CHUYÊN ĐỀ 1
- HOA LAY ƠN (HOA DƠN) CÓ Ý NGHĨA GÌ? CÁCH CẮM HOA DƠN NGÀY TẾT ĐẸP, TƯƠI LÂU
- Giải đáp vận tốc ánh sáng là bao nhiêu?
- Bà bầu ăn nho có tốt không? Lợi ích và rủi ro khi bầu ăn nho
- Vi khuẩn lactic là gì? 4 kiến thức thú vị về loại vi khuẩn này
- Công thức tính chiều rộng hình chữ nhật và bài tập có lời giải dễ hiểu
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA
Bạn đang xem: ĐỀ CƯƠNG CHUYÊN ĐỀ 1 – CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN
CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
————-
Giảng viên: TS Phạm Bá Khoa – Giảng viên cao cấp
- 1. KHÁI LƯỢC VỀ TRIẾT HỌC
1.1. Triết học và vấn đề cơ bản của triết học, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm
1.1.1. Triết học là gì:
Triết học ra đời khoảng thế kỷ VIII – VI (TCN). Trong tiếng Anh, từ “Philosophy” (triết học) xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ, được ghép từ hai từ “Philos – Tình yêu” và “Sophia – Sự thông thái”. Theo nghĩa đen: Triết học (philosophia) là tình yêu đối với sự thông thái.
Triết học là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy; những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức, và ngôn ngữ.
Triết học phản ánh thế giới một cách chỉnh thể, nghiên cứu những vấn đề chung nhất, những quy luật chung nhất của chỉnh thể này và thể hiện chúng một cách có hệ thống dưới dạng lý luận.
Nói cách khác Triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội, là học thuyết về những nguyên tắc chung nhất của tồn tại và nhận thức, của thái độ con người đối với thế giới; là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy.
1.1.2. Vấn đề cơ bản của triết học
Theo Ph.Ăng ghen: “Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy với tồn tại”[1]. Vấn đề này được coi là vấn đề cơ bản của triết học, vì nó ra đời cùng sự ra đời của triết học và tồn tại cùng sự tồn tại của triết học suốt từ khi ra đời đến nay.
Vấn đề cơ bản của triết học có hai mặt:
Mặt thứ nhất trả lời cho câu hỏi giữa tồn tại (vật chất) và tư duy (ý thức) cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào. Việc giải quyết mặt thứ nhất này đã chia các nhà triết học thành hai trường phái lớn:
- Chủ nghĩa duy vật cho rằng tồn tại (vật chất) có trước tư duy (ý thức) và quyết định tư duy (ý thức). Nói cách khác, chủ nghĩa duy vật cho rằng bản chất của thế giới là vật chất; vật chất là tính thứ nhất, ý thức là tính thứ hai; vật chất có trước ý thức và quyết định ý thức.
- Chủ nghĩa duy tâm, ngược lại, cho rằng tư duy (ý thức) có trước tồn tại (vật chất) và quyết định tồn tại (vật chất). Theo cách khác, chủ nghĩa duy tâm cho rằng bản chất của thế giới là tinh thần; ý thức là tính thứ nhất, vật chất là tính thứ hai; ý thức có trước và quyết định vật chất.
Mặt thứ hai trả lời câu hỏi tư duy (ý thức) của con người có thể phản ánh được tồn tại (vật chất) hay không? Nói cách khác là con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Đến đây lại chia thành hai học thuyết: Thuyết khả tri (có thể biết) và thuyết: Bất khả tri (không thể biết) phủ định, hoài nghi khả năng nhận thức thế giới của con người. Sự phát triển của khoa học (từ cuộc cách mạng 1.0 đến nay là 4.0) và thực tiễn của nhân loại đã bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi và thuyết không thể biết.
1.2. Chức năng thế giới quan và phương pháp luận của triết học
1.2.1. Chức năng thế giới quan
Thế giới quan là hệ thống quan niệm về thế giới, về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó. Triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan, nghĩa là triết học quan niệm về thế giới bằng hệ thống lý luận của mình.
Thế giới quan triết học có chức năng định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Trong triết học có hai thế giới quan cơ bản đối lập nhau là thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm.
1.2.2. Chức năng phương pháp luận
Cùng với thế giới quan, triết học còn có chức năng phương pháp luận. Phương pháp là những nguyên tắc, cách thức thực hiện hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm đạt mục đích đã đặt ra. Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống những quan điểm, nguyên tắc xác định phương pháp, phạm vi ứng dụng phương pháp… cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Chức năng phương pháp luận của triết học thể hiện ở chỗ nó chỉ ra cho chủ thể phương pháp xem xét, nhận thức và cải tạo thế giới. Trong triết học có hai phương pháp đối lập nhau là phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình. Phương pháp biện chứng là phương pháp xem xét sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ, vận động, biến đổi và phát triển. Phương pháp siêu hình xem xét sự vật, hiện tượng trong trạng thái cô lập, tĩnh tại, bất biến, đứng im.
- CHỦ NGĨA DUY VẬT MÁC XÍT – CƠ SỞ KHOA HỌC CHO NHẬN THỨC VÀ CẢI TẠO HIỆN THỰC
2.1. Quan điểm duy vật mácxít về vật chất
Vật chất là phạm trù cơ bản, nền tảng của chủ nghĩa duy vật. Cũng như các phạm trù khác của triết học duy vật, nội dung của phạm trù vật chất luôn được bổ sung, phát triển cùng sự phát triển của khoa học, của thực tiễn và nhận thức của con người. Kế thừa những thành tựu của các nhà duy vật trong lịch sử, đặc biệt là quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về vật chất, V.I.Lênin đã đưa ra định nghĩa nổi tiếng về vật chất: “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”[2].
Vật chất trong định nghĩa của V.I.Lênin phải được hiểu theo nghĩa triết học, nghĩa là nó mang tính khái quát hóa cao, phản ánh tất cả những dạng tồn tại cụ thể của vật chất. Vật chat có nhiều thuộc tính, nhưng thuộc tính cơ bản nhất là “thực tại khách quan, – tức là tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người và loài người. Thuộc tính này là tiêu chuẩn cơ bản để phân biệt cái gì thuộc về vật chất, cái gì không thuộc về vật chất. Định nghĩa về vật chất của V.I.Lênin cũng khẳng định tư duy của con người có thể nhận thức được vật chất.
2.2. Quan điểm duy vật mácxít về ý thức
Các nhà duy tâm cho rằng, ý thức “sinh” ra vật chất, quyết định vật chất chứ không phải là sự phản ánh vật chất. Chủ nghĩa duy vật mácxít khẳng định ý thức có nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội. Nguồn gốc tự nhiên thể hiện ở chỗ ý thức là thuộc tính phản ánh của bộ óc con người. Phản ánh là thuộc tính chung của mọi dạng vật chất. Cùng với sự phát triển của thế giới vật chất, thuộc tính phản ánh của nó cũng phát triển từ thấp lên cao (phán ánh vật lý, phản ánh sinh vật với các hình thức như kích thích, cảm ứng; phản ánh tâm lý động vật; phản ánh ý thức con người).
Ý thức là thuộc tính của một dạng vật chất sống có tổ chức cao là bộ óc người (có tới 14 tỷ tế bào thần kinh). Chính bộ óc người và sự tác động của thế giới khách quan kên bộ óc người là nguồn gốc tự nhiên của ý thức. Như vậy không có bộ óc người thì không thể có ý thức.
Nguồn gốc xã hội của ý thức thể hiện ở chỗ phải có lao động và cùng với lao động là ngôn ngữ thì mới có ý thức được. Chính lao động đóng vai trò quyết định trong việc chuyển biến vượn người thành người; gips bộ óc phát triển, làm nảy sinh ngôn ngữ. Như vậy, lao động và ngôn ngữ là hai nguồn gốc xã hội trực tiếp quyết định sự ra đời của ý thức con người.
Về bản chất, ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người. Ý thức là hình ảnh của sự vật được thực hiện ở trong bộ óc con người. Nhưng đây là sự phản ánh năng động, sáng tạo; sự phản ánh có chọn lọc, phản ánh cái cơ bản nhất mà con người quan tâm; là sự phản ánh không nguyên xi mà còn được cải biến trong bộ óc con người. Phán ánh của ý thức có thể là phản ánh vượt trước hiện thức, có thể dự báo được xu hướng biến đổi của thực tiễn; ý thức là ý thức của con người nhưng con người là con người hiện thực của một xã hội cụ thể. Do vậy, ý thức luôn mang bản chất xã hội.
2.3. Quan điểm duy vật mácxít về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức
Chủ nghĩa khẳng định vật chất có trước ý thức, quyết định ý thức, ý thức là cái phản ánh, cho nên là cái có sau, là cái bị quyết định. Như trên đã đề cập, ý thức là thuộc tính của một dạng vật chất sống có tổ chức cao, tổ chức đặc biệt. Đoa là bộ óc người. Do vậy, không có bộ óc người thì không thể có ý thức. Hơn nữa, ý thức tồn tại phụ thuộc vào hoạt động thần kinh của bộ não trong quá trình phản ánh thế giới khách quan.
Vật chất còn là cơ sở, nguồn gốc của những nội dung mà ý thức phản ánh. Nghĩa là vật chất quyết định nội dung phản ánh của ý thức.
Chủ nghĩa duy vật mácxít cũng cho rằng, mặc dù vật chất quyết định ý thức, nhưng ý thức cũng có tính năng động, sáng tạo, cho nên thông qua hoạt động thực tiễn của con người có thể tác động trở lại vật chất bằng cách thúc đẩy hoặc kìm hãm ở một mức độ nào đó các điều kiện vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan. Tuy nhiên, sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất dù đến đâu chăng nữa vẫn phụ thuộc vào các điều kiện vật chất. Cho nên, xét đến cùng, vật chất luôn quyết định ý thức.
2.4. Ý nghĩa của quan điểm duy vật mác xít về quan hệ giữa vật chất và ý thức trong hận thức và cải tạo hiện thực
Từ quan hệ biện chức giữa vật chất và ý thức, triết học mác xít rút ra quan điểm khách quan trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Quan điểm khách quan yêu cầu trong nhận thức phải nhận thức sự vật vốn như nó có, không “tô hồng, bôi đen”.
Trong hoạt động thực tiễn, phải luôn luôn: Xuất phát từ thực tiễn khách quan, tôn trọng quy luật khách quan và hành động theo quy luật khách quan; không thể lấy mong muốn chủ quant hay thế cho thực tế khách quan, không thể hành động trước không đúng quy luật. Vì như vậy sẽ phải trả giá.
Quan điểm khách quan cũng yêu cầu trong hoạt động thực tiễn phải biết phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức, tinh thần trong cải tạo thế giới. Nghĩa là phải cố gắng, tích cực vươn lên, biết phát huy tối đa lực lượng vật chất hiện có. Đồng thời phải tránh không rơi và chủ nghĩa khách quan, tức là trông chờ, thụ động, ỷ lại điều kiện khách quan, không cố gắng, tích cực vượt khó vươn lên
- NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
Theo Ph.Ăngghen, “phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tự duy”[3]. Phép biện chứng duy vật bao gồm hai nguyên lý, sáu cặp phạm trù và ba quy luật cơ bản. Vì vật phép biện chứng duy vật là cơ sở khoa học để xác định phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực.
3.1. Hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật
3.1.1. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến
Các nhà triết học siêu hình nhìn chung không nghìn thấy mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, nếu có theo họ chỉ là mối lien hệ ngẫu nhiên, bề ngoài. Các nhà triết học duy tâm tuy có thấy được mối lien hệ giữa các sự vật, hiện tượng, nhưng lại cho rằng ý thức, tinh thần là cơ sở của mối liên hệ này.
Chủ nghĩa duy vật mácxít cho rằng giữa các sự vật, hiện tượng luôn có sự tác động, ảnh hưởng, chi phối… lẫn nhau. Trên cơ sở đó, theo triết học duy vật mác xít: Liên hệ là khái niệm chỉ sự phụ thuộc lẫn nhau, sự ảnh hưởng, sự tương tác và chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới hay giữa các mặt, các yếu tố, các thuộc tính của một sự vật, hiện tượng, một quá trình.
Liên hệ phổ biến là khái niệm nói lên rằng mọi sự vật hiện tượng trong thế giới (cả tự nhiên, xã hội và tư duy) dù đa dạng, phong phú, nhưng đều nằm trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Cơ sở của mối liên hệ này là tính thống nhất vật chất của thế giới.
Mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng là khách quan, bởi lẽ, nó là vốn có của sự vật, không có ai gắn cho sự vật. Mối liên hệ đó còn là phổ biến, nghĩa là nó tồn tại trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Đồng thời, mối liên hệ rất đa dạng, phong phú, nghĩa là nó có mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bên ngoài; mối liên hệ bản chất – không bản chất; mối liên hệ tất nhiên – ngẫu nhiên…
Ý nghĩa phương pháp luận rút ra là: Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người cần phải có quan điểm toàn diện. Nội dung của nó là khi xem xét, đánh giá sự vật phải xem xét tất cả các mặt, các yếu tố của nó, tuy nhiên phải có trọng tâm, trọng điểm; xem xét sự vật trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác
3.1.2. Nguyên lý về sự phát triển
Chủ nghĩa duy vật siêu hình coi sự phát triển chỉ là sự tăng lên về lượng đơn thuần. Chủ nghĩa duy tâm công nhận sự phát triển nhưng cho rằng, ý thức, tinh thần là động lực, nguyên nhân của sự phát triển. Chủ nghĩa duy vật mácxít coi phát triển là sự vận động theo hướng đi lên từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Phát triển không chỉ là sự tăng lên về lượng mà còn là sự nhảy vọt về chất. Nguồn gốc của sự phát triển là chính là sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập bên trong sự vật quy định. Phát triển là khách quan, phổ biến và có nhiều hình thức cụ thể khác nhau. Ví dụ, ở thế giới hữu cơ, phát triển thể hiện ở sự tăng cường khả năng thích ứng của cơ cơ thể trước môi trường; ở khả năng tự sinh sản ra chính mình với trình độ ngày càng hoàn thiện hơn. Trong xã hội, phát triển thể hiện ở khả năng chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội phục vụ con người. trong tư duy, phát triển thể hiện ở việc nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, đúng dắn hơn.
Ý nghĩa phương pháp luận rút ra là: Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người cần phải có quan điểm phát triển. Trong nhận thức, khi nhận thức, đánh giá sự vật, hiện tượng không chỉ nhận thức nó trong hiện tại như nó có mà còn phải thấy được khuynh hướng vận động, phát triển của nó trong tương lai. Trên cơ sở đó dự báo những tình huống có thể xảy ra để chủ động nhận thức, giải quyết.
Trong hoạt động thực tiễn cần chống bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới, bởi lẽ mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới luôn vận động, biến đổi và phát triển. Phát triển là khó khăn, bao gồm cả sự thụt lùi, do vậy, trong hoạt động thực tiễn khi gặp khó khăn, thất bại tạm thời phải biết tin tưởng vào tương lai.
3.2. Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật
Phạm trù là những khái niệm rộng nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng thuộc một lĩnh vực nhất định. Mỗi bộ môn khoa học có hệ thống phạm trù riêng của mình, phản ánh những mối liên hệ cơ bản và phổ biến thuộc phạm vi khoa học đó nghiên cứu. Ví dụ, toán học có các phạm trù “đại lượng”; “hàm số”; “điểm”; “đường thẳng”, v.v. Trong kinh tế chính trị có các phạm trù “hàng hoá”, “giá trị”, “giá trị trao đổi”, v.v.
Phạm trù triết học là những khái niệm chung nhất, rộng nhất phản ánh những mặt, những mối liên hệ bản chất của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Ví dụ, phạm trù “vật chất”, “ý thức”, “vận động”, “đứng im”, v.v phản ánh những mối liên hệ phổ biến không chỉ của tự nhiên mà cả xã hội, tư duy của con người. Phạm trù triết học khác phạm trù của các khoa học khác ở chỗ, nó mang tính quy định về thế giới quan và tính quy định về phương pháp luận.
Các phạm trù của phép biện chứng duy vật có tính biện chứng, nghĩa là nội dung mà phạm trù phản ánh luôn vận động, phát triển; các phạm trù có thể thâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau và là công cụ nhận thức, đánh dấu trình độ nhận thức của con người.
3.2.1. Cái riêng và cái chung
3.2.1.1. Khái niệm cái riêng và cái chung
Cái riêng là phạm trù triết học dùng để chỉ một sự vật, hiện tượng, một quá trình hay một hệ thống các sự vật tạo thành một chỉnh thể tồn tại độc lập tương đối với những cái riêng khác. Ví dụ, một con người cụ thể, một tác phẩm văn học cụ thể, chẳng hạn tác phẩm “Chiến tranh và hoà bình”; một ngôi nhà cụ thể, v.v.
Cái chung là phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính giống nhau được lặp lại trong nhiều cái riêng khác. Ví dụ, thuộc tính là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của cả một quốc gia, dân tộc, của thủ đô.
Cái đơn nhất là phạm trù triết học chỉ những đặc điểm, những thuộc tính vốn có chỉ của một sự vật, hiện tượng, quá trình và không được lặp lại ở cái riêng khác. Ví dụ, vân tay của mỗi người, số điện thoại (kể cả mã vùng, mã nước luôn là đơn nhất), v.v.
3.2.1.2. Mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng
– Cái riêng và cái chung không thể tách rời nhau. Không có cái chung tồn tại độc lập đứng ngoài cái riêng mà cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng. Ví dụ, thuộc tính chung là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của cả một quốc gia, dân tộc, của thủ đô chỉ tồn tại thông qua từng thủ đô cụ thể như Hà Nội, Mátxcơva, Viên Chăn, Phnôm Pênh…
– Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến cái chung, vì bất cứ cái riêng nào cũng cũng tồn tại trong mối liên hệ với những cái riêng khác. Giữa cái riêng ấy bao giờ cũng có những cái chung giống nhau. Ví dụ, trong một lớp học có 30 sinh viên, mỗi sinh viên coi như “một cái riêng”; 30 sinh viên này (30 cái riêng) liên hệ với nhau và sẽ đưa đến những điểm chung: đồng hương (cùng quê), đồng niên (cùng năm sinh), đồng môn (cùng học một thầy/cô), đều là con người, đều là sinh viên, v.v.
– Cái chung là một bộ phận của cái riêng, cái riêng không gia nhập hết vào cái chung. Do đó, cái riêng phong phú hơn cái chung. Tuy nhiên, cái chung sâu sắc hơn cái riêng. Ví dụ, cái chung của thủ đô là thuộc tính “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một quốc gia”. Nhưng, từng thủ đô cụ thể còn có nhiều nét riêng khác về diện tích, dân số, vị trí địa lý, v.v.
– Cái đơn nhất và cái chung có thể chuyển hoá lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật. Bởi lẽ, cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay mà ban đầu xuất hiện dưới dạng cái đơn nhất. Dần dần cái chung ra đời thay thế cái đơn nhất. Ngược lại, cái cũ ban đầu thường là cái chung, nhưng do những yếu tố không còn phù hợp nữa nên trong điều kiện mới mất dần và trở thành cái đơn nhất.
3.2.1.3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận
Cái chung chỉ tồn tại thông qua cái riêng. Do đó để tìm cái chung cần xuất phát từ nhiều cái riêng, thông qua cái riêng.Trong hoạt động thực tiễn cần lưu ý, nắm được cái chung là chìa khoá giải quyết cái riêng.
Không nên tuyệt đối hoá cái chung (rơi vào giáo điều); cũng không nên tuyệt đối hoá cái riêng (rơi vào xét lại). Khi vận dụng cái chung vào cái riêng thì phải xuất phát, căn cứ từ cái riêng mà vận dụng để tránh giáo điều.
Trong hoạt động thực tiễn phải tạo diều kiện cho cái đơn nhất có lợi cho con người dần trở thành cái chung và ngược lại để cái chung không có lợi trở thành cái đơn nhất.
3.2.2. Nguyên nhân và kết quả
3.2.2.1. Khái niệm nguyên nhân và kết quả
Nguyên nhân là phạm trù triết học dùng để chỉ sự tác động qua lại giữa các mặt, các bộ phận, các thuộc tính trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra một sự biến đổi nhất định.
Kết quả là phạm trù triết học dùng để chỉ những biến đổi xuất hiện do nguyên nhân tạo ra. Ví dụ, sự tương tác lẫn nhau giữa các yếu tố trong hạt ngô là nguyên nhân làm cho từ hạt ngô nảy mầm lên cây ngô. Sự tác động giữa điện, xăng, không khí, áp xuất, v.v (nguyên nhân) gây ra sự nổ (kết quả) cho động cơ.
Nguyên cớ là những sự vật, hiện tượng xuất hiện đồng thời cùng nguyên nhân nhưng chỉ có quan hệ bề ngoài, ngẫu nhiên chứ không sinh ra kết quả. Ví dụ, Mỹ lợi dụng nguyên cớ chống khủng bố và cho rằng Irắc có vũ khí huỷ diệt hàng loạt để tiến hành chiến tranh xâm lược Irắc. Thực chất, Irắc không có liên quan tới khủng bố và không có vũ khí huỷ diệt hàng loạt như thanh tra của Liên Hợp quốc đã kết luận.
Triết học duy vật biện chứng cho rằng, mối liên hệ nhân quả có các tính chất: Tính khách quan, tính phổ biến và tính tất yếu
3.2.2.2. Quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả
– Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả về mặt thời gian. Tuy nhiên, không phải mọi sự nối tiếp nhau về thời gian đều là quan hệ nhân quả. Ví dụ, ngày và đêm không phải là nguyên nhân của nhau. Sấm và chớp không phải nguyên nhân của nhau. Muốn phân biệt nguyên nhân và kết quả thì phải tìm ở quan hệ sản sinh, tức là cái nào sinh ra cái nào. Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều kết quả khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, ví dụ: gạo và nước đun sôi có thể thành cơm, cháo, v.v phụ thuộc vào nhiệt độ, mức nước, người nấu… Ngược lại, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ: sức khoẻ của chúng ta tốt do luyện tập thể dục, do ăn uống điều độ, do chăm sóc y tế tốt v.v chứ không chỉ một nguyên nhân nào.
– Trong những điều kiện nhất định, nguyên nhân và kết quả có thể chuyển hoá lẫn nhau. Nghĩa là cái trong quan hệ này được coi là nguyên nhân thì trong quan hệ khác có thể là kết quả. Ví dụ, chăm chỉ làm việc là nguyên nhân của thu nhập cao. Thu nhập cao lại là nguyên nhân để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân.
– Kết quả, sau khi xuất hiện lại tác động trở lại nguyên nhân (hoặc thúc đẩy nguyên nhân tác động theo hướng tích cực, hoặc ngược lại). Ví dụ, nghèo đói, thất học làm gia tăng dân số, đến lượt nó, gia tăng dân số lại làm tăng nghèo đói, thất học, v.v.
3.2.2.3. Một vài kết luận về mặt phương pháp luận
– Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần tôn trọng tính khách quan của mối liên hệ nhân quả. Không được lấy ý muốn chủ quan thay cho quan hệ nhân quả. Muốn cho hiện tượng nào đó xuất hiện cần tạo ra những nguyên nhân cùng những điều kiện cho những nguyên nhân đó phát huy tác dụng. Ngược lại, muốn cho hiện tượng nào đó mất đi thì phải làm mất nguyên nhân tồn tại của nó cũng như những điều kiện để các nguyên nhân ấy phát huy tác dụng.
– Phải biết xác định đúng nguyên nhân để giải quyết vấn đề nảy sinh vì các nguyên nhân có vai trò không như nhau. Nguyên nhân có thể tác động trở lại kết quả; do đó, trong hoạt động thực tiễn cần khai thác, tận dụng những kết quả đã đạt được để thúc đẩy nguyên nhân tác động theo hướng tích cực phục vụ cho con người.
3.2.3. Tất nhiên và ngẫu nhiên
3.2.3.1. Khái niệm tất nhiên và ngẫu nhiên
Tất nhiên là phạm trù triết học chỉ cái do nguyên nhân chủ yếu bên trong sự vật quy định và trong những điều kiện nhất định, nó nhất định phải xảy ra như thế chứ không thể khác.
Lưu ý: Tất nhiên có quan hệ với cái chung, nhưng không phải cái chung nào cũng là tất nhiên. Tất nhiên có liên hệ với nguyên nhân, nhưng tất nhiên không phải là nguyên nhân. Hơn nữa, không chỉ tất nhiên mà cả ngẫu nhiên cũng có nguyên nhân. Do vậy, không được đồng nhất tất nhiên với nguyên nhân.
Ngẫu nhiên là phạm trù triết học chỉ cái không phải do bản chất kết cấu bên trong sự vật, mà do những nguyên nhân bên ngoài sự vật, do sự ngẫu hợp của những hoàn cảnh bên ngoài sự vật quyết định. Ví dụ, trồng hạt ngô (tất nhiên) phải mọc lên cây ngô, chứ không thể lên cây khác. Nhưng cây ngô tốt hay không tốt là do chất đất, thời tiết, độ ẩm bên ngoài hạt ngô quy định. Đây chính là cái ngẫu nhiên.
3.2.3.2. Quan hệ biện chứng giữa tất nhiên và ngẫu nhiên
– Tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người và đều có vị trí nhất định đối với sự phát triển của sự vật. Cả cái tất nhiên cả cái ngẫu nhiên đều có vai trò quan trọng đối với sự vật. Tuy nhiên, cái tất nhiên đóng vai trò chi phối đối với sự vận động, phát triển của sự vật, cái ngẫu nhiên làm cho sự vật phát triển nhanh hơn hoặc chậm lại. Ví dụ, đất đai, thời tiết không quyết định đến việc hạt ngô nảy mầm lên cây ngô, nhưng đất đai, thời tiết lại có tác động làm cho hạt ngô nhanh hay chậm nảy mầm thành cây ngô.
– Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại trong sự thống nhất hữu cơ với nhau. Sự thống nhất này thể hiện ở chỗ:
Một là, cái tất nhiên bao giờ cũng vạch đường đi cho mình xuyên qua vô số cái ngẫu nhiên. Nói cách khác, cái tất nhiên bao giờ cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên.
Hai là, cái ngẫu nhiên lại là hình thức biểu hiện của tất nhiên, bổ sung cho cái tất nhiên.
Ba là, không có tất nhiên thuần tuý tách rời cái ngẫu nhiên, cũng như không có cái ngẫu nhiên thuần tuý tách rời cái tất nhiên. Ví dụ, sự xuất hiện vĩ nhân trong lịch sử là tất nhiên do nhu cầu của lịch sử. Nhưng ai là nhân vật vĩ nhân ấy lại là ngẫu nhiên vì không do yêu cầu lịch sử quy định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác để đưa một nhân vật lên đứng đầu phong trào. Nếu chúng ta gạt bỏ nhân vật này thì nhất định sẽ phải có người khác thay thế.
– Tất nhiên và ngẫu nhiên trong những điều kiện nhất định có thể chuyển hoá cho nhau. Cái này, trong mối quan hệ này được coi là tất nhiên thì trong mối quan hệ khác rất có thể được coi là ngẫu nhiên. Ví dụ, trao đổi hàng hoá là tất nhiên trong nền kinh tế hàng hoá, nhưng lại là ngẫu nhiên trong xã hội nguyên thuỷ – khi sản xuất hàng hoá chưa phát triển. Vì vậy, ranh giới giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên cũng chỉ là tương đối. Thông qua mối liên hệ này nó là cái tất nhiên, nhưng thông qua mối liên hệ khác nó là cái ngẫu nhiên và ngược lại. Ví dụ, một máy vô tuyến sử dụng lâu ngày, mãi “tất nhiên” sẽ hỏng, nhưng hỏng vào khi nào, vào giờ nào lại là “ngẫu nhiên”.
3.2.3.3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận
– Cái tất nhiên luôn thể hiện sự tồn tại của mình thông qua cái ngẫu nhiên. Do vậy, muốn nhận thức cái tất nhiên phải bắt đầu từ cái ngẫu nhiên, thông qua cái ngẫu nhiên.
– Trong hoạt động thực tiễn cần dựa vào cái tất nhiên, không nên dựa vào cái ngẫu nhiên. Bởi lẽ, cái ngẫu nhiên là cái không gắn với bản chất của sự vật, còn cái tất nhiên gắn với bản chất của sự vật.
– Tất nhiên và ngẫu nhiên có thể chuyển hoá cho nhau trong những điều kiện thích hợp nhất định. Do đó, trong hoạt động thực tiễn, cần tạo ra những điều kiện thích hợp để ngăn cản hoặc thúc đẩy sự chuyển hoá đó theo hướng có lợi cho con người. Ví dụ, dựa trên cơ sở quan hệ tất nhiên và ngẫu nhiên này con người có thể uốn cây cảnh theo con vật mình ưa thích, bác sỹ có thể kẹp răng cho trẻ em để răng đều, đẹp, v.v.
3.2.4. Nội dung và hình thức
3.2.4.1. Khái niệm nội dung và hình thức
Nội dung là phạm trù triết học chỉ tổng hợp tất cả các mặt, các yếu tố, các quá trình tạo nên sự vật.
Hình thức là phạm trù triết học chỉ phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, là hệ thống các mối liện hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của sự vật. Ví dụ, chữ “ANH” có nội dung là các chữ cái “A; N; H”, còn hình thức là các chữ cái phải xếp theo thứ tự ANH; giữa 3 chữ cái này có mối liên hệ tương đối bền vững, nếu ta đảo phương thức sắp xếp thì sẽ không còn là chữ “ANH” nữa mà thành chữ khác (Ví dụ, thành chữ NHA, HAN hoặc HNA).
3.2.4.2. Mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức
Giữa nội dung và hình thức có sự thống nhất hữu cơ với nhau. Biểu hiện:
– Không có hình thức nào không chứa nội dung, cũng như không có nội dung nào lại không tồn tại trong một hình thức nhất định.
– Nội dung nào sẽ có hình thức tương ứng, các yếu tố tạo thành sự vật vừa góp phần tạo nên nội dung vừa tham gia tạo nên hình thức. Vì vậy, nội dung, hình thức không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau.
– Nội dung giữ vai trò quyết định hình thức trong quá trình vận động, phát triển của sự vật. Trong quan hệ thống nhất giữa nội dung và hình thức thì nội dung quyết định hình thức.
– Nội dung và hình thức có tính độc lập tương đối với nhau. Điều này thể hiện ở chỗ: Một nội dung có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, một cái bánh chưng (bao gồm gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong, lạt buộc…) có thể được gói theo hình vuông (miền Bắc), lá dong bọc ngoài, buộc chặt bằng lạt, cũng có thể gói theo hình thức bánh tét (miền nam) hình tròn, dài cũng được gói bằng lá dong, buộc lạt (hình chiếc giò).
– Cùng một hình thức nhưng có thể có những nội dung khác nhau. Như chiếc bánh chưng chẳng hạn, có cái hình vuông nhưng bên trong có thể có thịt, với hạt tiêu, hành, chút muối; hoặc có thể chỉ gói bằng đỗ xanh với đường…tức nội dung cũng khác nhau. Hơn nữa, hình thức cũng có tác động với nội dung, nhất là hình thức mới ra đời theo hướng hoặc là tạo điều kiện, hoặc kìm hãm nội dung phát triển.
3.2.4.3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận
Vì nội dung và hình thức về cơ bản luôn thống nhất với nhau. Vì vậy, trong hoạt động nhận thức và thực tiễn cần chống khuynh hướng tách rời nội dung khỏi hình thức cũng như tách hình thức khỏi nội dung. Phải biết sử dụng sáng tạo nhiều hình thức khác nhau trong hoạt động thực tiễn. Bởi lẽ, cùng một nội dung có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau; đồng thời, phải chống chủ nghĩa hình thức.
Vì nội dung quyết định hình thức, nhưng hình thức có ảnh hưởng quan trọng tới nội dung. Do vậy, nhận thức sự vật phải bắt đầu từ nội dung nhưng không coi nhẹ hình thức. Phải thường xuyên đối chiếu xem xét xem giữa nội dung và hình thức có phù hợp với nhau không để chủ động thay đổi hình thức cho phù hợp. Khi hình thức đã lạc hậu thì nhất thiết phải đổi mới cho phù hợp với nội dung mới, tránh bảo thủ.
3.2.5. Bản chất và hiện tượng
3.2.5.1. Khái niệm bản chất và hiện tượng
Bản chất là phạm trù triết học chỉ tổng hợp tất cả các mặt, các mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật đó. Bản chất gắn bó với cái chung nhưng không phải cái chung nào cũng là bản chất. Bản chất và quy luật là những phạm trù cùng bậc, tuy nhiên bản chất rộng hơn, phong phú hơn quy luật. Hiện tượng là phạm trù triết học chỉ cái là biểu hiện ra bên ngoài của bản chất.
3.2.5.2. Quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng
Bản chất và hiện tượng thống nhất trong sự vật. Điều này thể hiện:
– Bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự thể hiện của bản chất
– Không có bản chất thuần tuý tách rời hiện tượng và ngược lại, không có hiện tượng nào mà lại không thể hiện bản chất nhất định.
– Bản chất khác nhau sẽ bộc lộ ra qua các hiện tượng khác nhau.
Thống nhất giữa bản chất và hiện tượng là thống nhất bao gồm mâu thuẫn. Điều này thể hiện ở chỗ:
– Bản chất sâu sắc hơn hiện tượng còn hiện tượng phong phú hơn bản chất.
– Bản chất tương đối ổn định, lâu biến đổi còn hiện tượng biến đổi nhanh hơn bản chất.
– Bản chất ẩn dấu bên trong, hiện tượng bộc lộ ra bên ngoài. Bản chất không được bộc lộ hoàn toàn ở một hiện tượng mà ở nhiều hiện tượng khác nhau.
3.2.5.3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận
– Bản chất là cái ẩn dấu bên trong hiện tượng. Do vậy, nhận thức sự vật phải đi sâu tìm bản chất, không dừng ở hiện tượng. Phải đi từ bản chất cấp 1 đến bản chất sâu hơn, v.v.
– Bản chất không tồn tại thuần tuý ngoài hiện tượng. Do đó, tìm bản chất phải thông qua nghiên cứu hiện tượng. Trong hoạt động thực tiễn phải dựa vào bản chất để định hướng hoạt động, không nên dựa vào hiện tượng.
– Muốn cải tạo sự vật phải thay đổi bản chất của nó chứ không nên thay đổi hiện tượng. Thay đổi được bản chất thì hiện tượng sẽ thay đổi theo. Đây là quá trình phức tạp không được chủ quan, nóng vội.
3.2.6. Khả năng và hiện thực
3.2.6.1. Khái niệm khả năng và hiện thực
Hiện thực là phạm trù triết học chỉ mọi cái đang tồn tại thực sự trong tự nhiên, xã hội, tư duy.
Khả năng là phạm trù triết học chỉ những xu hướng, những cái đang còn là mầm mống, tồn tại hiện thực trong sự vật, mà trong sự vận động của chúng sẽ xuất hiện khi có điều kiện tương ứng. Ví dụ, cây ngô đã mọc lên từ hạt ngô là hiện thực. Hạt ngô chứa khả năng nảy mầm thành cây ngô, khi có điều kiện phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm, v.v thì cây ngô sẽ mọc lên.
Có loại khả năng gần và khả năng xa; khả năng tất nhiên và khả năng ngẫu nhiên
3.2.6.2. Mối quan hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực
– Khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau, thường xuyên chuyển hoá lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật.
