Sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội
Để tồn tại và phát triển, con người phải tiến hành sản xuất. Đó là hoạt động đặc trưng riêng có của con người và xã hội loài người. Sản xuất là hoạt động không ngừng sáng tạo ra giá trị vật chất và tinh thần nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của con người. Quá trình sản xuất diễn ra trong xã hội loài người chính là sự sản xuất xã hội – sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Ph.Ăngghen khẳng định: “Theo quan điểm duy vật về lịch sử, nhân tố quyết định trong lịch sử xét đến cùng là sự sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả Mác và tôi chưa bao giờ khẳng định gì hơn. Nếu như có ai xuyên tạc câu đó khiến cho nó có nghĩa là chỉ có nhân tố kinh tế là nhân tố duy nhất quyết định, thì họ đã biến câu đó thành một câu trống rỗng, vô nghĩa”.
Bạn đang xem: Sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội
Xem thêm : Đáp án nội dung ôn thi HP4
Sự sản xuất xã hội, tức là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực, bao gồm ba phương diện không tách rời nhau là sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và sản xuất ra bản thân con người. Mỗi phương diện có vị trí, vai trò khác nhau, trong đó sản xuất vật chất giữ vai trò là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người, và xét đến cùng quyết định toàn bộ sự vận động, phát triển của đời sống xã hội. Cùng với sản xuất vật chất, con người tiến hành sản xuất tinh thần. Sản xuất tinh thần là hoạt động sáng tạo ra các giá trị tinh thần nhằm thoả mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của con người và xã hội. Đồng thời, cùng với hai phương diện sản xuất cơ bản nói trên, xã hội còn phải sản xuất ra bản thân con người. Sự sản xuất ra bản thân con người ở phạm vi cá nhân, gia đình là việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái để duy trì nòi giống. Ở phạm vi xã hội là sự tăng trưởng dân số, phát triển con người với tính cách là thực thể sinh học – xã hội.
Sản xuất vật chất là quá trình mà trong đó con người sử dụng công cụ lao động tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào tự nhiên, cải biến các dạng vật chất của giới tự nhiên để tạo ra của cải xã hội, nhằm thoả mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của con người.
Sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội loài người. Vai trò của sản xuất vật chất được thể hiện, trước hết, sản xuất vật chất là tiền đề trực tiếp tạo ra “tư liệu sinh hoạt của con người” nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của con người nói chung cũng như từng cá thể người nói riêng.
Xem thêm : Cách chăm sóc tóc sau khi sử dụng hóa chất uốn tóc xoăn
Sản xuất vật chất là tiền đề của mọi hoạt động lịch sử của con người. Hoạt động sản xuất vật chất là cơ sở hình thành nên quan hệ kinh tế – vật chất giữa người với người, từ đó hình thành nên các quan hệ xã hội khác – quan hệ giữa người với người về chính trị, pháp luật, đạo đức, tôn giáo… Sản xuất vật chất đã tạo ra các điều kiện, phương tiện bảo đảm cho hoạt động tinh thần của con người và duy trì, phát triển phương thức sản xuất tinh thần của xã hội. C.Mác chỉ rõ: “Việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp…tạo ra một cơ sở từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta”. Nhờ sự sản xuất ra của cải vật chất để duy trì sự tồn tại và phát triển của mình, con người đồng thời sáng tạo ra toàn bộ đời sống vật chất và đời sống tinh thần của xã hội với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó.
Sản xuất vật chất là điều kiện chủ yếu sáng tạo ra bản thân con người. Nhờ hoạt động sản xuất vật chất mà con người hình thành nên ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, tình cảm, đạo đức…Sản xuất vật chất là điều kiện cơ bản, quyết định nhất đối với sự hình thành, phát triển phẩm chất xã hội của con người. Ph.Ăngghen khẳng định rằng, trên một ý nghĩa cao nhất, “lao động đã sáng tạo ra bản thân con người”1. Như vậy, nhờ lao động sản xuất mà con người vừa tách khỏi tự nhiên, vừa hoà nhập với tự nhiên, cải tạo tự nhiên, sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần, đồng thời sáng tạo ra chính bản thân con người.
Nguyên lý về vai trò của sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội loài người có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng. Để nhận thức và cải tạo xã hội, phải xuất phát từ đời sống sản xuất, từ nền sản xuất vật chất xã hội. Xét đến cùng, không thể dùng tinh thần để giải thích đời sống tinh thần; để phát triển xã hội phải bắt đầu từ phát triển đời sống kinh tế – vật chất.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp