Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là gì?

1. Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là gì?

Pháp luật là khái niệm để chỉ hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện trên thực tế, pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế xã hội qua từng thời kỳ khác nhau, pháp luật cũng chính là nhân tố để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật xuất hiện từ khi chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất ra đời và có sự phân hóa xã hội thành các giai cấp và giai tầng khác nhau trong đời sống, giữa các giai cấp có lợi ích đối kháng không thể điều hòa được. Trong khi giai cấp thống trị bao giờ cũng muốn hướng hành vi của mọi người và lợi ích riêng của họ, do đó khi nắm trong tay các phương tiện để đảm bảo quyền lực thì giai cấp thống trị sẽ chọn lọc giữ lại và thừa nhận các trật tự chuẩn mực phù hợp với lợi ích của họ và biến chúng thành quy tắc, các quy tắc xử sự chung bắt buộc mọi thành viên trong xã hội phải tuân thủ nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của giai cấp thống trị. Quan hệ pháp luật ra đời trong hoàn cảnh đó. Quan hệ pháp luật cũng chính là quan hệ xã hội do pháp luật điều chỉnh, trong quan hệ pháp luật thì các bên đều có quyền và nghĩa vụ pháp lý được nhà nước bảo đảm. Vì thế quan hệ pháp luật mang những đặc điểm cơ bản như sau:

– Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội có ý chí. Quan hệ pháp luật xuất hiện do ý chí của con người, nó được hình thành thông qua hoạt động có ý chí của con người. Yếu tố ý chí trong quan hệ pháp luật được thể hiện bao gồm ý chí nhà nước và ý chí của các bên chủ thể quan hệ đó trong sự phù hợp với ý chí nhà nước. Trước hết, pháp luật, công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội luôn chứa đựng ý chí nhà nước. Thông qua quy phạm pháp luật, mệnh lệnh của nhà nước được đặt ra đối với các bên tham gia quan hệ pháp luật, họ có thể làm gì, phải làm gì, làm như thế nào … Đây chính là cách thức xử sự phải tuân theo khi họ tham gia quan hệ pháp luật. Tiếp theo, các bên tham gia quan hệ pháp luật bày tỏ ý chí của mình bằng việc tiến hành các hoạt động nhất định trên cơ sở cách thức xử sự mà quy phạm đã nêu. Tùy theo khả năng của mình, các bên tham gia quan hệ pháp luật tự thực hiện những hành vi nhất định phù hợp với pháp luật và đồng thời thỏa mãn nhu cầu của họ. Chẳng hạn, trong quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ thực hiện việc nuôi dưỡng con của mình thành người có ích cho xã hội phù hợp với điều kiện của gia đình. Như vậy, cha mẹ tiến hành các hoạt động đúng theo cách xử sự mà pháp luật đã nêu, họ bày tỏ ý chí của mình phù hợp với ý chí của nhà nước;

– Các bên tham gia quan hệ pháp luật có quyền và nghĩa vụ pháp lý được nhà nước đảm bảo thực hiện. Cách xử sự của các bên tham gia quan hệ pháp luật do quy phạm pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện. Đó có thể là các bên được phép hoặc bắt buộc phải tiến hành những xử sự nào đó, những xử sự này do pháp luật quy định, đó chính là quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ pháp luật. Bằng xử sự thực tế của mình, các bên tham gia quan hệ pháp luật đã cụ thể hoá các cách xử sự mà quy phạm đã nêu thành quyền và nghĩa vụ pháp lý cho mình. Trong trường hợp các bên thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ pháp lý thì họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, họ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi mà nhà nước đã dự kiến trong phần chế tài của quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là gì. Tuy nhiên hoàn toàn có thể hiểu: Hoạt động xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là khái niệm để chỉ quá trình nhận thức của con người dựa trên cơ sở yêu cầu của các đương sự và dựa trên những thông tin trong một tình huống cụ thể để có thể áp dụng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vấn đề sao cho chính xác và đúng đắn nhất. Thông thường thì những vụ án có quan hệ tranh chấp phát sinh từ những yêu cầu của đương sự đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Yêu cầu của đương sự bao gồm tất cả các yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi liên quan trong vụ án. Tất cả những yêu cầu này sẽ cùng nhau phối hợp để tạo ra một mối quan hệ tranh chấp trong vụ án cũng như tạo ra phạm vi giải quyết vụ án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp có thể sẽ chỉ phát sinh một quan hệ có xung đột nhưng cũng có thể có nhiều quan hệ xung đột. Và việc xác định đúng quan hệ mâu thuẫn tức là việc xác định phạm vi xét xử và quá trình áp dụng quy định của pháp luật, nhưng trên hết là phải xác định các bên có liên quan trong vụ án tranh chấp đó. Xác định đúng quan hệ đóng vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết yêu cầu của các bên đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

2. Đặc điểm của quan hệ giải quyết tranh chấp:

Theo như phân tích nêu trên thì quan hệ pháp luật tranh chấp có một số đặc điểm nhất định. Có thể kể đến một số đặc điểm của quá trình xác định quan hệ pháp luật tranh chấp như sau:

– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp được xem là hoạt động có tính bắt buộc chung và không thể thiếu trong quá trình giải quyết vụ án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp hoạt động phức tạp và được chi phối trong suốt quá trình giải quyết vụ án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là hoạt động xác định quan hệ pháp luật phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể có thẩm quyền, có thể là thẩm phán hoặc hội đồng xét xử theo thủ tục luật định.

3. Các quan hệ pháp luật tranh chấp trong tố tụng dân sự:

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về những quan hệ pháp luật tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án, cụ thể như sau:

– Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân;

– Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản;

– Tranh chấp về giao dịch dân sự và tranh chấp về hợp đồng dân sự;

– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và tranh chấp về chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

– Tranh chấp về thừa kế tài sản;

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

– Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật;

– Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu và quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng;

– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí;

– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu;

– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

– Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.