Điều này nói lên rằng, trong cùng một điều kiện, mỗi sự vật có thể có một số khả năng khác nhau (phụ thuộc vào điều kiện cụ thể). Khi hiện thực mới xuất hiện thì trong nó lại xuất hiện những khả năng mới. Những khả năng mới này, trong những điều kiện cụ thể thích hợp lại trở thành những hiện thực mới.
– Trong tự nhiên, khả năng trở thành hiện thực diễn ra một cách tự phát, nghĩa là không cần sự tác động của con người. Trong xã hội, bên cạnh các điều kiện khách quan, muốn khả năng trở thành hiện thực phải thông qua hoạt động thực tiễn có ý thức của con người.
– Ngoài những khả năng vốn có, trong những điều kiện mới thì sự vật sẽ xuất hiện thêm những khả năng mới, đồng thời bản thân mỗi khả năng cũng thay đổi theo sự thay đổi của điều kiện. Để khả năng trở thành hiện thực thường cần không chỉ một điều kiện mà là một tập hợp nhiều điều kiện. Ví dụ, để hạt ngô nảy mầm cần điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ, áp xuất, v.v.
3.2.6.3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận
– Khả năng là khả năng của sự vật, do đó tìm khả năng của sự vật phải tìm ở chính sự vật, không tìm khả năng của sự vật ở ngoài nó.
– Trong hoạt động thực tiễn, chúng ta cần dựa vào hiện thực không nên dựa vào khả năng, tất nhiên phải tính tới khả năng. Hiện thực là cái đã tồn tại, đã hiện diện, nó mới quy định sự vận động, phát triển của sự vật. Sự vật trong cùng một thời điểm có nhiều khả năng, vì vậy, trong hoạt động thực tiễn cần tính đến mọi khả năng có thể xảy ra để có phương án giải quyết phù hợp, chủ động.
3.3. NHỮNG QUY LUẬT CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG
3.3.1. Một số vấn đề lý luận chung về quy luật
3.3.1.1. Khái niệm “quy luật”
Quy luật là mối liên hệ bản chất, tất nhiên, phổ biến và lặp đi lặp lại giữa các sự vật hiện tượng, giữa các thuộc tính của các sự vật cũng như giữa các thuộc tính của cùng một sự vật
3.3.1.2. Phân loại quy luật
Căn cứ vào mức độ tính phổ biến chia thành: Quy luật riêng, quy luật chung, quy luật phổ biến. Căn cứ vào lĩnh vực tác động, chia thành: Quy luật tự nhiên, quy luật xã hội, quy luật tư duy
Phép biện chứng duy vật nghiên cứu 03 quy luật phổ biến nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Các quy luật này phản ánh sự vận động, phát triển của sự vật dưới những phương diện cơ bản nhất.
* Quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại chỉ ra cách thức vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.
* Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập chỉ ra nguồn gốc của sự vận động, phát triển của sự vật.
* Quy luật phủ định của phủ định chỉ ra khuynh hướngvận động, phát triển của sự vật, hiện tượng
3.3.2. Quy luật chuyển hoá từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại (Quy luật lượng đổi chất đổi)
3.3.2.1. Khái niệm
Chất là phạm trù triết học chỉ tính quy định khách quan vốn có của các sự vật, hiện tượng, là sự thống nhất hữu cơ các thuộc tính làm cho sự vật là nó mà không phải cái khác; ví dụ, cái bàn, cái ghế, v.v.
Để hiểu chất là gì cần hiểu thuộc tính là gì? Thuộc tính về chất là một khía cạnh nào đó về chất của sự vật được bộc lộ ra khi tác động qua lại với các sự vật khác. Mỗi sự vật có nhiều thuộc tính. Tổng hợp những thuộc tính cơ bản tạo thành chất cơ bản của sự vật. Như vậy, sự vật cũng có nhiều chất. Chất của sự vật là khách quan, vì đó là chất của sự vật, không do ai gán cho sự vật. Nó do thuộc tính của sự vật quy định.
Lượng là phạm trù triết học chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng về mặt quy mô, trình độ phát triển, biểu thị con số các thuộc tính, các yếu tố cấu thành sự vật. Lượng được thể hiện thành số lượng, đại lượng, trình độ, quy mô, nhịp điệu của sự vận động và phát triển. Chẳng hạn chỉ kích thước dài hay ngắn, quy mô to hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, tốc độ nhanh hay chậm v.v. Ví dụ, khi nói sinh viên năm thứ hai, thì sinh viên là chất để phân biệt với công nhân, bộ đội, còn năm thứ hai chính là lượng, chỉ trình độ của sinh viên.
Lượng là cái khách quan vốn có của sự vật. Đối với những sự vật liên quan tới tình cảm khi nhận thức lượng không thể xác định bằng các đại lượng con số mà phải trừu tượng hoá bằng định tính. Ví dụ, lòng tốt, tình yêu, v.v.
Lưu ý là sự phân biệt chất và lượng cũng chỉ là tương đối. Cái trong mối quan hệ này được coi là chất thì trong mối quan hệ khác được coi là lượng. Ví dụ, số 4 trong mối quan hệ phân biệt với các số nguyên, dương khác thì nó được coi là chất. Nhưng trong mối quan hệ số 4 có tổng số bằng 4 số 1 cộng lại, hay bằng 2 số 2 cộng lại thì khi ấy nó được coi là lượng.
3.3.2.2. Nội dung quy luật
* Những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất
Mỗi sự vật đều có lượng, chất và chúng thay đổi trong quan hệ chặt chẽ với nhau. Lượng thay đổi nhanh hơn chất, nhưng không phải mọi thay đổi của lượng đều ngay lập tức làm thay đổi căn bản về chất. Sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất chỉ trong giới hạn nhất định. Vượt quá giới hạn đó sẽ làm cho sự vật không còn là nó, chất cũ mất đi, chất mới ra đời.
Giới hạn mà trong đó, sự thay đổi về lượng (tăng lên hoặc giảm đi) chưa làm thay đổi về chất được gọi là độ. Nói cách khác, độ là phạm trù triết học chỉ sự thống nhất giữa lượng và chất, là khoảng giới hạn mà trong đó sự thay đổi về lượng (tăng lên hoặc giảm đi) chưa làm cho sự thay đổi căn bản về chất của sự vật diễn ra. Ví dụ, độ của chất sinh viên là từ khi nhập học tới trước khi bảo vệ thành công đồ án, luận văn tốt nghiệp.
Những điểm giới hạn mà khi sự thay đổi về lượng đạt tới đó sẽ làm cho sự thay đổi về chất của vật diễn ra được gọi là điểm nút. Thời điểm bảo vệ thành công đồ án, hoặc luận văn tốt nghiệp của sinh viên là điểm nút để chuyển từ chất sinh viên lên chất cử nhân.
Sự thay đổi về chất do những thay đổi về lượng trước đó gây ra gọi là bước nhảy. Bước nhảy là sự kết thúc một giai đoạn phát triển của sự vật và là điểm khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới. Bước nhảy vọt làm cho sự vật phát triển bị gián đoạn.
* Những thay đổi về chất dẫn đến những thay đổi về lượng
Xem thêm : Số 8 có ý nghĩa gì đặc biệt mà nhiều người yêu thích
Chất mới ra đời sẽ tác động trở lại tới sự thay đổi của lượng mới (làm thay đổi quy mô, nhịp điệu, tốc độ v.v phát triển của sự vật). Ví dụ, khi trở thành cử nhân thì tốc độ đọc, hiểu vấn đề tốt hơn khi còn là sinh viên, v.v. Như vậy, không chỉ sự thay đổi về lượng gây nên những thay đổi về chất mà cả sự thay đổi về chất cũng gây nên những thay đổi về lượng.
