hay toàn bộ số tiền lãi, tiền phí khách hàng còn nợ Ngân hàng trong một khoảng thời gian nhất định.
Xem thêm : Nên ăn những loại trái cây gì để giảm cân vào buổi tối ?
– Biện pháp thay đổi và/hoặc bổ sung tài sản bảo đảm (TSBĐ): Là việc Ngân hàng đồng ý cho khách hàng thay TSBĐ hiện hữu bằng một tài sản khác và/hoặc yêu cầu bổ sung tài sản để đảm bảo cho khoản nợ.
– Biện pháp cho vay duy trì hoạt động: Là việc Ngân hàng cho vay trong trường hợp hoạt động sản xuất kinh doanh, phương án/dự án đầu tư của khách hàng đang gặp khó khăn tạm thời, ảnh hưởng đến việc thu nợ.
Kết quả thực hiện tại LienVietPostBank cho thấy, tính đến tháng 12/2017, toàn hệ thống mới phát sinh 02 khách hàng cơ cấu nợ và 01 khách hàng gia hạn nợ. Trong tháng 12/2017, Ngân hàng này đã kiểm tra đánh thu hồi nợ gốc là 681.382 triệu đồng (trong đó, thu hồi các khoản bán VAMC là 81.552 triệu đồng), thu hồi nợ lãi là 69.122 triệu đồng (trong đó, thu hồi lãi các khoản bán VAMC là 510 triệu đồng).
Tuy nhiên, kết quả thu hồi nợ xấu của LienVietPostBank vẫn cho thấy còn tồn tại một số vấn đề chủ yếu như sau:
– Tỷ lệ nợ được xử lý trong năm có chiều hướng giảm dần về những năm gần đây. Hiện tượng này là do cả ba phương thức xử lý nợ là: Thu hồi (khách hàng trả nợ và xử lý TSBĐ), bán nợ cho VAMC và bù đắp bằng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng (nợ xóa) chưa phát huy được hiệu quả thực sự. Đáng lưu ý hơn là tỷ lệ nợ xóa có chiều hướng tăng dần. Điều này cũng có nghĩa là cần phát huy hơn nữa hiệu quả của các giải pháp xử lý nợ trước khi sử dụng Quỹ Dự phòng rủi ro để giảm thiểu chi phí cho ngân hàng.
– Tỷ lệ nợ xấu chưa được xử lý trong kỳ còn khá cao (từ 19,12% đến 22,27%), các khoản nợ này vừa do phát sinh mới trong kỳ, vừa có giá trị cộng dồn cho năm tài chính tiếp theo dẫn tới số nợ xấu chưa được xử lý tại LienVietPostBank ngày càng tăng.
Tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu tại LienVietPostBank
Với những rủi ro tiềm ẩn như trên, LienVietPostBank cần tập trung đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới. Cụ thể:
Thứ nhất, cần kiểm soát chặt chẽ các món vay trung và dài hạn đặc biệt là các món vay tiêu dùng có thời hạn dài/các khoản vay dự án.
Phân khúc khách hàng cá nhân làm nên sự tăng trưởng tín dụng vượt bậc của LienVietPostBank những năm gần đây với các sản phẩm đặc thù như: Cho vay tiêu dùng không TSBĐ đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; Cho vay tín dụng hưu trí; Cho vay mua nhà đất; Cho vay mua nhà dự án; Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn; Cho vay mua ô tô…
Tính đến 31/12/2017, tại LienVietPostBank, có đến 50 khách hàng cá nhân và có 100 khách hàng doanh nghiệp có nợ xấu tại ngân hàng chủ yếu là các món vay trung và dài hạn. Để kiểm soát chặt chẽ các món vay trung và dài hạn, ngân hàng triển khai đoàn giám sát thực tế tại các đơn vị kinh doanh theo kế hoạch đã lập; Tiếp tục triển khai giám sát thường xuyên toàn bộ khách hàng cấp tín dụng không tài sản đảm bảo và có tài sản đảm bảo phát sinh hàng tháng; Tổ chức các đoàn giám sát tín dụng để kiểm tra, đánh giá tình hình cấp tín dụng thực tế của các đơn vị kinh doanh định kỳ hàng tháng.
Xem thêm : Stt, cap chị em cây khế độc đáo nhất
Thứ hai, tăng cường kiểm soát và hoàn thiện công tác trích lập dự phòng rủi ro.
Việc trích lập dự phòng rủi ro đúng và đủ phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: Phân loại nợ đúng và xác định giá trị TSBĐ hợp lý.
– Về công tác phân loại nợ: Tại LienVietPostBank, công tác việc phân loại nợ được thực hiện hàng quý nên mức độ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế luôn được cập nhật, trong khi đó đối với TSBĐ thì việc định giá lại được thực hiện sau 12 tháng. Do vậy, ngân hàng cần điều chỉnh kỳ định giá TSBĐ theo quý cho phù hợp với kỳ phân loại nợ.
– Về công tác cơ cấu nợ: Việc xác định khả năng xử lý khác nhau đối với các khoản nợ khác nhau sẽ quyết định giải pháp thực hiện khác nhau. Đối với các khoản nợ mà Ngân hàng đánh giá là khách hàng khó khăn tạm thời, nhưng chưa rơi vào tình trạng không thể cứu vãn thì Ngân hàng có thể xem xét giải pháp cơ cấu lại nợ cho khách hàng nhưng phải thực hiện theo đúng quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cơ cấu lại nợ chỉ là một giải pháp “tạm thời” chuyển nợ quá hạn vào trong hạn, nếu không xác định đúng đối tượng khách hàng, khoản vay để thực hiện sẽ dẫn đến tình trạng che giấu nợ xấu và kết quả đối với Ngân hàng sẽ là thiệt hại lớn hơn.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng tín dụng (từ quy trình quy định đến hệ thống báo cáo và vấn đề con người).
Quy trình tín dụng mà LienVietPostBank đã xây dựng là hoàn toàn khoa học và phù hợp với điều kiện áp dụng trong toàn hệ thống, tuy nhiên, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, xét duyệt cho vay cũng như công tác kiểm tra, giám sát khách hàng vay vốn; Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát từ xa nội bộ tại ngân hàng thông qua việc nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa hệ thống báo cáo. Đối với những khoản vay mà LienVietPostBank đã nhận TSBĐ không đủ điều kiện theo quy định dẫn tới thiếu TSBĐ thì cần yêu cầu khách hàng bổ sung đầy đủ, kịp thời. Trường hợp nào không bổ sung được TSBĐ, LienVietPostBank nên điều chỉnh giảm số dư nợ tương ứng với phần giá trị TSBĐ còn thiếu.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đăng Dờn (2012), Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại hiện đại, TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
2. Nguyễn Minh Kiều (2012). Quản trị rủi ro tài chính, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh và chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, NXB Tài chính;
3. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, 2013, 2014, 2015, 2016; Báo cáo thường niên;
4. Website: https://www.bis.org; http://www.lienvietpostbank.com.vn/; https://www.sbv.gov.vn/.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp