Lý Chiêu Hoàng còn gọi là Chiêu Thánh hoàng hậu, là vị vua thứ 9 cũng là vị vua cuối cùng của triều Lý. Đồng thời, bà cũng là vị vua nữ duy nhất trong lịch sử 1.000 năm phong kiến Việt Nam. Những ghi chép về bà không nhiều song qua những mẩu chuyện nhỏ, truyền kỳ, giai thoại dân gian cũng phần nào hoạ lên được chân dung của vị công chúa chịu một đời quá nhiều thăng trầm.
Nữ hoàng duy nhất của lịch sử phong kiến
Lý Chiêu Hoàng (1218-1278) ban đầu có tên là Lý Phật Kim, sau đổi là Lý Thiên Hinh, là con gái của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Bà là vị hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý (1010-1225) và là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Chiêu Hoàng đã bị cuốn vào cuộc tranh đấu vương quyền giữa hai tập đoàn phong kiến Lý – Trần, để rồi cả quãng đời về sau bà phải chịu lắm nỗi truân chuyên.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi hoàng đế vào tháng 10/1224, khi ấy bà mới 6 tuổi, niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Do tuổi còn quá nhỏ nên việc triều chính do Thái hậu Trần Thị Dung điều hành. Khi đó, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ của Thái hậu Trần Thị Dung) – người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ đã sắp xếp một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi, đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
Thấy cả hai có vẻ quấn quýt, Trần Thủ Độ bàn với Thái hậu Trần Thị Dung thực hiện cuộc “đảo chính cung đình” với việc làm táo bạo bằng cách lần lượt đem hết gia thuộc thân thích vào trong cung cấm.
Sau đó, Trần Thủ Độ sai quân lính của mình đóng chặt cửa thành và các cửa cung, cử người coi giữ nghiêm ngặt, các quan xin vào chầu vua nhưng không được chấp thuận, rồi cho loan báo: “Bệ hạ đã có chồng rồi”. Như vậy là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh đã nên duyên vợ chồng.
Xem thêm : Miền Nam có bao nhiêu tỉnh? Đặc điểm và bản đồ chi tiết
Tháng 11/1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Triều đại nhà Lý tồn tại 216 năm chính thức chấm dứt. Sau đó, Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng Thiện Hoàng, sử sách gọi ông là Trần Thái Tông. Sự kiện này khiến Lý Chiêu Hoàng (Phật Kim) và Trần Thái Tông (Trần Cảnh) trở thành đôi vợ chồng duy nhất trong lịch sử đều làm vua.
Sau khi nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng trở thành hoàng hậu Chiêu Thánh và là hoàng hậu trẻ nhất trong lịch sử, khi chỉ mới 7 tuổi. Bà chung sống với Thái Tông hoàng đế hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Thái Tông rất yêu thương và kính trọng.
>> 2 vị quân sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, được ca ngợi tài năng sánh ngang Gia Cát Lượng, Khương Tử Nha
Cuộc đời thăng trầm đầy bi đát
Vốn tưởng Lý Chiêu Hoàng sẽ có một cuộc đời bình yên nhưng số phận trớ trêu đã khiến bà gặp phải nhiều biến cố. Năm 1233, Lý hoàng hậu hạ sinh ra Thái tử Trần Trịnh, nhưng Thái tử qua đời ngay sau khi sinh không lâu. Điều này để lại một nỗi đau lớn trong lòng khiến bà ốm đau liên miên. Vì vậy mà những năm tiếp theo bà vẫn không thể sinh con.
Sinh nở không thành, bà đau ốm liên miên. Sợ Trần Thái Tông không có con trai nối ngôi, Trần Thủ Độ lại ép nhà vua lập hoàng hậu mới. Lúc này Lý Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Trước liên tục những biến cố của cuộc đời, quá đau buồn và chán nản, bà xuống tóc đi tu.
Tưởng rằng khi xuất gia cuộc đời sẽ bình yên nhưng duyên nghiệp của vị nữ hoàng duy nhất vẫn chưa kết thúc. Năm 1259, sau cuộc chiến với quân đội Mông Cổ, Trần Thái Tông gả Chiêu Thánh công chúa cho Lê Phụ Trần, một thuộc tướng dòng dõi của Minh Càn Quảng Hiếu hoàng đế nhà Tiền Lê (theo Cổ Mai bi ký và Lê triều miêu duệ).
Lê Phụ Trần là người lập nhiều chiến công trong kháng chiến, có công cứu giá vua Trần Thái Tông. Lúc này, Lý Chiêu Hoàng đã ở tuổi 40. Sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, bà sinh được 2 người con. Con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê.
Xem thêm : 12 Con Giáp Việt Nam Theo Thứ Tự Và Ý Nghĩa Chính Xác Nhất
Năm 1278, Lý Chiêu Hoàng qua đời ở tuổi 60 trong một lần về thăm quê ở Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh). Tương truyền khi từ giã cõi trần gian, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào. Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng). Sở dĩ Chiêu Hoàng không được thờ chung tại đền Đô mà phải thờ riêng vì bà là người bị xem là có tội với dòng họ Lý khi để mất nhà Lý.
Sách Việt sử tiêu án có chép lại thuyết dân gian rằng bà đã nhảy hồ tự sát. Nguyên văn: “Bà Chiêu Thánh mất. Bà đã bị giáng là công chúa, rồi gả cho Phụ Trần, khi ấy mất đã 61 tuổi. Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang, có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên bờ đầm có miếu Chiêu Hoàng. Đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Hoàng mà đặt ra thuyết ấy.”
Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã khiến Lý Chiêu Hoàng trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: công chúa triều Lý, hoàng thái tử nhà Lý, nữ hoàng đế nhà Lý, hoàng hậu nhà Trần, công chúa nhà Trần, sư cô (thời Trần) và phu nhân tướng quân nhà Trần.
Ở vùng Từ Sơn (Bắc Ninh ngày nay) từ bao đời vẫn lưu truyền câu ca dao thác lời Lý Chiêu Hoàng trách vua Trần về việc gả chính vợ mình cho bề tôi:
“Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!”
>> Ngôi đền thiêng có thế phong thủy ‘long chầu hổ phục’ ở xứ chè: Thờ vị anh hùng từng trấn giữ cả vùng phía Bắc, cưới 2 công chúa nhà Lý
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp