Quy luật giá trị trong điều kiện Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư

Tóm tắt:

Quy luật giá trị (QLGT) là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hóa, được các nhà kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh, đặc biệt là Các Mác đã nghiên cứu cách nay hơn 200 năm. QLGT có vai trò quan trọng trong việc khai thác, tiềm năng, lợi thế của các vùng, các quốc gia, để từ đó có sự phân bố nguồn lực một cách hợp lý. Đồng thời, QLGT cũng thúc đẩy thành tựu khoa học công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là sự ra đời của công nghệ số và kết nối vạn vật. Nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi một cuộc cách mạng lại mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại, với những bước tiến vĩ đại. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tạo ra tác động và có thể dẫn đến sự thay thế toàn bộ hệ thống sản xuất truyền thống hiện tại, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế trên cả 3 phương diện, đó là: cách thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quá trình phân phối.

Từ khóa: giá trị, quy luật giá trị, cách mạng công nghiệp, khoa học công nghệ, công nghệ cao.

1. Nội dung cơ bản và sự vận động của quy luật giá trị trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thứ nhất, về nội dung cơ bản của quy luật giá trị.

Một là, nội dung và yêu cầu của QLGT: Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản nhất của sản xuất và lưu thông hàng hóa. Quy luật này đòi hỏi sản xuất và trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở hao phí thời gian lao động xã hội cần thiết. Quy luật giá trị yêu cầu: (i) Trong sản xuất, người sản xuất tạo ra chi phí cá biệt nhỏ hơn hoặc bằng chi phí xã hội, khi đó mới có thể bù đắp được chi phí và có lợi nhuận. (ii) Trong trao đổi, phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá.

Hai là, biểu hiện hoạt động của QLGT: Thông qua sự biến thiên của giá cả trên thị trường mà người ta biết được sự hoạt động của QLGT, C.Mác gọi đó là “vẻ đẹp” của QLGT. Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị, giá trị là cơ sở, là nội dung của giá cả. Vì vậy, trước hết giá cả phụ thuộc vào giá trị, đồng thời còn chịu sự ảnh hưởng của các quy luật như: cạnh tranh, cung – cầu, lưu thông tiền tệ, tâm lý, thị hiếu khách hàng,…

Ba là, tác động của QLGT: Quy luật giá trị có ba tác động cơ bản trong nền sản xuất hàng hóa, bao gồm: Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa; Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; Bình tuyển những yếu tố người và vật tiến bộ, đồng thời phân hóa giữa những người sản xuất.

Thứ hai, sự vận động của QLGT trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một là, về vai trò của lao động sống trong cấu thành giá trị hàng hóa.

C.Mác từng dự báo trong tương lai, máy móc sẽ ngày càng thay thế lao động trực tiếp và lao động trực tiếp từ chỗ chiếm phần lớn giá trị hàng hóa thì bây giờ về lượng chỉ còn một bộ phận rất nhỏ, về chất trở thành thứ yếu so với lao động khoa học[1]. Hiện nay, ranh giới giữa lao động sống và lao động quá khứ rất khó phân biệt, tỷ lệ của lao động sống trong cơ cấu giá trị có sự thay đổi theo hướng nhỏ hơn, nhưng vai trò ngày càng quan trọng hơn. Bởi vì, máy móc có phát triển đến đâu cũng vẫn nằm trong sự điều khiển của con người. Đó chính là tầm quan trọng của lao động phức tạp so với lao động giản đơn.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại của cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất khiến năng suất lao động tăng cao, thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa giảm xuống, lượng giá trị kết tinh trong hàng hóa cũng giảm. Con người ngày càng được giải phóng bản thân, có thêm thời gian để phát triển toàn diện về mặt chân – thiện – mỹ.

Hai là, về mặt biểu hiện của giá trị (cơ chế hoạt động của QLGT), giá cả hàng hóa tuân theo giá cả độc quyền.

Khi xuất hiện độc quyền, giá cả hàng hóa bị chi phối và quyết định bởi những người nắm phần lớn thị phần hàng hóa trên thị trường. Trong CMCN 4.0, các tổ chức độc quyền sở hữu các bí quyết công nghệ sẽ có khả năng chi phối giá cả mạnh hơn, từ đó hình thành giá cả siêu độc quyền. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất khiến cho quá trình sản xuất được tự động hóa cao, cùng với việc khấu hao tư bản cố định nhanh, dẫn đến sự chênh lệch ngày càng lớn giữa tư bản sản xuất và tư bản sử dụng. Khi đó, biên độ giữa giá cả và giá trị sẽ ngày càng lớn, các tổ chức độc quyền thu được lợi nhuận siêu ngạch độc quyền.

Ba là, về tác động của quy luật giá trị.

(i) Kích thích cải tiến kỹ thuật mạnh mẽ

Khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trí tuệ nhân tạo trở thành xu hướng và tác động lớn đến năng suất lao động. Hiện tại, robot được chế tạo với giá thành ngày càng rẻ, trí thông minh ngày càng cao, đồng thời tham gia ngày càng nhiều vào các công việc của đời sống kinh tế – xã hội từ dọn dẹp nhà cửa, phục vụ nhà hàng,… đặc biệt là ở các công việc độc hại, nguy hiểm đối với con người. Dự báo đến năm 2025, các robot sẽ có chỉ số IQ cao hơn 90% dân số Mỹ và thay thế hơn 50 triệu lao động trên toàn thế giới[2]. Những quy trình sản xuất khép kín sẽ được robot đảm nhiệm sẽ thay người lao động từ đó tạo ra giá trị thặng dư siêu ngạch cho các nhà tư bản.

(ii) Tạo ra các tổ chức siêu độc quyền kiểm soát nền kinh tế thế giới, phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét, không chỉ là sự phân hóa giai cấp trong một quốc gia, mà là sự phân hóa giữa các quốc gia với nhau.

Để thích ứng với tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 và giảm thiểu những tác động xấu từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, các tổ chức độc quyền tăng cường liên kết với nhau thông qua mua lại, sáp nhập (M&A) để tạo ra các nhóm liên minh chiến lược, độc quyền nắm giữ phần lớn sức sản xuất công nghiệp thế giới cũng như kiểm soát thị trường tài chính, dịch vụ, thương mại trên toàn thế giới. Các TNCs thực hiện khoảng 2/3 trao đổi thương mại quốc tế, kiểm soát 90% công nghệ và là chủ thể của nhiều dự án R&D của thế giới[3]. Việc làm này giúp các tổ chức độc quyền giảm bớt chi phí, tận dụng được vốn, kỹ thuật, thiết bị sản xuất, kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa của nhau.

(iii) Hệ thống thị trường tài chính toàn cầu ngày càng đa dạng, phong phú.

CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, xu hướng sử dụng giao dịch điện tử, thanh toán trực tuyến sẽ trở nên phổ biến sẽ là thách thức không nhỏ của ngành ngân hàng trong việc giảm dần vai trò của các chi nhánh. Các chi nhánh không còn đóng vai trò quan trọng và cũng sẽ không phải là kênh phân phối mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong tương lai. Việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh ngân hàng sẽ dần chấm dứt, do chi phí hoạt động cao, thay vào đó là công nghệ ngân hàng hiện đại.

2. Đặc trưng và khuynh hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thuật ngữ “Industrie 4.0” hay cách mạng công nghiệp lần thứ tư được sử dụng lần đầu vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover (CHLB Đức), bắt nguồn từ một dự án trong Chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức, trong đó khuyến khích việc tin học hóa sản xuất. Theo đó, CMCN 4.0 là một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS).

Đặc trưng của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số; các hệ thống sản xuất thực – ảo (Cyber-Physical Systems – CPS) và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất từ đó tối đa hóa lợi nhuận. CMCN 4.0 là kết quả của sự hội tụ của nhiều công nghệ khác nhau, trong đó trọng tâm là công nghệ nano, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin – truyền thông, tạo ra những tác động “mang tính cách mạng” trên mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Cuộc CMCN 4.0 là bước phát triển mới ở trình độ cao hơn của kinh tế tri thức và tập trung vào 3 lĩnh vực chính, bao gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý học. Cả ba nhóm đều liên quan chặt chẽ với nhau và các công nghệ khác nhau đều hưởng lợi từ mỗi nhóm dựa trên những khám phá và tiến bộ mà các nhóm này tạo ra.

Một là, về Công nghệ sinh học:

Công nghệ sinh học phát triển từng bước qua các cuộc cách mạng công nghệ, trong CMCN 4.0 lĩnh vực công nghệ sinh học tập trung vào nghiên cứu những yếu tố nền tảng để tạo ra những bước nhảy vọt trong lĩnh vực nông – lâm – ngư – nghiệp, lĩnh vực y học, ngành chế biến, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Bên cạnh đó, công nghệ sinh học tổng hợp tùy biến cơ thể bằng cách sửa lại AND và công nghệ nhân bản vô tính người cũng đang được triển khai. Những phát minh này, một lúc nào đó, có thể làm thay đổi toàn nhân loại, theo cả mặt tích cực và tiêu cực.

Hai là, về kỹ thuật số:

Trên lĩnh vực kỹ thuật số, CMCN 4.0 tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Các giải pháp kết nối thế giới với không gian ảo đang phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có từ kết cấu hạ tầng giao thông đến quy trình sản xuất. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức quản lý của nhân loại, hiệu quả sản xuất, năng suất lao động sẽ được tăng lên. IoT góp phần “thay da đổi thịt” mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. IoT sẽ tạo cơ hội cho tất cả các ngành nghề trên thế giới có thể phát triển và tìm kiếm lợi nhuận. Dự báo, IoT sẽ phủ khắp các ngành nghề, đặc biệt là ba khu vực chính: Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ba là, Vật lý học:

Trên lĩnh vực vật lý, CMCN 4.0 tập trung vào máy in 3D, giao thông (xe tự lái), các vật liệu mới, robot và công nghệ nano. Công nghệ in 3D: công nghệ này giúp xử lý những thiết kế phức tạp trở nên đơn giản hơn so với cách làm của máy móc truyền thống khi một sản phẩm có thể được thiết kế trên máy tính và “in chụp” qua một máy in 3D, tạo nên hình hài vật thể bằng các lớp vỏ vật liệu chuyên dụng. Trong lĩnh vực giao thông: với sự hỗ trợ của các cảm biến từ các radar, máy ảnh, máy đo khoảng cách bằng siêu âm, sự hỗ trợ của công nghệ GPS những chiếc xe tự lái đã thay đổi cách thức tham gia giao thông truyền thống, con người chỉ cần ngồi trong xe, nêu yêu cầu là có thể di chuyển đến địa điểm đã định. Khoa học robot cao cấp: sự tích hợp AI giúp cho robot thông minh hơn, thích nghi tốt hơn, chức năng của nó được lấy mô phỏng từ các cấu trúc sinh học phức tạp. Các robot ngày càng được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ, y tế. Nó có thể sở hữu những kỹ năng trước đây chỉ có con người sở hữu, có thể xử lý những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản. Vật liệu mới: hiện nay, nhiều loại vật liệu mới và thông minh đã ra đời. Chúng nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng, có khả năng nhận biết, cảm ứng, tự phục hồi hoặc tự làm sạch,…

3. Gợi ý chính sách nhằm vận dụng quy luật giá trị trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào Việt Nam

Một là, thực hiện nhất quán cơ chế giá trị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Nhà nước cần tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh; hạn chế những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá, cũng như kiểm soát giá cả độc quyền. Nguyên tắc quản lý giá đối với sản phẩm độc quyền trong nền kinh tế thị trường đó là không để cho doanh nghiệp tự quyết định về giá nếu sản phẩm đó trên thị trường chưa có sự cạnh tranh thực sự. Ưu tiên sử dụng các công cụ kinh tế (thuế, tín dụng) trong điều tiết giá cả, kích thích sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực có vị trí quan trọng trong cuộc CMCN 4.0, ví dụ như Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 26-05-2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam. Chính phủ cần sớm triển khai xây dựng chính phủ điện tử để việc chia sẽ thông tin giữa trung ương và địa phương được dễ dàng.

Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học – công nghệ như nhập khẩu máy móc, công nghệ tiên tiến giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, tăng giá trị của hàng hóa, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa cũng như của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đúng theo quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN năm 2015 và Quyết định số 11/VBHN-BKHCN (năm 2022) của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ba là, đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.

Nhà nước cần ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ. Tăng nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ. Có chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nghiên cứu các mô hình vườn ươm doanh nghiệp tại một số nước để áp dụng tại Việt Nam.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh CMCN 4.0 nguồn nhân lực là một vấn đề mang tính chất quyết định. Trọng tâm là đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động. Theo đó, cần sớm đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng trước những thay đổi từ thực tiễn, tăng cường kết nối cung cầu lao động thông qua đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường trong đào tạo nhân lực, đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp; chú trọng chính sách tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng của CMCN 4.0.

Tài liệu trích dẫn:

[1] C.Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, tập 46, tr336

2http://genk.vn/kham-pha/the-gioi-se-ra-sao-khi-robot-thay-the-con-nguoi-2014121523390611.chn

3http://www.academia.edu/18995164/NH%E1%BB%AENG_BI%E1%BB%82U_

HI%E1%BB%86N_M%E1%BB%9AI_C%E1%BB%A6A_C%C3%81C_C%C3%

94NG_TY_XUY%C3%8AN_QU%E1%BB%90C_GIA

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2015). Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN, quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
  2. Chính phủ (2016). Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 26/05/2016, về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
  3. Mác và Ph.Ăng-ghen (1994). Toàn tập, tập 23. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Chu Ngọc Anh (2017). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/43245/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-muc-tieu-tang-truong-ben-vung-cua-viet-nam.aspx.
  5. Miranda Kwong (2018). Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: Hàm ý đối với thị trường lao động. Truy cập tại: https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/-asia/-ro-bangkok/-ilo-hanoi/documents/publication/wcms_630855.pdf.

6. Chu Thị Bích Ngọc (2018). Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html.

The law of value in the context of Industry 4.0

Ph.D Duong Van Toan1

Master. Nguye Thi Minh Nguyet1

1Hanoi University of Civil Engineering

Abstract:

The law of value is the basic economic law of commodity production, and it was studied by British classical bourgeois political economists and Karl Marx more than 200 years ago. The law of value plays an important role in helping regions and countries exploit their potential and advantages so that resources can be distributed effectively and reasonably. The law of value also promotes scientific and technological development, especially the birth of digital technology and the Internet of Things. Humanity has gone through four industrial revolutions, with each revolution opening a new era with great achievements. The Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) has created numerous impacts and can lead to the entire replacement of the current traditional production systems and strong economic changes in all three aspects, including production organization, product consumption, and distribution processes.

Keywords: value, the law of value, industrial revolution, science and technology, high technology.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]