* Các hình thức của bước nhảy
Bước nhảy để chuyển hoá về chất của sự vật hết sức đa dạng, phong phú với nhiều hình thức khác nhau. Dựa trên nhịp điệu thực hiện bước nhảy, người ta chia bước nhảy thành bước nhảy đột biến và bước nhảy dần dần.
Bước nhảy đột biến, chất của sự vật biến đổi một cách nhanh chóng ở tất cả các bộ phận cơ bản, cấu thành sự vật. Bước nhảy dần dần là quá trình thay đổi về chất diễn ra bằng con đường tích luỹ dần dần những nhân tố của chất mới và mất đi dần dần những nhân tố của chất cũ. Bước nhảy toàn bộ là bước nhảy làm thay đổi về chất tất cả các mặt, các bộ phận, các yếu tố cấu thành sự vật. Bước nhảy cục bộ là bước nhảy làm thay đổi một số mặt, một số yếu tố, bộ phận của sự vật đó. Trong lĩnh vực xã hội, thay đổi về lượng được gọi là “tiến hoá”, thay đổi về chất được gọi là “cách mạng”.
Tóm lại, sự thống nhất giữa lượng và chất trong sự vật tạo thành độ của sự vật. Những thay đổi về lượng dần dần đến giới hạn nhất định thì xảy ra bước nhảy, chất cũ bị phá vỡ, chất mới ra đời cùng với độ mới. Đó chính là cách thức phát triển của sự vật. Quá trình này diễn ra liên tục làm cho sự vật không ngừng vận động, biến đổi.
3.3.2.3. Ý nghĩa phương pháp luận
Trong hoạt động thực tiễn, muốn có thay đổi về chất của sự vật phải tích luỹ về lượng, không được nóng vội chủ quan.
Trong hoạt động thực tiễn cần tránh rơi vào “tả khuynh” – nhấn mạnh bước nhảy khi chưa đủ sự tích luỹ về lượng; bởi lẽ, khi ấy rất dễ rơi vào phiêu lưu, mạo hiểm. Đồng thời, phải tránh “hữu khuynh” – tuyệt đối hoá sự tích luỹ về lượng, không dám thực hiện bước nhảy khi đã đủ sự tích luỹ về lượng; khi ấy dễ rơi vào bảo thủ, trì trệ, ngại khó.
Khi tích luỹ về lượng đã đủ cần thực hiện bước nhảy, tránh bảo thủ, trì trệ, ngại khó. Trong hoạt động thực tiễn cần phân biệt đúng các hình thức của bước nhảy và vận dụng sáng tạo bước nhảy.
Để sự vật còn là nó phải nhận thức được độ của nó và không để cho lượng thay đổi vượt quá giới hạn độ. Ví dụ, khi sử dụng đồ điện phải chú ý tới công xuất, điện áp của nó, nếu không sẽ cháy, v.v.
3.3.3. Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập (Quy luật mâu thuẫn)
3.3.3.1. Khái niệm
Mâu thuẫn biện chứng là sự liên hệ tác động qua lại lẫn nhau của hai mặt đối lập biện chứng. Những mặt đối lập là những mặt có đặc điểm, thuộc tính, tính quy định có khuynh hướng phát triển trái ngược nhau tồn tại khách quan trong sự vật.
Thống nhất của các mặt đối lập được hiểu theo 3 nghĩa: Các mặt đối lập nương tựa vào nhau, làm điều kiện, tiền đề tồn tại cho nhau; giữa hai mặt đối lập có những yếu tố đồng nhất, giống nhau, tương đồng nhau; giữa hai mặt đối lập có trạng thái cân bằng, tác động ngang nhau.
Đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động lẫn nhau, bài trừ, phủ định lẫn nhau của các mặt đối lập.
Phép biện chứng duy vật phân chia thành nhiều loại mâu thuẫn: Mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài; mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản; mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn không chủ yếu; mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.
3.3.3.2. Nội dung quy luật
Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập có vai trò là nguồn gốc của sự vận động và sự phát triển của sự vật
Đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển của sự vật. Bởi lẽ, khi các mặt đối lập thống nhất với nhau thì sự vật còn là nó. Nhưng khi mâu thuẫn từ khác biệt trở nên gay gắt cần giải quyết thì khi ấy sự thống nhất cũ của sự vật mất đi, xuất hiện sự thống nhất mới, chính là sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ. Sự thống nhất mới này lại mâu thuẫn nhau, rồi lại được giải quyết, cứ như vậy sự vật vận động, biến đổi, phát triển. Lưu ý rằng, cả thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập đều có vai trò quan trọng trong sự vận động, phát triển của sự vật.
3.3.3.3. Ý nghĩa phương pháp luận
Cần phải thấy được động lực phát triển của sự vật không phải ở ngoài sự vật mà là những mâu thuẫn trong bản thân sự vật. Mâu thuẫn là khách quan, phổ biến nên nhận thức mâu thuẫn là cần thiết và phải khách quan. Không nên sợ mâu thuẫn, không né tránh mâu thuẫn. Trong hoạt động thực tiễn phải biết xác định trạng thái chín muồi của mâu thuẫn để giải quyết kịp thời.
Mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi có đủ điều kiện chín muồi, cho nên không được giải quyết mâu thuẫn nóng vội khi chưa có điều kiện chín muồi, nhưng cũng không được để việc giải quyết mâu thuẫn diễn ra tự phát. Nếu điều kiện chưa chín muồi có thể thông qua hoạt động thực tiễn để thúc đẩy điều kiện nhanh đến.
3.3.4. Quy luật phủ định của phủ định
3.3.4.1. Khái niệm
Phủ định là khái niệm chỉ sự thay thế sự vật này bằng sự vật khác trong quá trình vận động và phát triển.
Phủ định siêu hình là sự phủ định sạch trơn, sự phủ định không tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo, không tạo cho cái mới ra đời, lực lượng phủ định là ở bên ngoài sự vật.
Phủ định biện chứng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự tự phủ định, sự phủ định tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo của sự vật, sự phủ định tạo tiền đề cho cái mới ra đời thay thế cái cũ, lực lượng phủ định ở ngay trong bản thân sự vật.
* Phủ định biện chứng có đặc điểm:
– Khách quan, tự thân sự vật phủ định, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Đó là kết quả giải quyết mâu thuẫn bên trong sự vật quy định.
– Có tính phổ biến, nghĩa là phủ định biện chứng cả trong tự nhiên, xã hội và trong tư duy của con người.
– Có tính kế thừa (có sự liên hệ giữa cái cũ và cái mới), không phủ định sạch trơn hoàn toàn cái cũ, mà kế thừa có lọc bỏ những cái cũ không còn phù hợp.
3.3.4.2. Nội dung của quy luật
Phủ định của phủ định là khái niệm nói lên rằng, sự vận động, phát triển của sự vật thông qua hai lần phủ định biện chứng, dường như quay trở lại điểm xuất phát ban đầu nhưng cao hơn.
