Bài 33: Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Môn Ngữ văn – Lớp 9 – HOCMAI

Bài 33: Bài thơ về tiểu đội xe không kính

– Phạm Tiến Duật –

I. Kiến thức cần nhớ

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm

– Phạm Tiến Duật (1941 – 2007), quê ở Phú Thọ. Ông tham gia quân đội từ sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là nhà thơ trẻ tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kì chống Mỹ cứu nước.

– Bài thơ về tiểu đội xe không kính nằm trong chùm thơ Phạm Tiến Duật được tặng giải nhất trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 và được đưa vào tập thơ Vầng trăng và quầng lửa của tác giả.

2. Nội dung

a. Hình ảnh những chiếc xe không kính

– Hình ảnh những chiếc xe được hiện lên thật độc đáo:

+ Những chiếc xe vận tải bị bom đạn làm cho biến dạng, méo mó, không kính, không mui, không đèn,…Hình ảnh những chiếc xe đã thể hiện sự tàn khốc của cuộc chiến tranh của dân tộc.

+ Mặc dù chiến tranh có ác liệt, những chiếc xe có bị biến dạng, méo mó, nhưng những chiếc xe ấy vẫn hiên ngang băng ra chiến trường, đó chính là chất thơ. Chính chất thơ ấy làm cho hình tượng những chiếc xe trở nên độc đáo.

– Biện pháp tu từ điệp ngữ, nghệ thuật liệt kê và hàng loạt các từ phủ định đã diễn tả sự chân thực, độc đáo những chiếc xe vận tải trên đường ra chiến trường. Nó gợi lên sự ác liệt, cam go của chiến tranh trong những năm kháng chiến chống Mĩ.

b. Hình ảnh của người lính lái xe

– Người lính lái xe trên đường ra mặt trận với tư thế và tâm thế ung dung, hiên ngang thể hiện tinh thần dũng cảm, coi thường hiểm nguy.

– Người lính lái xe ra chiến trường với tâm hồn của tuổi trẻ, tình đồng chí, đồng đội sâu sắc được bộc lộ bằng những hình ảnh phì phèo châm điếu thuốc, mặt lấm cười ha ha,…Bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn, tình cảm gắn bó keo sơn của những người lính đã giúp họ vượt lên tất cả: Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.

– Người lính lái xe luôn có ý chí chiến đấu: Tất cả vì miền Nam ruột thị. Câu thơ cuối ánh lên chủ đề của bài thơ, hình ảnh hoán dụ trái tim đã thể hiện tinh thân yêu nước, lí tưởng và quyết tâm của người lính khi tham gia vào cuộc chiến.

– Tác giả đã đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực của cuộc sống sinh động nơi chiến trường, ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên và khỏe khoắn.

II. Soạn bài

Bài 1.

– Nhan đề bài thơ có hai điểm khác lạ:

+ Từ “bài thơ” trong nhan đề có vẻ như thừa.

+ Hình ảnh những chiếc xe không kính tưởng như chẳng có gì nên thơ nhưng lại trở thành hình ảnh xuyên suốt toàn bài thơ.

– Hình ảnh những chiếc xe không kính là một hình ảnh độc đáo. Thông thường, xe nào cũng có kính để chắn bụi, chắn mưa gió nhưng ở bài thơ lại xuất hiện cả một tiểu đội xe không kính. Hình ảnh này trở thành tứ thơ hay để nhà thơ ca ngợi lòng dũng cảm, can trường của người lính.

Bài 2.

Vẻ đẹp của người lính trong bài thơ:

– Tư thế hiên ngang, với tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm: Dù những chiếc xe đã bị tàn phá nặng nề song họ vẫn “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”.

– Tâm hồn lạc quan: Dù cho “Bụi phun tóc trắng như người già” nhưng họ vẫn “Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Dù phải ngủ dọc đường, “võng mắc chông chênh” nhưng người lính vẫn tin tưởng: “Lại đi lại đi trời xanh thêm”.

– Tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó. Vì xe không có kính nên họ “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.

– Ý chí chiến đấu vì miền Nam ruột thịt: Người lính đi theo tiếng gọi của con tim, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

Bài 3.

– Ngôn ngữ bài thơ là ngôn ngữ thường ngày mang đậm chất người lính. Ngôn ngữ ấy mang tính khẩu ngữ: “ừ thì”, “phì phèo châm điếu thuốc”,…

– Giọng thơ sôi nổi, ngang tàng pha chút bông đùa, tinh nghịch.

– Giọng thơ và ngôn ngữ góp phần làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người lính: khỏe khoắn, trẻ trung, yêu đời.

Bài 4.

– Qua hình ảnh người lính trong bài thơ, ta thấy thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ là những người có bản lĩnh, có tinh thần dũng cảm, bất chấp gian khổ, hiểm nguy. Họ là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam.

– So sánh:

Đồng chí

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Giống nhau

– Lí tưởng sống cao đẹp.

– Tình đồng chí, đồng đội cao đẹp.

– Tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn gian khổ bảo vệ Tổ quốc.

Khác nhau

– Người lính thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

– Người nông dân mộc mạc, giản dị.

– Người lính thời kháng chiến chống Mỹ.

– Lính lái xe: có học thức, trẻ trung, có sự tinh nghịch, sôi nổi.