Phủ định lần thứ nhất làm cho sự vật cũ trở thành cái đối lập của mình. Sau những lần phủ định tiếp theo, đến một lúc nào đó sẽ ra đời sự vật mới mang nhiều đặc trưng giống với sự vật ban đầu (xuất phát). Như vậy, về hình thức là trở lại cái ban đầu song không phải giống nguyên như cũ, dường như lặp lại cái cũ nhưng cao hơn. Ví dụ, hạt ngô (cái ban đầu khẳng định) – cây ngô (phủ định lần 1 – đối lập với hạt ngô – cái xuất phát) – bắp ngô (phủ định lần 2 – phủ định của phủ định).
Sự phủ định của phủ định là giai đoạn kết thúc một chu kỳ phát triển, đồng thời lại là điểm xuất phát của một chu kỳ phát triển tiếp theo, tạo ra đường xoáy ốc của sự phát triển. Mỗi đường mới của đường xoáy ốc thể hiện một trình độ cao hơn của sự phát triển. Sự nối tiếp nhau của các vòng xoáy ốc thể hiện tính vô tận của sự phát triển.
3.3.4.3. Ý nghĩa phương pháp luận
Quy luật phủ định của phủ định cho ta cơ sở để hiểu sự ra đời của cái mới, mối liên hệ giữa cái cũ và cái mới. Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần chống thái độ phủ định sạch trơn; đồng thời, phải biết sàng lọc những gì tích cực của cái cũ.
Chống thái độ hư vô chủ nghĩa; đồng thời, chống bảo thủ khư khư ôm lấy những gì đã lạc hậu lỗi thời, không chịu đổi mới.
Phải hiểu phát triển không phải là đường thẳng mà theo đường xoáy ốc đi lên. Nghĩa là, có nhiều khó khăn, phức tạp trong quá trình vận động, phát triển. Phát triển không phải là đường thẳng.
- LÝ LUẬN NHẬN THỨC DUY VẬT BIỆN CHỨNG
Lý luận nhận thức duy vật biện chứng là một bộ phận của chủ nghĩa duy vật biện chứng; là khoa học nghiên cứu bản chất, quy luật, hình thức, phương pháp của nhận thức v.v để từ đó giải quyết mặt thứ hai vấn đề cơ bản của triết học- liệu con người có khả năng nhận thức được bản chất của thế giới hay không?
4.1. Bản chất của nhận thức
4.1.1. Khái niệm nhận thức
Theo “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, nhận thức là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể.
Theo quan điểm triết học duy vật biện chứng, nhận thức là quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào trong bộ óc người trên cơ sở thực tiễn mang tính lịch sử – xã hội cụ thể.
4.1.2. Quan niệm của chủ nghĩa duy tâm và duy vật biện chứng về nhận thức
* Chủ nghĩa duy tâm chủ quan cho rằng nhận thức là nhận thức chủ quan của con người về sự vật chức không phải nhận thức bantr than sự vật,
* Chủ nghĩa duy tâm khách quan không phủ nhận khả năng nhận thức thế giới của con người, nhưng hay thần bí hóa quá trình nhận thức của con người.
* Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng:
– Nhận thức là quá trình phản hiện thực khách quan vào trong đầu con óc người trên cơ sở thực tiễn.
– Con người có khả năng nhận thức thế giới. không có cái gì con người không nhậ thức được, chỉ có cái mà con người chưa nhận thức được mà thôi.
– Nhận thức là một quá trình biện chứng, có vận động, biến đổi và phát triển, đi từ chưa biết, đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ chưa đầy đủ đến đầy đủ hơn nhưng không có giới hạn cuối cùng.
– Nhận thức phải dựa trên cơ sở thực tiễn, lấy thực tiễn làm mục đích nhận thức, tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.
4.2. Quan hệ giữa thực tiễn và lý luận
4.2.1. Khái niệm thực tiễn và lý luận
4.2.1.1. Khái niệm thực tiễn
* Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử – xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội.
Thực tiễn là hoạt động khi con người sử dụng công cụ tác động vào đối tượng vật chất làm cho đối tượng đó thay đổi theo mục đích của mình.
Là hoạt động đặc trưng của bản chất con người, thực tiễn không ngừng phát triển bởi các thế hệ của loài người qua các quá trình lịch sử.
Như vậy, thực tiễn có ba đặc trưng là hoạt động vật chất cảm tính, lịch sử – tự nhiên và tính mục đích.
* Các hình thức của thực tiễn.
– Hoạt động sản xuất vật chất nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và trao đổi của con người, là hình thức cơ bản, quan trọng nhất của thực tiễn.
– Hoạt động cải tạo xã hội (chính trị -xã hội) là hoạt động nhằm cải tạo hiện thực xã hội, cải biến những quan hệ xã hội như đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, mít tinh, biểu tình…
– Hoạt động thực nghiệm là hình thức đặc biệt của thực tiễn. Thực nghiệm bao gồm thực nghiệm sản xuất, thực nghiệm khoa học và thực nghiệm xã hội được tiến hành trong điều kiện nhân tạo
– Các hoạt động thực tiễn không cơ bản như giáo dục, nghệ thuật, pháp luật, đạo đức v.v được mở rộng và có vai trò ngày càng tăng đối với sự phát triển của xã hội
4.2.2.2. Khái niệm lý luận
* Lý luận là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật hiện tượng trong thế giới và được biều đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù.
* Lý luận có những đặc trưng:
– Có tính hệ thống, tính khái quát cao, tính lôgic chặt chẽ.
– Cơ sở của lý luận là những tri thức kinh nghiệm thực tiễn.
– Lý luận có thể phản ánh được bản chất của sự vật, hiện tượng.
4.2.2. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
4.2.2.1. Vai trò của thực tiễn đối với lý luận
– Thực tiễn là cơ sở, động lực của nhận thức, lý luận. Không có thực tiễn thì không thể có lý luận
– Thực tiễn là mục đích của nhận thức, lý luận.
– Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng, sai của nhận thức, lý luận.
4.2.2.1. Vai trò của lý luận đối với thực tiễn
– Lý luận đóng vai trò soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn. Lý luận khoa học, thông qua hoạt động thực tiễn của con người góp phần làm biến đổi thế giới khách quan và biến đổi thực tiễn.
– Lý luận khoa học góp phần giáo dục, thuyết phục, động viên tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào hoạt động thực tiễn rộng lớn của đồng đảo quần chúng.
– Lý luận đóng vai trò định hướng, dự báo cho hoạt động thực tiễn, giúp hoạt động thực tiễn chủ động, tự giác, làm cho hoạt động thực tiễn bớt mò mẫm, vòng vo, chủ động, tự giác hơn.
4.2.3. Ý nghĩa phương pháp luận
Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, lý luận đòi hỏi chúng ta quán triệt quan điểm thực tiễn.
Quan điểm này yêu cầu việc nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, từ nhu cầu thực tiễn; lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn (thước đo) nhận thức; coi trọng công tác tổng kết thực tiễn.
Việc nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn; nếu xa rời thực tiễn sẽ dẫn đến bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, máy móc, quan liêu; ngược lại, nếu tuyệt đối hoá vai trò của thực tiễn sẽ rơi vào chủ nghĩa thực dụng, kinh nghiệm chủ nghĩa.
——————-
[1] C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tập 21, tr. 403.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Matxcơva,1980, tập18, tr.151.
[3] C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tập 20, tr. 201.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp